Tương lai của tiểu thuyết

Trà Kha dịch

One of the richest strands to emerge from the festival is fiction from writers of East Asian origin, who record some of the most devastating social and political upheavals of the last half century.

Một trong những xâu chuỗi phong phú nhất nổi lên từ liên hoan là tiểu thuyết của các nhà văn có nguồn gốc Đông Á, những người đã ghi lại một số biến động xã hội và chính trị nghiêm trọng nhất trong nửa sau thế kỷ vừa qua.

*

Vào cuối phiên họp trong tuần với nhà văn viết truyện giật gân Sam Bourne, một khán giả đã hỏi tại sao có quá nhiều bài viết về Nạn diệt chủng của Đức Quốc xã mà có quá ít về đề tài khác, những chuyện thời sự hơn. Bourne – tác giả Pantheon, tiểu thuyết điều tra sự đồng lõa của trường đại học Yale và Oxford trong nỗ lực ưu sinh để cứu lấy nòi giống thượng đẳng “thông minh và xuất sắc nhất” kéo dài suốt Thế chiến thứ hai – thì đang phát biểu ở một trong những lều trại lớn hơn tại Liên hoan Sách quốc tế Edinburgh. Phần nào đó, nhờ Hội nghị Nhà văn Thế giới, mà những cuộc thảm sát tập thể gần đây hơn được mang ra thảo luận, dĩ nhiên ở những địa điểm nhỏ bé hơn.

Những tổn thương mang tính chính trị cần có thời gian để chuyển mình vào tiểu thuyết – nhất là do các nhân chứng, những người tiếp tục trở thành nhà chép sử, thường xuyên đi tìm ngôn ngữ mới để kể các câu chuyện của họ. Một trong những mạch phong phú nhất nổi lên từ liên hoan năm nay là tiểu thuyết của các nhà văn có nguồn gốc Đông Á mà các câu chuyện đầy dị biệt của họ đang bắt đầu được thêm vào bản ghi chép một số biến động xã hội và chính trị nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua.

Bốn trong số nhà văn thú vị nhất ở dạng này là phụ nữ. Gia đình Kim Thúy nằm trong số những người rời Việt Nam sau 1975. Chị nói họ nhanh chóng được giải quyết cho nhập cư Canada. Một số gia đình bà con của chị lại không được may mắn như vậy. Ru, cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị – nguyên bản tiếng Pháp – kể lại câu chuyện của họ qua những phân mảnh lắp ghép từ giai thoại bán tự truyện. Ở một trong những chương nổi bật nhất, nhân vật chính tán gẫu với những người bà con trẻ tuổi khi họ làm thợ máy cùng nhau trong ga-ra của cha mẹ chị. “Họ kể cho tôi biết, với tiếng cười nhạo, rằng chúng đã thủ dâm những người đàn ông ra sao để đổi lấy bát súp hai ngàn đồng. Không còn giữ kẽ, chúng mô tả các hoạt động tình dục đó một cách tự nhiên và thành thật, như kẻ mà mại dâm với họ chỉ đơn thuần là vấn đề người lớn và tiền bạc, một chuyện chẳng chút liên quan đến những đứa trẻ sáu hoặc bảy tuổi như chúng, những đứa trẻ đã làm công việc đó để đổi lấy bữa ăn mười lăm xu.”

Người kể chuyện, kẻ đã bị Tây hóa cả trong tinh thần lẫn dáng vẻ bề ngoài, đã sợ không quay mặt lại khi nghe câu chuyện ấy, “bởi vì tôi muốn bảo vệ sự ngây thơ trong lời nói của chúng, không muốn làm nhòe đi sự vô tư thật thà của bọn trẻ bằng các lí giải của tôi về hành vi đó”. Chị kết luận rằng, chính nhờ sự ngây thơ đó “mà chúng đã trở thành kỹ sư sau mười năm theo học tại Montreal và Sherbrooke”.

Một người Canada khác tại liên hoan là Madeleine Thien, sinh năm 1974 tại Vancouver, năm gia đình người Malaysia gốc Hoa của cô chuyển đến Canada. Giống như Thúy, hiện chị đang sống tại Montreal. Tác phẩm thứ tư của chị – Những con chó ở Perimeter – kể về nạn diệt chủng ở Campuchia, qua con mắt của một nhà khoa học lưu vong bị tổn thương. Trong một bài báo trên tờ Guardian, chị giải thích rằng một trong những chiến thuật khủng khiếp của Khmer Đỏ là đòi hỏi “một sự tồn tại kết hợp sự từ bỏ tham dục của Phật giáo với châm ngôn Cộng sản mà chỉ có bạo lực cách mạng mới có khả năng thanh tẩy một dân tộc”.

Phát hiện đáng kể của thế hệ nhà văn di cư mới này không đơn giản chỉ nằm trong câu chuyện họ kể, mà ở trong phương thức họ kể câu chuyện đó. Krys Lee, người lớn lên ở Mỹ, nhưng hiện đã trở lại Hàn Quốc, thể nghiệm nhiều phong cách trong tuyển tập truyện ngắn đầu tay Ngôi nhà trôi giạt của chị. Ở phần giữa tập truyện là hai câu chuyện đặt gần nhau kể về các chấn thương khác nhau qua vấn đề Bắc và Nam Triều Tiên. Trong truyện “Người làm công”, một giám đốc tiếp thị Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, đã rời bỏ gia đình để sống đời đường phố sau khi bị mất việc làm, mất nguồn sinh kế và mất luôn lòng tự trọng. Ở truyện ngắn dùng đặt tên cho tập truyện, sau khi bị người mẹ bỏ rơi trong nạn đói kinh hoàng ở Bắc Triều Tiên, hai anh em trẻ tuổi lao bừa sang Trung Quốc để tìm đường sống. Trong khi câu chuyện Bắc Triều Tiên chứa đựng ác mộng của loại truyền thuyết mang tính biểu hiện, thì ở Hàn Quốc nó bộc lộ đến chi tiết một thứ hiện thực nghiệt ngã – dù vậy trong cả hai trường hợp thì vòng bảo vệ của gia đình, quốc gia và văn hóa đã thất bại, với những hậu quả kinh hoàng.

Yiyun Li, nhà văn Mỹ gốc Hoa đã sử dụng góc nhìn ngôi thứ nhất số nhiều để tạo hiệu ứng mạnh trong quá khứ. Trong một cuộc thảo luận về tập truyện mới của chị: Cậu bé vàng, Cô gái ngọc, chị suy ngẫm về ý nghĩa của thủ pháp này. Chị nói: Ở Trung Quốc, tính cộng đồng không đơn giản chỉ là một thực tại hiển hiện nơi tất cả các nhân vật của chị sống trong những không gian nhỏ bé, mà là một lối sống. Đó là một thủ pháp số nhiều rất khác với “thủ pháp hậu hiện đại chúng ta” mà nhà văn Mỹ Joshua Ferris đã áp dụng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình: Rồi chúng ta sẽ kết thúc.

Cả Krys Lee lẫn Yiyun Li đã chọn viết bằng tiếng Anh. Riêng Yiyun Li cho đến nay vẫn từ chối chuyển dịch tác phẩm của mình sang tiếng Hoa. Tại sao? “Họ chưa sẵn sàng cho nó”, – chị nói. Có người hỏi liệu điều đó có hơi kẻ cả không, thì chị giải thích rằng cha mẹ chị vẫn sống ở Bắc Kinh và chị không muốn người mẹ đọc những gì chị đã phải viết ra. Chuyển động dưới sự kiềm chế bề mặt của câu chuyện là một làn sóng ngầm của bạo lực cực độ: nạn nhân của nó không chỉ là các tổn thất của cuộc Cách mạng Văn hóa mà còn là chuyện người bạn trai bị đánh đập dã man tại Quảng trường Thiên An Môn chỉ vì anh ta có vẻ không cần bao cao su mà bạn gái đi ra ngoài mua.

Trong lúc Yiyun Li, Krys Lee, Madeleine Thiên và Kim Thúy kể lại những câu chuyện của họ, những nhà văn từ khắp nơi trên thế giới đã tập hợp để tranh luận về các vấn đề lớn: chính trị, sự kiểm duyệt, phong cách so với nội dung, cùng ý niệm về các nền văn học quốc gia. Cuộc tranh luận thứ năm và cũng là cuối cùng là về tương lai của tiểu thuyết – ở đó một phản ứng khả dĩ nhất là tương lai tiểu thuyết vẫn còn đó, tiếng nói dù trong lặng lẽ, nhưng đó là những tiếng nói văn hóa đặc thù vang lên trong những chiếc lều nhỏ nhất của cái lễ hội lớn lao và lắm chuyện này.

 

Theo Claire Armitstead, The Guardian, 24-8-2012

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *