Inrasara: 4 câu hỏi ở Kate 2012

* Muk chờ, Photo Cana.

Kate 2012 cùng với Ngày hội Văn hóa Chăm tại Ninh Thuận kéo dài từ 12-10 đến hết ngày 16-10, có nhiều khác lạ. Những thành tựu hoành tráng được phô diễn song hành với nét đẹp khiêm tốn ẩn giấu; bên cạnh niềm vui chung là vài nỗi buồn riêng; cạnh cái hay vẫn tồn tại bao nhiêu hạt sạn…

1. Người Raglai không mang y trang thần xuống Hamu Tanran hành lễ trong chiều Đón Y trang trước ngày Kate chính thức, tại sao?

Kate là lễ dân gian, cho nên ta hãy đứng trên quan niệm dân gian mà xem xét vấn đề.

* Ong chờ, Photo Cana.

Ba đền tháp ở Ninh Thuận đều có y trang thần (vua-thần) riêng. Y trang này được bà con Raglai cất giữ. Vào chiều cuối tháng Sáu lịch Chăm, người anh em mang báu vật xuống khu vực có đền tháp, để sáng hôm sau mọi người cùng lên tháp đền, hành lễ.

Lí do vì sao y trang này được giao cho người Raglai, người Chăm nghĩ rằng, sau khi Champa tan rã, báu vật khó bảo toàn ở miền xuôi, nên giao cho người Raglai cất giữ. Là điều hợp lẽ: Báu vật cần được bảo quản nơi an toàn nhất. Thứ hai, dân gian Chăm có câu tục ngữ: “Raglai anưk taluc pataw”, nghĩa là: Người Raglai là con út của nhà vua. Và báu vật được giao cho con út bảo quản, càng không sai. Lí do khác nữa, người xưa cũng nói rõ: “Cam saung Raglai yuw adei xa-ai sa tian” (Chăm với Raglai như anh em ruột thịt); do đó khi bị lịch sử phân cách, chính lễ tục truyền thống này kéo hai cộng đồng lại và nhắc nhở họ về sự đoàn kết, gắn bó.

* Các cháu chờ, Photo Cana.

Kate năm nay ở palei Hamu Tanran, việc người Raglai làng Trà Nô, xã Phước Hà không mang y trang xuống nơi có đền Po Nưgar để hành lễ, là một sự cố. Năm 2010 đã xảy ra một lần, nhưng lần này có vẻ nghiêm trọng hơn. Theo dư luận chung, có nhiều nguyên do khác nhau, trong đó không ít người cho yếu tố “tài chính” đứng hàng đầu. Dưới này, chúng ta đối xử chưa phải với người anh em trên ấy, nên họ đã có thái độ đó. Ở đây, không cần thiết bàn vào chi tiết của vấn đề. Tôi nghĩ nguyên do không đơn giản như vậy. Nếu đức tin ta chưa bị mai một, và khi hai bên “thông hiểu” thì dù trăm ngàn trở ngại về núi rừng, về khó khăn kinh tế vân vân… cũng không làm cho ta chùn bước. Tất cả mọi trắc trở sẽ bị bỏ lại, để cùng đến với Yang linh thánh.

Đây là sự cố văn hóa. Câu hỏi lớn đã đặt ra. Và chỉ nghiêm túc tìm và hiểu, ta mới có thể giải quyết vấn đề.

 

Ở đây cũng cần nói thêm, không khí buổi trưa Rauk Khan aw ở Hamu Tanran là thiếu trật tự hiếm thấy. Chưa năm nào Kate linh thánh bị than vãn về an ninh trật tự như năm nay. Đâu là nguyên nhân gần và xa, là vấn đề cần xem xét.

* Ưu tư 1, Photo Cana.

2. Inrasara có chê trách Hội đồng hương?

Trên chuyến xe của Thư viện thành phố HCM về Phan Rang, một bạn trẻ cho tôi biết, ở phiên họp mới đây ở Sài Gòn, có vị đã nói rằng, khi nhà báo hỏi: “Nhà thơ Inrasara là người quan tâm đến nhiều vấn đề của dân tộc là điều ai cũng nhận thấy, vậy sao nhà thơ không tham gia sinh hoạt đồng hương Chăm ở TPHCM? , và tôi đã trả lời với phóng viên kia rằng: Vì Hội đồng hương…”.

Trước hết, xin mọi người bỏ qua, nếu việc này không có. Riêng tôi, nhân câu chuyện này, tôi muốn giải minh cho anh chị em hiểu thái độ của tôi trước sau là:

Inrasara chưa và không bao giờ bình luận [dù tốt hay xấu] về bất kì tổ chức nào của Chăm.

Nếu các bạn có theo dõi sinh hoạt văn học Việt Nam, các bạn biết rằng tôi là kẻ phản biện rất quyết liệt. Từ Hội Nhà văn Việt Nam cho đến hội thảo các loại, từ trung ương cho đến địa phương. Phản biện và sẵn sàng nhảy vào tranh luận. Nhưng với Chăm thì không. Tuyệt đối không.

Tại sao? Vì tôi biết, thứ nhất, anh chị em mình rất nhạy cảm khi bị phê bình. Thứ hai, vị thế của tôi trong văn giới Việt Nam khác xa vị thế của tôi với xã hội Chăm.

Lần duy nhất tôi có “Đính chính về Champaka” là vào tháng 7-2007, nhưng ở đó tôi cũng xác định rõ nơi cuối bài: “Đính chính về Champaka” chính danh phải gọi là “Đính chính về Po Dharma”. Sau đó, tôi hoàn toàn không phê bình bất cứ người Chăm hay tổ chức nào của Chăm. Nếu có chuyện, tôi chỉ giải thích, còn lại đa phần tôi im lặng.

Về “Hội đồng hương Chăm ở TPHCM”, từ “đời” anh Cửu Chi Tơ sang thời kì chuyển tiếp của nhóm Hamu Tanran đến “đời” anh Thành Phần, tôi chưa có một phát biểu nào về Hội này. Tôi ủng hộ anh chị em bằng cách không năm nào là không tặng sách, và khuyến khích mọi người đến với Hội. Bản thân tôi ít tham dự (3 lần trong 20 năm làm dân Sài Gòn), cá nhân tôi chọn sự cô đơn ở mọi hội đoàn các loại, cả Chăm lẫn Việt. Đó là một bí mật mang tính… định mệnh.

Chuyện “mách lại” đã nêu ở trên, nếu tại phiên họp đó có người biết nêu câu hỏi ngược lại: “Inrasara đã trả lời cho báo nào?” hay “Có thật ông ta trả lời như thế không?”, “Nếu có, hãy mang báo đó ra và đi hỏi nhà thơ, tại sao đã bình luận như thế?”… thì mọi chuyện sẽ được bày ra ánh sáng, mà không cần đến lời giải thích nào.

Tắt một lời, dù có tham gia hay không (đa phần là không), tôi luôn tôn trọng mọi tổ chức của cộng đồng Chăm ở bất kì đâu. Nghĩa là tôn trọng tuyệt đối quyền tự do của mọi người.

* Ưu tư 2, Photo Cana.

3. Tại sao Tagalau 13 đăng bài viết về ngôn ngữ của Quang cẩn?

Inrasara thường nói, Tagalau giữ thái độ trung lập trong mọi cuộc tranh luận, nhất là về vấn đề akhar thrah như vừa rồi; hơn nữa nhà thơ cũng đã giữ được tinh thần độc lập và tránh mọi tranh luận về vấn đề này thời gian qua, là điều ai cũng thấy. Vậy tại sao ở Tagalau 13, nhà thơ đăng bài “Chữ Cham Akhar Thrah của Ban Biên soạn sách chữ Cham có trong từ điển Aymonier – Cabaton, là di sản của tổ tiên” của Quang Cẩn, một bài viết mang tính vấn đề cao?

Đây là câu hỏi đúng. Xin giải thích như sau:

Ngay khi cuộc tranh luận về vấn đề akhar thrah mở màn vào đầu năm 2007, BBT Tagalau nhận được hơn mươi bài từ các cộng tác viên gửi đến, chủ yếu bảo vệ lối làm của BBS, và yêu cầu Tagalau đăng. Mọi người nghĩ là tôi đứng về phía Ban Biên soạn sách chữ Chăm, hi vọng Tagalau là nơi phản hồi lại các phản bác từ phía bên kia. Đây là ngộ nhận lớn.

Xin nói ngay: tôi không đứng về phía nào cả.

Trước hết xin nói về cá nhân Inrasara. Tôi 4 năm làm việc ở BBS, chủ yếu làm kế toán, rất ít tham gia về chuyên môn. Năm 1982 tôi vào BBS, thì mọi “chuẩn hóa” chữ Chăm đã xong. Thời gian ở BBS rồi khi vào Đại học biên soạn Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm và cuốn Tự học tiếng Chăm, tôi vẫn dùng lối viết được sử dụng trong Từ điển G. Moussay 1971 (tôi không gọi đoa là chữ Chăm truyền thống). Còn Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường, vì soạn với mục đích phục vụ học sinh học sách giáo khoa của BBS, tôi dùng lối viết của BBS.

 

Phần tranh luận về vấn đề akhar thrah, suốt 5 năm qua, Tagalau đã từ chối đăng các bài động cập đến nó. Ngay ở Tagalau 12, Quang Cẩn cũng có gửi bài, tôi với tư cách chủ biên vẫn từ chối. Kì này, tôi chấp nhận đăng, vì 2 lí do sau:

– Các bài viết phản bác “chữ BBS” thì nhiều, trong đó có một số bài in trong Ngôn ngữ Chăm: thực trạng và giải pháp, 2011 (tôi có đọc lướt qua mục lục của cuốn sách); còn phía BBS, chưa có bài nào nói lại được đăng chính thống. Bài viết của Quang Cẩn là cần thiết, mục đích là để ghi nhận tính hai mặt của vấn đề.

– Hơn nữa, thời gian đã qua 5 năm, tính nóng của vấn đề đã dịu. BBT Tagalau coi bài của Quang Cẩn không là bài tranh luận hay khơi mào cho tranh luận, càng không là kết luận cho vấn đề akhar thrah.

 

4. Inrasara về “hưu”, ai sẽ chủ biên Tagalau?

Đây là câu hỏi thướng xuyên tôi gặp phải, không phải bây giờ, mà ngay từ kì Tagalau 8.

Nếu được quyền chọn, tôi xin bầu một phiếu cho: Jalau Anưk. Nhưng không phải vai trò chủ biên, mà là “Người phụ trách”. Jalau Anưk có khả năng về sáng tác (thơ, văn), về báo chí (đã có nhiều bài báo), có uy tín cá nhân trong lứa tuổi cùng thế hệ, anh lại đang ở tuổi bắc cầu – không trẻ quá và cũng chưa sang tuổi chớm già; thứ nữa, Jalau Anưk là cộng tác viên thường xuyên của Tagalau, nhóm trưởng Ban Tagalau Trẻ, nghĩa là từng có kinh nghiệm gánh vác Tagalau. Dĩ nhiên Inrasara sẽ hỗ trợ Người phụ trách ấy trong thời gian cần thiết.

Sài Gòn, 18-10-2012

 

Kì 2. Kate 2012, những cái khác lạ

 

24 thoughts on “Inrasara: 4 câu hỏi ở Kate 2012

  1. Tôi xin góp thiển kiến nho nhỏ ở câu hỏi thứ 4 :
    – Việc nhà thơ Inrasara “bỏ phiếu” cho Jalau Anưk, là xứng đáng, hợp tình hợp lí, trong sáng và không có gì khuất tất. Nhưng cũng nên hỏi xem quan điểm của JA nữa. Anh ấy có hứng thú, sẵn sàng để thử thách, trải nghiệm vị trí mới không?
    – Người phụ trách hay Chủ biên đều quan trọng cả. Vậy Tagalau số sau người chính danh sẽ đứng tên như thế nào?
    Nên hay không tổ chức một buổi họp báo nội bộ Tagalau, về vấn đề chính thức chuyển giao nhân sự để công bố Chủ biên, Người phụ trách hay BBT mới? Bên cạnh là công tác tổ chức tôn vinh những thành viên sáng lập, cựu chủ biên lẫn cựu BBT Tagalau? Thêm nữa là nghĩa vụ tri ân những vị mạnh thường quân, tác giả, cộng tác viên, bạn đọc xa gần Chăm và ngoài Chăm đã trực tiếp lẫn gián tiếp góp nên diện mạo và thế đứng của Tagalau hôm nay?

  2. Tôi có hỏi ông Nhù – trưởng thôn Hữu Đức về sự cố người Raglai không về Kate thì ông nói lý do vướng mắc về tài chính. BTC dự trù kinh phí (do BTC tự vận động từ các mạnh thường quân) 1 triệu cho việc tiếp đón, chi phí ăn uống cho đoàn người Raglai. Trong đó chí phí xăng xe 250 ngàn, ăn uống và linh tinh khác. Trước đó, BTC cử đoàn người có uy tín (như ông Sử, ông Đính…) lên trao đổi công việc. Có trình bày các khoản chi phí, trong đó nêu rõ sẽ chi 250 ngàn để đổ xăng cho xe máy cày chở đoàn Raglai (tự lo). Hai bên đã đồng thuận và vui vẻ nâng cạn ly rượu thâm tình như mọi khi. Đến trưa ngày rước y trang thì người Raglai điện thoại cho BTC thông báo không có kinh phí trang trải cho đoàn và yêu hỗ trợ thêm. Sự việc ngoài dự tính của BTC, sau khi hội ý BTC đã bố trí người thay thế để kịp thời phục vụ lễ hội. Đây là sự cố lần 2 (lần đầu vào năm 2010) gây mất lòng cho cả hai và mất vui cho lễ hội.
    Người Raglai cũng không còn giữ y trang để phục vụ lễ hội trên tháp Pô Rôme mà đã giao hẳn cho người dân thôn Hậu Sanh đảm trách hơn 5 năm nay.
    “Cam saung Raglai yuw adei xa-ai sa tian” (Chăm với Raglai như anh em ruột thịt).
    Vì đâu nên nỗi này!
    ……..
    Về người tiếp bước Sara chèo lái Tagalau, tôi chọn: Jalau Anưk

  3. Đây là một lễ hội cổ truyền của dân tộc, việc BTC nhờ các sinh viên và bà con giả làm người Raglai là khó chấp nhận. Cơ quan văn hóa xem lại khâu tổ chức. Việc tổ chức lễ hội lớn của dân tộc mà giao phó cho người không hiểu về văn hóa dân tộc thì rất tắc trách. Đây là sực việc xảy ra lần 2, sao BTC không rút kinh nghiệm? Đảng, nhà nước luôn quan tâm đến phát triển văn hoá, kinh tế dân tộc thiểu số, sao để xảy ra sự cố đáng tiếc ấy? Tôi cũng thấy nhiều lãnh đạo xã, huyện ngồi trên khán đài vỗ tay khi đoàn rước Y Trang đi ngang qua, các vị có phát hiện ra người Raglai hôm nay có khác, không khí Kate?
    Trật tự tại sân vận động Hữu Đức thì quá tệ đi, vô tổ chức hết sức (chưa có tiền lệ). Người xem thiếu trật tự, còn lãnh đạo thì khá vô tư. Sự việc gây bất bình trong dân, nhiều hội đoàn phải bỏ về trong khi trên trên vận động các thanh thiếu nữ vận đang múa, hát. Thật tội nghiệp cho các đoàn tham quan, nghiên cứu. Họ đã bỏ nhiều công sức đến với với lễ hội để được tận mắt chứng kiến phút thiêng liêng trước đây chỉ biết qua sách vở. Cuối cùng họ chỉ nhận được một không khí mất trật tự, vô tổ chức.
    Chính quyền và BTC hãy xem lại trách nhiệm của mình đối với lễ hội này. Nên nhớ rằng đây là lễ hội thiêng liêng của dân tộc không phải là trò chơi, làm qua loa, làm cho xong. Cần ngồi nhìn nhận lại vấn đề bàn giao Y Trang (có chăng chỉ do tài chính????????)
    Mong rằng BTC sẽ làm tốt hơn vai trò của mình, các cấp chính quyền cần quan tâm nhiều hơn theo chủ trương của Đảng, nhà nước. Hy vọng người Chăm sẽ tận hưởng một mùa Katê thật ấm cúng và đoàn kết.

    Chúc sức khoẻ

  4. Đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến người lễ hội Katê tại Hữu Đức người Raglai không bàn giao y trang cho người Chăm, thật buồn cho BTC lễ hội, buồn cho dân tộc Chăm một Kate không trọn vẹn. Chính quyền cũng cùng buồn cho dân tộc mình vì họ không quan tâm đúng mức. Sẽ còn bao nhiêu lần nữa đây hay Kate sẽ mất đi theo thời gian?
    Kate buồn.

  5. Tôi có chút khúc mắc mong anh Sara và những ai hiểu biết trả lời giúp. Đó là mối quan hệ, giao hảo giữa người Chăm và người Raglai. Tôi đọc nên có biết rằng, trong mối quan hệ của người Chăm và người Raglai, người Chăm luôn đứng ở vị thế là người Anh, còn Raglai là Em. Trong tục ngữ dân gian Chăm cũng nói đến điều đó. Song, điều tôi khúc mắc là, liệu những người Raglai họ có thừa nhận vai trò là người Em hay là anh em ruột thịt với người Chăm (con út của vua)? Hay tất cả chỉ là sự thừa nhận một phía từ người Chăm?
    ———————
    Tôi có hỏi chuyện một số người bạn Chăm, tạm thời tôi ko dám khẳng định nhưng cho rằng chính vì suy nghĩ người Chăm là anh và người Raglai là em nên bổn phận, nhiệm vụ của người Raglai hằng năm phải mang y trang xuống diễn ra nghi thức trong lễ hội Kate. Có thể chính vì lối suy nghĩ kẻ cả này có thể làm tổn hại đến giao hảo giữa 2 sắc tộc. Lễ hội năm này người Raglai không mang y trang xuống chưa hẳn đã là vì vấn đề tài chánh, nếu mối quan hệ giữa 2 sắc tộc tốt, họ (người Raglai) vẫn sẵn sàng bỏ chút thời gian, tiền của để làm cho lễ hội của người Chăm được trọn vẹn.
    Nhiều người Chăm đã nói với tôi, việc người Raglai mang y trang xuống ko những là bổn phận, nhiệm vụ mà nó còn là vấn đề tâm linh. Tôi cứ thắc mắc hoài, lễ hội là lễ hội của người Chăm, cúng vua chúa cũng là vua chúa của người Chăm, lễ vật mang lên tháp cũng là của người Chăm vậy thì đâu thể nào nói liên quan đến vấn đề tâm linh của người Raglai? Và tôi ko biết là trong các vị thánh, thần của người Raglai có vị nào là Po Rome, Po Klong Girai hay ko?
    Tôi mong những khúc mắc của tôi sẽ có được câu trả lời từ những người hiểu biết.

    • Suy nghĩ ngược như bạn ThiênSầu thì hay lắm. Xin tin cho bạn biết thêm:
      – Vua Po Klaung Girai, Po Rome… là vua Champa, chứ không phải vua Chăm. Raglai là một sắc dân trong cộng đồng Champa cũ. Thờ là thờ vua chung.
      – Người Chăm còn nghĩ Raglai do 2 từ tạo thành: RA = người; GLAI = rừng. Tức người Chăm xưa lên sống trên rừng thành người Raglai.
      – Người Chăm hiểu “anưk taluc = con út” và “adei = em” đầy thương yêu trìu mến, chứ không có vẻ kẻ cả.

      Riêng khoản “sự cố” vừa qua, thiển nghĩ do sự suy giảm lòng tin nới thần Yang của thế hệ hiện đại (cả Chăm lẫn Raglai) mà ra.
      Thân mến
      Inrasara

  6. Chuyện ai xuyên tạc nhà thơ không thích Hội đồng hương thì không gì là lớn cả. Mọi người hiểu, bác chả cần giải thích.
    Chuyện người Raglai không xuống là do tâm linh thôi, đúng. Nhưng Ban tổ chức yếu ở chỗ còn so kè mặc cả, tội!
    Chuyện “Người phụ trách Tagalau”, nhất trí cao Jalau Anuk!

  7. Đứng về bình diện văn chương – ghi nhận, quả đúng anh Jalau Anưk đảm nhiệm Tagalau xứng tầm. Bởi xung quanh cùng thế hệ anh còn kha khá và rất hào hứng ở mảng này. Tuy thế, các chuyên mục còn lại thì sao? Lẽ nào Tagalau phải chịu “bí” các chủ đề-như trước đây. Nên chăng có cuộc “thương lượng” tìm giải pháp hỗ trợ và nên ngồi lại với nhau cùng tháo gỡ. Tôi hy vọng là được!
    Chúc vui vẻ

  8. Cái tâm của anh Inrasara thì miễn bàn. Xin bàn vào việc cụ thể:
    Anh Inrasara cần trụ “chủ biên” để đối ngoại, còn lại nhóm “trẻ” lo thì ổn. Nhóm trẻ cần họp (qua mạng) để có phương hướng giải quyết. Có Jalau Anuk, có Đồng Chuông Tử, Diễm Sơn, Bá Minh Trí… rồi các bạn nghiên cứu nữa: Sonputra, Bá Văn Quyến, Bá Mình Truyền…
    Tôi tin các bạn làm được.
    Chúc thành công

  9. Con chào chú Sara!
    Chú Sara cho con hỏi là chú Sara có biết người búi tóc cao thật cao trong tấm hình bên trên bài viết tên là gì và có vai trò gì trong buổi lễ không ạ? Vì con thấy chú đó xuất hiện ở lễ khai mạc tại tháp Po Klong Girai hồi 15/10 vừa rồi, mà thắc mắc không biết là ai?
    Con là Đậu, ở chung nhà và đi cùng chuyến xe Phan Rang – Sài Gòn với chú Sara dịp Kate vừa rồi đó!
    Mong sớm được gặp chú Sara để học tiếng Chăm!
    Chúc chú sức khỏe!

    • Các bạn rành, trả lời cho bạn Đậu Lì nhé. Riêng mình biết ngày trước cũng có một người Chăm búi tóc như thế. Đó là loại tóc cấu tạo lạ: các sợi tóc có tế bào sống, nên cắt thì làm đau và “chảy máu”. Trời cho, bác chấp nhận như vậy. Cũng độc đáo đấy chớ!

      • Hôm trước nhóm Đậu đi Kate gặp cũng có hỏi vì sao chú ấy lại để tóc vậy, cũng được chú nói là tóc chú ko đụng tới dao kéo được, nếu đụng tới sẽ bị bệnh. Vì gấp quá nên chỉ hỏi được nhiêu đó.

        Karun chú Sara ạ!

  10. Chú đó không phải người Chăm đâu. Từ nhỏ ổng sống gần khu vực người Chăm ở Bỉnh Nghĩa (huyện Thuận Bắc). Nghe bà con ở Bỉnh Nghĩa nói trước đây, ổng bị bệnh gì đó, và ổng đi đến làng Bỉnh Nghĩa nơi có Kut Chăm, để cầu xin giảm bớt bệnh. Sau khi ổng hết bệnh thì ổng rất tin vào vị thần linh Chăm. Cho nên, dù bất cứ lễ nào của người Chăm diễn ra, ổng đều đến tham dự và cúng. Thực tế, ổng không có vai trò gì hết trong các lễ ấy, chỉ là một tín đồ bình thường thôi.
    Về hình ảnh, mình có thể gửi vào facebook cho Đậu Lì xem.

  11. Hiện tại ở palei Bỉnh Nghĩa cũng có một cụ có tóc rất dài, những sợi tóc này quấn nhau chằng chịt, không thể dùng lược mà chải được. Cụ này là người hay thực hiện nghi lễ múa phồn thực “Kayuw thiam likei” hay “Tamia klai kluc” ở thôn Bỉnh Nghĩa trong cụm lễ Rija Nagar ở Bỉnh Nghĩa.

  12. Viêc Người Raglai không mang Y trang xuống tham dự Lễ tục Kate 2012 tại Thôn Hũu Đức quả là chuyện buồn chung. Người Raglai mang Y trang xuống phục vụ thần linh tại Palei Cham vào ngày Kate là tuc lệ có từ xa xưa. Nó mang đậm tính tâm linh. Tôi còn nhớ rất rõ: đoàn người Raglai về tham dự Kate luôn tuân thủ chặt chẽ nghi thức quen thuộc như làm lễ xin phục vụ Thần linh bằng môt mâm lễ gồm trầu cau, nải chuối, chai rượu với môt số tiền nho nhỏ gọi là ‘tiền lễ” để trình làng. Thường thì Ban tổ chức Kate chỉ cung ứng cho họ nơi trọ với cơm ăn, rượu uống. Ngày họ trở về, bà con thường biếu họ môt ít thực phẩm ngày lễ làm quà. Chỉ thế thôi. Thế tại sao năm nay lại xảy ra sự cố? Có thể vì những lẽ sau:
    – thời cuộc làm họ giảm niềm tin nơi Po Yang
    – đua đòi thời đại như phải có xe đưa rước, có áo quần bảnh bao v.v
    – họ bắt đầu nghĩ đến tiền công chăng? [xưa họ làm theo nghĩa vụ thiêng liêng]
    Thử đưa ra vài đề nghị:
    – thỉnh thoảng nên tổ chức thăm viếng họ để củng cố tình cảm
    Cham – Raglai và niềm tin vào Po Yang là Po Yang chung vì họ là thần dân cũ của Vương quốc Champa xưa
    – Ngày Kate, đón tiếp họ ân cần chu đáo hơn.
    – cố gắng thù lao họ kha khá hơn.
    – sau lễ, tổ chức tiễn đưa hẳn hoi phái đoàn họ trở về nhà.
    Mong rằng sẽ không còn chuyện buồn ngày Kate tái diễn.
    Mong thay!
    .

  13. Tan thanh y kien cua Luu Quang Sang, toi se trao doi thang vai gop y nay cho BTC le hoi Kate tai Huu Duc. Can nhung con nguoi hieu ilimo ngoi lai voi nhau nhau tim giai phap de giu gin le hoi thien lieng cua dan toc. Co quan van hoa, chinh quyen dia phuong can tiep thu.
    Tran trong

  14. Nhung Dang vien nguoi Cham dau roi, le nao cac ban khong nghe, thay van de nguoi Raglai ko mang y trang xuong, tieng noi cac ban trong cac ky hoi chi bo tai dia phuong dau. mong rang cac ban the hien tieng noi cua minh vi nguoi Cham it nguoi duoc vao Dang nhu cac ban.
    Vao Dang roi bo mac dan toc minh ra sao thi ra la co loi truyen kip voi to tien do. Po Yang van soi loi di cua cac ban.
    Thuk siam

  15. Cho con hỏi chú một vấn đề này được không ạ. Tại sao người Chăm mình lại phải úp nải chuối khi cúng thần linh mà không ngửa ra giống người Kinh vậy ạ. Con có thể xin chú giải thích những nghi lễ trong lễ hội Kete được không ạ. Vì con còn trẻ nên chua hiểu hết được ạ:chẳng hạn ai o/ mở cửa tháp, câu thần chú mở cửa tháp là gì. Tại sao trước khi tắm cho tượng linga- yoni thì thầy cả lại phải cởi khăn quấn tóc trên đầu mình? Tại sao lại có một các ly nhỏ trong một cái chén khi cúng thần linh ạ. Mong chú giải đáp giùm con.

  16. Cháu hỏi thi chú xin trả lời:
    1- Ngươi Cham và người Kinh thường có những tập tục đối nghịch nhau chẳng hạn Cham mẫu hệ, Kinh phụ hệ, Cham rước rể buổi chiều, Kinh rước dâu buổi sáng; khi cúng, Cham úp nải chuối, Kinh lại ngửa. Úp là úp xuống đất biểu trưng cho Âm tức Mẹ – mẫu hệ. Ngửa là ngửa lên trời biểu trưng cho Dương tức Cha – phụ hệ. Cham mẫu hệ nên úp nải chuối khi cúng thần linh còn Kinh phụ hệ thì ngửa nải chuối.
    2- Ngày lễ Kate, Po Dhia, On Tamnei và muk Pajau làm lễ mở cửa Tháp với lời khẩn xin phép thần linh mở cửa để chức sắc vào làm lễ Palieng Yang.
    3- Trước lễ tắm thần, Po Dhia thường cởi khăn quấn tóc trên đầu vì thủ tục tắm thần là thủ tục đầu tiên của nghi lễ Palieng Yang trong đền tháp. Lúc nào cũng thế, để bắt đầu hành lễ, Po Dhia luôn làm thao tác nói trên để làm mới mọi việc trươc khi chính thức hành lễ.
    4- Tại sao lại có cái ly nhỏ trong một cái chén khi cúng thần linh? Có lẽ vì nhu cầu thực dụng. Khi mời thỉnh thần linh, chủ lễ rót rượu vào ly cứ như thế tuần tự cho đến ly đầy rượu thì rót vào chén. Rượu rót vào chén gọi là ‘rượu tàn”. Xong lễ, các cụ lớn tuổi thường được mời “hưởng” rượu tàn. Ngắn gọn thế thôi nhé!
    Thân ái

  17. Thưa các chú, cháu xin các chú giải đáp giùm cháu thêm vài câu nữa ạ. Tại sao trong các lẽ vật dâng cúng thì lại có hạt nổ ạ. Cháu có hỏi một thầy vỗ ở Ma Lâm, thầy kêu đó là vì có sự tích một hạt nổ có thể nuôi sống con người được 7 ngày. Vậy sự tích đó là như thế nào ạ. Và cháu thấy sau khi cúng xong thì các thầy thường xe miếng lá chuối thành 3 mảnh( miếng lá này lót ở dưới lễ vật dâng cúng thần ạ). Cháu cám ơn.Chúc các chú buổi tối vui ạ

  18. – Lễ hội Katê năm 2012 của đồng bào Chăm Bình Thuận sẽ diễn ra từ ngày 15 – 16/10 tại di tích Tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết.

    Chương trình Lễ hội Katê 2012:
    Tại Tháp Pô Sah Inư, khu phố 5 phường Phú Hài, TP.Phan Thiết.
    Ngày 15/10/2012:
    – Buổi sáng (từ 9 – 11h): Lễ cúng cầu an của chức sắc tôn giáo Bàni; thi làm bánh gừng.
    – Buổi chiều (từ 14 – 17h): Lễ cúng cầu an của tộc họ Bàni và Bàlamôn; Tổ chức các trò chơi dân gian; Thi trưng bày trang tri lễ vật dâng cúng nữ Thần.
    – Buổi tối (từ 19 – 22h): Khai mạc liên hoan văn nghệ dân gian; Biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
    Ngày 16/10/2012:
    – Buổi sáng (từ 6 – 12h): Nghi thức chào mừng lễ hội; Nghinh, thỉnh và rước trang phục Nữ Thần lên Tháp chính; Lễ mở cửa Tháp; Lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni; Lễ mặc trang phục nữ Thần; Đại lễ trước tháp chính; Thi ẩm thực; Các già làng và chức sắc tôn giáo thăm viếng và giao lưu các trại lễ.
    – Buổi chiều: Kết thúc Lễ hội.
    Nguồn: http://www.baodulich.net.vn
    …………
    Kate có phải chỉ có chức sắc và tín đồ Bàlamôn hay là của cả dân tộc Champa?

  19. Cháu đã được tham gia và tìm hiểu toàn bộ quá trình diễn ra lễ hội Kate tại tháp Pô Sah Inu, lễ hội Kate này là của toàn thể đồng bào Chăm. Vì ngay trong chương trình của lễ hội Kate sẽ có một nghi thức cúng cầu an của người Chăm Bàni. Hơn nữa nếu tìm hiểu kĩ hơn, chú sẽ thấy năm nay sau khi tổ chức lễ hội Kate tại tháp thì sẽ sau đó sẽ trùng vào 10 ngày cấm sát sinh của người Chăm Bani, vì vậy cả người Chăm Balamon và Chăm Bà ni sẽ ăn không ăn tết trong 10 ngày kể từ ngày 3-7 Chăm lịch. Vậy Kate là của toàn thể đồng bào Chăm. Và cháu cũng muốn chú Sara trả lời giùm cháu hai câu hỏi cháu đã nêu ở trên ạ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *