Inrasara: Tết, chớ có đọc thơ tết

Báo Tết, chán nhất là thơ Tết.

Mấy năm qua, độc giả than vãn về các bài thơ lẻ đăng báo mỗi tuần, mỗi ngày không phải thiếu lí do chính đáng. Bởi với vài bài được kêu là chùm thơ, khó có thể hình dung đâu là giọng thơ của tác giả nào đó. Hiếm thấy tác giả trẻ được hân hạnh có mặt một chùm với lời giới thiệu nghiêm túc. Ở đó, tìm được vài bài thơ độc đáo càng hiếm hơn nữa. Thường thì mỗi tác giả trẻ được dành đất cho một, hai bài. Thơ đăng báo Tết thì càng. Như thể phân phối tem phiếu cho đủ mặt.

Thơ đăng báo, tâm lí đại đa số người trực trang báo thường chọn bài mang tính an toàn cao. An toàn về hình thức thể nghiệm, nhất là về đề tài và tư tưởng. Cho nên, tìm được bài thơ hay, độc đáo xuất hiện trên trang báo thời gian qua là điều khó, dù là ở các tờ báo chuyện như Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ Thành phố… Với thơ được chọn đăng báo Tết thì tâm lí cầu an càng tăng vọt. Ngày Tết, người ta chúc cho nhau có cuộc sống an vui, tâm hồn thư thả, lòng nhẹ như mây trời. Do đó thơ phải nên thơ, nghĩa là cần hài hòa mọi quan điểm, chính kiến và thật nhẹ nhàng sương khói để bất kì giới nào, bộ phận độc giả nào cũng có thể nhâm nhi thưởng thức được. Ít ai chịu suy nghĩ lao lung trong những ngày Tết nhứt, cho nên tôt hơn cả là – hãy loại ra ngoài mọi tìm tòi hình thức, bao suy tưởng cao xa với lối viết táo bạo.

Thơ đăng báo Tết chỉ để cầu vui. Người viết vui, càng nhiều người góp mặt càng vui. Từ đó, người đọc cũng nhận được cái vui, nhẹ nhàng. Không ai muốn làm mất lòng ai trong những ngày Tết. Và lạ, rất hiếm thấy tác giả mới xuất hiện. Quanh đi quẩn lại cũng là mấy tên tuổi cũ. Cũ, nổi tiếng và quen thuộc. Quen đến thuộc lòng. Đăng thơ Tết như thể nhân ngày đầu xuân ta dành tặng cho nhau một món quà hiểu hỉ, như cho trẻ con tiền lì xì Tết. Bánh ít đưa đi, bánh mì trả lại. Dẫu chưa lật đến trang thơ, kẻ ít nhiều kinh nghiệm đọc báo Tết cũng đoán biết ngay tên tuổi tác giả nào sẽ có mặt. Thậm chí thứ tự trước sau của các tên tuổi ấy. Quen quá thành nhàm.

Nhàm bởi nó quá cũ. Tên tuổi cũ, giọng điệu cũ, thơ phong cách cũ. Và không ít bài thơ cũ xào lại, và… đăng lại.

Thơ Tết, một ít cảm hoài với một ít phấn chấn. Vui một ít, buồn một ít. Một ít vặn vẹo câu chữ ngồ ngộ với một ít chơi chữ xinh xinh. Đâu đâu cũng là cảm nghĩ trước ngày xuân, cảm tác đêm giao thừa, cảm hoài, xuân cảm, đêm xuân nhớ bạn, vân vân… được viết đâu từ mùa Thu năm ngoái, nay vẫn cứ vô tư đề dưới bài thơ “Viết vào đêm cuối Đông” hay “Đêm Giao thừa khai bút”. Người viết biết thế, người đọc cũng biết thế, nhưng ta vẫn dễ dãi bỏ qua cho nhau, bởi đó đã thành thứ nghi thức khó bỏ. Vui mà!

Tết, người ta dễ tha thứ cho nhau, và dễ tha thứ cho thơ đăng báo Tết.

Không lạ, người yêu thơ thực sự ít khi đọc thơ Tết. Thơ Tết không dở, mà trơn tru. Trơn tru nên nó ít hỏng hóc về câu chữ, hiếm có sự lạ lẫm trong tư tưởng, càng hiếm hơn là sự tìm tòi trong thủ pháp thể nghiệm. Bạn sẽ không mong tìm thấy cái độc đáo đầy cá tính ở đó. Bởi tất cả đều gần như hoàn chỉnh, nỗi hoàn chỉnh phản lại sự sáng tạo, làm nhòe cái tươi mới của tinh thần khám phá và sáng tạo. Chuyện thời sự nóng bỏng, cần biết né tránh đã đành, ngay đề tài gây phiền toái cho nhau dễ vẩn đục không khí Tết, cũng nên biết né tránh.

Gặp trang thơ Tết, bạn chỉ cần lướt qua cách trình bày, rồi lật qua. Hoặc bạn vừa nhai miếng mứt, vừa hớp ngụm trà hay tán chuyện, vừa lẩy ra vài ba câu đọc một cách hờ hững. Cũng không mất đi cái gì cả. Bạn có thể đọc bất kì tác giả nào, bất kì bài thơ nào ở bất kì tờ báo nào. Tất cả có sẵn cạnh tay, với trang bìa giống nhau từ màu mè đến cách bố trí, trình bày. Không vấn đề gì cả. Bởi thơ Tết giống nhau đến kì lạ. Giống nhau ở nỗi rất trơn tru của chúng.

 

Năm Tỵ sắp qua, năm Ngọ đang đến. Lật lại vài tờ báo Tết năm ngoái, và vài năm trước nữa, bạn thấy gì? Vẫn là cuộc hầu chuyện đầu Xuân với vài nhân vật nổi tiếng, vẫn là năm Tỵ nói chuyện rắn, hay gặp những nhà văn sinh năm Ngọ. Văn học thì có một năm nhìn lại, rồi là mục bình thơ Tết hay trong lịch sử văn học Việt Nam; rồi thì món ngon ngày Tết, thêm truyện ngắn với tản văn, và cuối cùng, không thể thiếu trang… thơ Tết.

Lật qua, rồi lật ngược lại, bạn nghe lưỡng lự. Có nên đọc chúng không?

Cuối cùng, bạn quyết: tốt hơn cả là không nên đọc chúng.

 

TFN, viết vào ngày cận Tết.

 

2 thoughts on “Inrasara: Tết, chớ có đọc thơ tết

  1. ko chỉ có thơ ko đâu, tôi thử so sánh khái niệm về BÁO CHÍ tôi ko biết báo tết có phải là báo nữa cơ. Tôi dành hơn ngày cố đọc báo tết (tại thư viện) ko nuốt nổi. Báo nào cũng một vài bài cúng cụ, ảnh lãnh đạo, ngôn ngữ búa lớn đao to. Đọc chuyện cười lại khóc. Lắm quảng cáo thế hả trời! Tôi vào hùa đấy nhé. Tôi sẽ li hôn báo Tết. xin cứ lên án tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *