Inrasara viết phê bình, tại sao?

PV: Inrasara vốn làm thơ và nghiên cứu văn hóa Chăm, vậy tại sao gần đây anh dành nhiều thời gian viết phê bình văn học, một công việc vốn dễ bị ghét?

Trả lời câu hỏi này, Inrasara thẳng thắn và không ngại va chạm.

Inrasara: Đơn giản lắm, ta đang có một nền phê bình bệnh hoạn, nền phê bình nguy cơ kéo sáng tạo văn chương rơi xuống vực. Tôi đã từng điểm danh chúng qua bài: “Gọi tên căn bệnh phê bình văn học hôm nay”. Trước tôi, nhiều nhà phê bình nhận ra, nhưng hiếm ai có cái nhìn phản tỉnh, nghĩa là nhìn từ bên trong, mà xu hướng nhìn ra ngoài. Để không làm gì cả, mà chỉ biết “rên rỉ và đổ thừa”. Về những căn bệnh này, không ít người thấy và gọi tên chúng, nhưng họ chưa đẩy tới cùng, để mổ xẻ tận căn mấy hiện tượng kia.

Theo tôi, nền phê bình cảm tính, giả dối và bất công cần đến lưỡi dao sắc và bàn tay mạnh bạo hơn.

Về cảm tính, chúng ta nhận định vấn đề không qua cái nhìn toàn cảnh, nên manh mún và tùy tiện. Còn giả dối, ta tự lừa mình, giả dối nhau, và nhất là dối trá sự thật. Rõ nhất, ta chủ trương văn chương bám hiện thực, nhưng khi nhà văn phơi bày hiện thực căn cốt nhất, ta lại lảng tránh nó. Cuối cùng, ta bất công với sáng tác ngoại vi, một ngoại vi như là ngoại vi, chứ không phải ngoại vi nửa vời. Sáng tác của các tác giả cư trú vùng sâu vùng xa hay dân tộc thiểu số; văn học của người Việt hải ngoại hay tác phẩm in ngoài lề; người viết phi chính thống cùng văn chương mạng chẳng hạn. Cụ thể: phong trào thơ tân hình thức và văn học hậu hiện đại… luôn hoặc bị bỏ rơi, hoặc bị phân biệt đối xử.

Khởi động “phê bình lập biên bản”, tôi có tham vọng khiêm tốn là đòi hỏi đất sống cho các trào lưu văn học khác nhau cùng tồn tại công bằng. Tôi nghĩ, chỉ thế thôi, văn học Việt Nam mới cơ may hội nhập thế giới.

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *