Nguyễn Lục Gia: Từ Hồ Tôn quốc đến Tiểu vương quốc Aryaru

(Trường THPT Trần Quốc Tuấn – Phú Hòa – Phú Yên)

* Majoan (Nguyễn Lục Gia) & Inrasara trình diễn thơ – Đồi Thơm – Tuy Hòa, 4-2012 

[Từ khi bước vào thời kỳ chính sử (qua nguồn thư tịch Trung Hoa), vị trí của Hồ Tôn quốc đã bị lu mờ so với tiến trình dồn dập lên phía Bắc của vương quốc Lâm Ấp. Thế kỷ VIII, khi trung tâm dịch chuyển về phía Nam trong vùng đồng bằng Panduranga, Aryaru đã không được chú ý so với xứ Kauthara giàu có kế bên. Đến lúc lập đô tại Indrapura và từ năm 1000 ở Vijaya, Aryaru lần nữa bị phủ bóng bởi chức năng hàng đầu của kinh thành bên cạnh. Cuối cùng, nó được xem như là đất nằm giữa các thế lực tranh chấp cho đến khi trở thành một đơn vị hành chính cấp phủ của Đàng trong năm 1611.

Tuy nhiên, với đặc trưng chính trị tản quyền, vai trò tự chủ của các tiểu vương quốc Campapura nói chung rất lớn. Lịch sử của đa số các tiểu vương quốc này trên dưới 15 thế kỷ, tuy không biết đến một cách tường tận, song vẫn được nhận diện dựa theo một vài mảnh sử liệu sót lại. Nếu như những cái tên Sinhapura, Indrapura, Amaravati, Vijaya hay Kauthara, Panduranga có vẻ quen thuộc trong các công trình khảo cứu của người Pháp thì Hồ Tôn hay Aryaru cơ chừng lạ lẫm, bởi như lời của nhà Dân tộc học Nguyễn Văn Huy, sự hiện diện của tiểu vương quốc này trong lịch sử Champa không rõ ràng. Làm sáng tỏ vấn đề Hồ Tôn – Aryaru như thế nào để trả nó về với lịch sử Champa một cách xứng đáng?].

 

Đặc trưng địa – chính trị tiểu vùng Aryaru.

Nhà nước Champa (Campapura) hợp nhất theo hình thức liên bang từ các tiểu vương quốc khác nhau chạy dọc dài phía Nam dãy Hoành Sơn đến Bình Thuận trong thời kỳ cực thịnh về mặt lãnh thổ, có thể kể ra: Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Quảng Ngãi và Bình Định), Aryaru (Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa), Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận), chưa tính vùng thượng nguyên rộng lớn nằm ẩn sau các dãy núi xa về phía Tây. Mỗi tiểu vương quốc ứng với một số lượng cư dân nhất định, sinh hoạt độc lập và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, mà trong đó có thể còn có sự phân quyền nhỏ hơn nữa giữa các lãnh chúa địa phương. Vương quyền trung ương Champa chỉ đóng vai trò thần quyền, gìn giữ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, kêu gọi sự đóng góp về mặt nhân tài – vật lực để xây cất đền đài và thành lũy, chuẩn bị chiến tranh hay triều cống các thế lực hùng mạnh kề bên. Nói cách khác, thể chế chính trị của nhà nước Champa được tổ chức trên nguyên tắc tản quyền.

Tiểu vương quốc Aryaru nằm trong vùng thung lũng sông Ba và sông Cái, được chắn ở hai đầu theo hướng Bắc – Nam là hai dãy núi cao hiểm trở Cù Mông và Đại Lĩnh. Vào thời kỳ lập quốc của dân tộc Champa, có lẽ biển còn ăn sâu vào tận chân các dãy núi thấp choài ra của sườn Đông dải Wou Wen (Trường Sơn), do đó miền đồng bằng duyên hải Aryaru có giới hạn nhỏ hẹp hơn rất nhiều so với tầm nhìn thoáng đãng sau này. Đất đai trồng trọt của cư dân tiểu vương quốc tập trung xung quanh các triền đồi nối tiếp nhau sát biển và các rìa thung lũng rải rác ẩn sâu vào bình nguyên phía trong. Nhược điểm về mặt diện tích canh tác được bù lại bởi chất đất màu tươi xốp có nguồn gốc từ nham thạch núi lửa vào những thời kỳ cổ xưa pha lẫn với lớp phù sa mới không ngơi được đắp bồi theo từng mùa nước lớn. Dòng sông Ba chảy dài hơn 360 cây số từ thượng nguồn ra cửa biển đã chuyển tải một lượng khoáng chất dồi dào liên tục bồi bổ cho vành đai cây trồng nhiệt đới những nơi mà nó đi qua. Sông Ba cũng là biểu tượng kỳ vĩ của mối liên kết giữa cộng đồng cư dân Chàm cận biển với các bộ tộc ở phía Tây, bởi “Campa [Champa], trong nagara Campa – tên do chính người dân đặt cho vương quốc của họ – lại ám chỉ một liên minh bao gồm người Chàm và người cao nguyên” [1]. Đây chính là cánh cửa để đi vào tìm hiểu tính Thiêng của vùng đất này ngay từ thời kỳ lịch sử đầu tiên xác lập vương quốc Champa.

 

Hồ Tôn: nhà nước sơ khai thời tiền Champa.

Champa thường được biết đến rằng đã mở đầu thời đại của mình với cái tên Lâm Ấp ghi chép trong sử sách Trung Hoa, tuy nhiên truyền thuyết vốn hàm chứa nhiều điều bí ẩn của lai lịch một dân tộc đã cung cấp những thông tin sinh động hơn hẳn thế. Cổ tích Champa trong truyện Dạ Thoa vương (vua Mặt Qủy) trực tiếp kể về họ như sau: “Thời thượng cổ, ở ngoài nước Âu Lạc có nước Diệu Nghiêm, chúa nước ấy hiệu là Dạ Thoa vương, còn gọi là Trường Minh vương hay Thập Đầu vương (vua Mười Đầu). Nước này phía Bắc giáp Hồ Tôn Tinh quốc. Nước Hồ Tôn Tinh có vua là Thập Xa vương [vua Mười Xe], có thái tử là Vi Bà. Vợ Vi Bà là Bạch Tĩnh chiếu nương dung mạo rất đẹp đẽ. Dạ Thoa nghe nói rất thích, bèn đánh Hồ Tôn để cướp vợ Vi Bà. Vi Bà tức giận bèn đem loài vượn di hầu phá núi, lấp bể thành đường phẳng để công phá nước Diệu Nghiêm, giết Dạ Thoa vương, cướp vợ y mà trở về. (Loài tinh Hồ Tôn tức là tinh di hầu, chính là nước Chiêm Thành [Champa] ngày nay vậy) [2]. Đây không phải là “thể cải biên Ramayana” như lời của tác giả cuốn Le royaume de Champa suy đoán, mà theo sử gia Huber nhận định thì “Người chép sử Việt Nam cho rằng truyền thuyết đó ở Chiêm Thành, và đó là lý do để tin rằng không nên tìm nguồn gốc truyền thuyết đó trong một những Dacarathajataka của kinh điển Phật học, mà nó chỉ là tiếng vang xa xôi của sử thi Chàm ngày đã mất”; tuy vậy, “không còn nghi ngờ gì nữa là Hồ Tôn với Chiêm Thành là một” [3]. Như vậy, trước khi lưu truyền trong triều đình Trung Hoa bằng danh xưng Hán tự Lâm Ấp, người Chàm thời sơ sử đã có tên nước của họ là Hồ Tôn, được người Việt sử hóa khi định vị cương thổ của nhà nước Văn Lang thời Hùng vương: “Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn…” [4]. Hồ Tôn tiếp tục được duyên cách trong bộ quốc sử Nguyễn triều với phần biên thổ “Hồ Tôn… bây giờ là đất Bình Định” [5], bao quát hoặc chỉ nói riêng phần đất Phú Yên lúc này đang là một đơn vị hành chính cấp đạo, trực thuộc tỉnh Bình Định [6]. Rõ ràng Hồ Tôn là tên gọi thể chế nhà nước sơ khai của người Chàm chứ không phải kiểu gọi ngạo mạn rợ Hồ, rợ Nhung, rợ Man di… xuất phát từ triều đình Trung Hoa.

Nhà nước sơ khai Hồ Tôn tồn tại cùng đồng thời với Diệu Nghiêm ở phía Nam và Lạc Việt ở phía Bắc mà Hồ Vương thành hay thành Hồ có thể là trung tâm, với niên đại ở vào khoảng thiên niên kỷ I tr.CN. Những tranh chấp với nhà nước Lạc Việt phía Bắc không được nhắc đến như một bằng chứng đảm bảo nền hòa bình tương đối của Hồ Tôn, trong khi mặt Nam thường xuyên bị đe dọa bởi sự cướp bóc, tàn phá của những người mặt quỷ (Dạ Thoa). Do đó, với tính chất là đô thành của một nước, thành Hồ đã được xây dựng quy mô trong điều kiện có thể và trấn giữ trên bờ tả ngạn sông Ba, lấy lợi thế thiên nhiên của dòng sông ở mặt Nam để tăng cường thêm khả năng phòng thủ. Đây là lý do giải thích thỏa đáng vị trí bờ Bắc trên một dòng sông lớn, nơi mà tòa thành tọa lạc, trường hợp duy nhất trong toàn bộ lịch sử xây cất thành lũy Champa từ đó về sau, bởi theo kết quả khảo sát, tất cả các thành lũy Champa từ Bình Định trở ra Quảng Bình đều phân bố ở bờ Nam các con sông chính [7]. Tục danh Hồ Vương thành, tức đô thành của vua [8] chỉ ra đích thị vị thế hàng đầu của nhà nước tiền Champa hay Hồ Tôn và là thủ phủ của tiểu vương quốc Aryaru dưới thời Champa hợp nhất. Thành Hồ sau rất nhiều lần sửa chữa, trùng tu qua quãng thời gian dài trên hơn 15 thế kỷ tồn tại của các vương triều Champa đã khác xa so với kiểu kiến trúc ban đầu. Điều bí mật này đã vĩnh viễn chôn sâu trong lòng quá khứ sau biết bao biến cố của lịch sử mà không một công trình nghiên cứu hay khảo tả nào có thể phục dựng nổi. Hiển nhiên nó cũng bác bỏ luôn cách giải thích mù mờ rằng sở dĩ gọi tên thành Hồ là do trong thành có dấu tích ba hồ nước lớn(!), bởi vì không chỉ đối với kiến trúc thành lũy mà hầu như tất cả các công trình xây cất trong khu vực đều tuân theo thuật phong thủy, nghĩa là phải có hồ nước bao phủ bởi hoa sen, bất kể chịu ảnh hưởng kiến trúc của Ấn Độ hay Trung Hoa.

Thuyết phục hơn, cách Hồ Vương thành không xa, hai danh xưng có lịch đại lâu đời khác cũng tự chứng tỏ ấn tượng Hồ Tôn quốc khắc sâu trên đất này: Hồ Biển và Hồ Sơn Tự. Hồ Biển “ở chân núi Thạch Bi… có nhiều cá sấu, tính hiền lành, người chài cá chở thuyền nan đi lại, có khi thuyền cỡi trên lưng cá sấu, mà cá vẫn không làm hại” [6]; còn khu vực chùa Hồ Sơn nằm trên một mỏm đồi kề biển, được xác định là một quần thể đền tháp cổ Champa không muộn hơn niên đại thế kỷ VII và mang đậm dấu ấn Ấn Độ giáo bởi được trang hoàng bằng các pho tượng Phật mà đường nét “gần với những đặc trưng của tượng Phật thời Gupta của Ấn Độ (thế kỷ IV – VI) [9].

Như vậy, Hồ Tôn quốc tồn tại như một thiết chế nhà nước sơ khai tiền Champa từ trước đó cho đến thế kỷ II. Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng lại đặt đây thuộc quận Nhật Nam trên bản đồ đế quốc Đại Tần rộng lớn với lời khoe khoang: “Quận này ở phía Nam mặt trời, vì thế, ở đó người ta mở cửa về phía Bắc, theo hướng của mặt trời, cũng như là ở phía Bắc, các cửa đều quay về phía Nam”; trong khi các tài liệu Trung Hoa hoặc sao chép lại của Trung Hoa khác thì cho rằng “Quận này là đất đai của một vương quốc cũ gọi là Việt Thường, mà thực ra, chúng ta chỉ biết có tên thôi” [3]. Theo đó, đến thời Hán, Nhật Nam chia làm 5 huyện mà Tượng Lâm là huyện cực Nam, chữ Trung Quốc là Siang Lin, để rồi sau đó đi vào sử sách của người Trung Quốc như một trong những xứ bất trị, rằng “cư dân ở đây rất ngỗ nghịch (turbulents). Mùa xuân năm 100 s.CN, với số lượng hơn 2.000 người, họ xâm nhập vào các huyện khác của quận, triệt hạ các làng, giết chết những quan lại Trung Quốc, và khi họ được tin quân đội tới đánh dẹp họ, thì họ mới rút lui” [3].

Năm 137, cũng theo các tài liệu Trung Quốc ghi chép, “có 1.000 người Khu Liên, một dân tộc dã man ở bên ngoài biên thùy Tượng Lâm của Nhật Nam, đánh phá huyện lỵ Tượng Lâm, đốt hết thành quách và giết huyện lệnh. Phàn Diễn, Thứ sử Châu Giao lấy một vạn quân trong hai quận Cửu Chân và Giao Chỉ để đem đi chinh phạt, nhưng những quân lính này, kể cả các tướng tá nữa, không muốn đi đánh ở một nơi quá xa như vậy, đã nổi dậy đánh phá trụ sở của hai quận; phải khó nhọc lắm mới dẹp yên được cuộc nổi loạn đó. Những người Khu Liên không bị trừng phạt, lại càng làm già, mở rộng phạm vi bóc lột [cướp bóc], đánh bại tướng Giả Xương đem quân các châu quận đến đánh, đuổi Giả Xương bao vây thành mà Giả Xương trốn trong đó” [3]. Lúc này Thượng thư Lý Cố mới hiến kế bằng một chính sách ngoại giao mềm mỏng hơn là chiến tranh xâm lược, với một cuộc điều đình trực tiếp giữa Thái thú Chúc Lương với đại diện những người Khu Liên. Cuối cùng, người Khu Liên đã rút lui vào năm 138.

Những người Khu Liên này thuộc về dân tộc nào? Các nhà viết sử về dân tộc Chàm lý giải: “Trong tất cả những sự việc trên đây, không phải là vấn đề Lâm Ấp, tức là Chiêm Thành, đó là điều làm ta phải giả định rằng vương quốc này chưa được hình thành và người Chàm vào thời gian đó lại phân chia ra làm hai tiểu quốc hay quân khu mà tiểu quốc ở cực Nam có thể gọi là Khu Liên” [3]. Tuy nhiên, những người gọi là Khu Liên đó không thể có phạm vi cư trú chệch ra ngoài lãnh thổ Hồ Tôn, bởi vùng đất phía Nam dãy Đại Lĩnh gần cùng thời điểm này thuộc vương quốc Phù Nam, chứng cứ là tấm bi ký Võ Cạnh có mặt tại vùng Nha Trang vào thế kỷ III sau đó có nguồn gốc từ một hậu duệ của nhà vua Phù Nam, “dòng dõi của Cri Mara = Phạm Sư Man”, hoặc vị quốc chủ của “một nước chư hầu của Phù Nam” [10], chứ không phải đất của người Chàm, tức là người Khu Liên.

 

Aryaru trong thời kỳ Lâm Ấp.

Từ đó, theo diễn tiến sự kiện, lợi dụng sự suy tàn của nhà Hán, năm 192 con trai một Công tào huyện Tượng Lâm, họ là Khu, tên là Liên (K’iu-lien, còn gọi là Đạt hoặc Qùy, khác với đại từ Khu Liên chỉ chung người Man di trên đây) giết huyện lệnh, tự xưng làm vua, lập ra nước Lâm Ấp hay cũng có thể gọi là Vương quốc Champa cổ. Tiếp tục, “Những con cháu của Khu Liên, mà từ nay người ta có thể coi là những nhà vua của Champa” [10] lợi dụng tình hình phân rã của Trung Hoa để mở rộng lãnh thổ lên phía Bắc, cho đến năm 248 quân đội Lâm Ấp đã đánh úp các thành trì thuộc hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Thứ sử Giao Chỉ quận Lục Dẫn buộc “điều đình với họ và đã làm cho họ phải rút lui, nhưng Khu Túc và đất đai của nó , tức là vùng Huế ngày nay, vẫn ở trong tay họ” [3]. Năm 270, vua Lâm Ấp Phạm Hùng (Fan Hiong) liên kết với vua Phù Nam Phạm Tầm mở lại những cuộc tấn công, song cuối cùng cũng bị đẩy lùi về biên giới cũ. Đào Hoàng, viên tướng Trung Hoa chỉ huy những cuộc phản công kéo dài hàng chục năm trời, ghi lại: “Vương quốc của Phạm Hùng về phía Nam tiếp giáp với Phù Nam. Vương quốc đó có nhiều bộ lạc; những bộ lạc bạn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau; ỷ vào địa thế hiểm trở, họ không thần phục Trung Quốc” [3]. Từ lúc lập nước, trung tâm mới của Lâm Ấp, theo nghĩa là kinh đô của Tượng Lâm [11], dời từ Hồ Vương thành của Hồ Tôn ra thành Tượng Lâm, nơi mà “người Hán nhân họ đóng ở thành Tượng Lâm mà gọi là nước Lâm Ấp” và “kinh đô Lâm Ấp là ở Trà Kiệu” [12], tức Sinhapura.

Phạm Dật (Fan Yi) và sau đó là Phạm Văn (Fan Wen), với những kiến thức mới về nền văn minh vật chất Trung Hoa và cả Ấn Độ, đã cho tiến hành xây dựng một loạt các thành lũy quân sự kiên cố, chấn chỉnh lại quân đội và tiến thêm một bước về mặt ngoại giao. Năm 340 “Văn đưa cống vua Tấn voi thuần dưỡng kèm theo một bức thư… Có lẽ trong bức thư đó, lần đầu tiên Văn xin được chuẩn nhận cho lấy Hoành Sơn làm biên giới chung” [3]. Thực tế, Phạm Văn đã phải dùng đến hành động quân sự để đạt tới mục đích nới rộng lãnh thổ như sự ghi nhận: “Đến đời Phạm Văn thì bờ cõi nước Lâm Ấp đã vươn ra đến Hoành Sơn” mà “trung tâm điểm của nước vẫn là miền Quảng Nam” [12]. Việc ổn định về mặt hành chính trên lãnh thổ Lâm Ấp đã được tiến hành một cách căn bản với sự ra đời các khu vực cai trị và quản lý lớn hơn, sau khi tiếp tục sáp nhập hàng loạt các bộ tộc ở mạn phía Tây, gồm Đại Kỳ Giới, Tiểu Kỳ Giới, Thức Bộc, Từ Lang, Khuất Đô, Càn Lỗ, Phù Đan… [3]. Tên gọi Aryaru với tính cách một khu vực chính trị tự quản, nghĩa là một tiểu vương quốc độc lập, có lẽ xuất hiện trong thời điểm này.

Con Phạm Văn là Phạm Phật (Fan Fo) tiếp tục chính sách truyền thống mở rộng lên phía Bắc, được biết đến như một nhà vua Lâm Ấp đầu tiên gắn với tên thật của mình nhờ những bi ký dạng tự sanskrit lưu lại trong vùng Amaravati và Aryaru, mà theo đó vua Bhadravarman chính là tiếng Phạn của tên Phạm Phật. Ông vua này là “người sáng lập nên ngôi điện đầu tiên được xây dựng ở vòng cung Mỹ Sơn để thờ thần Bhadrecvara mà tên gọi, theo một tập quán mà người ta thường thấy sau đó, đã gọi lên tên của người sáng lập” [10] và kinh đô vẫn đóng tại Trà Kiệu, ở về hướng Đông khu thánh địa Mỹ Sơn. Trong các thời kỳ sau, vị thần Bhadrecvara được thể hiện tượng trưng bằng một linga (sinh thực khí nam), hình thức Civa giáo về vương quyền với vai trò của người bảo hộ đất nước. Sự kiện vị vua đầu tiên sáng lập khu đền thiêng ở Mỹ Sơn có bi ký cổ xưa nhất để lại tại chân núi Nhạn, nơi có ngôi tháp Po Nagar được dựng lên về sau cho thấy một mối liên hệ sâu xa bí ẩn giữa nơi phát tích với vùng đất trung tâm của vương quốc Lâm Ấp hiện thời.

Những cuộc chinh phục quân sự lên hướng Bắc vẫn được nhà nước Lâm Ấp ráo riết thực hiện như một áp lực gia tăng dân cư từ bên trong cũng như sự khao khát về những miền đất đai trù phú ở phần còn lại của quận Nhật Nam lẫn cả bên kia dãy Hoành Sơn. Mạnh bạo hơn, năm 433 vua Phạm Dương Mại II (Fan Yang Mah) đề nghị triều đình Trung Hoa cho cai trị đất Giao Châu, song đã bị từ chối. Tình hình giằng co dai dẳng cho đến khi xảy ra một biến cố trọng đại bên trong Lâm Ấp có nguyên do trực tiếp từ vương quốc Phù Nam. Một thần dân của nhà vua Jayavarman nước Phù Nam là Cựu Thù La (Kieou-tch’eou-lo) chạy sang Lâm Ấp, lợi dụng đang lúc hoàng gia rối loạn về việc tranh ngôi, tự xưng làm vua với vương hiệu Phạm Đường Căn Thuần (Fan T’ang-ken-tch’ouen). Vua Lâm Ấp không những đã tổ chức đánh cướp hàng hóa trên các thuyền buôn của triều đình Phù Nam mua về từ Quảng Châu mà còn cho quân đội xâm lấn sâu vào lãnh thổ miền biên thùy phía Nam. Lời cầu cứu Thiên tử Trung Hoa trừng phạt Lâm Ấp của Jayavarman không được chuẩn y; ngược lại, hàng cống phẩm hậu hĩ của sứ thần Lâm Ấp còn tranh thủ được sự ủng hộ của Thiên triều với tính hợp pháp quyền vương của Căn Thuần qua tước phong “Đô đốc lục hải chư quân sự An Nam tướng quân, Lâm Ấp vương” [3]. Ngờ rằng sự huy hoàng của triều đại Jayavarman “được phản ánh trong việc kính nể của hoàng đế Trung Hoa thể hiện đối với đất nước này” [10] qua một lệnh sắc gửi cho sứ đoàn Phù Nam năm 503 chỉ mang tính chất ngoại giao giả tạo, bởi vương quốc Lâm Ấp đang trong thời kỳ trỗi dậy thực sự chứ không chỉ là hành động liều lĩnh chống đối như những lời chỉ trích gay gắt nhưng tỏ ra bất lực của Jayavarman đối với Phạm Đường Căn Thuần trước triều đình Trung Hoa: “Hạ thần có một tên nô lệ là Cửu Thuần La [Cựu Thù La], tên này trốn đi, đến ở một nơi và tự xưng làm vua. Nó không hề tỏ ra có lễ độ; nó quên ơn và vi phạm nguyên tắc của công lý. Tội phản nghịch đối với chủ nó, trời cũng không thể dung… Nhưng nay Cửu Thuần La vẫn giữ tư cách đồi trụy của kẻ nô lệ, phạm tất cả các sự tàn bạo. Hơn nữa Lâm Ấp và Phù Nam là hai nước cùng chung biên giới; chính nó là một tên nô lệ của thiên tử, thế mà nó đã nổi loạn…” [3]. Rõ ràng, những lợi ích cao nhất của Phù Nam khiến Jayavarman tức tối vì bị Lâm Ấp xâm phạm, ngoại trừ hàng hóa – của cải ra, chỉ có thể là đất đai – lãnh thổ.

Với phần đất đai phía Nam vừa mới sáp nhập vào lãnh thổ vương quốc ngay trong thời điểm bức thiết này, giải tỏa áp lực xung đột tiến lên hướng Bắc không đạt được mục đích, nhà vua Lâm Ấp đã tổ chức lại các đơn vị cai trị trên toàn bộ xứ sở sau lần ổn định đầu tiên dưới thời vua Phạm Văn đối với khu vực chiếm cứ ở phía Bắc và phía Tây. Ít nhất có hai tiểu vương quốc mới ra đời, liền kề với Aryaru: Kauthara và Panduranga. Điều này cho phép khẳng định vai trò bàn đạp của Aryaru nói chung, Hồ thành nói riêng mà lúc này chiếm lĩnh vượt trội chức năng một tiền đồn quân sự xung yếu bảo vệ và mở rộng vương quốc Lâm Ấp ở hai mặt Đông – Nam. Sự kiện cũng đánh dấu sự suy sụp của đế chế Phù Nam dưới triều đại Jayavarman, để sau đó Rudravarman trở thành nhà vua cuối cùng kết thúc vào năm 540 sau 5 thế kỷ tồn tại, trong khi Lâm Ấp đang xu thế vận động mạnh mẽ vươn lên.

Tuy vậy, tổn thất nặng nề cả về người lẫn của không thể tránh khỏi trong những cuộc tranh chấp đã buộc Lâm Ấp phải huy động tối đa nguồn cung ứng từ các địa phương. Tiểu quốc Aryaru dù chiến sự không trực tiếp xảy ra, song cũng bị cuốn vào cơn lốc chinh phục và chiến bại. Năm 446, trả đũa các đợt tấn công dồn dập của Lâm Ấp, Trung Hoa đã phát động một chiến dịch chưa từng có dưới quyền chỉ huy của Đàn Hòa Chi (T’an Ho-tche), “đánh cho Dương Mại một trận đại bại chưa từng thấy” với một chiến trường đầy rẫy xác chết và chiến lợi phẩm thu về gồm vô số “vật lạ lùng và hiếm có, dĩ chí người ta không gọi đó là vật quý nữa… các đền bị tàn phá và các tượng bị nấu chảy thành những khối: đúc được 100.000 cân (livres) vàng nguyên chất” [3]. Tùy đế Dương Kiên (Yang Kien) gần một trăm năm mươi năm sau cũng bị kích thích bởi “một xứ lạ lùng có nhiều vàng và đồ quý hay lạ đến nỗi không biết dùng làm gì”, lợi dụng lúc vua Phạm Phàn Chí (Fan Fan-tche) tỏ vẻ muốn thoát khỏi quan hệ chư hầu, vào năm 604-605 đã cử Lưu Phương (Lieou Fang) tiến đánh Lâm Ấp, tàn phá kinh thành, bắt hết dân cư và cướp lấy 18 tấm bài vị bằng vàng của 18 đời vua đã trị vì cùng các kho báu… Những biến cố trên chứng tỏ tinh thần bất khuất cùng nỗ lực tự thân của một dân tộc biết chịu đựng lẫn khả năng kiến thiết và sáng tạo không ngừng trước sự bất lợi của điều kiện lịch sử và tự nhiên, bởi các triều đại cường thịnh vẫn nối tiếp làm chủ toàn bộ lãnh thổ trong nhiều thế kỷ kế theo.

 

Aryaru trong thời kỳ Hoàn Vương.

Nếu cho rằng trên phương diện huyết thống, Champa là sự hợp nhất của nhiều thị tộc khác nhau, trong đó hai thị tộc Dừa và Cau lớn nhất thay nhau trị vì thì từ giữa thế kỷ VIII, trung tâm của vương quốc đã chuyển từ Sinhapura (Trà Kiệu) thuộc vùng Amaravati vào Virapura (Phan Rang) xứ Panduranga, thái ấp của thị tộc Cau và là nơi có nhiều đại gia đình tiểu vương khuếch trương thế lực. Quốc hiệu lúc này được gọi mới là Hoàn Vương mà các vị quốc vương bắt đầu được truy tôn thụy hiệu. Hai biến cố đi liền với thảm họa của vương triều Hoàn Vương xảy ra vào các năm 774 và 787 tại Po Nagar Nha Trang và kinh thành Virapura do sự tấn công của người Java đã làm mất nhiều công sức đóng góp để phục dựng lại các trung tâm thần quyền lẫn vương quyền này. Cùng với việc đề cao vị nữ thần bảo hộ đất đai Po Nagar theo tín ngưỡng Hindu, các ngôi đền cùng tên đã được xây mới ở nhiều nơi trên “Toàn cõi campa” [3], nhất là trong địa phận thị tộc Cau, từ Aryaru đến Panduranga. Truyền thuyết lưu lại rằng bà Po Inư Nagar sản sinh ra các dòng họ trị vì đất nước, “Bà đầu tiên giáng xuống hạt Brama (Tuy Hòa), lập ra một làng lấy tên là Pallai Sarioanoa (tức xóm Bà Lài), sau đó lập đền ở xóm Pa Chucmaraasan ở Panduranga (Phan Rang), ít lâu sau bà cho ra đời Chơcalâu (Diên Khánh)” [9]. Có thể tại núi Nhạn và một số ngọn núi, gò đồi lân cận như gò Chùa, núi Bà, hòn Chùa, hòn Tháp… đã từng xuất hiện các ngôi đền Po Nagar đa dạng các kích cỡ ngay trong thời kỳ sùng kính Hindu giáo này, song đã không ngừng bị hủy hoại và phải dựng lại nhiều lần về sau. Những cuộc trấn dẹp kẻ thù làm dày thêm chiến tích của nhà vua Harivarman I (802-817) trải dài từ “vùng Chadra, vùng Đông Bắc, vùng Indra, vùng phía Đông, vùng Agni, vùng Đông Nam, vùng Yama, vùng phía Nam, vùng của Yaksha” [3] cho thấy một kết cục đổ nát không thể tránh khỏi cho dù quốc vương là người chiến thắng. Một Aryaru từng là đất phát tích của vương quốc Lâm Ấp, đất thang mộc của vương triều Khu Liên, vùng đất theo truyền thuyết là “nơi nữ thần Po Nagar giáng trần đầu tiên” [13], có tấm bia vinh danh vị quốc vương trước nhất với tên gọi chính thức Cri Bhadravarman, do đó Aryaru phải được tôn tạo về cơ sở thần quyền và được cúng dâng hậu hĩ phẩm vật cho các thần bảo trợ tối cao. Chắc chắn ngôi đền Po Nagar có niên đại thế kỷ X – XII trên đỉnh núi Nhạn là sự tái hiện một trong những Po Nagar hoặc một thực thể vương – thần quyền nào đó có từ trước đã bị phá hủy vì một nguyên nhân không được biết rõ. Như vậy, chí ít tiểu quốc Aryaru đóng vai trò dấu gạch nối về sự chuyển hóa quyền lực của các vương triều Champa trong một giai đoạn lịch sử mà ngay cả trung tâm quyền lực Đông phương là triều đình Trung Hoa cũng không thể đưa ra lời giải thích rõ ràng.

 

Aryaru trong thời kỳ Champa.

Vương triều Indrapura nối tiếp sự trị vì vương quốc bởi quốc hiệu mới Chiêm Thành (Tchan-tch’eng), nghĩa là thành của xứ Chiêm (Champapura), trung tâm lại dịch chuyển ra phía Bắc: vùng Amaravati, nhưng không phải Sinhapura như trước mà là Indrapura (Đồng Dương). Tiểu quốc Aryaru nằm ở giữa giữ vai trò hậu phương chiến lược, cung ứng lương thực và các đội quân tinh luyện để cùng tác chiến bên cạnh lực lượng liên hợp dưới quyền thống lĩnh tối cao của nhà vua, nhất là trong các trận đụng độ với quân đội Khmer ở Panduranga, Kauthara và có thể ngay tại các cửa biển Đà Lãng, Bà Đài. Bên cạnh sự quan tâm đặc biệt đến Po Nagar Kauthara với tư cách trung tâm thánh đường Hindu giáo ở phía Nam qua việc tu sửa, xây mới, dựng bia và dâng cúng phẩm vật, các vị quốc vương nơi kinh thành Indrapura không quên dành cho địa phận Aryaru vốn có mối quan hệ thần tích và thị tộc những ưu ái về hoạt động tôn giáo.

Với một kinh thành đã trở nên quá trống trải trước những cuộc đọ sức với đối phương, các nhà vua kế tục của vương quốc Champa quyết định dịch chuyển trung tâm lùi về phía Nam, lập ra vương triều Vijaya tại thành Chà Bàn vào năm 1000. Thành Hồ nằm bên bờ Bắc trong vùng thung lũng sông Ba thuộc tiểu quốc Aryaru được các triều vua Vijaya ra sức gia cố và tăng cường binh lực như một tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ vững chắc kinh thành trước những cuộc xâm lấn của Khmer, Xiêm La, Java cũng như những mưu toan nổi loạn của các thế lực lãnh chúa xuất phát từ xứ Panduranga mà họ có thể dẫn quân ra phía Bắc uy hiếp Vijaya, những kẻ “xấu xa, bất lương, luôn luôn nổi loạn chống lại vua của họ” [10] dưới thời Paramecvaravarman I vào năm 1050 hay thời Paramabodhisattva năm 1086.

Dù rằng lãnh thổ ngày càng bị thu hẹp từ hướng Bắc, triều đại Vijaya vẫn không dám liên minh một cách thực sự với vương quốc Khmer trong những chiến dịch quân sự công phá Đại Việt, do đó Vijaya lại trở thành nạn nhân của mọi thất bại từ phía Khmer dưới thời vua Suryavarman II mệnh danh “nhà chinh phục lớn”[10], mở đầu những thời kỳ bị truy bức và xung đột mới đến từ phương Nam. Quãng thời gian 1145 – 1149 kinh thànhVijaya nằm dưới ách xâm lược của Khmer đã đặt khu vực Aryaru trong tình trạng chiến tranh khẩn cấp, nơi tập trung binh lực để tập kích và chuẩn bị tổng phản công phủ đầu quân Khmer xuất phát trên cao điểm dãy Cù Mông. Thực tế là từ năm 1148, sau hai lần phản công thắng lợi đối với lực lượng hỗn hợp Khmer – Chàm dưới quyền chỉ huy của tướng quân Cankara tại Panduranga, vua Champa mới lên ngôi tại đây là Jaya Harivarman I đã tiến quân về phía Bắc, phối hợp với các lực lượng đã được tập hợp từ trước trong vùng Kauthara và Aryaru, chia làm nhiều cánh đánh mạnh vào trung tâm Vijaya “giết chết Harideva [vua do người Khmer dựng lên], tiêu diệt vua này cùng với tất cả các senapati [tướng lĩnh] Chàm và Khmer cùng quân đội Chàm và Khmer… Ông giết tất cả” [3], chấm dứt sự chiếm đóng của Khmer. Với lực lượng tiên phong thiện chiến tuyển mộ từ các tiểu quốc phía Nam này, Jaya Harivarman I còn làm được nhiều hơn thế: trấn dẹp sự chống đối của các bộ tộc miền núi gồm “Radê, Mada và các rợ khác (Mlecch’a)”, đánh tan cuộc phản loạn của người em rể Vamcaraja được “nhiều tướng lĩnh Yavana [người Việt] cùng những đội quân Yavana rất thiện chiến, con số lên đến 10 vạn người…” [10] vào năm 1150.

Với thực lực tích tụ mới, sau khi tìm cách loại bỏ sự can thiệp của Trung Hoa và Đại Việt thông qua những sứ đoàn ngoại giao và cống phẩm hậu hĩ, năm 1177 nhà vua Jaya Indravarman IV tấn công Khmer bằng đường biển, “ngược dòng lên tận kinh đô của người Khmer, chiếm lấy rồi cướp phá, sau đó rút lui, mang về một khối chiến lợi phẩm đồ sộ” [3]. Hành động quân sự mang đầy tham vọng cướp bóc này đã đẩy triều đình Vijaya đi sâu vào con đường phiêu lưu, bất cẩn và bị trả giá đắt hơn mười năm sau đó. Năm 1190, trong một cuộc đột nhập khác vào lãnh thổ Khmer, quân đội Champa bất ngờ bị chặn đánh tan tác. Thừa thắng, các lực lượng hùng hậu được chuẩn bị lâu nay của Khmer do một viên tướng Chàm tài giỏi chỉ huy đã tràn vào kinh thành Vijaya, quản chiếm toàn bộ lãnh thổ Champa. Cục diện chia tách được áp dụng đối với một vương quốc có lịch sử thống nhất lâu dài này: vương quốc Vijaya ở phía Bắc mà vua là một vị hoàng thân Cao Miên và vương quốc Panran ở phía Nam do chính viên tướng Chàm chiến thắng cai quản, với vương hiệu Cri Suryavarmandeva. Tiểu quốc Aryaru có lẽ thuộc về vương quốc phía Nam với mối liên hệ thị tộc sâu xa. Do sự thúc đẩy mạnh mẽ của một chuỗi biến cố chính trị xảy ra ngay sau đó, Surryavarman đã thâu tóm hai quyền hành làm một, trị vì trên toàn bộ vương quốc vào năm 1192. Tuy nhiên, các cuộc trả đũa liên tiếp của nhà vua Khmer cuối cùng đã sáp nhập Champa thành một tỉnh trong đế quốc rộng lớn dưới triều vua Jayavarman VII từ năm 1203.

Đến năm 1220, tình thế mới đã khiến Khmer tự nguyện rút lui khỏi Champa, trao quyền cai quản toàn bộ lãnh thổ cho một hoàng thái tử Chàm được nuôi dưỡng trong triều đình Khmer từ nhiều năm trước, lên ngôi năm 1226 với vương hiệu Jaya Paramecvaravarman II như một sự “lấy được ngôi vua của cha ông là công việc thông thường sau khi những cuộc đại chiến kết thúc” [3]. Paramecvaravarman cho xây lại cung điện, tu bổ đền đài, cung cấp lại những báu vật đã bị quân Khmer cướp đem đi, phục hồi nền sản xuất bị tàn phá kéo dài, quy phục các tiểu quốc chống đối; đồng thời “Ông khôi phục lại tất cả những pho linga tại miền nam như ở Yang Pu Nagar (Po Nagar thuộc Nha Trang) và những linga tại miền Bắc như ở Cricanabhadrecvara (Mỹ Sơn)” [10]. Vùng Aryaru kề cận kinh thành Vijaya hoành tráng trong giai đoạn phục hưng đầy khí thế sau khi giành được quyền tự chủ và hòa bình đã chiếm một vị trí đáng kể trong chính sách hoạch định kinh tế cùng các hạng mục tôn tạo văn hóa – tín ngưỡng trên quy mô toàn quốc.

Thảm họa đối với các dân tộc Á – Âu nói chung đến từ quân đội du mục Mông Cổ đã đặt Champa trước tình thế sống còn vào nửa sau thế kỷ XIII. Nhà vua già Indravarman V liên tục bị các điều kiện quá cỡ của đối phương dồn ép, song vẫn ngoan cường không chịu khuất phục, chống trả quyết liệt những đòn tấn công của kẻ địch do tướng Toa Đô chỉ huy trực diện vào Vijaya, sau đó lùi sâu về phía thượng nguyên cầm cự lâu dài với sự giúp sức tháo vát và thông minh của thái tử Harijit. Trong thời điểm phải đối phó với kế hoạch bao vây phong tỏa của kẻ thù vô cùng cam khổ gay go này (1283-1285), sự phối hợp về mặt quân sự của các lực lượng miền Nam qua vùng Aryaru giáp ranh mặt trận chính diện cùng với những hỗ trợ vật chất cần thiết lên vùng thượng nguyên ngược theo tuyến sông Ba thực sự đóng vai trò chiến lược trọng yếu. Những nỗ lực vượt bậc đó đã đạt mục đích, khi quân dân Đại Việt ở phía Bắc lần lượt tiêu diệt các cánh quân Nguyên – Mông, tạo điều kiện cho Champa thu phục lại kinh đô Vijaya và các phần đất bị kẻ thù chiếm đóng. Thái tử kế ngôi với vương hiệu Jaya Simhavarman III, người Việt gọi là Chế Mân sau đó đã thiết lập mối quan hệ đặc biệt với Đại Việt bằng cuộc hôn nhân của chính ông và công chúa Trần Huyền Trân nổi tiếng trong lịch sử giao hảo hai vương quốc, nhưng ngược lại ông là vị quốc vương đã kiên quyết cự tuyệt việc xin đổ bộ của binh đoàn thuyền chiến Mông Cổ lên vùng bể Champa trên đường chinh phạt Java vào năm 1292.

Nỗ lực nhằm đưa vương quốc trở lại thời cường thịnh như trước dưới vương triều Chế Bồng Nga (Ngo-ta ngo-tcho) mà gọi theo truyền thuyết dân tộc Chàm là Binasuor, đã vắt kiệt sự đóng góp các nguồn nhân vật lực ở các tiểu quốc miền Nam để mở rộng chiến tranh và chiếm đóng lên tận các tỉnh giáp ranh thuộc Đại Việt là Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An đồng thời quấy rối liên tục Thanh Hóa, vùng trung châu Bắc Kỳ và cả kinh thành Thăng Long của nhà hậu Trần. Cái chết bất ngờ trong trận thủy chiến trên vùng biển Đại Việt của nhà vua Chế Bồng Nga năm 1390 và sự tiếm ngôi của một tướng lĩnh tên là La Khải với vương hiệu Jaya Simhavarman V đã tiếp tục thu hẹp lãnh thổ Champa chỉ còn lại từ phía Nam miền Indrapura trở vào thời trị vì của con ông sau đó. Từ năm 1407, nhà Minh xâm chiếm Đại Việt đã tạo cơ hội Champa thu phục khu vực này, đồng thời rảnh tay quay sang đánh chiếm Khmer, vinh danh chiến công trên miền đất giáp ranh Biên Hòa năm 1421.

Tuy nhiên, vương triều Indravarman VI khá lâu dài và ổn định qua hơn 40 năm kết thúc năm 1441 đã nhanh chóng lâm vào suy thoái trong đoạn còn lại của lịch sử Vijaya. Năm 1446, kinh thành bị Đại Việt đánh chiếm mà cùng với vô số chiến lợi phẩm khi trở về của đối phương còn có cả quốc vương Maha Vijaya. Cuộc đại chiến đầu năm 1471 chấm dứt vĩnh viễn Vijaya với những tổn thất cực kỳ to lớn: 600.000 người chết cùng 300.000 tù binh, trong đó có nhà vua Bàn La Trà Toàn và toàn bộ hoàng gia. Thủy quân Champa sau khi ngăn chặn không hiệu quả đoàn chiến thuyền hùng hậu gồm 15 vạn thủy binh của hoàng đế Lê Thánh Tông ở cửa bể Cri Vini (Thi Nại), một bộ phận đã lùi về các cửa biển Aryaru để chuẩn bị tập kích nếu thủy binh Đại Việt bị đánh bật khỏi vùng vịnh, tuy nhiên điều dự tính đó đã không xảy ra. Một bộ phận binh lính khác sau khi thành Vijaya thất thủ, do tướng Bô Trì Trì chỉ huy đã mở cửa thành đánh cảm tử mở đường rút chạy về phía Nam. Cửa Đà Lãng và thành Hồ của Aryaru là nơi dừng chân tập kết đầu tiên của các lực lượng Champa sống sót này cùng với quân đội yểm trợ của các tiểu quốc miền Nam. Khi những tin tức cuối cùng về Vijaya được biết một cách tuyệt vọng, cắt đặt một lực lượng bộ binh và thủy quân thiết yếu để trấn giữ Aryaru, tướng Bô Trì Trì đem toàn bộ binh lực còn lại lui về Panduranga. Aryaru trở thành vùng biên giáp ranh với vương quốc Đại Việt mà Việt sử gọi là Hoa Anh quốc, trong thế kiềm chế lẫn nhau giữa Champa với Hoa Anh và Nam Bàn [14].

Hoa Anh dù là một tiểu quốc thần thuộc Đại Việt, song về mặt lãnh thổ, huyết tộc và văn hóa có mối quan hệ thống nhất với Champa. Trên thực tế, lãnh thổ Hoa Anh là một bộ phận không tách rời với Champa tại Thạch Bi Sơn mà theo truyền thuyết của người Việt, nơi đó là biên giới. Từ sau năm 1471 đến trước biến cố thành Hồ năm 1578, triều đình Champa tại Panduranga quan tâm đặc biệt đến Aryaru trong vai trò chiến lược mà nó đảm trách. Đèo Cù Mông hiểm trở ở phía Bắc được xem là địa giới thiên nhiên khó vượt đối với người Việt. Thành Hồ có từ thời tiền Champa tiếp tục được củng cố vững chắc để phòng thủ không chỉ đối với mặt Nam mà bảo vệ luôn cả vùng thượng nguyên rộng lớn phía Tây trong mối liên minh truyền thống lâu đời. Ba cửa biển lớn Đà Lãng, Bà Đài, Cù Mông với sự đóng giữ của các đội chiến thuyền vừa làm nhiệm vụ tiễu trừ đám hải tặc Nhật Bản, Trung Hoa, Mã Lai, Java vừa tiến hành buôn bán với thương nhân khu vực, có cả người Ấn Độ, Ả Rập lẫn người Bồ Đào Nha đến từ phương Tây. Đặc sản của núi rừng nhiệt đới từ phía Tây dọc dãy Wou Wen (Trường Sơn) theo tuyến sông Ba hoặc trao đổi qua các nguồn Thạch Thành, Hà Duy, Đá Bạc, Suối Gạo như tên gọi người Việt về sau đã hấp dẫn đông đảo giới thương nhân ngoại quốc. Đặc biệt, nhiều chuyến hàng chở trầm hương và gỗ quý tổ chức theo định kỳ hướng đến các bến cảng của Malacca, Java, Ấn Độ, Trung Hoa vốn là những bạn hàng truyền thống. Cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên của Champa với thương nhân phương Tây là người Bồ Đào Nha vào năm 1523 sau khi họ chiếm cứ Malacca năm 1511 và về sau ở Ma Cao năm 1550 đã mở ra cơ hội giao thương giữa hai vương quốc mà vũ khí là hạng mục hàng hóa mua về ưu tiên số một đối với hoàng gia Champa.

Quân đội được trang bị bằng một số loại vũ khí hạng nặng như đại bác và thuốc nổ, con đẻ của nền kỹ thuật mới phương Tây giai đoạn hậu kỳ trung đại chuyển qua cận đại, nhà vua Po At của Champa nhận thấy không thể trì hoãn việc mở cuộc tấn công lên phía Bắc núi Cù Mông để thu hồi một bộ phận đất đai mất về tay người Việt. Cuộc tấn công triển khai vào năm 1578, đã nhanh chóng bị đẩy lùi bởi quân Nguyễn đang trong thời kỳ tích hợp thực lực nhằm đoạn tuyệt với họ Trịnh ở Đàng ngoài, lợi thế không chỉ số đông mà vũ khí trang bị cũng hiện đại không kém nhờ tận dụng những cơ hội thương mại tuyệt vời được họ Nguyễn cổ vũ theo chính gương vương quốc Champa [1]. Thừa thắng, danh tướng Lương Văn Chánh “tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Hồ thành” [15], “thành kiên cố và đồ sộ nhất trong lịch sử vương quốc Chiêm Thành” mà vua Po At với niên giám 1553 – 1579 “có lẽ đã bị chết trong thời điểm này” [16].

Năm 1597, theo lệnh của Tổng trấn Nguyễn Hoàng mà sử biên niên của họ Nguyễn về sau gọi là chúa Tiên, dù lúc này còn đang phụng sự vua Lê tại Đông Đô nhưng vẫn theo dõi sát sao tình hình miền Nam trong phạm vi cai quản của mình, Lương Văn Chánh tổ chức di dân người Việt, khẩn hoang lập làng suốt từ Cù Mông, Bà Đài đến Đà Diễn, Đà Nông trên vùng đất Hoa Anh. Vương quốc Champa sau hơn ba mươi năm gây dựng lực lượng từ lúc thất thủ tại thành Hồ, đến thời vua Po Nit đã tiếp tục cuộc tấn công tái chiếm Hoa Anh vào năm 1611, song những nổ lực cuối cùng này đã bị hoàn toàn thất bại bởi cuộc chinh phạt lần thứ hai của quân Nguyễn do chính một viên tướng Chàm thống lĩnh: Văn Phong. Nhằm dứt điểm về mặt chủ quyền, Nguyễn Hoàng lấy đất tiểu quốc Aryaru – Hoa Anh lập thành phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa [17]. Biên giới vương quốc Champa vĩnh viễn bị đẩy lùi vào phía Nam dãy Đại Lĩnh, mà chỉ có thể bắt đầu từ thời điểm này nó mới được gọi tên Thạch Bi Sơn với ý nghĩa là nơi có núi đá bia phân định ranh giới giữa hai vương quốc.

 

 

Tài liệu chú dẫn:

[1] Li Tana (1999), Xứ Đàng trong: lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 23, 116.

[2] Vũ Quỳnh, Kiều Phú (1960), Lĩnh Nam chích quái, NXB Văn hóa, Hà Nội, tr. 102.

[3] G. Maspéro (1928), Vương quốc Chàm, NXB G. Văng Oet, Pari và Bruyxen, Bản đánh máy phô tô tại Thư viện Hải Phú (Phú Yên), tr. 57, 58, 59, 61, 62, 73, 75, 84, 85, 98, 113, 115, 177, 180, 182.

[4] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, NXB Khoa học Xã hội, tr. 133.

[5] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 75.

[6] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, tập III, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 9, 70-71.

[7] Trần Quốc Vượng (2001), “Những phát hiện mới của khảo cổ học ở Phú Yên”, tạp chí Xưa và nay (số 106), tr. 21-22.

[8] Đào Duy Anh (1992), Hán – Việt từ điển, quyển Thượng, NXB Khoa học Xã hội, tr. 568.

[9] UBND tỉnh Phú Yên (2003), Địa chí Phú Yên, NXB Chính trị Quốc gia, tr. 602, 205-606.

[10] G. Coedès (2008), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, NXB Thế giới, tr. 89-94, 101, 252, 287, 295-296, 325.

[11] L. Aurousseau, BEFEO, XIV, 9, tr. 27. Dẫn theo G. Coedès (2008), “Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông”, NXB Thế giới, tr. 93.

[12] Đào Duy Anh (2003), Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Khoa học Xã hội, HN, tr. 854, 857.

[13] UBND tỉnh Phú Yên (2009), Lịch sử Phú Yên từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 35.

[14] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Khoa học Xã hội, tr. 450.

[15] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 1, NXB Thuận Hoá, Huế, tr. 89.

[16] Lương Ninh (2006), Vương quốc Champa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 213.

[17] Quốc sử quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, NXB Sử học, Hà Nội, tr. 43-44.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *