Chân dung Cát 21: Về cách viết tiểu thuyết

Những cuộc ra đi …

Không hiểu sao tiểu thuyết Chế Khan luôn tập trung vào các cuộc ra đi dang dở. Ít ra là ở các chương chúng ta được đọc. Chương 1 có tên “Những kẻ bị bỏ lại”, viết chi chít chữ nhỏ trên tập vở học sinh 50 trang, mô tả đoàn di dân chờ lỡ bộ chiếc thuyền đưa họ vượt biển, đã ở lại. Chính đoàn khoảng năm chục di dân này từ vùng núi Cà Ná xuôi Nam dọc duyên hải để cuối cùng kẹt lại rồi định cư, lập nên làng Mali.

Nếu đem nguyên chương ra in, độc giả có dịp theo bước chân đoàn di dân do thủ lĩnh Kuthan cầm đầu trong suốt hành trình với những khốn khó, mất mát qua ngòi bút không thể gọi bằng từ nào khác ngoài tài hoa của Chế Khan. Nhưng thật tình tôi không mặn mà lắm với lối viết “cổ điển” của tác giả này. Nó chỉ biết áp đặt cho người đọc gần như là chiều nhìn duy nhất. Không hơn. Trong khi định mệnh dân tộc Chăm biến thiên vô lường, gọi mời những đột phá đặc thù phiêu lãng biệt lệ.

Cả chương 3 với 72 trang cũng thế. Định mệnh Sarah qua ngòi bút Chế Khan dù gây xúc động mạnh nhưng nếu được tiếp cận theo hướng khác, bằng cách thế khác, vừa trực diện vừa đa diện thì nó sẽ lộ bày ở cấp độ sâu thẳm hơn, cao vời hơn. Đằng này, tác giả lê thê cà rề tuyến tính, tưởng tượng logic, hệ thống hóa sự việc đến mòn chán. Nhà văn phải biết tấn công vào ngay tâm điểm của đề tài. Làm cho đề tài bùng nổ. Để cùng bùng nổ với nó. Chứ không lòng vòng cho tính kể dẫn lối, tránh né và che lấp.

Người đọc hôm nay không có giờ hay đủ kiên nhẫn dõi theo tưởng tượng thêu dệt của nhà văn thế kỉ XIX. Như người thợ săn xưa kiên trì đi theo vết chân nai – dù chắc chắn – nhưng cuối cùng chỉ thu lượm được cái xác, có khi đã thối rữa. Trong lúc tốt hơn nên dồn sức bố ráp đa hướng, đánh vào trung tâm. Có thể nguy cơ bị xổng cao, nhưng nếu được: con nai sống.

Thật thừa khi chúng ta cứ lần theo đường mòn độc đạo vạch sẵn để mong tìm gặp một định mệnh kì lạ như Sarah (nhân vật chính của chương “Truyền thuyết làng Mali”). Tại sao không ở mỗi chương, mỗi trang hay mỗi dòng đều bàng bạc thân phận nàng? Cả khi bạn đang nói về nhân vật khác, chuyện khác, vấn đề khác? Ở thì quá khứ, hiện tại hay tương lai? Để người đọc có thể bắt gặp nó bất kì đâu, đoạn nào. Đọc ngược hay xuôi, hoặc tùy hứng giở trang nào đó bất chợt. Sau giờ văn phòng, trên xe buýt hay giữa buổi cày? Và ít nhiều soi thấy định mệnh mình trong đó.

Tôi đã thử thực hiện ý định này bằng cách làm hành trình ngược lại: từ khái niệm suy nghiệm được từ giữa lòng dân tộc, lần tìm dấu vết. Rất ít dấu vết. Ở đây, cái cốt tủy là gọi đúng tên sự vật. Chính danh.

– Như vậy, viết tiểu luận về nó không tốt hơn ư? Một anh bạn hỏi tôi thế

– Không. Không phải thể loại tiểu luận khô khan. Mà chỉ có tiểu thuyết mới theo đuổi, dung chứa và mở bày được những gì đề tài muốn nói. Mỗi thể loại văn chương chỉ có thể đảm nhận vấn đề đặc thù.

Cái tài của nhà văn là biết chọn thể loại tối ưu.

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *