HUYỀN THOẠI APSARA TRẮNG

Truyện ngắn

(Đây là một chương trong tiểu thuyết Palei có gì lạ không em? đã đăng trên web này. Tôi cắt ra để làm thành truyện ngắn, đăng 3 kì liên tục ở báo Đại biểu Nhân dân. Xin đăng lại để bạn đọc tiện theo dõi).

ThieunuCham-Na

Câu chuyện Mây bỏ lại đứa con trai đầu lòng ở Đồng Nai, trở về quê tay không mãi ám tôi. Đã có nhiều thêu dệt của người nhà quê rỗi chuyện xung quanh huyền thoại này. Mây xinh đẹp, sắc sảo tiếng cả vùng, là đề tài hấp dẫn cánh chị em. Tôi cũng tò mò muốn biết. Nên lần về quê trước, tôi sang chú ruột Mây kể. Nhưng tôi vẫn chưa tin lắm. Lần này, tôi cần gặp mặt chính huyền thoại đó. Mây là bạn học với em thời Trung học Cơ sở, mãi lên Phổ thông ở Phan Rang, em qua ban Văn, Mây ban Toán, hai người mới khác trường. Nửa chừng, Mây bỏ học. Qua mối dây đó, tôi tin Mây sẽ khá mở, với tôi. Tôi chạy xe qua palei nàng.

 

1

Chuyện tình của Mây

 

Em mất trinh vào đầu năm Mười một. Với người bạn học cùng lớp. Cùng palei. Dính thai hai tháng, thì mẹ biết. Mẹ dẫn vào Sài Gòn phá. Từ đó em không gặp anh ấy nữa. Cha mẹ không cho gặp. Và em cũng không muốn gặp. Anh đừng hỏi nguyên do. Mặc dù em vẫn yêu anh ấy. Về làng nằm lì nhà nguyên năm, em xin mẹ vào Đồng Nai may.

– Mai bảo em… thế nào nhỉ… ừ thông minh và, cá tính lắm…

Em hoàn toàn không tiếp xúc với đàn ông con trai suốt hai năm ròng. Nhất là người đồng tộc. Không phải sợ họ trêu về chuyện cũ của em, mà không thích gặp. Thế thôi. Cho đến khi em gặp Hiền phó quản lý phòng phụ liệu phụ trách vi tính.

Anh hỏi em: – Em biết vi tính không?

Em nói: – Biết sơ sơ.

Anh hỏi: – Muốn học thêm không?

Em nói: – Muốn, nhưng để tính đã.

Như tên cúng cơm, anh này lành quá đỗi lành.

Anh nói: – Em học đồ họa đi, sau này cần đấy.

Em không nói gì. Anh nói: – Anh chỉ miễn phí.

Vậy là, sau giờ cơm chiều, em qua cơ sở vi tính anh. Hai tiếng một ngày. Không chỉ đồ họa, mà rất nhiều thứ. Một năm qua đi.

Một hôm, anh hỏi: – Hai đứa mình làm quen nhau được không em?

Em nói: – Anh có biết em Chàm không?

Anh bảo: – Có sao đâu.

Tháng sau, anh lặp lại, y hệt câu trên. Và em nói có sao đâu. Chúng em đi lại với nhau hơn ba năm trời. Đi chung với nhóm bạn khác nhau mỗi Chủ nhật. Không có gì cả đâu. Nói ra biết anh tin không, không cả hôn hít nữa. Có lẽ cũng do em, em phớt tất. Thời gian đó, em không biết anh có nói gì chuyện hai người với bố mẹ không. Em cũng không tò mò để biết. Rồi một chiều nọ, trong quán cà phê sân thượng, anh đề cập chuyện hai người. Anh Hiền ít khi dẫn em đến cà phê sang trọng, nhưng bận này thì khác, khá sang.

Anh nói: – Mai hai đứa về nhà bố mẹ anh nhé?

Em hỏi: – Ở đâu?

Anh nói: – Ngay Biên Hòa này thôi.

Tui em đi xe máy hơn tiếng đồng hồ thì tới nhà anh. Nhà thuộc dạng trung lưu, ngó bề ngoài thế. Ông bố dân trí thức, có văn phòng trong thành phố, có vẻ không quan tâm. Bà mẹ thì hỏi đủ thứ chuyện bắt mệt. Thằng em trai có vẻ ba trợn.

Ăn trưa xong, em bảo anh: – Mình về đi.

Hai đứa về. Ông bố không có mặt lúc đó. Em đi, quên xin phép bà mẹ.

Anh nói: – Mẹ ưng rồi. Bố bảo ra giêng cưới thì tốt.

Em hỏi: – Nhanh thế à?

Anh không đưa em về khu trọ xí nghiệp, mà đèo thẳng ra quán cà phê bờ sông. Anh ôm em hôn. Lần đầu tiên anh ấy hôn em. Và mò mẫm em suốt. Nói thật với anh, em gần như lạnh lùng với đàn ông, từ khi xa người tình đầu, không chút nào gọi là xúc cảm với người khác phái. Hai năm trước, có chàng sinh viên Chăm qua làm quen. Anh chàng nhỏ hơn em hai tuổi. Sau bốn năm bận, anh ta tấn công. Em luôn hồ nghi mình lãnh cảm, nên cứ để yên cho anh chàng rờ rẫm. Vẫn không có gì xảy ra. Cho dù anh chàng vận dụng đủ ngón nghề. Anh chớ nghĩ sinh viên Chăm ngây thơ không biết gì. Điệu nghệ lắm. Em đã ngồi trơ như đá. Lạnh băng. Có phải vậy chăng mà anh chàng sau bận đó, không phone nữa. Em chỉ nhận được tin nhắn: Mai anh ra Hanoi boiduong khoa captoc. Gap lai em sau nhe. Từ đó không một bận nào gặp lại. Thật lòng, em cũng không muốn gặp anh ta nữa. Em nghe ớn mấy đứa con trai người đồng tộc đến tận óc. Hiền thì khác. Sự ngô nghê gần như ngố của anh đã đánh thức cảm giác trong em. Anh vồ vập em, như là lần đầu trong đời. Mãi đến mười giờ tối mới về đến trọ.

 

– Em có cho cha mẹ ở quê biết không? – Tôi ngắt lời Mây.

– Dạ không, anh. Em gần như mất khả năng quan hệ với làng xóm, bà con. Không hiểu mất thế nào và khi nào nữa. Chỉ biết là em không còn thích gặp ai. Kể cả bạn học cũ cũng không chút hứng thú. Mấy bận không biết làm gì, chạy xe loanh quanh, không biết đi đâu. Muốn qua nhà trọ nhỏ bạn gần đó, nửa đường bỗng nhiên mất hứng, đành tạt vào quán nước, rồi về.

– Em có về quê?

– Thi thoảng. Năm một hai bận. Ngủ lại một hai đêm rồi vào ngay. Em vẫn thường xuyên gửi tiền về cho mẹ, và cho thằng em đang học Sài Gòn. Không phải em không muốn, mà đã rất cố gắng, nhưng không thể. Mỗi bận thằng em kể về sinh hoạt hay nói chuyện cộng đồng Chăm ở Sài Gòn hay ở quê, thấy em ơ hờ, nó thôi. Em không còn biết mình nên bắt đầu từ đâu. Có thể em sợ đụng phải anh chàng người yêu sinh viên ấy. Và cả người yêu thuở Trung học nữa. Không phải vì xấu hổ hay gì gì khác, mà không biết sẽ nói gì. Nhưng cũng không chắc lắm. Em sợ em, có lẽ.

 

Sắp ngày cưới, em vào Sài Gòn nhờ hai cô chú quen thân với cha trước Bảy lăm làm đại diện bên đằng gái. Em nói: – Cho cha mẹ cháu biết sau cũng được. Vậy mà buổi tối tiệc cưới, cô chú dẫn theo hai ông bà khác với dăm đứa sinh viên Chăm. Em cụt hứng, chút hứng thú sót lại. Cô dâu sở hữu nụ cười đẹp như ma-nơ-canh, – một ông khách không quen dự tiệc nhận xét.

Rồi em thấy cũng tạm ổn. Ngặt nỗi là ở bà mẹ anh Hiền.Tối tân hôn, anh trải tấm ra trắng tinh, thêm miếng vải trắng nhỏ. Xong cuộc, anh mang miếng vải đi ra ngoài. Mãi gần sáng mới trở lại phòng. Em đã đợi vị hôn phu đến hơn sáu tiếng đồng hồ, buổi tối đầu tiên đó. Mãi tháng sau em mới hiểu ý nghĩa của cái miếng vải mắc dịch kia. Do những lời chì chiết bóng gió của bà mẹ. Anh Hiền buồn như cha chết. Đôi mắt bà mẹ ngó em gườm gườm. Cái gườm gườm kia ám em tận hôm nay chưa thôi.

Ở với nhà cha mẹ Hiền được tháng, em quyết định thuê căn trọ gần xí nghiệp ở. Anh Hiền chiều vợ, về ở chung. Chỉ mỗi Chủ nhật hai đứa đèo nhau về thăm bố mẹ. Có tuần em viện cớ này nọ không về, anh cũng chiều. Nhưng bà mẹ có chịu ngưng chương trình ở đó đâu.

Bà bắt đầu ra tay: – Có phải người Chăm theo chế độ mẫu hệ, con phải ở với mẹ không?

Em nói: – Dạ, tùy mẹ à. Thời buổi bây giờ cũng đã khác xưa rồi.

Bà hỏi: – Chứ người nữ Chăm trước khi lấy chồng không biết giữ mình à?

Ý bà nói, lăng loàn. Cái đầu em nóng phừng phừng như muốn nổ tung, nhưng em đã dằn được. Em nói: – Cũng tùy người.

Bà đứng dậy bỏ đi, nói: – Cái thằng Hiền con nhà này quả vô phúc…

 

Tôi không biết an ủi Mây thế nào, lạ vậy chứ.

– Chuyện người ta nói em ôm con bỏ trốn, thì sao? – Tôi hỏi, và biết mình quá hớ.

– Tin đồn mà…

– Không sao đâu anh, em hiểu mà.

Mất dạy phải nói là thằng em chồng. Nhưng hưỡn đã. Khi bụng em to phải về nhà chồng dưỡng thai, rồi ba tháng hậu sản mới là địa ngục. Nhất là khoảng anh Hiền công tác xa, em phải chịu đựng cùng lúc hai cái máy nói. Thậm chí thằng em có khi xộc vào thăm cháu, còn cố tình rờ rẫm bắp đùi em. Và buông lời bỡn cợt. Em bảo mất dạy là thế. Em thề, sẽ không bao giờ bước chân vào nhà này nữa. Kẹt nỗi, là bé Dinh ở lại nhà nội. Thế là mỗi chiều em phải chạy xe về cho bé bú. Và nghe bổn cũ soạn lại. Của bà mẹ lẫn em chồng. Anh Hiền anh cả lại là đứa con cực kì hiếu thảo, đau là chỗ đó. Dù chiều em hết cỡ, anh nhất quyết không cho bé Dinh theo em về trọ.

Bà mẹ thì thẳng thừng: – Nhà này còn chưa đến nỗi cắp nón ăn mày mà.

Và em hiểu, đứa con không còn là con em. Nó chưa từng là con đẻ của em.

– Anh hiểu…

Em về căn trọ ở một mình. Anh Hiền mỗi ngày chạy qua lại hết cơ quan sang trọ đến Biên Hòa. Tội thế chứ. Từ đó em không về Biên Hòa nữa. Em khóc ba ngày đêm đến sưng vù hai mắt. Muốn tung hê tất cả. Em vào Sài Gòn tìm gặp người bà con đang làm việc hay học ở đây. Tuần hai ba bận gì đó. Và em bắt đầu uống.

 

– Sao vợ chồng không tính kế tự lập? Ý anh nói cắt đứt hẳn với dây nhợ cũ để sống đời sống hiện đại? À, thế nào nhỉ, như một gia đình Tây phương, ví dụ thế – Tôi hỏi, nhìn vào mắt Mây. Mây không trả lời. Nàng nhìn vào bức tường trước mặt. Đôi mắt đờ đẫn, không chút sinh khí. Mãi lúc này tôi mới thấy Mây có đôi mắt buồn và rất đẹp.

– Em từng nghĩ đến chuyện gia đình nhỏ sống giữa thành phố Sài Gòn mà không ai biết tới… Em đã bỏ tất rồi mà… Như một công dân thế giới ấy… Xin lỗi, em có đọc nhà văn Inrasara… Anh biết ý nghĩa Kut với đàn bà Chăm thế nào rồi… vậy mà em cũng đã bỏ… trong khi cái miếng giẻ chết tiệt kia, anh ta không dám vứt đi… hỏi có điên không…

– Em có ý định ẵm bé về ‘nội’ không?

– Một bận ý tưởng đó có thoáng qua đầu em, nhưng nghĩ lại, thôi. Em không thể. Vả lại, em quá ngán cái nòi này rồi. Đần và ác.

– Đần lẫn ác à?

– Ông anh thì lành quá hóa đần, thằng em với bà mẹ thì độc ác.

Chúng tôi không nói gì thêm. Tôi nắm bàn tay Mây, vuốt nhẹ. Bàn tay lạnh ngắt.

– Đừng thương hại em, anh. – Mây nói.

– Lắm lúc em nghĩ chuyện lên chùa tu hay vào nhà thờ làm xơ, nhưng rồi thôi.

 

– Em kể chuyện cuối này. – Mây nói, sau hồi lâu im lặng.

Đang lai rai trong phòng VIP cùng ba ông Chăm với bạn gái cùng quê, thì thằng em dẫn bà mẹ ập vào. Ngu vậy chớ. Hắn vừa giơ máy ảnh lên thì bị Wũ cho nguyên cái đạp vào bụng ngã lăn. Bà mẹ tính nhào vô thì chú Thanh bật dậy nắm cả hai tay đẩy áp vào tường, bảo câm mồm. Vậy mà bà vẫn hô toáng lên: – Con dâu lăng loàn, đứa con dâu lăng loàn… Đến chú Thanh phải bịt mồm lại, loa kia mới chịu tắt.

Wũ khóa tay thằng em chồng lại, quát: – Các người là ai? Chụp… chụp cái quái gì hả?

Giọng thằng em chồng: – Nó bỏ nhà đi tìm trai…

Wũ nạt: – Mầy còn nói nữa, mõm mầy vỡ ra… Tao hỏi mầy chụp ảnh làm gì?

– Em không phản ứng gì à? – Tôi hỏi.

– Dạ không. Em phó mặc rồi…

Đến khi chú Dũng bảo: – Thôi, cứ mời chị đây ngồi đã, phải trái gì tính sau, thì chuyện mới tạm yên. Bà mẹ ngồi bịch lên chiếc ghế vừa được đẩy tới. Thằng em chồng vẫn còn uất, đứng như trâu trúng đạn. – Tôi biết chị rồi. – Chú Dũng nói, giọng nhẹ hẳn đi, – Mây là cháu ruột tôi. Chị với cháu không phải lo chuyện lăng loàn hay mất nết ở đây. Chị với cháu cũng nên về đi. Từ hôm nay, cháu tôi không phải dâu nhà chị nữa. Nội nhật ngày mai, cháu lên xe đò về quê với cha mẹ cháu…

– Vậy là không có vụ trốn nhà? – Tôi hỏi.

– Dạ, người ta dựng chuyện thôi anh. Có lẽ do mấy người Chăm dự đám cưới mà ra. Cũng không chắc nữa.

– Ngay tối hôm ấy, em bắt xe đò về quê.

– Hiền vẫn còn thương em chứ?

– Dạ, còn. Hai bận về quê năn nỉ em. Mẹ bỏ qua rồi, – ảnh nói.

Em nói: – Bố mẹ anh không cho bé Dinh vào Kut dòng họ em đâu, chớ mong.

– Em nghĩ em không thể rời bỏ cộng đồng được, anh à. Em không thể sống mà thiếu Chăm.

– Dù họ đã từng làm em đau? – Tôi hỏi.

– Dạ, – giọng Mây rất nhỏ.

Chủ nhật tuần sau, anh Hiền đi xe trở lại.

Em bảo: – Anh về đi, kiếm vợ khác đi. Em cũng có người yêu rồi.

Em cởi chiếc nhẫn trả lại anh, chiếc nhẫn cưới hôm về em quên đưa.

– Từ đó, ảnh không một lần phone cho em nữa. – Mây nói.

 

2

Huyền thoại Apsara trắng

 

2 giờ chiều, tôi sắp quành xe qua ngả quẹo vào làng thì Mây phone: – Anh quay lại đi. Tôi hỏi: – Có gì gấp không em? Mây lặp lại: – Anh quay lại bây giờ đi.

– Chuyện người ta nói em ôm con bỏ trốn không phải không có.

Mây nói, như thể chúng tôi chưa từng bỏ dở câu chuyện. Đột ngột, nàng im lặng.

– Khi bé Dinh được bốn tháng, em có ý định cho cha mẹ biết.

– Anh nghĩ cha mẹ em đã biết lâu rồi.

– Dạ. Nhưng em muốn cha mẹ nhìn thấy mặt cháu.

– Mai bảo cha mẹ em gần như là từ em.

– Dạ. Em muốn chủ động làm lành… Để em kể đã.

Em thuê căn trọ khác trong thành phố mà không cho anh Hiền biết. Em nhắn tin về quê. Cha mẹ đến, hết ngó em đến ngó cháu. Cha không nói gì cả, mẹ ngồi khóc than trời trách đất. Em cũng không nói gì. Em đã đẩy cha mẹ vào tình thế có lẽ chưa đứa con gái Chăm nào từng. Ngồi một đỗi cha mẹ về. Cha nói: – Rước về, tao biết làm gì với jaguk này…

– Em không biết jaguk nghĩa là gì, nhưng qua giọng cha, em nghe lạnh xương sống.

Hết đường về , tối hôm đó, em đèo bé Dinh trả về nội.

 

– Ba tháng sau, em làm giấy li thân gửi anh Hiền. – Mây nói, mở to mắt ngó thẳng tôi, trừng trừng. Tôi cảm tưởng nàng không nhìn thấy tôi, lúc đó.

– Không… hưỡn đã, anh. Được ba tháng, sau vài bận liên hệ với hai anh Chăm đến dự đám cưới có để lại danh thiếp, em bế bé Dinh về căn trọ. Sáng hôm sau, hai anh đến. Em bàn chuyện hai anh giúp em thoát khỏi gia đình kia. Khờ thế chứ! Em nghĩ chính họ sau đó đã để lộ tin em ẵm con trốn về quê. Không, em không có ý về quê, mà chỉ tính đường hai mẹ con sống tự lập trong Sài Gòn.

– Em không sợ gia đình kia truy tố?

– Thế mới kêu là khờ…

Hai anh Chăm vừa ra khỏi thì có tiếng gõ cửa. Thằng em chồng đẩy cửa vào. Hắn nhe răng cười: – Em rõ hết rồi, bà chị yêu mến à… Cái giọng nghe chỉ muốn tát.

Hắn khép cửa và chốt lại. Hắn ngó quanh quan sát cái gì đó, rồi đến ngồi cạnh em trên chiếc ghế nệm đôi. Em nắm cả hai tay hắn, van hắn xin cậu đừng nói với ai trong gia đình, cậu nó muốn gì chị cũng chiều, – em nói. Em nói dại, hắn càng muốn hiểu theo hướng dại. Chuyện tày đình, tày đình đó, – hắn nói. Rồi hắn nhìn quanh căn phòng lượt nữa. Thế rồi hắn đặt tay lên đùi em, xoa xoa vài lần rồi vuốt lên. Lúc đó em mặc váy lửng. Cậu nó đừng làm thế, – em nói. Chị nói chiều thằng em mà, – hắn nhe răng cười. Em thích chị lắm, – hắn thôi cười. Em nghe tiếng hắn thở, rất gấp rồi dồn dập. Em bảo cậu nó đừng mà. Hắn tiếp tục vuốt lên. Rồi đột ngột hắn nằm đè lên người em, hôn tới tấp lên má, tóc em. Em cố sức đẩy thế nào cũng không được. Giằng co hồi lâu, em nghe đuối. Cả hắn cũng mệt phờ.

Em nói: – Cậu nó muốn thì từ từ chị chiều, làm thế này ngó sao được. Ừ, – hắn nói, buông em ra, thở hồng hộc. Em đứng dậy, quay lưng đi và cởi nút áo. Cậu cũng cởi áo đi chứ, – em nói. Hắn cắm cúi cởi… Ngay lúc đó, em chộp lấy cây chổi, quay ngoắt lại, dồn hết sức phang vào đầu hắn. Hắn rú lên một tiếng và loạng quạng bước lui. Em đạp cánh cửa sổ mở toang hoác. Câm mồm! – Em hét lên, trong khi hắn trố mắt ngó em. Dòng dõi mầy đấy – Em hất hàm về phía bé Dinh đang ngủ trong nôi, – bế mà cút khỏi nhà này. Cút đi… cút…

Và hắn cút.

 

– Từ đó em không gặp người gia đình đó nữa. Em nghĩ mình cũng đã mất luôn bé Dinh rồi…

Mây im lặng, mệt phờ. Như thể nàng vừa trải nghiệm nó lần nữa.

– Hiền không đi tìm em à? – Tôi hỏi.

– Dạ có. Tìm và năn nỉ em trở lại. Em nói, hết rồi.

Mây lại im lặng. Tôi không hỏi gì thêm.

– Anh uống với em một li nhé, – Mây nói, đưa cả hai bàn tay nắm lấy tay tôi. Tôi cảm nghe hơi nóng và cái rung của các sợi dây thần kinh bàn tay nàng. Tôi không phản ứng gì. Đến khi Mây vuốt nhẹ bàn tay tôi và nói: – Li cuối cùng với em, tôi thoáng giật mình.

– Hay anh bảo Mai chạy xe qua mình cùng ăn bữa cơm chiều luôn thể?

– Không, anh.

Mây im lặng, sắc mặt nghiêm lại. Nàng nói:

– Em chỉ nói chuyện này với riêng anh thôi… em biết… anh đã từng chịu đau khổ… anh hiểu và cảm thông… em biết… chỉ có anh…

Tôi nhìn sâu vào đôi mắt Mây. Đôi mắt thăm thẳm khổ đau. Tôi nghĩ nàng sắp khóc. Và hơn thế. Nhưng ở đó không có lấy một ngấn nước nào.

– Ừ, mình uống. Sao là cuối cùng? – Tôi hỏi.

– Để không bao giờ cầm đến li rượu nữa… – Nàng nói.

Mây rót đầy hai li, cho tôi và cho nàng. Nàng cầm li, lẩm bẩm lời khấn, rót vài giọt xuống nền nhà. Tôi làm theo nàng. Chúng tôi cạn li.

 

– Anh có khi nào biết tới cụm từ Huyền thoại Apsara trắng bao giờ chưa?

– Vài lần gì đó, mấy tháng trước, giới văn nghệ Sài Gòn bàn tán. Cả cánh sinh viên Chăm nữa.

Mây không nói gì, nhìn bâng quơ.

– Có gì lạ không em? – Tôi hỏi.

– Anh biết không, từ đó, gần như em uống mỗi ngày. Sau cà phê là cơm trưa văn phòng, và uống. Tại chỗ. Một mình thôi. Có khi mãi tối mới về đến trọ. Anh biết, về đến trọ là một cực hình, với em. Cô đơn và trống rỗng.

– Em đã bỏ xí nghiệp may?

– Lâu rồi.

– Vậy em làm gì sống, xin lỗi.

– Vi tính, anh ạ. Em học nhanh. Anh Hiền đùa, mới qua ba tháng mà em đã học hết bài của thầy rồi còn gì. Em chỉ cần ngồi máy mỗi ngày vài tiếng là đủ tiêu cả tuần.

Rồi em gặp đạo diễn H. Đúng hơn, trưa hôm đó đạo diễn H sà đến bàn em làm quen.

– Chào nàng Apsara xinh đẹp, – anh nói.

Em ngó qua người đàn ông đâu khoảng bốn mươi xa lạ, rồi cầm li bia lên làm một ngụm, pha. Anh ta hỏi: – Em Chăm Phan Rang à? Em không nói gì. – Biết múa Apsara không?

– Có chi không? – Em hỏi lại, khá sẵng.

Chỉ thế thôi, anh ta bắt đầu mở máy. Thường người nữ Chăm ngâm đen, em trắng như vậy là có cái gì đó cực kì đặc biệt. Khuôn mặt và ánh mắt em rất thích hợp với bộ phim sắp quay của anh. Biết múa nữa là số dzách! Cộng tác với tụi này đi…

– Làm sao anh ta biết em Chăm? – Tôi hỏi Mây.

– Em mặc váy mà.

– Cả khi giữa Sài Gòn?

– Dạ. Hôm đám cưới hay sau đó qua nhà cha mẹ chồng cũng thế.

– Lạ đấy.

– Sao lại lạ, anh?

– Mai nói em cá tính… à… xin lỗi.

– Không sao anh. Cái váy gây cho em khá phiền, nhưng em thích nó. Các em gái Kinh biết em Chăm, hay mò đến tâm sự. Dù không muốn, cũng phải để nó lọt vào tai. Rằng em bị đứa sinh viên đồng tộc chị lừa. Anh chớ nghĩ sinh viên Chăm ngây thơ thật thà. Lừa tình với cả lừa tiền con người ta, rồi dong. Em không nói tất cả, mà là có vài đứa. Chán lắm. À, quay lại chuyện mình đi…

– Và em đã nhận?

– Dạ. Em nhận. Do lúc đó không biết làm gì, và quá trống rỗng.

Anh ta hỏi em biết Việt Trinh không? Em nói hẳn nhiên rồi. Anh ta bảo đạo diễn Lê Dân chỉ qua mỗi phim, đã biến Việt Trinh từ một cô nữ sinh Trung học vô danh thành ngôi sao rực sáng bầu trời điện ảnh Việt Nam. Em bảo, em không mơ mộng thành sao diễn viên. Em chịu thử, chỉ vì chán. Anh ta nói, càng hay chớ sao. Anh ta nói nếu Lê Dân có Xương rồng đen, H này sẽ cho ra đời Huyền thoại Apsara trắng. Anh ta khẳng định, ngay cái nhìn đầu tiên, anh đã có ngay cái tít hấp dẫn cho bộ phim của mình. Huyền thoại Apsara trắng, em nhớ.

Sau đó hai tuần liên tục, em hết đọc kịch bản phim và nghe đạo diễn H giảng giải thế nào là diễn viên, hết vào siêu thị xem qua hàng mẫu đến gặp các diễn viên phụ, rồi theo đạo diễn H từ quán ăn sang trọng đến thăm thú trường quay, và cuối cùng là vào nhà nghỉ.

Mây đột ngột ngưng. Nàng nhìn chằm chằm cái gì đó sau lưng tôi, như có ai vừa tới. Nhưng không. Tôi không quay lại nhìn.

– Em không ham thành sao, anh à. Không ham tiền, càng không hứng thú gì chuyện ấy, vậy mà em đã để cho anh ta dẫn vào. Hai bận như thế.

– Sáng nay sẽ có người đưa em qua gặp sếp lớn, để quyết công đoạn cuối cùng. – Anh ta nói.

– Sếp nào nữa? – Em hỏi.

– Ông bầu, em à.

Đúng hai tiếng sau, xe đến. Tay tài xế trẻ phóng xe đưa em xuống Vũng Tàu gặp sếp lớn. Ngồi phòng chờ trong một khách sạn thuộc hàng sao, một quý ông bụng bầu đang đi với hai thanh niên, thoáng dừng lại, cười, giơ tay chào em: – Apsara trắng phải không? Không đợi em trả lời, ông ta tiếp: – Chờ anh xíu nhé. Rồi dẫn hai thanh niên vào phòng khách bên cạnh.

Không biết làm gì, em lấy lap top ra check mail. Lạ, trong Inbox có thư của đạo diễn H “Gui Sep”. E nghĩ thư lạc, tính delete, nhưng do tò mò, mở ra xem. Mây đưa lap top qua tôi.

– Thư riêng mà, – tôi nói.

– Không sao, anh đọc đi.

Cực kì, thưa sếp. Đây mới siêu!

Nhưng sếp phải nhẹ nhàng, thật dịu dàng. Hàng quý hiếm phải vậy.

Apsara trắng trắng trẻo thì miễn chê. Đôi mắt ấy chắc chắn sẽ hớp hồn sếp ngay cái nhìn đầu tiên. Còn đôi gò bồng đảo phải nói là trên cả tuyệt vời. Tiếp nhé, ngọn đồi với thảm cỏ mới mê li. Mềm, dày và gợn sóng bồng bềnh, cả đời em chưa hề được thưởng ngoạn. Dạ, thám hiểm để giới thiệu lên sếp, chứ em chưa hề đụng tay rờ tới hàng độc này.

Dù là gái một con, nhưng yêu cầu sếp phải có cách tiếp cận thật lịch thiệp.

Chúc sếp thành công ngoài mong đợi. Luôn tư thế phục vụ sếp.

Em – H

Tôi ngước lên nhìn Mây. Tôi nắm bàn tay nàng, vuốt nhẹ. Mây để yên bàn tay trong tay tôi. Tôi biết nàng đang rớt xuống tận đáy sự đau khổ, để không thể nào đau khổ hơn nữa.

– Anh biết không, lạ lắm! Thư kia dù vô tình hay cố ý lạc, em không biết. Nhưng lạ là em đã rất bình tĩnh đọc nó lần thứ hai, kết nối các manh mối. Em gập máy đứng dậy thì sếp lớn cũng vừa đi tới. Ông vỗ vào mông em. Chính xác vậy – vào mông, mất dạy thế chứ. Như muốn nói mình rành nhau quá mà.

Welcome! – Ông nói.

– Ông đợi cho vài phút. – Em nói, cầm giỏ xách đi thẳng khu toilet, xong, ra đường cái vẫy taxi về Sài Gòn. Thế rồi, như trong một giấc mơ đen, em thu dọn đồ đạc, trả phòng, ra đón xe đò về quê ngay tối hôm đó.

 

– Em phone gọi Mai qua cơm chiều, anh nhé? – Mây nói.

– OK.

 

3

Điệu luân vũ dưới trăng

 

Cơm chiều xong, Mây pha ấm trà, trải chiếu giữa sân ba người ngồi. Cha mẹ Mây với mấy em sang nhà bên ngủ, nên nhà vắng. Tối nay có trăng, đẹp. Nếu thỉnh thoảng không có tiếng xe máy rú ga dội đến, thì nó không khác gì cảnh đêm trăng yên bình thuở tôi còn bé. Tôi định hỏi Mây nàng với cha mẹ lúc này thế nào, nhưng thôi. Thế nào Mây cũng nói riêng với em. Ngồi tán chuyện chưa hết ấm trà, Mây nói:

– Hay mình vào trong đi, để anh Mân được thoải mái mơ trăng với bóng tiên nữ nào đó.

– Tối nay anh cô đơn nhé! – Mai nói.

Hai người bạn học, mươi năm gặp lại, chuyện bao nhiêu mà kể. Không sao mà, – tôi nói.

– Nếu có sức thì vào luôn nằm giữa hai em, – Mây cười. Lần đầu tiên tôi nghe nàng cười.

– Ui trời, chịu gì thấu hai cái loa mới tậu! Hai em vào đi, – tôi nói.

 

Tôi nghĩ thế nào Mây cũng kể nhiều chuyện với em, chuyện riêng của quý bà. Sáng hôm nay em trở nên ít nói lạ. Em vẫn vui, chỉ ít nói khác thường. Tôi không hỏi em tại sao.

Chiều. Gió lặng. Vắng khách.

– Anh có biết Mây đã từng đóng phim không? – Đột ngột, em hỏi.

– Mây có nhắc qua, nhưng chưa làm gì cả đã phải bỏ dở mà.

– Đã thử rồi, ở Hà Nội. Chỉ vì cãi nhau với đạo diễn mới hỏng việc.

– Mây không nói với anh vụ đó. Phim gì thế?

Huyền thoại Apsara trắng. Nó vừa viết kịch bản vừa thủ vai chính.

Mây kể, khi buồn bã mình ên về quê và được cha mẹ bỏ qua, nó tính mở lớp dạy vi tính và viết cái gì đó về đời sống tinh thần phụ nữ Chăm. Anh không biết, Mây có vốn rất khá. Do cái số sao ấy, trụ quê nhà chưa đầy tuần thì đạo diễn tên H đánh chiếc Mercedès láng coóng dựng ngay cửa ngõ, bước vào nhà xin gặp. Gặp riêng Mây rồi gặp chung cả cha mẹ. Ông cha rất dứt khoát, bà mẹ thì ngần ngừ. Mây cho là do cát-xê khá lớn, nên mẹ ham. Cuối cùng ông cha quyết: tuyệt đối không có màn hôn hít, không pha bạo lực, nhất là không phản bội văn hóa Chăm. Và không kéo dài quá ba tháng. – Nếu ba tháng con không về, thì biến luôn đi. – Ông cha lặp lại. Bao nhiêu “không” đặt ra gắt gao như thế mà đạo diễn H vẫn chấp nhận. Buồn cười nữa, là ông nông dân Chăm đã bắt nhà đạo diễn điện ảnh Sài thành nổi tiếng viết tay bản ghi nhớ với chữ kí miễn đóng dấu cho ông cất làm tin. Sau này mình mới biết đó là tang chứng lợi hại, – Mây nói.

– Mây thông minh lắm, anh. – Em nói.

Trên máy bay ra Hà Nội, mình đọc lại kịch bản – Mây nói, và thấy nó quá sến. Mai biết quá mà, phim Việt Nam nào mà chả thế. Mình quyết là phải làm khác đi. Buổi sáng gặp ông bầu trẻ có mặt cả đạo diễn H, mình nói thẳng, phim Việt Nam chưa bao giờ việt vị khỏi quỹ đạo tình tù tội, thêm món thắp nhang trước bàn thờ. Ông bầu trẻ bật cười, đề nghị mình trình bày dự án. Mình nói, vứt kịch bản này đi, thay mới hoàn toàn.

– Tôi chỉ mượn tên phim của ông H thôi, còn lại bỏ tất. – Mây nói.

– Họ chấp nhận à?

– Thế mới gọi cá tính.

Trong hơn tiếng đồng hồ, Mây phác họa kịch bản mới. – Cứ lấy cuộc đời tôi ra mà biến nó thành phim, là được. Tôi sẽ nghĩ thêm phần giữa và cuối, tối nay. Nó nói: – Hai ngày nữa chúng ta sẽ có kịch bản hoàn chỉnh. Em tin Mây dám làm bất cứ cái gì nó muốn. Riêng viết kịch bản phim trong hai ngày thì chịu. Em không thể tưởng tượng ra nổi chuyện đó. Vậy mà nó làm được. Nó đã giữ đúng lời hứa với hai ông nhà nghề kia. Thậm chí, ông bầu trẻ còn cho đó là một trong những kịch bản sáng giá nhất mà ông biết.

 

Phần 1. Về nhân vật Mây.

Mây lấy nguyên cuộc đời mình làm phần đầu bộ phim. Giai đoạn từ lúc rời bỏ cho đến khi bước chân trở lại cổng làng. Thực trăm phần trăm. Chỉ lược bỏ mấy mục hôn hít, đánh đấm – như đã hứa với cha mẹ ở quê.

Phần 2. Về nhân vật Lâm Wũ.

Nhà văn tuổi bốn mươi, có vợ hai con, tiếng tăm vang khắp làng văn. Đang sống hạnh phúc với gia đình ở Sài Gòn, đột ngột cắt đứt tất cả, về. Lang thang khắp làng Chăm. Cuộc hành trình thầm lặng của Lâm Wũ đi về làng mạc Chăm, sau đó cùng ông già người Raglai thám hiểm hang núi Cà Ná tìm sách cổ… tạo nên nhiều tình tiết khá li kì. Hành trình kéo dài hai năm. Rồi tình cờ anh gặp Mây. Bên bờ suối. Như hai sinh linh lạc bầy bắt gặp nhau.

Phần 3. Lâm Wũ kể về Bản trường ca bỏ hoang.

Anh bảo đã xong một phần ba sứ mệnh đời người. Một nghĩa vụ mới và khác đang vẫy gọi, là đi tìm Bản trường ca bỏ hoang. Ông ngoại anh giữ một nửa Bản trường ca bỏ hoang. Ông ngoại nói, chiến tranh và chạy giặc đã khiến nửa bản trường ca kia luân lạc. Luân lạc đẩy con dân Chăm vào tình trạng mất phương hướng, ngày càng chia bè kéo cánh, không thể tìm được sự thống nhất và bình an. Tìm được một nửa còn lại kia, giải mã nó, là tìm ra đáp án cho vận mệnh dân tộc. – Ông ngoại nói. Cha anh – con cả, lớn lên trong giai đoạn đất nước chiến tranh, không có cơ hội thực hiện nghĩa vụ gian nan ấy. Anh tự ban cho mình trách nhiệm hoàn thành công cuộc. Nhiệm vụ chủ hộ đã xong, anh phải lên đường tìm nó. Cộng đồng Chăm hôm nay đã đánh mất truyền thống triết học tổ tiên, nói ra cũng không ai hiểu để có thể chia sẻ, nên anh chọn im lặng. Gia đình coi như không có anh. Bạn văn coi như anh đã chết.

Phần 4. Điệu luân vũ dưới trăng.

Cuối phim là cảnh [Huyền thoại Apsara trắng] Mây và [Đạo sĩ Bà-la-môn] Lâm Wũ nhảy múa, liên tục và luân phiên nhau nhảy múa, nhảy đơn và nhảy đôi. Bởi chỉ bằng ngôn ngữ của vũ điệu, họ mới hiểu được định mệnh riêng họ, định mệnh của nhau và cả định mệnh của dân tộc.

 

– Mây kể, chính bởi lí do kĩ thuật ở phân cảnh cuối này mà tất cả đổ vỡ vào giờ chót, anh ạ.

Một tuần tập trung đọc, đóng và lên hình thử. Cả đạo diễn lẫn ông bầu đều vỗ đùi đánh bốp: – tuyệt. Đến khúc cuối, ở Điệu luân vũ dưới trăng, khi hai nhân vật nhảy múa gần như trần truồng, cả hai đề nghị chỉ cần làm mờ 50-50 là đủ. Trong khi Mây nói không thể, phải là 80-20.

– Mất đi sự hấp dẫn. Chớ nghĩ tôi nhăm nhăm về sự lôi cuốn thô tục mà là nhấn đến cái đẹp huyền bí của thân xác – đạo diễn H lí giải. – Dân tộc Tây Nguyên còn trần truồng giữa ban ngày mà.

– Nói thế ông còn chưa hiểu dân tộc Tây Nguyên rồi. Ông càng không thể hiểu tinh thần văn hóa Chăm chúng tôi.

Mây kể anh ta có nhượng bộ, đề nghị giảm xuống 60-40, nó một mực không là không.

– Em thấy Mây có quá quắt lắm không? – Tôi hỏi.

– Tính nó xưa nay thế. Nhưng phải công nhận nó thông minh và sắc sảo.

– Mây xưng ông – tôi với họ à?

– À quên, anh. Em chưa kể vụ này. Nó nói chính chuyện xưng hô đã gây không khí căng thẳng rất buồn cười giữa nó với đạo diễn H. Đạo diễn H hỏi: – Sao lại xưng tôi – ông? Tất cả diễn viên đều em – anh với anh mà. Ít ra em cũng tránh sự khác người để giữ hòa khí chứ.

– Anh biết nó trả lời sao không? – Em hỏi. Không đợi tôi trả lời, em tiếp:

– Dân tộc Chăm không có truyền thống xưng hô aday – xa-ai anh – em. Tất tần tật đều là dahlak – xa-ai tôi – anh hoặc dahlak – ông tôi – ông, ông à. Hồi tôi còn nhỏ, nhiều cặp tình nhân hay vợ chồng còn xưng hô kau – hư tao – mầy với nhau nữa, như Tây ấy. Làm phim về Chăm, không nắm được mấy phần khúc khuỷu đó của văn hóa Chăm, ông có nước đãi sạn cho bà con lỡ bỏ tiền mua vé xem phim thôi.

Đạo diễn H cười cười: – Chứ ở Sài Gòn không phải em từng em – anh anh – em ngọt sớt với anh sao? Nó phang lại: – Tôi cố làm thế để hòa đồng, nhưng đã thất bại. Rút kinh nghiệm rồi. Nay tôi nghĩ khác rồi. Hòa đồng không có nghĩa là phải đánh mất mình. Sẵn đây tôi cũng cho ông biết luôn, ông cần sớm cất cái cười cười rất đểu đó trên bộ mặt ông đi. Đạo diễn H nói: – Vậy cô muốn đưa cả cách xưng hô đó vào phim sao? Nó nói: – Hẳn nhiên rồi! Nó kể, đạo diễn H đã đứng trân ngó nó. Như trâu nhìn lính Tây ấy, chả hiểu nổi nó muốn gì.

Hôm cuối cùng cả đoàn đi xe vào Phan Thiết tìm cảnh cho đoạn phim, đạo diễn H kéo Mây lại, nói riêng: – Tôi xuống nước lần cuối, nếu làm mờ còn 65-35, cô chịu không? Ngưng một lát, thấy Mây không phản ứng gì, ông tiếp: – Còn không thì hãy vứt mẹ phim này đi. Ở thời điểm quyết định, Mây mới lộ bày ra hết tính bất trị của nó: – Thì vứt! – Nó nói, nguyên văn thế.

Đạo diễn H hét to: – Mi thật quá quắt! Đúng cái từ mà anh vừa dùng đó, – em cười.

Nhưng nó đâu phải tay vừa, đáp trả ngay: – Làm ăn kiểu này phim Việt Nam đi ra thế giới có mà trâu mọc hàm dưới.

– Cái đồ…

Đạo diễn H đứng phắt dậy toan bỏ đi, đột ngột quay lại. Ngay tại phòng khánh tiết của Resort, đạo diễn H phone cho ông bầu đang nước ngoài. Gần nửa tiếng đồng hồ.

– Cô cầm máy này, – đạo diễn H chuyển máy cho Mây.

Sau chưa đầy mươi phút, mọi việc được quyết toán.

1- Ngưng chương trình ngay tức thì.

2- Đoạn phim quay thử được dành làm tư liệu tham khảo.

3- Mây bán bản quyền kịch bản cho hãng phim.

4- Khoản 2 và 3 được thanh toán với giá cả hợp lí.

Tài xế đưa mình đến cổng làng, – Mây kể, – mình bảo: cậu ngưng đây đi, rồi đưa cho anh ta phong thư thủ sẵn, bước xuống, đóng cửa lại. Lúc đó khoảng tám giờ tối. Mình cuốc bộ vào làng, về nhà. Mai biết không, mình nghe nhẹ bỗng, như thể vừa quẳng đi một nửa cái nghiệp chướng cuộc đời. Vậy là, không phải đến ba tháng như đã hứa, mà sớm hơn rất nhiều, mình đã quay trở về với palei.

 

One thought on “HUYỀN THOẠI APSARA TRẮNG

  1. Truyên ngắn này rất đặc sắc, sao không ai lưu ý thế.
    Truyện đề cập chuyện thời sự ở xã hội Chăm hiện đại. Cô gái Chăm vào Đồng Nai làm nghề may, rồi làm nhiều chuyện khác… Cô gái này rất cá tính, rất tài năng. Cô nổi loạn, rồi cuối cùng đã tìm lại chính mình. Đây là bài học rất hay với cô giá Chăm trẻ chưa có kinh nghiệm đời.
    Truyện này rất lạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *