Võ Phiến: Thơ lục bát Chàm

(tài liệu cũ – tham khảo)

Đất Nước Quê Hương , Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr. 135-138

 *

Có nhà phê bình lấy làm lạ: Trong văn học Việt Nam, việc tiếc thương dân tộc Chàm tàn lụi lại dành cho một cậu bé con. Tập Điêu tàn được xuất bản năm tác giả mười bảy tuổi: vậy những bài thơ đầu tiên Chế Lan Viên viết ra từ năm mười hai, mười ba tuổi chăng?

Thực ra chuyện không đáng lạ. Ở Bình Định quê tôi, Chàm là một dân tộc đã chết, một dân tộc ma. Mà thế giới ma quái kích thích nhất trí tưởng tượng của các cậu bé: lớn lên, Chế Lan Viên không hay nhắc nhở về Chiêm quốc nữa.

Nơi Đồ Bàn đô cũ, người Chàm còn để lại những di tích và nhiều huyền thoại: những ngọn tháp và nhiều câu chuyện  huyền hoặc về vàng Hời, ma Hời v.v… lưu truyền trong dân chúng:

Chế Lan Viên tưởng tượng:

Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi

Hời đã là ma, lại là thứ ma kỳ quái: trong đên khuya, nghe tiếng trống cầm canh, mà Hời nhớ lại cảnh dương gian:

Rồi lấy ra một khớp xương rợn trắng

Nút bao dàng huyết đậm khí tanh hôi

Tìm những miếng trần gian trong tủy cạn

Rồi say xưa vang cất tiếng reo cười

 

Ở Bình Định, tôi lớn lên giữa những chuyện hoang đường về một dân tộc ma; vào Bình Thuận, gặp một dân tộc sống. Và tôi ngạc nhiên về những người bạn Chàm

Về những câu thơ mà các người bạn ấy vẫn ngâm nga chẳng hạn.

 

Anh M.K.H đọc nghe bài hát ru con:

 Nưk lơyk đih ka wơr

Klak mong pak Bak mưbuk mưbar tian maiy

kyk ran đih maik

k hia nưk chok ngak gaik wơy nư

 

Biết qua tài liệu, qua sách vở, rằng người Mường, người Chàm có những điệu thơ giống ta, đó là một chuyện. Còn như một hôm, bỗng có dịp bắt gặp điệu thơ lục bát phát ra bằng ngoại ngữ, do một người đang đối diện, quả là một chuyện khác hẳn. Cảm tưởng bỡ ngỡ, bàng hoàng.

Điệu thơ lục bát phôi thai từ bao giờ? Đôi ba nghìn năm trước chăng? Từ thời đại Hùng Vương dựng nước chăng? Từ khi mới có tiếng nói chăng? Con người thích ngêu ngao sớm lắm. Mà người Việt Nam chúng ta, đã ngêu ngao là ngêu ngao theo câu lục bát: mấy nghìn điệu dân ca chẳng qua đều quanh quẩn bên câu thơ lục bát. Âm điệu lục bát dính liền với lối cảm xúc của dân tộc trải từ kiếp nọ đến đời kia…

Câu thơ lục bát chắc hẳn phải được kể là một tronng những biểu lộ cá tính thấm thiết nhất của dân tộc Việt Nam: thơ ấy khác hẳn với thơ Tàu, và nhất mực từ chối mọi ảnh hưởng Tàu trải qua mấy nghìn năm gần gũi. Dễ gì tìm thấy một hình thức nghệ thuật khác giữ được bản sắc vững vàng như nó trước sự tấn công trường kỳ của văn hóa Tàu? Vậy, lục bát là cái gì hết sức thâm thúy đối với tâm hồn Việt nam.

Và, lạ lùng thay, điệu lục bát lại cũng thâm thúy đối với dân tộc Chàm!

Một thể thơ phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, đã được mọi tầng lớp dân gian ngâm nga, đã làm cơ sở cho các điệu dân ca v.v… một thể thơ như thế nhưng thể được vay mượn, không thể du nhập từ ngoài vào. Nó phải bắt nguồn từ đầu ngay trong cuộc sống dân tộc. Do đó, giữa câu thơ Việt và câu thơ Chàm hẳn nhưng phải có tương quan ảnh hưởng, mà có mối tương quan về nguồn gốc.

Nguồn gốc của câu lục bát? Các nhà khảo cứu văn học nãn lòng trước sự khó khăn xa xôi ấy. Nó thuộc về một thời mờ mịt, tít tắp, mơ hồ… Nào ngờ, một hôm, một buổi chiều, trước tách nước mời khách, bỗng dưng bắt gặp một chứng cứ liên quan đến nguồn gốc ấy từ cửa miệng một người vừa bập điếu thuốc vừa nói, một người ngồi trước mặt ta. Bạn cũ cố tri, gốc gác thân thiết từ mấy nghìn năm của câu lục bát Việt nam là đây!

Mấy câu thơ trên là tôi phiên âm theo tai nghe. Anh M.K.H viết:

Nưk lơy nưk đih ka war

nhưng việc La Mã hóa tiếng Chàm chưa thống nhất, tôi chọn lối ghi đại khái, chỉ cốt làm dễ dàng cho độc giả.

 

3 thoughts on “Võ Phiến: Thơ lục bát Chàm

  1. Lạ quá! Đây thực là điều em không thể ngờ!
    Giá mà bác Inrasara có thể thâu âm và đăng lên cho độc giả nghe thử một vài câu thơ lục bát Chăm nhỉ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *