Inrasara: Sắp sinh nhật thứ 57 rồi… tự kiểm…

Cả tháng chẳng có gì mới, ngoài Jaya với bạn bay qua Malaysia chụp ảnh. Đi không và về không, có cái hay là được đi được thấy. Vui của tôi không gì hơn là tạo điều kiện cho con cháu, thế hệ trẻ để chúng có khả năng và cơ hội bay, như những con chim của bầu trời.

Tháng trước, 20-8-2012, đúng 20 năm tôi gánh cả gia đình vào Sài Gòn.

* Gia đình INRA những ngày đầu vào Sài Gòn.

Hôm nay, sắp sinh nhật thứ 57: 20-9-1957, bắt chước lối nói của Vũ Hoàng Chương, tạm hỏi: Ta đã làm gì đời ta!? Thử nhìn lại vui và buồn, được và mất…

 

1. Thơ, sáu tập đã ra đời, các giải thưởng trong và ngoài nước, dư luận báo chí, các luận văn về nó… Chúng là những “đứa con tinh thần” của tôi, như lối nói quen thuộc của thiên hạ. Nhưng thật lòng, tôi xem nó không là gì cả. Bởi, ai trời cho ít năng khiếu cộng thêm chịu khó đọc xíu, cũng làm được như thế, và hơn thế.  Tôi đang có hai bản thảo chưa in, nhưng tôi đã thôi còn mặn mà với thơ ca nữa rồi.

 

Về nghiên cứu, sau bộ ba Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển, là hai cuốn nghiên cứu về văn hóa xã hội Chăm, rồi mươi công trình về văn chương và ngôn ngữ Chăm đã và chưa xuất bản, không là gì cả trước đòi hỏi từ nền văn hóa Chăm đang ngày càng thất tán. Lĩnh vực này, tôi nghĩ kẻ nào chịu khó đi, đọc và lắng nghe, thêm chút khiêm tốn, là làm được. Tôi không thể hiểu, làm sao có vài sinh phận Chăm trước bao ngổn ngang nỗi Chăm, lại có thể hãnh diện chỉ với mấy bài nghiên cứu hay vài cuốn sách chưa đâu là đâu của mình, về dân tộc mình!

May, thế hệ đi tới nảy ra vài khuôn mặt đáng tin cậy, do đó lúc này tôi rút lui là vừa.

 

Với phê bình, tôi đã có hai tập trình làng, thêm năm tập ở dạng bản thảo – thế cũng đủ lãng quên đời. Ở Việt Nam, cây bút nào không chịu viết giả với giả vờ, dám nói thật những gì mình biết, cũng có thể nói lên được điều gì đó đáng đọc. Tôi đã viết điều gì đó mà vài người cho là đáng đọc, dù vui, nhưng tôi không hãnh diện tí tị về nó. Hôm nay tôi cũng đã hết hứng thú ở lĩnh vực này.

 

2. Hai mươi năm ngoảnh lại, cái làm tôi tâm đắc hơn cả, hay nói cách khác – điều khiến tôi nể tôi nhất, chính là chủ biên trót lọt 12 kì đặc san Tagalau – Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm! Liên tục, không một lần đứt đoạn.

Trước bao sự đời với nỗi người và nỗi Chăm, tôi không hiểu làm sao mình có thể chịu đựng trì trì như thế? Khởi đầu chỉ với ba mạng: Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan và Inrasara. Thêm thầy Nguyễn Văn Tỷ, Thành Phú Bá làm nền về mặt tinh thần. Túi không, kinh nghiệm không… vậy mà Tagalau đã đi con tàu suốt 12 năm! Không là kì diệu sao?

Xưa

Dưới cái rây lịch sử khổng lồ

Cha lọt sàng sống sót

Lổm ngổm bò dậy làm người

[Như] một phép lạ

Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002

Theo tôi, giữ cho Tagalau sống sót thôi, cũng là một phép lạ rồi. Phép lạ, vì chưa dân tộc thiểu số nào ở Việt Nam làm được. Phép lạ, khi các loại tạp chí văn học nghệ thuật đang ế ẩm, khi cả chục Website của và về Chăm ra đời đưa thông tin nóng hơn, nhanh hơn. Tagalau đã sống, và nó phải sống. Đơn giản, nói như Chế Linh, Tagalau đã là một biểu tượng.

Thật lòng mà nói, in ba tác phẩm cá nhân khiến tôi không vui bằng ra mắt được một kì Tagalau. Tôi và Ban biên tập hãnh diện về nó. Hôm qua, cộng đồng Chăm đã làm được và hãnh diện về Tagalau. Tôi tin thế hệ đi tới sẽ lưu trì Tagalau sống, và cũng hãnh diện về nó, ở ngày mai.

Tôi tin, khi nhận cây gậy chuyển giao thế hệ, các bạn trẻ sẽ làm cho Tagalau lớn khỏe hơn bậc đàn anh đàn chị đi trước. Chuyển giao Tagalau, không phải tôi chán, mà đơn giản – nói như Nietzsche: Chiều đã xuống rồi, xin tha thứ cho tôi vì chiều đã xuống…

 

3. Hiện nay, cái lôi cuốn tôi mạnh nhất chính là: kể chuyện về Chăm. Chăm có mênh mông câu chuyện kể. Tôi sở hữu mênh mông câu chuyện Chăm, để kể.

Ngày xưa, khối người tìm đến cụ Thiên Sanh Cảnh chỉ mục đích khai thác kiến thức về văn hóa Chăm từ cụ, tôi ngược lại, gợi ý để cụ kể chuyện về cuộc đời mình. Năm Đệ Lục, tôi ba lần mò đến gặp cụ ở nhà riêng tại thị xã Phan Rang, hỏi, nghe và ghi chép. Với ông Lâm Nài ở Parik hay thầy Lâm Gia Tịnh người Kraung là chồng dì Mở tôi, cũng thế.

Huỳnh Ngọc Sắng đồng hương và là thầy tôi. Năm 1974, ông từ Cao nguyên xuống hay ghé nhà chị Sỹ tôi ở Phan Rang yaung hwak. Mấy anh em tôi khoái nghe ông hát các ca khúc Chăm do ông sáng tác và nghe ông kể chuyện tếu. Tôi thì khác, tôi đã khiến ông bất ngờ, khi đọc các bài thơ ông làm mà tôi thuộc lòng thuở ông dạy tôi lớp Nhì. Thế là ông mở máy…

Chế Đạt, Tài Năng Cử là bạn đồng môn của tôi, khi dẫn tôi về nhà chơi, tôi trở thành bạn của cha các bạn lúc nào không hay. Thế là ông Tùng, ông Tre tâm sự về cuộc đời nhiều sóng gió của họ cho chàng trai tuổi con cháu ông nghe, mà không chút ngại ngần.

Thầy Nguyễn Văn Tỷ, Lưu Quang Sang, Từ Công Phú khi hết là hiệu trưởng hay thủ trưởng của tôi, tôi thân mật với các vị như là anh em, từ đó ghi chép bao nhiêu chuyện về họ. Mà chuyện về cá nhân họ đâu chỉ riêng tây, mà là của cả cộng đồng. Thầy Đàng Năng Quạ khác hơn xíu, ông với tôi thành kiến gì không hiểu, mãi khi Trà Vigia dẫn tôi qua ông ở Danaw Jii nơi ông đang ẩn cư, ông mới xem tôi là bạn, từ đó mở lòng hết cỡ với tôi. Cả cho tôi mượn… sách, là điều hơi hiếm. Ông kể cho tôi những chuyện mà ngay cả với mấy đứa con, ông cũng không. Về người thầy, tôi chỉ tiếc là không “khai thác” được câu chuyện từ thầy Thành Phú Bá, trong khi thầy ở với tôi suốt ba tháng tại Sài Gòn. Tội vậy chớ, tôi cứ khất – vội gì, thành ra lỡ.

Ông Châu Văn Mỗ, cựu thứ trưởng Bộ Phát triển Sắc tộc thì miễn. Gần mươi năm cuối đời ở quê nhà, ông là người bạn vong niên của tôi. Trong ông là cả kho tàng kí ức về Chăm.

 

Cuộc đời họ đẫm thân phận Chăm. Qua chuyện kể của họ, từ đó soi vào đời họ, tôi thấy cuộc đời Chăm, nhìn thấy đời tôi ngày qua, và nhận ra sinh mệnh tôi, ngày mai. Cho nên, khi có người hỏi tôi, sao Sara ít quen thân với các nhà khoa bảng [xã hội chủ nghĩa] Chăm hiện nay? Tôi nói, tôi không phân biệt sang hèn, cao thấp. Riêng giới này, chưa đề cập về kiến thức mà tôi không có gì để học ở họ cả; điều tôi cho là quan yếu hơn, là họ rất ít có “cuộc đời”.

 

Còn bao nhiêu nhân vật, sinh thể Chăm nữa?… Anh Ve ở Thành Tín hay anh Vờ anh họ tôi, ông Thành Thảo ở Phước Nhơn hay ông Lương Đắc Có ở Phan Rí… Tất cả câu chuyện đời họ như đang sống dậy trong tôi, mời gọi tôi thể hiện ra con chữ. Như là cách lưu giữ kí ức về họ, về Chăm.

Tôi đang mong mỏi từng ngày từng giờ để mai sang VỀ NHÀ. Bỏ sáng tác với phê bình, bỏ các buổi thuyết trình với nghiên cứu, rời bỏ Tagalau mà tôi trân quý, bỏ danh vị Trưởng Ban Lí luận – phê bình Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam cùng mấy lỉnh kỉnh đời thường khác, bỏ tất. Bùi Giáng:

Bỏ người yêu bỏ bóng ma

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

… Để trở về với chuyện kể Chăm.

Sài Gòn, 16-9-2012

 

 

 

 

 

15 thoughts on “Inrasara: Sắp sinh nhật thứ 57 rồi… tự kiểm…

  1. Hay. Không cần bình luận, bình phẩm gì thêm. Có vài câu như là dự cảm. Đọc kỹ, nhiều người chắc sẽ thấy đâu đó dáng dấp mình, lẫn.

  2. Pingback: Tin Chủ Nhật, 16-09-2012 « BA SÀM

  3. Câu này hay quá bác Inra ơi:
    “Lĩnh vực nghiên cứu, tôi nghĩ kẻ nào chịu khó đi, đọc và lắng nghe, thêm chút khiêm tốn, là làm được. Tôi không thể hiểu, làm sao có vài sinh phận Chăm trước bao ngổn ngang nỗi Chăm, lại có thể hãnh diện chỉ với mấy bài nghiên cứu hay vài cuốn sách chưa đâu là đâu của mình, về dân tộc mình!”

    Cháu muốn tặng câu này cho vài NHÀ nghiên cứu Chăm mình.

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin Chủ Nhật, 16-09-2012 | bahaidao2

  5. Hy vọng sẽ sớm được đọcnhiều nữa về thân phận Chăm từ Inrasara. Những gì mà lịch sử chính thống không thấy hoặc không muốn thấy sẽ được soi rọi qua ký ức và thân phận cá nhân. Chúc tác giả có đủ cô đơn để phóng bút.

  6. Kính anh Inrasara. Em rất cảm động khi đọc bài “tự kiểm” này. Chúc mừng sinh nhận thứ 57 của anh.

    Lời bác Khiêm trên đây: “Những gì mà lịch sử chính thống không thấy hoặc không muốn thấy sẽ được soi rọi qua ký ức và thân phận cá nhân”, em đồng ý lắm. Nhưng đối với em, em còn hân hoan đón chờ “chuyện kể Chăm” mà anh sẽ viết trong thời gian tới, vì “ký ức và thân phận Chăm” sẽ soi rọi cho em, giúp em suy ngẫm về lịch sử đích thực của cả cộng đồng loài người nữa, những gì mà loài người có thể chưa thấy hoặc chưa muốn thấy .

    Tận đáy lòng, em cầu chúc dân tộc Chăm trường tồn và văn hóa Chăm sẽ phục sinh rạng rỡ.

  7. Happy Birthday Uncle. May the universe bless you with great health, happiness, peace , and prosperity. You’re a gift to the world especially to the Cham people and inspiration to me as a writer.

  8. Pingback: Tin Chủ Nhật, 16-09-2012 « Dahanhkhach's Blog

  9. Rất vui khi đọc những dòng tâm sự của Anh. Chúc Anh sinh nhật vui vẻ!

  10. Kính chúc nhà thơ, nhà lí luận phê bình Inrasara Sinh nhật Cây Xương rồng thật tuyệt vời!
    Chàng đã làm được rất nhiều cho cộng đồng Cham, cho văn hóa & văn học Champa; chàng đã làm được rất nhiều cho văn chương tiếng Việt; chàng đã cống hiến cho đời nhiều điều kỳ diệu.
    Mong chàng sống khỏe, sống vui để kể chuyện đời Cham cho thế giới. Và cho cả em nữa…

  11. Cei Sara của cháu ui!
    Cháu đoảng quá, dạo này ít đọc web cei, lại quên béng lun sinh nhật cei.
    Cháu chúc cei muộn nha. Hôm nào gặp cei, cháu đền cho cei lại.
    Cei Sara của cháu KHỎE nè, TRẺ nè, ĐẸP CHAI nữa nha…

  12. Con quý bác INRA vì bác làm được rất nhiều việc, mà ít khi nói to ồn ào trên email.
    Người ta làm được thì bám chắc vào điều làm được đó, còn bác sẽ rời bỏ, con càng quý bác hơn.
    Hồi bác bụng đói, làng Chăm đói bác INRA viết cuốn Văn học Chăm, mở lớp dạy chữ Chăm,..
    Nay bác về, dù có khó khăn hơn bác ở thành phố con tin bác vẫn làm được
    Bác nói đúng lắm, bỏ mấy chức lỉnh kỉnh đó đi, bác à. Không ai nhớ bác về mấy chức đó đâu. Con biết nhiều nhà văn nhà thơ thèm chức đó lắm.
    Bác nói kể chuyện về người Chăm mình. Đó là những chuyện thuộc vĩnh cửu. Rồi các chuyện kể kia sẽ làm cho bác bất tử.

  13. ko the den tang hoa boi vi xa qua. thoi ….gui mot loi chuc mung sinh nhat thu 57 cua nha tho….cai tuoi dang thoi sung man cua su sang tao….

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *