Văn chương & Tư tưởng II-128

Có được chút thông minh nhận ra bản chất sự thể, và rồi do sợ cô đơn, sợ cô độc và sợ cô lập, người viết tìm thỏa hiệp và tự thỏa hiệp. Họ không dám sống tới cùng tư tưởng chọn lựa, không dám viết tới cùng, và nhất là không dám theo đuổi đến cùng dự án lớn lao không giống ai của mình [nếu nhà văn đã nghĩ ra được và hoạch định trước đó]. Chúng ta đang thừa thãi người làm thơ khôn ngoan né tránh hiện thực, mà rất thiếu những nhà văn dám đối mặt với hiện thực thậm phồn. Bởi chỉ khi dám đối mặt và đẩy tất cả tới cùng, nhà thơ mới hi vọng thấy được mặt tối, bề sau của hiện thực.

Né tránh hiện thực là hệ quả của truyền thống văn hóa văn chương Việt Nam xưa; hôm nay, nỗi thừa mứa sự nhát hèn của bộ phận lớn sinh thể làm chữ nghĩa đang phát huy tối đa truyền thống kia. Phát huy không còn ở dạng bôi đen hay tô hồng, càng không phải đóng cửa giữ bàn tay sạch, mà ẩn núp sau những ẩn dụ nghệ thuật sang trọng, được khúc xạ bởi mấy ám chỉ xa/ gần, đậm/ nhạt, qua đó ý nghĩa hiện thực bị bẻ cong, đánh tráo. Tất cả không mục đích gì hơn là né tránh hiện thực ở cấp độ khác, cao cấp hơn và tinh vi hơn, do đó đầy đớn hèn hơn.

Nhưng liệu người làm văn học còn có thể tránh né hiện thực mãi không?

Inrasara, 2012

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *