Chân dung Cát 20: Ông Ma Lâm 2

Yanrang khi gởi gắm đứa con nuôi là Yaman cho thủ lĩnh Kuthan hy vọng được ông bạn đưa lên tàu vượt biển sang Mã Lai không ngờ gặp sự cố định mệnh đành ở lại rồi lên Khu bưng biền cuối cùng lưu lạc sang Cam Bốt vào mùa hè 1849. Có lẽ ông ra đi đợt Nguyễn Hữu Cảnh sang bảo hộ Cao Miên. Yaman lấy vợ cùng chuyến đi, sinh bốn đứa con trong đó con trai duy nhất là Jalan được ông đưa sang Châu Đốc lần đầu vào năm 1858 không thành rồi lần sau 1880. Cứ thiên di như vậy ba bốn lần: Kompong Chàm – Châu Đốc – Tây Ninh, Châu Đốc – Kompong Chàm – Tây Ninh, rồi Jalan cưới vợ theo phong tục Islam vào năm 1894 sinh Mưdin tháng 9-1897 lúc làm cuộc thiên di mới về Sàigòn tạm trú tại xóm Phú Nhuận. Chính trong căn nhà lợp bằng lá dừa nước nơi đây, ông Malâm đã được hạ sinh vào cuối năm 1932.

Không như thanh niên cùng trang lứa luôn, hoặc tin mình có họ hàng xa với Po Ku thuộc dòng dõi ông hoàng đang lưu trú đất Cam Bốt, hoặc nghĩ mình là con cháu Twơn Phauw từ Mecca luyện được bùa phép trở lại phục quốc hoặc hoàn toàn tin vào Allah làm tín đồ thuần thành của Hồi Giáo mới, Lương Văn Ngân (tên trên thẻ căn cước ông Malâm) luôn hướng về Pandurangga cố quận nơi nhà thơ Yanrang đã sống và chết dù bao cuộc thiên di, thiên tai, nhân tai, bao khổ đau mất mát. Vẫn một mực tin tưởng tận sâu thẳm chỉ nơi đó thôi là quê hương thực sự của mình, an ủi vỗ về, để mình có thể tồn tại theo đúng nghĩa con người. Và trước hết là lần tìm trở lại hậu duệ (nếu định mệnh bỏ sót) Sarah, đứa con thần thánh của nhà thơ-triết gia mà cha ông và trước đó là cha của cha ông nhắn nhủ như là một trối trăng duy nhất.

Năm 1950, vừa đúng 18 tuổi, trong khi cha mẹ mải mê theo chiếc ghe chở thóc xuôi ngược Cửu Long thì anh cùng hơn chục bạn tìm ra Phước Long làm phu đồn điền cao su. Chính nơi đây anh thanh niên lực lưỡng trui luyện trong lò luyện tội của đời làm phu và được cha xứ người Pháp dạy vỡ lòng tiếng Việt và tiếng Pháp cùng phương pháp tự thu thập kiến thức không qua trường lớp nào.

Năm 1952, tự nguyện sung vào lính Pháp để có cơ hội ra Phanrang nhưng chỉ được điều đến Phanthiết thì đại đội anh đóng trại. Hơn một năm sau, vừa khi thăng trung sĩ và được đề cử dự khóa huấn luyện đặc biệt, chuẩn bị phục vụ trong quân lực Đệ nhất Cộng hòa sắp ra đời, năm 1955, biết ở Tịnh Mỹ còn tồn tại gia đình bà Nguyễn Thị Thềm là công chúa cuối cùng thuộc hoàng tộc Chăm, anh liền bỏ trại mò tới. Kết thân với ông Lâm Nài sau này là phó Ban Biên soạn, cùng ông này nghiền ngẫm tủ sách của cụ Bố Thuận. Chính nguồn tư liệu quý giá này gợi hứng ông tìm tới đất Mali, và khi biết chắc Mưgauk chính tông cháu ba đời của cô bé Sarah ngày xưa qua mùi hương trầm – thứ mùi hương chỉ nghe được khi ta lắng lòng không còn vẩn đục bụi trần gian, cha nói thế – thoang thoảng từ gáy nàng trong lần tâm sự, ông quyết định lấy nàng.

Trớ trêu, ông phó lý theo đuổi nàng Mưgauk bấy lâu, dù có vợ đẻ sòn sòn năm đứa vẫn không tha nàng, đánh vào hồ nghi tay này có thể Việt cộng nằm vùng lắm với mật vụ Ngô Đình Diệm bấy giờ đang ráo riết kế hoạch bố ráp tát nước bắt cá, hơn nữa lí lịch ông mơ hồ chỉ biết ông là Chàm mới, nên bất chấp tình đồng tộc, đã sai tay chân đóng cổng ấp chiến lược khi ông làm ruộng tận Bami về sau sáu giờ tối. Lí do này, anh thanh niên kể huyền thoại nàng Mưhuê khi trước không nhắc tới hay không biết để nói. Thế là ông đi, hẹn vợ đương kì mang thai, khi chế độ gia đình trị họ Ngô sụp đổ, mình sẽ trở lại với em và con. Khi ông trở lại thì nàng đã mất. Ông không thể làm gì hơn, gửi đứa con cho bà Mưsa mẹ vợ nuôi nấng dạy bảo. Ông xách vali đầy sách ra đi, để lại Mali giai thoại về người Cam biruw rậm râu đã dám không góp 100 cây chông tre cho làng nước, và thêm: dám trồng không phải một mà là 13 cây me, chùm ruột, các thứ ngay trong khuôn viên nhà, mãi mười năm sau, chỉ cần nhớ lại sự cố này thôi các cụ có tuổi trong làng vẫn còn nghe hãi.

Bảy năm kể từ mùa Đông 1963, ông Malâm đóng trại ở Bính Nghĩa, là thời gian dài nhất ông trụ một chỗ, đến lúc này. Mặc dù các bà góa một, hai lửa luôn mong ông ghé uống nước nhưng ông đang dồn sức làm cuộc cách mạng xanh. Hiện tượng này Cao Xuân Hoang mù tịt, bằng không anh sẽ coi đó là ý tưởng đi trước thời đại, và xem việc làm của các chiến sĩ hòa bình xanh đang ảnh hưởng mạnh đến thế giới hôm nay chỉ lấy cắp lại ý tưởng của Chăm mà thôi. Bởi từ những năm năm mươi trở về trước, trồng được cái cây trong làng là điều thiên nan vạn nan hơn cả trồng nó trên mặt trăng. Chính tại nơi đây, ông khám phá ra liên hệ máu thịt giữa Bal Riya và Mali như một làng tách ra vậy.

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *