Inrasara: Gạch đầu dòng phê bình thơ


TaptheBtvc-03.04

* Giải trung tâm ngay trong sắp xếp bàn ghế ở Bàn tròn Văn chương.

Một bài viết đăng báo giấy nào bất kì, luôn giới hạn trong số lượng chữ nhất định. Giới hạn, nên mới xảy ra… gạch đầu dòng. Gạch đầu dòng ở đây không phải trao đổi lại với nhà thơ Anh Chi (bài trên Nhân dân cuối tuần, 17-5-2013), mà là cung cấp tư liệu để người đọc tham khảo.

 

Trích, do chuyện lượng chữ (BBT báo cho phép tôi trên dưới 1.500 chữ), nên “trích” lại cái trích không là cắt khúc, mà là  lẩy ra đoạn tiêu biểu. Nguyên văn vẫn còn đó, người đọc có thể mở tờ báo hôm trước, đối chiếu. Thường, cắt khúc câu văn là để dễ bề xuyên tạc, còn ở đây tôi trao đổi với nhà thơ Anh Chi trong tình yêu thương trìu mến.

 

Hiện đại chính là chủ nghĩa hiện đại, đọc mạch văn trong bài không khó nhận ra. Còn bất cứ đương đại nào cũng có cái “hiện đại” của nó.

 

Siêu thực được tôi mở qua hội họa, với mục đích đối sánh hai loại hình nghệ thuật có dây mơ rễ má với nhau. Hai họa phẩm tiêu biểu và phổ quát được trưng ra làm chứng, và bình luận: “Một nhà phê bình siêu thực không hỏi tại sao cành cây, núi, đồng hồ… phi thực như thế trong Sự bền lâu của trí nhớ của S. Dali, họ cũng không hỏi tìm đâu ra mẫu gốc cô gái ở họa phẩm Mặt trời đỏ của M. Chagall nữa”. Một bình luận ngắn đủ vỡ được vấn đề. Còn dẫn chứng thơ, vừa dông dài vừa dễ lặp lại điều thiên hạ đã nói.

 

Yếu tố & chủ nghĩa. Yếu tố lãng mạn, siêu thực, tượng trưng… đã xuất hiện trong thơ từ thời xửa xưa, cả trong Truyện Kiều, chứ không phải đợi đến Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh…; còn chủ nghĩa thì hoàn toàn khác.  Một số người viết không phân biệt hai phạm trù này thì hơi uổng.

 

– “Người đọc cũng cần được đào tạo” là bài trả lời phỏng vấn của tôi trên tạp chí Thơ, số 1-2006. Trình độ chung của người đọc hôm nay cao hơn hẳn thời Tiền chiến, thì đúng; chứ cho rằng họ hơn về trình độ thẩm mĩ, là lầm to. Tang chứng: Trong khi học sinh Trung học thời Tiền chiến đã [được chương trình Pháp chuẩn bị để] biết về Lamartine, Vigny, Musset, Rimbaud…, nên việc họ đón nhận Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… khi thế hệ nhà thơ này xuất hiện thì không khó; còn ở ta 20-30 năm qua, ngay sinh viên Đại học khoa Văn vẫn còn xa lạ với các trào lưu lớn đang xảy ra trên thế giới. Cụ thể: khi hậu hiện đại thế giới đi hết một phần tư thế kỉ, rồi hậu hiện đại Việt qua một thập niên, sinh viên ta mới nghe nhắc đến chủ nghĩa này trên giảng đường.

 

Nhóm Sáng tạo công lớn trong nỗ lực chuyển hướng và phát triển thơ Việt hậu bán thế kỷ XX, là chuyện đã được chứng minh từ lâu, không biết vụ này mới lạ! Dẫu sao nhà thơ Anh Chi có vẻ đúng ở vế  sau: “chí ít, phải viết “… phát triển thơ miền Nam (cũ)”.

 

Thơ hiện đại tối nghĩa và khó hiểu, là chuyện xảy ra khắp thế giới. Ở Việt Nam, từ khi nó mở mắt chào đời qua nửa thế kỉ, nó vẫn vậy. Cho nên mới sinh ra… hậu hiện đại. Từ đó mới có câu hỏi: “Thơ Việt sau hiện đại, hậu hiện đại làm gì”?

 

– Cuối cùng “mới vài tháng, mà Inrasara đã từ hệ mỹ học này nhảy sang hệ mỹ học khác sao?!” Trước một văn bản cụ thể, với tư cách người làm phê bình, tôi cố gắng ‘đi vào trong’ hệ mĩ học của nó – dù nó thuộc loài thơ cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại – để nhận ra cái ‘hay’, cái ‘đẹp’ của nó; chứ nhà phê bình mà chỉ ưa thích cái ‘hay – đẹp’ của sáng tác thuộc hệ mĩ học mình ưa thích, thì vừa bất lựctrước văn bản thơ lạ lẫm, vừa không tránh khỏi phân biệt đối xử với loài thơ khác mình. Đây là điều diễn ra hằng ngày, trên văn đàn, mươi năm qua. Tôi đã nhiều lần phân tích và đưa ra tang chứng.

Riêng với tư cách người làm thơ, chối bỏ mình để làm mới mình, tôi từng thể nghiệm từ lãng mạn hậu kì, tiền hiện đại đến hiện đại, tân hình thức và cả hậu hiện đại; còn nó “hay” hay không, và hay tới đâu, là vấn đề khác. Còn nếu không biết chuyển hệ mĩ học, chắc chắn Eluard, Trần Tiến Dũng sẽ chết dí với siêu thực, Lê Vĩnh Tài cứ quanh quẩn với Và nỗi nhớ lại bắt đầu với gió, còn Picasso mãi ở tận đẩu đâu không biết.

 

Phiếm chỉ, vì đó là đoạn kết cả ba kì, để nhận định chung về nền phê bình Việt Nam hiện nay, chứ không dành cho ai cả. Càng không ám chỉ Anh Chi. Phê bình Lập biên bản không ngại va chạm, và đã từng va chạm. Kêu nó phiếm chỉ, là chưa nắm được bản chất của nó.

Cuối cùng, ba kì báo mang tính trao đổi không gì hơn mục đích nhấn về hình thức thứ ba của Phê bình Lập biên bản: phê bình ‘đi vào trong’ hệ mĩ học để nhận ra cái hay/ dở của tác phẩm. Chứ bản thân tôi vốn tôn trọng nhà thơ Anh Chi, cả ở tư cách, tài năng lẫn cách thể hiện chính kiến văn học của mình, cho dù tôi với anh khác nhau cả vực thẳm về hệ mĩ học.

Sài Gòn, 20-3-2013

*

Bài này chủ yếu được viết cho Blog nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trang Blog hôm qua đã đăng bài phản hồi của nhà thơ Anh Chi về “trao đổi” của tôi trên báo Nhân dân cuối tuần. Tiếc là, không hiểu nguyên do nào sáng nay bài đã không còn ở đó nữa, cho nên tôi đăng bài viết ở đây.

One thought on “Inrasara: Gạch đầu dòng phê bình thơ

  1. Gạch đầu dòng phê bình thơ, nghe mà nực cười.
    Ông Inrasara bị vài nhà văn ghét, cũng phải thôi, ai bảo thông minh sắc sảo quá làm chi. Cho trời đất còn ghen huống hồ người. Nhà thơ Anh Chi tuổi 70 rồi, chả “gạch đầu dòng” giỡn vài ngón…
    Phải công nhận đầu óc tay này chuyển biến kinh…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *