Văn chương & Tư tưởng III-124

Ngành khẩu sử (oral history) thịnh hành ở Tây phương từ khoảng cuối thập niên 1960, và trở thành một ngành học ở các đại học Tây phương từ cuối thế kỷ 20. Khẩu sử khác lịch sử. Khác, trước hết, ở nguồn tài liệu: với lịch sử, chủ yếu là các văn bản viết; với khẩu sử, chủ yếu là các lời kể của những người trong cuộc hoặc chứng nhân được thu thập qua các cuộc phỏng vấn. Khác nữa, ở đối tượng: với lịch sử, đó là các tài liệu lịch sử, nói cách khác, lịch sử là lịch sử trên lịch sử; với khẩu sử, đó là ký ức, hoặc ký ức cá nhân hoặc ký ức tập thể. Khác, cuối cùng, còn ở tính chất, như là hệ quả của hai cái khác ở trên: trong khi văn bản viết là những gì đã được công bố, nghĩa là, thứ nhất, thuộc về công chúng; thứ hai, với những mức độ khác nhau, được xác minh, do đó, được xem là ít nhiều đáng tin cậy; các lời kể trong các cuộc phỏng vấn, ngược lại, gắn liền với từng cá nhân, xuất phát từ kinh nghiệm riêng, chúng có thể bị khúc xạ, bị biến dạng, thậm chí, được “viết lại” theo những thay đổi trong tâm lý của người kể. Nói cách khác, trong khi lịch sử là những gì đã được chọn lọc khá kỹ, khẩu sử thường là những vật liệu thô…

Tuy nhiên, về bản chất, lịch sử và khẩu sử giống nhau ở khá nhiều điểm. Thứ nhất, chúng đều là những hình thức diễn ngôn về quá khứ (discourse about the past) chứ không phải bản thân quá khứ. Quá khứ là những gì đã qua và đã biến mất. Diễn ngôn về quá khứ là những tự sự được xây dựng để tái tạo lại quá khứ ấy nhằm đáp ứng một nhu cầu trong hiện tại. Thứ hai, là diễn ngôn, cả lịch sử lẫn khẩu sử đều có tính chất chủ quan, hoặc của một người hoặc của một nhóm người. Thứ ba, do tính chất chủ quan ấy, cả lịch sử lẫn khẩu sử đều luôn luôn được viết lại. Mỗi thời đại hoặc mỗi thế hệ đều cảm thấy có nhu cầu tái cấu trúc ký ức và diễn dịch lại quá khứ, do đó, bao giờ cũng tìm cách viết lại những gì các thế hệ đi trước đã viết.

Nguyễn Hưng Quốc, VOA, 13-2-2013

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *