Inrasara – Tạp cảm 08: Nhà văn, học & không học

LeVinhTai-2008

* Lê Vĩnh Tài có học, nhưng học nghề Y, ra trường đi làm thơ.

Một số ít nhà văn có qua trường lớp đào tạo, thường các nhà văn này không lớn. Đại đa số nhà văn học ở đồng nghiệp đơn lẻ, hay theo trường phái (như Nhóm Siêu thực ở Pháp hay Trường Thơ Loạn ở Việt Nam) nhưng luôn với tinh thần tự do và tự nguyện. Thường thì chỉ qua thời gian ngắn, các nhóm này tan rã, nhà văn phải đi MỘT MÌNH. Còn lại, tuyệt đại đa số nhà văn lớn là TỰ đào tạo.

Mấy ví dụ vui.

1. Walt Whitman sinh 1819 gần New York. Gia đình khó khăn, ông bỏ dở Trung học. Làm đủ nghề: thợ mộc, chạy giấy, thợ in, đánh cá… để kiếm sống. Tập thơ Leaves of Grass ra đời bị tẩy chay khắp nơi. Bản thân ông thì bị đuổi việc. Thơ ông bị cho là “phá hoại thuần phong mĩ tục” còn tác giả thì “đáng bị đánh roi”. Phải nửa thế kỉ sau, ông mới được nhìn nhận là thiên tài. Rồi được phong là đại thi hào đại biểu cho tinh thần dân chủ Mỹ hiện đại.

 

2. Henry Miller sinh 1891 tại New York trong gia đình cha là thợ may. Ông lớn lên trong lòng phố và ông coi đường phố là trường đại học của mình. Năm 1924, ông bỏ ngang Westers Union Telegraph Company, quyết định không làm gì hết, ngoài viết. Không ít nhà phê bình coi ông là khuôn mặt độc đáo nhất của nền văn học hiện đại thế giới.

 

3. William Faulkner sinh 1897 tại Mississipi. Ông qua vài Đại học khác nhau nhưng không tốt nghiệp trường nào cả. Rời quân ngũ, ông về thị trấn nhỏ sống biệt lập, không quan hệ với giới văn nghệ sĩ, mà tập trung vào viết. Nhiều nhà văn lớn [và không lớn] xem ông là bậc thầy về kĩ thuật.

 

4. Arthur Rimbaud sinh 1854 tại Charleville – Pháp. Sắp kì thi tú tài, chàng bỏ ngang xương để lên Paris. Ngay sau đó, ông bị bỏ tù thì gian ngắn, buộc trở về quê nhà rồi lại bỏ trốn đi. Rồi là các cuộc lang thang. 19 tuối, ông bỏ hẳn văn chương. Ông được xem là “con phượng hoàng của văn chương thế giới”, một thiên tài làm thay đổi bộ mặt thi ca nhân loại.

 

5. Văn chương Việt Nam hiện đại, các thi tài ngoại hạng như Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn… đều không được “đào tạo”, nếu không muốn nói là rất “ít học”.

 

Đào tạo nhà thơ, nhà văn ư? – Có! Nhưng thường thì họ chết rất sớm. “Đại học là nơi chôn đứng thiên tài. Và đã chết thì Đại học làm cho chết luôn” – Chính Phạm Công Thiện đã nói thế!

Một tháng trước, tôi đã viết trên Tienve.org (19-8-2011) bài “Chú giải ngắn về văn chương vỉa hè Sài Gòn”: Lịch sử văn học Việt Nam, cuối thời Hồng Đức, Lê Thánh Tôn cũng “đào tạo” được “18 vì tinh tú”. Rồi Mặc Vân Thi xã do Tự Đức dựng nên, đã đẻ ra bao nhiêu là thơ. Nhưng lịch sử văn học Việt Nam mang ơn các tên tuổi ngoài lề như Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Tú Xương… chớ có ai còn nhớ thơ văn của 2 nhóm trên?!

 

One thought on “Inrasara – Tạp cảm 08: Nhà văn, học & không học

  1. Nhìn vào nước nào, thời đại nào, cũng thấy nhà văn lớn “không học” hoặc bỏ dở là phần nhiều. Vấn đề này không mới nhưng chưa có ai nêu ngắn gọn mà hệ thống, xác thực như SARA. Người ta hay nói “kiến văn” của người sáng tạo văn học. Không có kiền văn sâu rộng thì tác phẩm mỏng, oặt oẹo, ăn theo. Nhưng kiến văn dày mỏng là do TÁC GIẢ “tự đào tạo ” là chủ yếu. Mọi thứ văn bằng, học vị không làm ra tác phẩm văn học giá trị để đời. Ấy thế mà văn bằng, “có học” cứ phủ bóng lên tác phẩm. Không ít trường hợp người ta nhìn tác giả “có học” để đánh giá tác phẩm. Tác phẩm chưa hay thậm chí dở “thứ thiệt” vẫn được đưa lên tận chóp mây. Đã có mảnh trời phủ đấy bóng mây tác phẩm văn học dở của các tác giả được cho là “có học”. Tuy nhiên, tác phẩm tầm thường mà vẫn được khen hay còn nẳm ngoài chuyện có học và không học. NHÀ VĂN đích thực không phô trương sự học của mình. Họ lặng lẽ học tập, lặng lẽ sáng tạo. Lặng lẽ đến mức bị bỏ rơi…Nhưng cuộc đời không bỏ rơi, không quên lãng các tác giả của những tác phẩm lớn. Tài năng thật sự thường bị thiệt thòi. Có khi đến cả trăm năm sau, thiên tài mới được đền bù. Được đền bù lớn nhất của mọi thiên tài văn học là tác phẩm của họ sống mãi với người đọc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *