Bá Văn Quyến: Hệ thống chức sắc tín ngưỡng dân gian Chăm ở Ninh Thuận

Ninh Thuận là nơi có nhiều tộc người Chăm sinh sống, với số dân vào khoảng 67. 274 người (Số liệu thống kê năm 2009)(1). Họ theo tín ngưỡng đa thần và có khá nhiều lễ nghi tín ngưỡng nên đã hình thành các vị chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian Chăm. Qua khảo sát thực tế thì các vị chức sắc này có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng đối với cộng đồng người Chăm. Đồng thời, là bộ phận góp phần lưu giữ giá trị di sản văn hóa Chăm. Về các chức sắc tín ngưỡng dân gian Chăm ngoài thành phần thực hiện lễ cúng trên đền tháp, các lễ múa (Rija), lễ nghi nông nghiệp… còn có thành phần cúng tế lễ tang. Như vậy, việc khảo sát các vị chức sắc tín ngưỡng dân gian và hệ thống lại là vấn đề rất cần thiết.

  1. Ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar) và Bà Bóng (Muk Pajuw)

Hai vị chức sắc này thường đi đôi với nhau chuyên cúng tế lễ nghi tín ngưỡng dân gian Chăm như: Lễ nhập Kut, các lễ nghi trên đền Tháp, ngap puis, ngap sua… ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar) là người hát xướng Thánh ca, ca tụng công đức của các vị thần linh, bà Bóng (Muk Pajuw) dâng lễ khấn mời các vị thần linh về dự lễ (Mâliéng yang). Họ có một cuộc sống kiêng cữ rất nghiêm ngặt: như không ăn thịt bò, thịt lươn, cá trê…, không ăn những con vật chết, những loại hoa quả như: chuối hột, quả sung…

Ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar) thường được truyền theo dòng họ: cha truyền con nối, còn bà Bóng (Muk Pajuw) được truyền theo dòng họ mẹ. Hiện nay ở khu vực đền tháp Po Romé không còn bà Bóng nữa, vì không có người muốn kế tục vị này.

Ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar) và Bà Bóng (Muk Pajuw) muốn được chính thức đứng vào hàng ngũ chức sắc tín ngưỡng dân gian và để trở thành người tế lễ chính trong các lễ nghi của tộc người Chăm, thì phải trải qua lễ tôn chức như: lễ “Paoh bangâh tagok gru”, lễ lăng đao (kakuak ndaw). Sau khi qua hai lễ này “Ong Kadhar” được gọi là “Ong Kadhar gru”, và để trở thành vị chức sắc tín ngưỡng dân gian hoàng đạo thì ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar) và bà bóng (Muk Pajuw) phải trải qua lễ “Ngap Panoja” để tẩy thể (Pacih rup).

Ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar) mặc loại áo dài màu trắng (Aw sah likei): dệt bằng vải thô không có hoa văn, cổ áo được cắt may như hình lưỡi đao chéo từ cổ sang nách, áo có bạ cổ. Áo mặc dài qua đầu gối, khi mặc hai phần thân của áo xếp chồng lên nhau (Phần thân bên trái chồng lên phần thân bên phải) và buộc dây vải ở gần phía trước ngực phải và gần phía trước ngực trái. Mặc loại váy hở (Khen mbel jih): dệt bằng vải thô màu trắng, may cạp váy hoa văn hình rồng và buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing bingu tamun): dệt hoa văn hai mặt như hoa văn hình quả trám, hoa văn hình neo thuyền. Đầu đội (Khen mâthem taibi): là loại khăn dài màu trắng có hai tua vải đỏ, có cạp váy (dalah) may viền ở hai đầu và dệt hoa văn; đội khăn đỏ (Siép bhong), mang bốn túi nhỏ trước ngực để đựng trầu cau, cùng với một số đồ cúng (Kadung gibak Kadung hala). Đồng thời đeo bên thắt lưng cái túi nhỏ dùng đựng thuốc hút (Kadung takaw). Ngoài ra ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar) còn mang theo đàn kanhi, cây gậy thần (Gai gru) khi đi hành lễ. Còn về lễ phục của ông kéo đàn Kanhi (Ong Kadhar) chưa trải qua lễ tôn chức cũng tương tự như trên, nhưng chỉ khác là mặc váy hở (Khen mârang): dệt bằng vải thô màu trắng, trơn không may cạp váy và buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai): có hoa văn bình thường.

Bà Bóng (Muk Pajuw) mặc áo màu trắng (Aw sah kumei: về hình thức cơ bản cũng tương tự như “Aw sah likei”, nhưng “Aw sah kumei” chỉ mặc ngắn đến đầu gối, cổ áo nhỏ trông giống như hình trái tim. Mặc váy màu trắng, có may cạp váy dệt hoa văn ở hai đầu gọi là “Khen biyor”. Ngoài ra bà Bóng (Muk Pajuw) còn mặc áo dài phụ nữ Chăm màu trắng, đầu đội khăn màu trắng có viền hoa văn (Khen puah), tai đeo sợi chỉ có đính tua vải màu đỏ (Bruei cuk tangi), trên tay cầm khăn đỏ (Siép bhong).

  2. Ông giữ đền (Ong Camnei)

Có nhiệm vụ giữ các đồ thờ cúng như lễ vật của thần, trông nom đền (Sang danaok), lăng tháp và trợ giúp Cả sư (Po Adhia) tế lễ trên đền tháp như tẩy thể tượng thần.

Ông giữ đền (Ong Camnei) mặc áo dài trắng (Aw sah likei), mặc váy trắng không có viền dải trang trí hoa văn (Khen mârang) và buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai), đầu đội khăn (Khen mâthem taibi), khăn đỏ (Siép bhong), đeo túi nhỏ (Kadung) bên thắt lưng.

  3. Các vị chức sắc tín ngưỡng dân gian Chăm trong các lễ múa (Rija)

  3.1. Ông vỗ trống Baranâng (Ong Mâduen), Ông Bóng (Ong Ka-ing) và Bà Vũ sư (Muk Rija)

Ông vỗ trống Baranâng (Ong Mâduen) thường đi cặp với ông Bóng (Ong Ka-ing) trong các lễ múa (Rija) như lễ múa đầu năm (Rija nâgar) của tộc người Chăm diễn ra vào tháng 1 Chăm lịch, lễ múa ban ngày (Rija harei) và đi cặp với bà Vũ sư (Muk Rija) trong các lễ múa (Rija praong, Rija dayep).

Ông vỗ trống Baranâng (Ong Mâduen) là người hát những bài Thánh ca, ca tụng công đức của các vị thần như: Po Haniim Par, Po tang Ahaok, Po Tang ya bia atapah… và làm chủ lễ trong các lễ múa (Rija: Rija nâgar, Rija dayep, Rija harei, Rija praong) của tộc người Chăm. Để trở thành vị chức sắc tín ngưỡng gian dân tế lễ chính trong các lễ múa (Rija) thì phải trải qua các lễ tôn chức như “Phuer pabah”, sau lễ này ông vỗ trống Baranâng (Ong Mâduen) trực tiếp điều hành lễ múa lớn (Rija praong) qua các nghi lễ “Truh Rija, Rija hala auen, Rija thraiy”(2). Vị chức sắc này cũng có cuộc sống kiêng cữ rất nghiêm ngặt như không ăn thịt dong, thịt heo…

Ông vỗ trống Baranâng (Ong Mâduen) mặc áo dài màu trắng (Aw putih – Aw dhai), cổ con, có xẻ vạt dọc từ dưới nách bên phải chạy đến phần chân người mặc. Và áo ngắn màu trắng (Aw lah), mặc váy trắng không có viền dải trang trí hoa văn (khen mârang). Buột dây thắt lưng có hai loại (Talei ka-ing mrai) và (Talei ka-ing bingu tamun). Đầu đội khăn (Khen mâthem taibi), khăn trắng đính tua màu trắng (Siép kabuak), khăn đỏ (Siép bhong), đeo bên thắt lưng cái túi nhỏ (Kadung) đựng trầu cau, thuốc hút. Ông vỗ trống Baranâng (Ong Mâduen) khi đi hành lễ thường mang theo trống Baranâng.

Ông Bóng (Ong Ka-ing) mặc áo dài màu trắng (Aw tah) và khi hành lễ thường mặc áo ngắn màu đỏ (Aw lah likei): về hình thức cơ bản cũng tương tự như áo truyền thống của người đàn ông Chăm, áo ngắn chỉ mặc chùng xuống đến mông, được may bởi 6 miếng vải, xẻ hai bên hông khoảng 20cm. Áo có đính khuy ở phía trước và hai bên vạt trước có hai cái túi, cổ áo tròn đứng, ôm sát cổ. Mặc váy màu trắng (Khen mârang), buột dây thắt lưng dệt bằng vải trắng thô (Talei ka-ing mrai), đầu đội khăn màu trắng có đính tua vải đỏ ở hai đầu (Khen mâthem taibi), đeo bên thắt lưng cái túi nhỏ (Kadung) để đựng trầu cau thuốc hút.

Mỗi dòng họ của người Chăm đều có một bà Vũ sư (Muk Rija) là người phụ nữ phải hợp tuổi, có địa vị và có nhiệm vụ gìn giữ “Ciét atuw” (Chiếc giỏ đan bằng tre dùng đựng đồ thờ cúng, lễ phục của tổ tiên) và thực hiện lễ múa lớn (Rija praong), lễ múa ban đêm (Rija dayep).

Bà Vũ sư (Muk Rija) phải trải qua các lễ tôn chức như “Truh Rija sua, Truh Rija dayep”, trong lễ múa lớn (Rija praong) thì phải qua hai đêm lễ múa “Truh Rija”, hai đêm “Rija hala auen” thì được gọi là “Muk Rija gru”(3).

Bà Vũ sư (Muk Rija) mặc áo truyền thống của người phụ nữ Chăm (Aw luak) là áo dài có khoét cổ, có nhiều màu trắng, đỏ, xanh…, khi hành lễ: múa lễ Nữ thần (Tamia Patri) thường mặc áo dài đỏ, áo dài trắng (Aw tah bhong, Aw tah bila) cũng tương tự như áo dài truyền thống của người phụ nữ Chăm, mặc váy (Aban), đầu đội khăn dài màu đỏ có đính hai tua vải đỏ ở hai đầu (Khen mâthem bingu pathep bhong) và đội mão (Nreng). Múa lễ Nam thần (Tamia Patra) thường mặc áo dài trắng (Aw tah putih), mặc váy (Khen mbel jih), đầu đội khăn màu trắng có đính tua vải đỏ ở hai đầu (Khen mâthem bingu pathep), buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing bingu tamun), thắt cái ví trước ngực (Kadung gibak) và đeo hoa tai có đính tua vải màu đỏ (Bruei tangi).

  3.2. Ông thổi kèn Saranai (Ong yuk saranai) và Ông đánh trống Ginăng (Ong taong gineng)

Hai vị này là nghệ nhân Chăm, có nhiệm vụ thổi kèn Saranai và đánh trống Ginăng trong các Lễ múa (Rija: Rija nâgar, Rija praong, Rija harei, Rija dayep).

Để trở thành nghệ nhân thổi kèn Saranai và đánh trống Ginăng chính trong các lễ múa (Rija) thì hai vị này phải làm lễ xin tập đánh trống Ginăng, thổi kèn Saranai trong lễ múa ban đêm (Rija dayep). Khi có lễ múa lớn (Rija praong) hai vị này phải mang rượu, trầu cau, để làm lễ đánh trống Ginăng, thổi kèn Saranai chính (Taong gineng truh, yuh saranai truh). Và như vậy, trở thành nghệ nhân chính trong các lễ múa (Rija) của tộc người Chăm(4).

Các nghệ nhân này đều mặc áo ngắn trắng (Aw lah), mặc váy trắng, buộc dây thắt lưng (Talai ka-ing mrai), đầu đội khăn màu trắng (Siép mbong), đeo cái ví nhỏ (Kadung) bên thắt lưng.

   4. Ông Cai đập (Ong Binâk) Ông Cai mương (Ong Hamu aia) và Ông Cai lệ

Là những người chịu trách nhiệm cai quản, phục vụ dân làng về mặt hoạt động nông nghiệp – loại hình kinh tế của người Chăm. Ông Cai Lệ là người phụ trách, chủ trì các việc cúng tế, nghi lễ có tính chất tín ngưỡng dân gian liên quan đến sản xuất nông nghiệp, muốn trở thành ông Cai lệ thì phải có thầy dạy và truyền nghề. Ông Cai đập là người trông nom quản lý các đập nước do dân làng chung sức làm nên, điều phối nước cho cánh đồng của dân trong làng, huy động dân làng sửa sang tu bổ các hệ thống thủy lợi, mương đập của làng. Mỗi đập có một ông Cai đập trông coi, do các chủ ruộng dùng nước của đập đó cử ra. Khi có sự tranh chấp trong nội bộ dân làng hoặc giữa làng mình với làng khác về vấn đề thủy lợi, cụ thể như nước để làm ruộng thì do những người này phân xử(5).

Ông Cai mương (Ong Hamu aia) là người phụ tá của Cai đập và do ông này chọn. Nhiệm vụ chính của Cai mương là huy động nhân công đi làm thủy lợi hàng năm, hoặc đi thu tiền những hộ nào không cử nhân công tham gia công tác thủy lợi. Nếu ông Cai mương và ông Cai đập là những người lo kỹ thuật và tổ chức chăm lo phát triển thủy lợi, thì ông Cai lệ là người lo phần tinh thần, cúng bái để giữ cho đập nước được bền vững, không bị ma quỷ phá hoại(6). Tuy nhiên, kể từ sau năm 1975, hệ thống lễ nghi nông nghiệp đã biến mất, kéo theo sự biến mất của các chức sắc tín ngưỡng gian dân như ông Cai đập (Ong Binâk), ông Cai mương (Ong Hamu aia) và ông Cai lệ.

Các vị chức sắc tín ngưỡng dân gian này đều  mặc áo ngắn màu trắng (Aw lah): là loại áo truyền thống của người đàn ông Chăm, áo ngắn chỉ mặc chùng xuống đến mông, được may bởi 6 miếng vải, xẻ hai bên hông khoảng 20cm. Áo có đính khuy ở phía trước và hai bên vạt trước có hai cái túi, cổ áo tròn đứng, ôm sát cổ. Mặc váy trắng (Khen mârang), buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai), đầu đội khăn (Khen mâthem taibi), khăn đỏ (Siép bhong) và đeo túi nhỏ (Kadung).

  5. Hệ thống các vị chức sắc tín ngưỡng dân gian Chăm trong đám lễ hỏa táng(7)

  5.1. Ông thầy Pháp (Ong Gru tiap bhut)

Trong các nghi lễ cúng cầu phúc, trừ tà ma, chữa bệnh và trong nghi lễ tang ma v.v…  ông thầy pháp (Ong gru tiap bhut) là người giữ vai trò chủ lễ. Các ông thầy này phải hiểu biết hệ thống ma thuật bùa chú, câu thần chú và có một cuộc sống kiêng cữ rất nghiêm ngặt.

Ông thầy pháp (Ong Gru tiap bhut) mặc áo dài trắng (Aw sah likei), mặc váy màu trắng (Khen mârang): dệt bằng vải thô màu trắng, trơn không may cạp váy và buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai): có hoa văn bình thường. Đầu đội loại khăn màu trắng có đính tua vải đỏ (Nhưng tua vải đỏ này chỉ ngắn hơn tua vải đỏ của “khen mâthem taibi”), có cạp váy (dalah) may viền ở hai đầu và dệt hoa văn gọi là “Khen mâthem bingu pathep”. Đeo bên thắt lưng cái túi nhỏ (Kadung): dùng để đựng thuốc hút.

  5.2. Bà Đơm cơm (Muk buh).

Trong một số lễ cúng của người Chăm Bàlamôn như lễ hỏa táng, lễ tôn chức cho tầng lớp tu sĩ Chăm Bàlamôn (Baséh), việc sắp xếp các lễ vật cúng bắt buộc phải do bà Đơm cơm (Muk buh) đảm trách. Chỉ có bà Đơm cơm (Muk buh) mới đủ tư cách là người sạch sẽ để thực hiện công việc này. Người được dân làng cử làm bà Đơm cơm (Muk buh) phải là người đàn bà lớn tuổi và hiểu biết về phong tục tập quán Chăm.

Bà Đơm cơm (Muk buh) mặc áo dài trắng (Aw sah kumei): về hình thức cơ bản cũng tương tự như “Aw sah likei”, nhưng “Aw sah kumei” chỉ mặc ngắn đến đầu gối, cổ áo nhỏ trông giống như hình trái tim. Mặc váy màu trắng, có may cạp váy dệt hoa văn ở hai đầu gọi là “Khen biyor”. Đầu đội khăn (Khen mâthem bingu pathep)(8), tai đeo sợi chỉ có đính tua vải màu đỏ (Bruei cuk tangi), trên tay cầm khăn đỏ (Siép bhong).

  5.3. Ông nghệ nhân trang trí nhà táng (Ong Ngap heng).

Ông trang trí nhà táng (Ong ngap heng) là nhân vật không thể thiếu trong nghi lễ tang ma của người Chăm Ahiér và được coi là một trong các thầy chủ lễ dân gian với nhiệm vụ trang trí lễ tangnhư: trang trí nhà táng (Sang Suer), cắt con chim trảo, con rồng Chăm (Ciim mâh, Ciim heng), cắt hình bùa Omkar và bò thần Kapil (Limaow Kapil).

Ông trang trí nhà táng (Ong ngap heng) mặc áo dài màu trắng (Aw sah likei), mặc váy trắng (Khen mârang) và buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai). Đầu đội khăn (Khen mâthem bingu pathep), trên tay cầm khăn đỏ (Siép bhong). Đeo bên thắt lưng cái túi nhỏ (Kadung): dùng để đựng thuốc hút.

  5.4. Ông hát xướng (Ong adaoh)

Người Chăm quan niệm chết là sự đầu thai trở lại sang một thế giới khác. Với quan niệm đó, nên trong lễ tang (Lễ hỏa táng) của người Chăm Ahiér (Chăm ảnh hưởng tôn giáo Bàlamôn) luôn có mặt đội ban nhạc để hát lễ. Nội dung lời hát là kể lại vòng đời người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết và sau khi chết được đầu thai trở lại.

Ông hát xướng (Ong adaoh) mặc áo ngắn trắng (Aw lah), mặc váy màu trắng (Khen mârang) và buột dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai), đầu đội khăn (Khen mâthem bingu pathep), bên thắt lưng thường đeo cái túi nhỏ (Kadung): dùng để đựng thuốc hút.

  5.5. Ông thợ chính (Ong Ragei phun) và Ông thợ phụ (Ong Ragei hajung)

Ông thợ chính (Ong ragei phun) có nhiệm vụ đi chặt cây và thực hiện nghi thức cúng tế trong lễ “Phạt mộc” (Tak kayau), để làm đòn khiêng người chết (trong lễ tang ma của người Chăm ảnh hưởng tôn giáo Bàlamôn).

Ông thợ phụ (Ong ragei jung) có nhiệm vụ đi chặt cây và trợ giúp ông thợ chính (Ong ragei phun) thực hiện nghi thức cúng tế trong lễ “Phạt mộc” (Tak kayau), để làm đòn khiêng người chết.

Lễ phục của Ông thợ chính (Ong ragei phun) và Ông thợ phụ (Ong ragei jung) về hình thức cơ bản đều giống nhau: là mặc áo ngắn trắng (Aw lah), mặc váy màu trắng (Khen mârang) và buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai). Đầu đội khăn (Khen mâthem bingu pathep), trên tay cầm khăn đỏ (Siép bhong) và đeo bên thắt lưng cái túi nhỏ (Kadung): dùng để đựng thuốc hút.

  5.6. Ông khiêng thi hài (Ong hala car)

Ông khiêng thi hài (Ong hala car) là người phụ trách việc khiêng thi hài đi hỏa táng. Đặc biệt hơn là Ông khiêng thi hài (Ong hala car) không mặc áo. Ông mặc váy màu trắng (Khen mârang), đầu đội khăn (Khen mâthem bingu Pathep) và buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai). Trên tay cầm khăn đỏ (Siép bhong) và đeo bên thắt lưng cái túi nhỏ (Kadung).

  5.7. Ông cai quản đám tang (Po damân)

Ông cai quản đám tang (Po damân) ngoài nhiệm vụ coi sóc đám tang (Lễ hỏa táng), còn thực hiện nghi thức cúng mời các vị thần linh và ông bà tổ tiên về chứng giám để ông đi lấy nước thiêng về cho người chết uống (trong nghi thức cho ăn của lễ tang).

Ông cai quản đám tang (Po damân) mặc áo dài màu trắng (Aw sah likei), váy màu trắng (Khen mârang) và buột dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai). Đầu đội khăn (Khen mâthem bingu pathep), trên tay cầm khăn đỏ (Siép bhong) và đeo bên thắt lưng cái túi nhỏ (Kadung).

  5.8. Ông giữ nhà trong đám tang (Ong khik sang).

Trong lễ hỏa táng của người Chăm Ahiér thì ông giữ nhà trong đám tang (Ong khik sang) không thể thiếu, ông có nhiệm vụ làm bùa phép trấn giữ bốn phương tám hướng (trong khuôn viên nhà có tang lễ) để không cho tà ma vào nhà.

Ông giữ nhà trong đám tang (Ong khik sang) mặc áo dài màu trắng (Aw sah likei), váy màu trắng (Khen mârang) và buộc dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai). Đầu đội khăn (Khen mâthem bingu pathep), trên tay cầm khăn đỏ (Siép bhong) và bên thắt lưng đeo cái túi nhỏ (Kadung).

  5.9. Người bưng cơm trong lễ tang (Mânuis pok lisei)

Người bưng cơm trong lễ tang có thể là đàn ông, đàn bà hoặc là giới trẻ và có quan hệ máu thịt với người chết. Người bưng cơm (Mânuis pok lisei) có nhiệm vụ bưng cơm cho các vị chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian làm chủ lễ trong lễ nghi tang ma của người Chăm ảnh hưởng tôn giáo Bàlamôn và cúng cơm lễ cho người chết.

Đối với lễ phục của Ông bưng cơm (Kaya anguei Ong pok lisei) gồm: áo dài màu trắng (Aw sah likei), váy màu trắng (Khen mârang), dây thắt lưng (Talei ka-ing mrai). Khăn đội đầu (Khen mâthem bingu pathep), khăn đỏ (Siép bhong).

Đối với lễ phục của Bà bưng cơm (Kaya anguei Muk pok lisei) gồm: áo dài màu trắng (Aw sah kumei), váy màu trắng, có may cạp váy hoa văn ở hai đầu (Khen biyor). Khăn đội đầu (Khen mâthem tuak), khăn đỏ (Siép bhong).

  6. Thay lời kết

            Các vị chức sắc tín ngưỡng dân gian là bộ phận quan trọng góp phần bảo tồn di sản văn hóa Chăm đã và đang tồn tại hàng bao thế kỷ như: lưu giữ nhiều văn bản viết bằng văn tự Akhar Thrah truyền thống Chăm, lễ nghi tín ngưỡng của tộc người Chăm, những làn điệu dân ca, điệu ngâm “hari ariya”, điệu múa, lời cúng, lời ca tụng, giai thoại, truyền thuyết “damnây”, cách thức hành lễ, những lễ vật dâng cúng, các loại nhạc cụ truyền thống Chăm như đàn Kanhi (Kanyi), trống Baranâng, kèn Saranai, trống Ginăng (Gineng), chiêng (Céng) và các loại y phục, lễ phục được biểu hiện ra bên ngoài khá rõ nét. Và có nhiệm vụ cúng tế lễ nghi tín ngưỡng, nếu thiếu vắng các vị chức sắc này thì các lễ nghi tín ngưỡng của tộc người Chăm sẽ không thực hiện được.

 

 

Chú thích

 

________________

 

(1) Xem Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Hà Nội, 6-2010. Biểu 5, tr. 194.

(2), (3), (4)  Ghi theo lời kể của ông Vỗ trống Baranâng (Ong Mâduen) Thiên Sanh Thèm ở làng Hữu Đức – Phước Hữu – Ninh Phước – Ninh Thuận.

 (5) Xem Phan Xuân Biên, “Góp phần tìm hiểu các loại hình tổ chức xã hội cổ truyền của người Chăm ở Thuận Hải”, Người Chăm ở Thuận Hải (1989), Sở Văn hóa Thông tin Thuận Hải, tr. 140-141. Xem thêm Phan Ngọc Chiến “Một số vấn đề kinh tế nông nghiệp ở vùng người Chăm tỉnh Thuận Hải”, Người Chăm ở Thuận Hải, Sở Văn hóa thông tin Thuận Hải, tr. 40-42.

(6) Xem Phan Ngọc Chiến, Sđd.

(7) Xem thêm Bá Văn Quyến (2012), “Bộ sưu tập lễ phục các chức sắc Chăm Ahiér trong đám lễ hỏa táng”, Tập san Văn hóa Ninh Thuận, số 1, tr. 14-18.

(8) “Khen mâthem bingu pathep” là loại khăn màu trắng có đính tua vải đỏ (nhưng tua vải đỏ này chỉ ngắn hơn tua vải đỏ của “khen mâthem taibi”), có cạp váy (dalah) may viền ở hai đầu và dệt hoa văn.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *