Tagalau chuyển giao thế hệ

(để độc giả có thông tin thêm về “Inrasara bỏ cuộc chơi”, Inrasara.com xin đăng bài phóng vấn này để tiện tham khảo.

Inrasara trả lời phỏng vấn Thegioivanhoa

1– Với cương vị là Chủ nhiệm và là người đồng sáng lập ra Tagalau trong những ngày đầu, xin anh hãy cho biết thêm quá trình ra đời và những khó khăn mà tuyển tập gặp phải trong thời gian đó?

Inrasara: Mùa Hè 1996, ở Trại Sáng tác tại Đại Lải, đến gặp Ban Biên tập đặc san Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, tôi nói rất ư là tự tin: Cộng đồng Chăm có vài văn tài, hãy cho tôi một số báo để chúng tôi làm tuyển tập. Nhớ rằng, khi ấy chưa ai biết Inrasara là ai cả. Vậy mà họ chấp nhận. Số báo đầu tiên của Chăm và về Chăm ra đời. 1000 số được đưa vào Ninh Thuận bán hết vèo nội nhật Katê trên tháp! Năm 1997, khi bị tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận từ chối, tôi mới chuyển qua Văn nghệ Bình Thuận và được chấp nhận. Tiếp: năm sau, tạp chí Văn hóa Dân tộc làm số kỉ niệm Katê 1998. Qua 3 kì, nhận thấy Chăm có thực lực, anh em quyết tạm nghỉ một kì để chuẩn bị cho Tagalau ra đời. Trong thời gian này, đặc san Văn nghệ Dân tộc & Miền núi vẫn có bài đều đặn về Katê của anh chị em Chăm.

Tôi mang ý định làm tuyển tập trao đổi với vài trí thức Chăm. Dù rất hào hứng, các vị vẫn khuyến cáo Sara hãy dè dặt. May, chúng tôi đã không ngán ngại. Dẫu sao khi ấy tôi vừa vào Hội Nhà văn Việt Nam, và tập thơ Tháp nắng đoạt giải của Hội – khá nổi tiếng. Không có tháng nào báo chí không có bài của tôi và về tôi. Uy tín đó giúp Tagalau được xúc tiến nhanh chóng. Thế nhưng, đặt bài anh em quen viết lách như mãi mà không được, thế là tôi mời Tiến và Phăng vào Sài Gòn ở nhà riêng, buộc họ ai có “bản nộp” mới được về! Sau một tuần chiến đấu với con chữ, ngày cuối cùng, anh em chúng tôi tự thưởng bằng chầu bia.

 

2– Trên Internet, anh có nói về những khó khăn sau khi Tagalau cho đăng bài “Mỹ Sơn đường về” của Trà Vigia – một người cũng được biết là đồng sáng lập Tagalau. Vậy, anh đã gặp phải những áp lực nào sau sự việc đó?

Inrasara: Trà Vigia là một trong vài cây bút đinh của Tagalau. Bút kí “Mĩ Sơn đường về” của anh đăng ở Tagalau 2 suýt nữa khiến cho Tagalau đình bản, vì bài viết động chạm sự việc liên quan đến vài cá nhân và tổ chức. Suýt nữa thôi, chứ chưa có quyết định. Tôi nói với vài quan chức có trách nhiệm: người Chăm đã mất nhiều rồi, vậy mà có mỗi Tagalau mà các vị còn muốn giết chết nó, là tội lớn đấy. Câu trả lời là: không vấn đề gì cả! Thế mà, hầu như mọi cánh cửa nhà xuất bản đều đóng lại trước Tagalau. Mãi non hai năm sau, chạy vạy đủ kiểu, Tagalau3 mới ra đời, nhưng nó phải mang tên khác: Katê mới. Tên Tagalau3 chịu chấp nhận ở trong ngoặc đơn, co chữ khiêm tốn đến là tội. Tình trạng này kéo dài mãi đến kì 7, tên Tagalau mới được phục hồi.

Điều nữa không phải không đáng chú ý: Hai kì đầu, Tagalau không có chủ biên. Chỉ đến kì thứ ba, vì nhà xuất bản buộc, nên tôi phải nai lưng ra gánh. Ai tinh ý sẽ thấy, tờ đầu tiên của Katê mới (Tagalau3) có dấu xé. Bởi sau khi xuất kho hai ngày, NXB yêu cầu thu hồi lại, xé trang đó đi để dán trang khác có hang chữ “Inrasara: chủ biên” vào, mới được phát hành trở lại. Nhiêu khê vậy đó. Ngoài ra tôi không chịu bất kì áp lực nào – cả áp lực về tài chính, cho dù tôi luôn phải bù lỗ – ngoài việc đến mùa Katê thì phải có Tagalau phục vụ bà con Chăm.

 

3– Cho đến hiện nay, Tagalau đã đi được gần 13 năm với 13 số đã được ấn bản. Anh có thể cho mọi người được biết cái mà Tagalau đã làm được là những gì? Và Tagalau còn chưa làm được những gì?

Inrasara: Ngoài Sáng tác là khu vực ưu tiên, trong đó tám mươi phần trăm là các sáng tác bằng tiếng phổ thông, bởi đại đa số người đọc Tagalau đều tiếp nhận Tagalau qua tiếng Việt, mục Sưu tầm chính là điểm nổi bật ở mỗi kì Tagalau. Chúng tôi đã giới thiệu tới người đọc các tác phẩm cổ điển trong kho tàng văn học Chăm như: Ariya Bini – Cam, Ariya Xah Pakei, Ariya Nau Ikak, Ariya Muk Thruh Palei… Ca dao và đồng dao cũng được đăng nguyên tác và bản Việt ngữ, bên cạnh là các nhận định.

Mục Nghiên cứu cũng được xem là thế mạnh của tuyển tập. Nhìn qua mỗi kì thì có vẻ không thấy gì đáng kể, nhưng lấy 13 số gộp lại, Tagalau vẫn cho thấy khuôn mặt văn hóa – xã hội Chăm cách tổng thể. Ngoài ra, Tagalau còn thêm mục: 100 từ Việt – Chăm thông dụng mỗi kì hay Tiếng Chăm của bạn, hoặc đưa ra vấn đề nóng hôm nay: “Làm thế nào nói tiếng Chăm?”

Làm được như thế, ngoài non 150 tác giả Chăm cộng tác, Tagalau còn biết kêu gọi được các nhà nghiên cứu, nhà văn ngoài cộng đồng tham gia viết bài. Các tên tuổi như Phan Đăng Nhật, Bùi Khánh Thế, Nguyễn Phạm Hùng, Nông Quốc Chấn… hay Trần Hữu Dũng, Vũ Trọng Quang, Thu Nguyệt, Trần Ngọc Tuấn… đủ bảo chứng cho chất lượng của bài nghiên cứu hay sáng tác.

 

4– Là ấn phẩm duy nhất của dân tộc thiểu số tồn tại, trong khi VN có đến 54 sắc tộc. Hơn nữa, người Chăm cũng không phải là tộc người có dân số đông đúc, chỉ độ khoảng gần 150 ngàn người. Vậy theo anh đâu là lý do để cho cộng đồng Chăm có rất nhiều trang web trên mạng, lại có tuyển tập Tagalau?

Inrasara: Không giả vờ khiêm tốn đâu, Tagalau được dư luận trong và ngoài Chăm đánh giá cao. Qua 13 kì, Tagalau giành được sự cảm phục từ hầu hết nhà văn thuộc nhiều dân tộc khác nhau: sự ra đời và trụ vững của tuyển tập là điều lạ. Nhiều người không ngờ giới trí thức và cộng đồng Chăm đã làm được một việc [dù chưa có gì là to tát lắm nhưng] mang nhiều ý nghĩa đến thế. Tôi cho đó là bí ẩn.

Tagalau là tập san duy nhất mà trí thức dân tộc thiểu số sống trên đất nước Việt Nam đa dân tộc này làm được, sự thể đó không là một bí ẩn sao? Nó ra đời chỉ bởi sự rủ rê của ba anh em Inrasara, Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan với sự ủng hộ của vài trí thức Chăm. Trải qua bao gập ghềnh, sóng gió để tồn tại lay lắt suốt mười năm lại là một bí ẩn nữa.

Thế nhưng để làm nên bí ẩn trên, Tagalau cần đến bốn trụ cột: Chăm có người viết (sống giữa lòng đời Chăm, tôi ít nhiều hiểu được khả năng anh chị em), có độc giả (sự thể phụ san Văn nghệ Dân tộc & Miền núi năm 1996 chứng minh điều đó), có Mạnh Thường Quân (dù 50.000 đồng hay 500 USD, vẫn là Mạnh Thường Quân; những con người này luôn xuất hiện đúng lúc để động viên chủ biên và anh chị em trong gia đình Tagalau không ngã lòng trước biến thiên cuộc thế, thay đổi lòng người), và cuối cùng, một yếu tố không thể thiếu là Tagalau biết thu phục lòng người. Chính bởi các yếu tố trên mà Tagalau đã cuốn hút gần 170 cây viết gồm nhiều dân tộc, thành phần, thế hệ tham gia mà tồn tại và lớn dậy suốt 12 năm.

 

5– 13 ấn phẩm Tagalau đã ra đời là những nỗ lực không biết mệt mỏi của Ban Quản trị. Tagalau hiện nay đang trong giai đoạn chuyển giao cho thế hệ trẻ. Ở góc độ là một người từng là Chủ nhiệm nắm giữ Tagalau ròng rã 13 số, anh mong đợi những phấn đầu nào của thế hệ trẻ cho Tuyển tập?

Inrasara: Mỗi thế hệ đối mặt với vấn đề mới, riêng; và Tagalau sau sinh nhật lần thứ mười ba, đã đủ lớn khôn, nên chủ biên và BBT ngày mai sẽ có chương trình và mục đích mới, khác, thích ứng với đòi hỏi của bối cảnh xã hội mới. Và cũng cần phải tin tưởng vào thế hệ trẻ Chăm tương lai. Dĩ nhiên Tagalau sẽ không đi chệch mục đích ban đầu: tạo sân chơi cho các thế hệ và làm cầu nối vòng tay bè bạn bốn phương, giới thiệu sâu hơn văn hóa dân tộc đồng thời khám phá nhiều khuôn mặt mới của văn chương Chăm cho văn học Việt Nam tương lai.

Dù là Ban Biên tập mới, nhưng đó không phải là cây bút “hoàn toàn mới”. Các tên tuổi như Jalau Anưk, Bá Minh Trí, Đồng Chuông Tử, Bá Minh Truyền, Tuệ Nguyên, Isvan Campa hay Jaka… đã đồng hành cùng Tagalau ngay từ buổi đầu. Tôi tin tưởng họ, tất cả.

 

Cám ơn anh rất nhiều. Chúc gia đình anh luôn được đầm ấm và hạnh phúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *