Chân dung Cát 10: Nông dân thi sĩ Thuman 3

Tôi đưa trả lại Hà Vân. Một bài thơ lạ, minh họa lạ lẫm biểu tượng Đại giác – Haumkar bằng dự phóng tình yêu cao cả kết hợp với ý nghĩa nguyên ủy của tính dục. Trong đền thờ thiêng của Bà-la-môn giáo, Chí Tôn Ca linh thánh được đặt bên cạnh Dục Lạc kinh nhầy nhụa xác thịt. Haumkar Cam diễn đạt cốt tủy tinh thần đó. Tôi hiểu đây là mảnh bí truyền khác trong dây chuyền hệ tư tưởng Dhan Than. Ông giấu tôi nhưng không từ chối Thuman. Thuman, kẻ mà tư tưởng sáng rỡ đầy hiểm họa đối với con người ưa an toàn đã lập ngôn rằng tự tử luôn là cần thiết ở đất Chakleng nhạt nhẽo phiền muộn này. Chỉ có bọn ngốc hay thiên tài mới đủ trình độ tự tìm cái chết. Bọn ngốc luôn có lí do nào đó để tự tử, thất vọng hay ý đồ dại dột làm cho ai đó biết tay, muốn làm mất lòng thượng đế hay chỉ để chứng tỏ mình ngon lành, chính đáng hoặc không – nhưng chung quy bao giờ cũng xứng danh ngu ngốc không thêm bớt một phân. Thiên tài thì khác. Hãy nhìn sang nước Nga mênh mông hay thủ đô Paris thừa thãi ánh sáng, hắn nhìn tôi bằng cái nhìn tinh quái, những Exenin, Nerval, Maia. Cả Pushkin, Van Gogh hay Rimbaud cũng là cách tự tử khác. Bọn họ là thiên tài. Có thể tự tử ngay khi nhận biết mình là thiên tài, khi đã thể hiện tài năng đỉnh điểm hoặc cả lúc biết mình cạn kiệt năng lực trời cho. Chỉ có từ đầu óc hoang đãng trời ơi của Dhan Than, thứ đầu óc sinh hạ từ đứa con rơi quái thai của Shiva rằng hủy phá là tiên đề của sáng tạo, hủy phá để sáng tạo, hủy phá chính là sáng tạo mới nẩy nòi ra ý tưởng quái quỷ này. Hôm nay nó rơi xuống đám ruộng tâm thức tối ám của Thuman, khúc xạ và nẩy mầm.

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *