Inrasara: Nhận diện 6 khuôn mặt thơ Cham 2: Jalau Anưk, nhận diện để nhập cuộc

16-Jalau Anuk02

Tagalau14

Bản sắc, cùng với truyền thống – có lẽ là khái niệm được sử dụng nhiều hơn cả, khi nhắc tới văn hóa, thời gian qua. Nhưng thế nào là bản sắc? Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Còn phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn? Và đâu là cội nguồn văn hóa dân tộc Chăm? Hay bản sắc, giọng điệu đích thực của thơ Chăm?

Ưu tư, tìm tòi và khám phá lại – Jalau Anưk đã đi suốt hành trình nhọc nhằn đó.

Nhưng nếu chỉ khám phá mình như là mình thì đã đủ chưa? Nếu chỉ gom góp để bảo tồn, chúng ta sẽ làm kẻ giữ kho của cha ông, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới. Vẫn còn là chưa đủ, khi ta nhìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc như là bất di bất dịch. Vì ngay bản sắc cũng là các sáng tạo trầm tích qua nhiều thế hệ. Có thể nói đấy là tiếp thu và sáng tạo được ông cha ta chia ở thì quá khứ. Thế hệ đến sau sẽ gọi là bản sắc điều ta đang dốc sức sáng tạo hôm nay. Bản sắc không chịu dừng lại ở những gì đã có, không cứ mãi vuốt ve lòng kiêu hãnh qua bảo vật cha ông để lại mà phải dám làm ra sản phẩm mới, có đóng góp mới.

Một khi ta còn giữ được tâm hồn Chăm, suy tư Chăm thì bất kì làm gì, Chăm tính trong ta vẫn hiển hiện đủ đầy. Dù ta lấy vợ Pháp, hát nhạc pop, sáng tác thơ tự do bằng tiếng Việt hay phiêu lãng đến cùng trời cuối đất đi nữa. Sống chênh vênh trên đường biên quê và phố, giữa dòng xoáy văn hóa Chăm và Việt, truyền thống và hiện đại, thường xuyên sử dụng tiếng Việt – Anh – Chăm đồng thời, phải là con người dấn thân đầy ý thức mới có thể tồn tại mà không tự đánh mất mình. Jalau Anưk đã là một thi sĩ như thế.

Tư duy phản tỉnh là cảm thức rất cơ bản của hậu hiện đại. Nó lay ta dậy, banh mắt ta ra, buộc ta nhìn lại mình, cùng các hạn chế muôn đời của ngôn ngữ, suy nghĩ và hành động của ta. Và của cả người xung quanh ta. Phản tỉnh để nhận mặt. Nhận mặt quê hương, nhận mặt cha mẹ, anh em, bạn bè. Nhất là nhận mặt em, người em tôi hằng ước mơ, và tôi từng nguyện suốt đời gắn bó:

Ai như em – dán dính mình bằng quần Jean, áo pull, bầm môi như máu ứa?

Ai như em – bập bẹ Chăm, Kinh, nụ cười ngượng nghịu, dáng đi mùa dịch gia cầm –avian flu?

Ai như em – ném vào nhân gian cái nhìn bạc bẽo, cơn đói tờ giấy bạc, giấc mơ nail-doer, hơi thở overseas?

Ngỡ ngàng quá em ơi! – đời bỗng dưng trở thành một chuỗi phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm – sau tạp nhạp hỗn hợp, sản phẩm thu được là một mớ shit of globalization.

(“Ng.”, Tienve.org)

 

Bao nhiêu khuôn mặt thân quen đầy tràn niềm yêu thương nhưng đã biến dạng, dị hình với những ước mơ vời xa. Xa rời truyền thống, xa rời cách nghĩ, cách cảm cha ông, sinh hoạt và tâm cảm xưa. Một ngày xưa vẫn còn chưa xa, nhưng ta hôm nay đã khác. Khác nhiều lắm. Buồn chăng? – Buồn lắm. Bởi cả tôi cũng chẳng ra gì, còn tệ hơn ‘chẳng ra gì’:

Nhễ nhại mồ hôi, xé lòng cơn đau đêm, lập cập run – bi mìn sót lại.

Mẹ dội tôi vào đời, khóc oang oang, nhầy nhụa chiếc phòng, quờ quạng trong đặc sệt bóng tối, phủ lên palei gánh nặng một đời người.

Loài quạ thét trong đêm, tan tác bầy cú vọ, tiếng khóc vỡ òa đánh thức bầy gà lười gáy tinh mơ.

Đi – cha tôi đi – cánh tay trần gầy guộc, lôi không nổi bầy ngôn ngữ nằm sâu dưới vực, chiếc tàu gặp nạn, chìm vùi illimo.

Tôi – cái thằng tôi – trơ trẽn vỗ ngực, ngủ vùi cùng cái mác bảnh choẹ, láng coóng một cái đầu to hai mái – rỗng tuếch bên trong, tỉnh vội – soi gương thấy mình cũng chỉ là cái thằng Klu khờ khạo, mút mục ngón tay cái mà cứ tưởng là núm vú mẹ nâng niu ngày chào đời.

(“Tôi”, Tagalau 6)

 

Lâu nay tôi cứ ngỡ tôi ngon lành vân vân rất oách. Một hôm nhìn lại, tôi thấy tôi chỉ là thứ hỗn hợp tạp nham, rỗng tuếch, khờ khạo, nhí nhố… Trà Vigia, Tuệ Nguyên, Trần Wũ Khang hay Inrasara… chưa có tác giả Chăm nào nhìn người anh em và cả bản thân mình trắng phớ như thế. Trắng và thẳng. Nó khác cả với trắng và thẳng của Pauh Catwai xưa:

Dom lac mưkrư siam bbiak

Bboh mưh pariak ba gơp pahlap

Những tưởng ta đây ngon lành

Mới thấy bạc vàng, ùa nhau mang vác

 

Ngôn từ, tứ thơ và thi ảnh ở Jalau Anưk là của hôm nay, chúng thực còn hơn cả thực tại lù lù diễn ra mỗi ngày trước mắt ta. Sẵn sàng gây phản tỉnh. Jalau Anưk sẽ mãi ngồi đó mà than khóc cho nó chăng? – Không! John Barth: “Một nhà văn hậu hiện đại… có một nửa đầu của thế kỉ ở dưới nịt, nhưng không phải ở trên lưng”. Tư duy hậu hiện đại không cho phép anh than khóc thương tiếc, mà là nhập cuộc, dự phần.

Đi đi em!

phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể

sau hoang hoãi đêm dài là rực phố đông vui

phố cũng thích Xaranai

phố cũng say đắm lòng tháp cổ

phố cũng rộn ràng với Ginơng

phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara

phố cũng hiểu Ariya

phố cũng sụt sùi nghe chuyện ngày xưa bà kể

 

Đi đi em! Đi đi! – Mang hình em vào phố

tỏa hơi em vào phố

chìa cả sần sùi bàn tay em vào phố

và lớn lên cùng phố

phố sẽ trải ngực mình/ mở đôi vai mình

để lúc mệt nhoài em gối ngủ giấc trinh nguyên

 

phố không nuốt chửng em đâu

bởi phố trú dưới vòm trời – rộng lắm!

mà ở đâu dưới vòm trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh

(“Dưới vòm trời là những mái nhà”, Tagalau 7)

 

Dự phần, sẵn sàng mang quê vào phố, và mang phố trở lại làm giàu sang cho bản sắc quê nhà. Bản sắc không phải là thực thể đóng, mà là mở. Luôn luôn mở, để đón nhận ngọn gió từ trăm phương thổi tới. Cũng không ngồi đó để đón nhận nữa, mà là nhập cuộc. Tại sao phải hãi sợ? Hỏi trước cái ngày xưa ấy, hàng trăm ngôi tháp Chàm kia có phải là thuần Chăm không? Ai đã sang tận Ấn Độ nhập khẩu chúng về? Và ai đã phá cách chúng để thành ra là tháp Chàm chứ không còn là của Ấn? Biết và dám nhập về là dũng cảm, dám và biết “phá” càng dũng cảm trăm lần hơn. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy kho bản sắc [cũ], chúng ta đã tự cách li và cô lập mình với thế giới xung quanh. Và, chẳng nhích lên tới đâu cả! “Phố không nuốt chửng em đâu“, thì tại sao phải sợ?

Jalau Anưk là khuôn mặt thi sĩ Chăm thế hệ mới. Trí tuệ, tài năng nhưng rất mực… khiêm tốn. Một khiêm tốn luôn ở tư thế bùng vỡ trong một tương lai gần.

 

2 thoughts on “Inrasara: Nhận diện 6 khuôn mặt thơ Cham 2: Jalau Anưk, nhận diện để nhập cuộc

  1. Văn hóa dân tộc luôn mang trong mình tính lạc hậu tương đối và Akhar Thrah cũng thế.” Khi xã hội tiến lên con người sẽ tiến theo xã hội, những tập quán truyền thống dân tộc sẽ vẫn được giữ mãi nhưng chắc chắn dưới hình thức hiện đại hơn cho phù hợp cuộc sống văn hóa cải tiến”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *