Thư giãn cuối tuần: Jaklan & Đoàn phim quốc tế

(Trích Chân dung Cát, chương 10: Sợ hãi)

Rineh.Bal Riya5-2013.3

* Photo Kiều Maily.

Bauh Bini

Tại sao đã 12 giờ trưa, trong lúc gia chủ cùng họ hàng xa gần với bao nhiêu mâm lễ bầy ruồi cố lăn vào bu khiến cả bốn ông thầy cúng phải mỏi tay xua, chốc chốc ngóng ra ngoài cổng xem bóng hắn dẫn đoàn quay phim Nhật đi cùng tiến sĩ tận Hà Nội ló ra mà Jaklan cứ ung dung rung đùi tại một quán nước nhà quê để giải thích với mấy cô sinh viên ý nghĩa siêu hình về biểu tượng Haumkar một cách không cần thiết, có cả đám thanh niên làng xúm quanh nghe, dĩ nhiên chả hiểu hắn nói trời trăng gì cả? Hay hắn muốn nhân đây ưỡn ngực cho làng nước biết mặt rằng hắn đang hướng dẫn đoàn làm phim khoa học quốc tế, nghĩa là đóng góp cách thiết thực và khoa học vào bảo tồn vốn quý của dân tộc? Hắn biết họ phải chờ, chờ đoàn quốc tế đến mới tiến hành lễ. Nhưng hắn có hiểu chính lý do đó mà cô bác đang mỏi cổ chờ, ném cái nhìn chằng chịt tia máu sang hắn, không phải ở trễ giờ (thần thánh còn tuân thủ giờ dây thun của Chàm) mà ở họ đã chờ, nghĩa là họ kém quan trọng đi, trong lúc mình đang thủ vai chính?

Nhưng họ đã chờ.

Vừa thấy đoàn phim quốc tế đến bảy người bước vào cổng, Saman đưa tay lên.

Good noon! Chào buổi trưa! Các ngài cứ thong thả. Được vào camera là niềm tự hào to lớn của bà con, chúng tôi sẵn sàng đợi thêm vài tiếng nữa chả hề hấn gì cả.

Jaklan đi nhanh qua cửa vào thẳng nhà trong, bắt tay ông Mok chủ gia.

– Xin lỗi đã trễ. Vị tiến sĩ trung niên có mái tóc rễ tre, nói.

– Xin chào! Xin chào nhé! Người đàn ông Nhật có lẽ là trưởng đoàn, nói.

Mọi người chạy qua lại nhốn nháo dù không phải làm gì. Jaklan hăng hơn cả, nói cười chỉ trỏ, sửa mâm cỗ, dời cái tô canh, nhăn trán suy tư.

– Đuổi cho kì hết mấy con ruồi còn lai vãng ra ngoài. – Saman nói.

– Saman! – Tiếng ông Mok.

Jaklan bước lui mấy bước, đạp mạnh gót giầy lên chân hắn, làm hiệu.

– Ôi chào! Sao vị nghiên cứu sinh vào nơi tôn nghiêm như thế này mà còn chưa tháo cái giầy?

Jaklan đỏ tím mặt, đứng đực giây lâu rồi lẳng lặng bước ra ngoài. Hắn trở lại thật nhanh, chỉ bằng một cái nhổ nước miếng như thể có phép ảo thuật làm cho đôi giầy và cả vớ văng ra. Hắn đi vượt qua mặt Saman, mắt nhìn đăm đắm máy camera vừa bắt đầu làm việc.

– Mầy làm ơn…

– Ừa, vậy mới phải phép chứ, Saman nói khá to. Tay này hám danh, học chung lớp, ngoài vụ cố gắng sao cho xuất sắc nó luôn moi được cái gì đó để mà cày. Trong lúc lứa mình không hiểu mô tê gì về nhạc dân tộc thì nó đã biết chơi Ginang (dĩ nhiên trình độ hết dùi đến dùi) để buổi văn nghệ trường nhảy lên ngồi chễm chệ chàng hiu trên sân khấu. Tổ cha nó, trong lúc Ban biên soạn vắt cạn óc viết sách dạy bọn trẻ cái chữ cái nghĩa thì nó dùng khả năng (phải nói là trội vượt) tiếng mẹ đẻ đi soạn sách đặc hiệu để xóa mù các cha cố. Nó một mực tin theo Cao Xuân Hoang – dù nó với nhà cố vấn họ Cao như dao với thịt – không sớm thì chầy Cam Ahier thế nào cũng theo hầu các vị này. Đón đầu lịch sử chăng? Rồi khi anh em trí thức gom dồn kiến thức củ khoai cộng tác với Bùi Khánh Thế soạn từ điển mới thì nó một mình một cõi tung hoành nghiên cứu cái sợi dây. Nó tuyên bố đã khám phá nhiều bí mật có khả năng bóc trần sự thật lịch sử – Cham tan rã lên Cru lấy vợ sinh con đẻ cái chứ gì? – Ông mà biết quái nào được. – Hay ông bạn nghiên cứu sinh vừa khám phá kho báu hoặc giả cái tháp nào đổ trên ấy? Nó nhìn mình như không đáng tốn nước miếng. Tưởng nó đi tiêu đời đâu rồi chứ, ai dè hôm nay trở về trang trọng cùng đoàn làm phim quốc tế rất quan trọng trong tư cách hướng dẫn viên khoa học.

– Bác tránh ra cho người trung ương làm việc. Saman nói.

– Đứa nào đặt tô canh qua chỗ này? Ông già nhăn nhó.

– Nam hữu, nữ tả. Người của trên làm đúng sao bác dám la. Tô lớn bên phải chứ? Saman nói.

– Không có thì lấy múc đại đi chớ, lớn nhỏ con cặc gì.

– Sao bác không cúng gà con cho nó lợi hơn?

– Chú mầy lí sự.

– Cho tiện lên hình thôi bác. Jaklan ghé tai ông già, nhảy cái phóc đứng sau tay phụ trách máy quay.

– Nào, cúi xuống lạy! Hắn hô to: laaaạaạy… Chưa được, chưa đều lắm. Quay sang anh phụ trách máy:

– Có cần làm lại không?

– Thôi, cho tự nhiên đi. Vị tiến sĩ với mái tóc trông rất chán, nói.

– Dù sao cũng cố gắng để ăn ảnh bà con mình ơi.

Đang khi quí bà, cô quỳ lặp lại, hắn phùng má bưng mâm hoa quả to kềnh dịch sang một bên. Quanh cái cổ mà thượng đế làm dường bị thiếu hụt đã nhễ nhại mồi hôi. Sự nhiệt tình thái quá của hắn vào giờ quá ngọ này rất đáng để cảm động.

– Tranh thủ tụng đọc lẹ lên các thầy ơi, cái bụng sắp hô khẩu hiệu rồi đây.

– Có khách quốc tế mà cậu cứ cà rỡn. Ông anh họ nhăn Saman.

– Quay ông anh họ tôi nữa, đậm vào. Ánh đèn pha chĩa thẳng vào một ông đang ngồi trên bộ ván gỗ gụ cố gắng nghếch mặt khá ra dáng. Keep smiling! Chàm tôi ai cũng khoái nổi tiếng, cả tôi cũng vậy. Cười lên!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *