Kiều Maily: Lễ hội chuyển mùa năm mới của người Chăm

Ka-ing-20

Với người Chăm, lễ hội gần như là diễn ra đều đặn từ tháng này đến tháng khác trong năm. Từ lễ nghi mang tính nông nghiệp cho đến lễ mang tính địa phương, từ lễ hội mang tính vùng miền cho đến lễ tục chỉ khoanh vùng trong phạm vi nhỏ hẹp là tộc họ. Lễ lớn có Katê, Ramưwan,… thường đối với khách du lịch là lễ hội mang phong cách truyền thống hàng năm, hay gọi là lễ hội cúng tế ông bà tổ tiên. Ngoài ra người Chăm có lễ lớn nhất là lễ giao mùa của người Chăm. Lễ này còn gọi là lễ Rija Nưgar, mà nhiều người cho là tết Chăm.

Vào những ngày vào cuối tháng Tư Dương lịch, tức đầu tháng giêng theo Chăm lịch, hàng năm của người Chăm khắp xóm làng nhộn nhịp tấp nập để chuẩn bị đón mừng năm mới với  lễ hội Rija Nưgar.

Rija tiếng Chăm có nghĩa là “lễ”, Nưgar là “xứ sở”. Đây là lễ hội giống như là một ngày tết  truyền thống dân gian của người Chăm, là lễ hội tiễn đưa và thánh tẩy để bước sang một năm mới.

Trong ngày lễ, những tiếng trống Ginăng, tiếng kèn Xaranai cùng nhịp tiếng Baranưng hòa điệu tạo thành một bản tấu nhạc cổ truyền huyền bí có sức hấp dẫn lạ lùng. Thế nhưng cho dù Muk Rija với Ong Mưdwơn là chủ lễ, có thể nói nhân vật chính gây nhiều chú ý nhất của lễ Rija Nưgar là Ong Ka-ing với điệu múa roi và múa đạp lửa đầy sức hấp dẫn. Trong lễ cúng Ong Ka-ing mặc áo đỏ và múa các động tác theo sắc thái thần linh, như một sự cấp báo phản ánh cuộc sống của nhân dân trình lên các vị thần linh. Còn thầy Mưdwơn mặc áo trắng ngồi vỗ trống Baranưng hát các bài tụng ca ngợi ca các vị thần Yang, anh hùng liệt nữ có công với quê hương. Ngoài ra lễ còn gồm các đạo cụ múa đặc biệt như một cây mía đỏ dài để tượng trưng cho mái chèo thuyền ra biển, một cây quạt, khăn, và một cây roi ngựa…

 

Người Chăm có câu tục ngữ Tamư di Jip, tabiak di Xuk, nghĩa là “Vào ngày thứ Năm, ra ngày thứ Sáu”. Đầu năm lịch Chăm, lễ được tổ chức 2 ngày, thứ Năm bắt đầu và kết thúc vào chiều thứ Sáu. Đó là các làng Chăm ở Ninh Thuận. Thế nhưng, do người Chăm sống khác khu vực, nên việc tổ chức, thời gian, địa điểm hành lễ có khác nhau đôi chút. Ở Bình Thuận, hai ngày là ngày thứ Ba và thứ Tư, hoặc Chủ Nhật và thứ Hai.

Dẫu thế nào, đây là lễ hội mà cả hai tôn giáo Chăm Bà-la-môn và Chăm Bà-ni đều thực hiện.

Vật không thể thiếu trong ngày lễ đó là trầm hương và nước cát lồi, vì đây được xem là hương liệu chủ yếu trong lễ. Trầm hương xông thơm rạp lễ, làm tăng thêm không khí linh thiêng của lễ. Cát lồi là một loại đất pha cát, màu trắng nhẹ và sạch, dùng hoà trong nước lã để tẩy sạch các vết bẩn. Người Chăm dùng cát lồi để làm phép tẩy uế trước khi vào rạp lễ. Trầm hương được đốt lên trong suốt buổi lễ thầy Mưdwơn hát bài tụng ca và vỗ trống Baranưng.

Ý nghĩa cao cả nhất của lễ hội Rija Nưgar là tống khứ những cái xấu của năm cũ để bước sang một năm mới tốt đẹp và may mắn. Đây có thể nói là một nét đẹp của thuần phong mĩ tục ngàn đời truyền lại của dân tộc Chăm.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *