Anh Thy: Thơ hay phải mới

André Gide nói: Với tình cảm đẹp người ta chỉ làm nên thứ văn chương rẻ tiền.

PoKlong.Jakha.1

* Tháp Po Klaung Girai – Photo Inrajakha.

Đó là cách nói quá lên. Vì có nhiều người nghĩ chỉ cần có tình cảm đẹp, như yêu người yêu, yêu quê hương dân tộc, yêu con người nào đó, là ta có thể viết được thơ hay về tình yêu đó. Nhiều nhà thơ Việt Nam vẫn hay có suy nghĩ sai lầm như vậy. Nên ta hay ca ngợi nhau là thơ có tình, thơ đẫm tình yêu quê hương đất nước. Vân vân… Văn hào Pháp nói quá lên để cảnh tỉnh chúng ta. Tình thương với sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn khác nhau.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương có bài thơ tình “Tháng sáu mười hai” rất hay. Nhân vật trong thơ có tên tuổi đàng hoàng: Tố. Mà thật ra ông không có mảnh tình nào cả. Cũng không có người yêu nào của ông tên Tố ở đời. Tình cảm đẹp chỉ làm nên tình cảm đẹp thôi, chứ không làm nên văn chương.

 

Bàn về thơ, nhiều người có thói quen hay nghĩ là viết thế nào cũng được miễn là hay. Nói như vậy là chưa hiểu nhiều về nghệ thuật. Tôi lấy ví dụ cũng là loại hình cải lương, cũng là vở đó với nội dung đó, nếu gặp một nghệ sĩ lớn, thì anh chị ta có thể làm cho khán giả cùng cười khóc qua từng động tác, câu ca của mình. Còn lại, với kẻ tay mơ thì chẳng những làm cho người ta chán vở diễn, nhân vật đóng vai, mà còn gây phản cảm nữa.

Hay ví dụ thơ về tháp Chàm. Tháp Chàm buồn, cô độc, tháp Chàm bị bỏ mặc, vân vân… thì ai cũng thấy, ai cũng biết đau buồn. Nội dung đề tài về tháp Chàm, mọi người thấy và cảm như nhau. Thế nhưng đâu phải hễ nói lên lòng cảm thương của mình với tháp Chàm thì thành thơ hay. Nếu vậy học sinh cấp III viết rành tiếng Việt, viết có vần điệu thì thành thi sĩ hết rồi. Muốn biến nỗi buồn hay niềm cô đơn kia thành thơ hay thì phải là thi sĩ có tay nghề cao, kỹ thuật điêu luyện, ngôn từ độc đáo, mà phải biết viết khác với người đi trước đã từng viết về tháp Chàm.

Bài này tôi xin triển khai một ý khá hay trong luận văn Thạc sĩ của Võ Thị Hạnh Thủy về thơ của nhà thơ Chăm Inrasara.

Cách nay rất lâu rồi, chính xác là 1937, nhà thơ Chế Lan Viên viết:

Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi

… “Những tượng Chàm lói rỉ rên than”…

Nhà thơ thiếu niên ấy đau như chúng ta bây giờ đau, và anh kêu lên bằng tiếng kêu thống thiết. Anh diễn tả một tâm trạng lãng mạn bằng cách nói lãng mạn. Tập thơ Điêu tàn – theo nhà phê bình Hoài Thanh – đã tạo nên “niềm kinh dị trong làng thơ Việt” thuở đó. Nhưng thuở đó xa rồi, 75 năm rồi, vậy mà tôi thấy có người làm thơ của thế kỉ XXI mà còn viết về tháp Chàm theo giọng điệu rỉ tên như thế, quả là lạc hậu.

Tôi có đọc lại mấy số Ước Vọng cũ của Trường Trung học Pô Klong, thấy nhiều bài thơ về tháp Chàm cũng rỉ rên in hệt như vậy, dĩ nhiên ngôn từ thì kém hơn ngôn từ thơ họ Chế. Tình cảm các em học sinh Chăm này có thể sâu đậm hơn Chế Lan Viên, nhưng không thể vì “tình cảm” đẹp đó, mà ta cho đó là những bài thơ hay.

Vậy đó. Cũng nên thông cảm cho tuổi học trò tập tành làm thơ. Còn nếu sinh sau Chế Lan Viên gần một thế kỉ mà còn làm như họ Chế, thì hỏng.

 

Viết về tháp Chàm mà hay, sau Chế Lan Viên là Văn Cao, sau Văn Cao chỉ có nhà thơ Inrasara. Văn Cao gọi tên điều thánh thiện, siêu việt của tháp Chàm bằng một bài thơ nổi tiếng:

Tự trời xanh

Rơi

Vài giọt

Tháp Chàm.

Tháp Chàm được nhìn bằng con mắt duy mĩ. Sự có mặt của tháp thoát khỏi mọi nắm bắt của lí trí con người. Nó là quà tặng của Trời Xanh, viết hoa. Tiếc là ông nhạc sĩ kiêm thi sĩ tài hoa này chỉ có mỗi một bài thơ về tháp. Một bài thôi mà đã thành bất tử.

 

Bây giờ thử xem nhà thơ chính tông Chăm Inrasara viết về tháp Chàm nhé. Anh ta nhìn tháp qua nhiều góc độ, tình huống và tâm trạng. Tháp Chàm hiện diện trước mắt nhà thơ muôn màu muôn vẻ: “tháp Chàm muôn mặt”.

– Khi tháp cô độc và kiêu hãnh, là “tháp nắng”.

– Lúc tháp bị bỏ rơi và run rẩy, thành “tháp lạnh”.

– Tháp âm u đầy bí hiểm: “tháp hoang”.

– Rồi lúc tháp đột ngột xuất hiện trong ta khi ta tha hương nơi đất lạ quê người, anh viết:

Đôi lúc

nửa đêm

tôi nghe tháp mọc ngang trời”.

– Khi “là chim”, thì “tháp bay”.

– Là bóng ma, tháp “trườn qua đêm tối những triều đại”.

– Mang tâm trạng buồn, “tháp ngậm im lặng màu tro”;

– Giữa thất thường khí hậu miền Trung, “tháp thét gào với bão”;

-Trời nóng nực, “tháp ở trần nằm”; trời lạnh, “tháp ngủ”; nhớ người xưa, “tháp đứng”; còn khi hứng khởi, “tháp bay”…

– Qua chiến tranh tàn phá, tháp đổ, “tháp lãng du thế giới cỏ cây”;

– Cuối cùng rồi khi tất cả tiêu tan, “tháp chuyện trò cát bụi”.

 

Rất đa dạng! Đích  thực là tháp hậu hiện đại theo kiểu Inrasara, chỉ Inrasara mới đạt được. Nhưng nếu giờ đây ai đó thấy Inrasara thành công mà học viết về tháp Chàm theo kiểu Inrasara thì hỏng nốt, phải làm khác đi.

Thơ hay thì phải khác lạ, thơ dâng tặng cho nhân loại tâm cảm khác, cách nhìn khác, rồi từ đó – con người sống khác.

7 thoughts on “Anh Thy: Thơ hay phải mới

  1. Đây là tiểu luận hay.
    Thạc sĩ VTHT có nhận định lạ. Anh Thy cũng biết triển khai. Ta chưa bao giờ thấy nhà thơ Inrasara than thở, rên rỉ hay buồn bã về tháp. Nhà thơ Inrasara đa dạng, cũng giống như tháp qua cái nhìn của anh. Tháp Cham luôn là tháp kiêu hãnh. Nhưng có 1 ý mà Thạc sĩ chưa nói, đó là sự đùa cợt của tháp rất… Inrasara.
    Tôi ví dụ câu:

    Tháp cho nhà báo đề tài viết báo
    số Katê mỗi năm
    (tuần chay nào cũng có nước mắt)
    kiếm ít tiền xài
    cho nhà khảo cổ cơ hội ăn theo
    tên tuổi

  2. Inrasara viết về nhóm Mở Miệng sớm nhất, và hay viết về các tác giả bên lề. Sao vụ Nhã Thuyên không thấy anh lên tiếng nhỉ? Không biết câu hỏi này có lạc đề không?

  3. TVT thân mến!
    Tôi viết nhiều về văn chương ngoài lề (hay ngoại biên), đúng hơn.
    Về văn chương dân tộc thiểu số, văn chương nữ, văn chương mạng, sang tác của tác giả chưa là Hội viện Hội Nhà văn Việt Nam, thơ của tác giả người Việt hải ngoại, về anh chị em sống ở tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa… trong đó có cả văn chương vỉa hè.nghĩa là tôi ưu tiên viết về “phía yếu”. Bởi đơn giản, phía trung tâm, phía mạnh đã có nhiều người viết rồi.
    Thân mến

  4. Không có cuộc tình thật thì làm sao viết hay về tình yêu được, nhà thơ giải thích thế nào. Lẽ nào chỉ có tưởng tượng thôi? Văn học xuất phát từ hiện thực mà, không đúng sao?

  5. Bạn yêu thơ ơi! Không phải vậy đâu, nhé.
    Xuân Diệu được coi là ông hoàng thơ tình, vậy mà cả đời ổng có cuộc tình (thực) nào đâu! Nhà phê bình NHQ nói đại ý, nếu ta yêu say đắm ai đó, ta nên làm thơ và đến trước nhà nàng mà đọc cho nàng nghe thôi, chứ đừng mang đi in. Bởi đó là những bài thơ rất kém.
    Thơ, dù là thơ tình, thơ tư tưởng, thơ về quê hương… cũng cần phải tưởng tượng và gia công. “Văn chương xuất phát từ hiện thực” chỉ là một trong những quan điểm thôi, chứ không phải tất cả. Đợi cho có cuộc tình thực để làm thơ tình, thì đến tết Cônggô mới có thơ tình hay.
    Tôi ngán nhất là nhà thơ đi đến đâu “tức cảnh sinh tình thành thơ” đến đó. Toàn là nhai lại thôi.
    Sara ít làm thơ tình, nhưng dẫu sao cũng có mươi bài đọc được. Các bài này đều xuất phát từ tưởng tượng. Hoặc từ cái thực “nhỏ” nhất, từ đó mà tưởng tượng ra…

  6. E cũng có thắc mắc giống TVT, mấy hôm lang thang trong S.com để tìm mà không thấy.
    Quan điểm của anh đã rõ.
    “Tôi ngán nhất là nhà thơ đi đến đâu “tức cảnh sinh tình thành thơ” đến đó. Toàn là nhai lại thôi.
    Sara ít làm thơ tình, nhưng dẫu sao cũng có mươi bài đọc được. Các bài này đều xuất phát từ tưởng tượng. Hoặc từ cái thực “nhỏ” nhất, từ đó mà tưởng tượng ra…”

  7. K nghĩ đúng đó!
    Từ văn chương người ta đẩy sang đạo đức, rồi từ đạo đức nâng quan điểm lên thành chính trị. Từ đó tha hồ chụp mũ nhau. Phiền hà vô cùng tận. Cuộc đấu đá về vụ Nhã Thuyên – Mở Miệng nằm trong vùng tối đó, nên Sara lánh xa. Tránh voi chẳng xấu mặt nào…
    Trao đổi văn học trên báo Nhân dân với nhà thơ Anh Chi vừa qua, nhà thơ này cũng toan tính đẩy S sang lĩnh vực ĐẠO ĐỨC. Nếu S không ngưng, thì cuộc trao đổi sẽ được nâng cấp…
    Đành thôi vậy…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *