Kiều Maily: Ghur Girai Neh – bây giờ hoặc không bao giờ nữa

(Chuyên đề Ghur Cham Bini)

Ghur Girai Neh-03-03-2014.10

Chiều hè, gió từ biển thổi tới khiến nắng Phan Rang như dịu hơn nhiều. Đứng trước Ghur Girai Neh mà lòng ngẩn ngơ, hai mắt cứ nghe cay cay. Mỗi lần ghé thăm mảnh đất thiêng liêng này của ông bà tổ tiên xưa, là mỗi lần tim tôi như se lại. Tôi bước thật nhẹ vào, đưa mắt nhìn toàn cảnh.

Hai tháng trước, tôi đi xe máy chạy dọc ven đường Mỹ Tường, quan sát nhà dân và cuộc sống quanh đất Ghur thế nào, có ai tham lấn khu đất Ghur hay giở bỏ dãy đá ngôi mộ của ông bà mình không?

Ghur Girai Neh nằm sát bờ biển trong một khung cảnh thanh bình và vắng vẻ. Ghur sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách đến tham quan, nếu ta biết chăm sóc. Nhất là đi ngang qua đất Ghur là con đường nhựa thoáng mát dẫn đến tận khu du lịch Vĩnh Hy – Bình Tiên. Ghur Girai Neh có mặt từ lâu đời. Hai hay ba thế kỉ trước, có người cho biết như vậy. Tôi chỉ biết đó là nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên xưa. Người Champa chạy nạn xuôi về nam, lập làng và lập Ghur. Lúc đó còn 7 làng Chăm Bà-ni hiện tại đã từng sinh sống ở đây. Nhân tai lại xảy đến, người Chăm lần nữa đã dời đi lập palei mới, dựng Ghur mới cạnh palei. Ghur Girai Neh hiện ở thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải – Ninh Thuận được coi như Ghur Bà-ni cổ nhất ở Ninh Thuận bị bỏ lại. Bỏ lại, nhưng mỗi năm người Chăm từ bảy palei vẫn trở lại tảo mộ trong ngày Ramưvan.

Bao nhiêu năm đi qua, Ghur Girai Neh vẫn nguyên vẹn, chịu đựng với nắng và gió Phan Rang. Thời gian gần đây, khi đường được mở, người dân ăn theo con đường đến dựng nhà, đất Ghur đã bị lấn chiếm dần. Mảnh đất Ghur nhỏ phía núi bị nhà dân lấn chiếm trước tiên. Xưa có ba dãy đá mộ, nay chỉ còn một dãy đá duy nhất đứng chơ vơ giữa ngôi nhà và con đường quốc lộ đang mở. Dãy đá Ghur này sẽ ra sao, ngày mai?

Khu đất miệt biển rộng lớn tưởng yên, nhưng vẫn không thoát khỏi sự xè xẻo của dân tham. Mỗi năm vào dịp lễ Ramưvan người dân Chăm vẫn còn hành hương đến đất Ghur cúng tế ông bà tổ tiên, nhưng bây giờ Ghur đang chịu tang thương, sắp sửa bị mất hoàn toàn. Người dân sống quanh khu đất mộ này đã không ngần ngại chi nữa, họ sẵn sàng vác các cục đá Ghur bỏ đi để canh tác, rồi dần dần thành mảnh đất thuộc sở hữu riêng. Mới đây lại mọc thêm một cái chòi của dân chài ngay góc đất Ghur miệt bờ biển. Một ngày, một tháng, một năm… rồi cứ thế, đất Ghur tiếp tục bị lấn chiếm. Ghur sẽ ra sao, hay mất hết vào một ngày không xa?

Đáng trách lắm, lòng tham của con người. Tôi thử hỏi, nếu mảnh đất thiêng ông bà họ mà bị lẫn chiếm như thế, họ có đau đớn không, có căm phẫn không, hay họ nhắm mắt mà im lặng để người ta cày bới ông bà tổ tiên lên để xây nhà…?

Người Chăm ở đâu? Ghur Girai Neh sắp sửa bị biến mất, nếu chính người Chăm không có biện pháp cụ thể và kịp thời. Ta đánh mất đất Ghur, đánh mất sợi dây kết nối ta với tổ tiên. Và Chăm chẳng còn gì nữa, không thể nào tìm lại được sự linh thiêng của tổ tiên xa xưa nữa.

Tôi tha thiết mong chính quyền và các chức sắc Bà-ni, các quan chức, các trí thức và những người có học trong cộng đồng Chăm hãy cùng nhau lên tiếng, cùng nhau có hành động cụ thể. Để trả lại mảnh đất nguyên vẹn, không gian thanh bình cho ông bà tổ tiên được an nghỉ bình yên. Nếu chúng ta cứ mãi chần chừ, không tiến hành sớm thì sẽ không kịp hối. Lúc đó ta chỉ còn biết đứng khoanh tay mà nhìn, và đổ lỗi cho nhau.

Bây giờ, hoặc không bao giờ nữa!

4 thoughts on “Kiều Maily: Ghur Girai Neh – bây giờ hoặc không bao giờ nữa

  1. Kiều Maily đúng là nữ nhà thơ biết quan tâm đến dân tộc mình. Tôi quý chị ở tài năng thơ ca, tôi còn quý chị ở sự ưu tư về dân tộc mình. Như vậy mới đúng nghĩa. Tôi không hiểu nhiều về Ghur, nhưng từ quý tài và tâm của chị mà tôi nghĩ chị lên tiếng rất đúng và cần phải làm như vậy.
    Tôi thật lòng quý chị. Thân mến – Hạnh.

  2. Bài viết của chị Kiều Maily rất hay. Cũng như ở làng e! Ghur ở làng e cũng chịu ảnh hưởng tương tự như palei chị. Ghur xưa nhất của làng e, cũng nằm sát bờ biển, giờ đang chịu ảnh hưởng bởi sự xâm chiếm đất nơi mà ông bà tổ tiên an nghỉ. Giờ càng ngày càng mọc lên những ngôi nhà . không có giấy phép của chính quyền địa phương, cũng như địa chính huyện. Mmấy tháng trước e cũng gởi thông tin lên nhờ giới trí thức Chăm ra tay giúp đỡ, nhưng thời gian cứ trôi qua. Kết quả cũng chưa đến đâu. Hội đồng chức sắc của palei cũng được mời tiếp xúc về việc trên cũng không có kết quả như mong đợi. Giờ e chỉ mong là cộng đồng Chăm cũng như giới trí thức Chăm ra tay tìm cách giải quyết hợp lý để Ghur được trả lại không gian yên tĩnh như ngày nào.
    thân.

  3. Đừng tranh cải nữa chúng ta hãy vào cuộc làm sao bảo vệ cho được mảnh đất tổ tiên chung ta đi

  4. Khu đất ghur dara anaih và ghu kaduk là nơi an nghỉ của tổ tiên 3 làng Chăm Bà Ni đó là An nhơn, Phước Nhơn, Lương Tri, khu đất này không thuộc quyền sở hữu của làng nào, dòng họ và cá nhân nào. Việc một số người có ý định đòi nhà nước bồi thường di dời liệu có thuận buồn xuôi gió không, Đây là di tích cổ cần phải bảo tồn và gìn giữ. Hay nhất chúng ta phải làm thủ tục để chính quyền sở tại cấp được sổ đỏ và quyên góp tiền để xây tường rào bảo vệ. Hàng năm dịp Ramưwan bà con người Chăm Bà Ni các làng đi tạo mộ chung có ý nghĩa và mang tính chất lịch sử nhân văn hơn.
    Rất mong bà con Chăm vì mảnh đất liêng thiên của tổ tiên ông bà chúng ta chung sức quyên góp tiền bạc để xây tường rào bảo vệ khu đất này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *