Jaya Bahasa: Ngược dòng lịch sử nhìn về tương lai xã hội Chăm

* Trường Trung học Pô Klong, photo Inrasara.

Bài viết “Ngược dòng lịch sử nhìn về tương lai xã hội Chăm” chỉ là những khảo lược ban đầu về các hoạt động của người Chăm thời kì hiện đại. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn khi tiếp cận, bởi vì chưa có nguồn tài liệu và bài viết đề cập nhiều. Mặt khác, nhìn nhận về xã hội Chăm theo quan niệm phi chính thống, nghĩa là không mang tính giai cấp là điều còn mới mẽ không dễ dàng nhận được sự đồng tình của đông đảo độc giả. Việc trình bày các vấn đề xã hội người Chăm mang chút hơi thở của sử học nhằm định hướng cho những nghiên cứu mới  trong tương lai.

 

1. Ngược dòng lịch sử.

Sự thần kì của Nhật Bản sau Đệ nhị thế chiến đã làm ngạc nhiên cho cả thế giới. Từ một đất nước bị tàn phá nghiêm trọng bởi bom nguyên tử, Nhật Bản đã vươn lên thành quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Hình ảnh người Nhật nhỏ bé mang kiếm kềnh càng cuốc bộ đã không còn nữa, thay vào đó, là những con người với thể trạng cơ thể to và cao ráo. Đi cùng với kinh tế là văn hóa Nhật Bản được truyền bá rộng rãi trong khu vực và cả thế giới. Ở Việt Nam, trong bất kì gia đình trung lưu nào ít nhất cũng sở hữu một sản phẩm mang thương hiệu made in Japan. Như vậy, cái gì đã làm nên điều kì diệu đó?

Việt Nam là đất nước có lịch sử và nền văn hóa phát triển chịu ảnh văn hóa Trung Hoa sâu sắc. Trên cơ sở văn hóa Trung Hoa, người Việt biết sáng tạo ra giá trị văn hóa riêng mang đậm dấu ấn dân tộc. Tiểu biểu nhất là tính tự chủ và độc lập về mặt chủ quyền quốc gia trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước. Thời kì cổ trung đại, Việt Nam từng bước khẳng định vị thế, sức mạnh và tầm ảnh hưởng quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam lại có mối quan hệ khá lỏng lẻo với các quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Đến khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào năm 1945, sự liên hệ giữa Việt Nam với các nước kết nối về mặt ngoại giao. Và khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức khu vực ASEAN (1995) mối quan hệ đó mới đi vào cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội và an ninh quốc phòng.

Đại Việt và Champa từng có mối quan hệ trong lịch sử. Tiếc rằng, sự liên hệ này, được lịch sử Việt Nam miêu tả bằng những cuộc đụng độ về chính trị và quân sự hơn là sự giao lưu, trao đổi về văn hóa và kinh tế. Để rồi, cả hai đều quyết tâm giải quyết những bất hòa thông qua giải pháp tiến hành chiến tranh. Do đó, các bộ chính sử Việt Nam ghi chép về vương quốc Champa rất ít. Đặc biệt, là văn hóa, tín ngưỡng-tôn giáo và cách thức tổ chức xã hội. Ngược lại, thường ca ngợi, ghi nhận ơn đức các bậc minh vương của Việt Nam đã có công lao mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Vì thế, lịch sử bang giao Đại Việt-Champa được giới khoa học lịch sử gọi bằng cụm từ Lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt.

Sự kiện kinh đô Vijaya bị sụp đổ và rơi vào tay Đại Việt (1471) đã mang đến một hệ lụy tệ hại cho bước phát triển của Champa. Các con đường thông thương, trao đổi, buôn bán và bang giao với bên ngoài bị thu hẹp dần rồi mất hẳn sự liên hệ. Những cuộc phản kháng của người Chăm về sau cũng không đủ sức mạnh mang lại một chiến thắng để ngăn chặn làn sóng di dân ngày càng đông đảo của người Việt từ miền Bắc và miền Trung. Hơn 3 thế kỉ, không một công trình kiến trúc tôn giáo đền tháp Bàlamôn giáo nào được xây dựng. Điều này cho thấy, uy quyền và sức mạnh cũng như điều kiện kinh tế của người Chăm không có bước phát triển nào đáng ghi nhận. Mãi cho tới vương triều Pô Rômê, mối quan hệ giữa người Chăm với thế giới Islam  giáo thông qua Mã Lai được thắt chặt và ngày được củng cố là phương tiện để giao lưu với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Pô Rômê còn rất chú trọng tạo mối liên hệ với các tộc người ở Trường sơn Cao Nguyên để tiến hành các hoạt động trao đổi hàng hóa.

Tuy nhiên, sự bất ổn của nội bộ Việt Nam không kéo dài bao nhiêu, cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn-Nguyễn Ánh kết thúc bằng chiến thắng thuộc về nhà Nguyễn. Sau cuộc chiến, Nguyễn Ánh đã xưng vương và đặt niên hiệu là Gia Long (1802). Trị vì hơn 18 năm, Gia Long đã truyền ngôi vương lại cho Minh Mạng (1820). Từ đây, lịch sử kinh tế-xã hội người Chăm có những chuyển biến, xáo trộn lớn. Bởi vì, Minh Mạng là ông vua rất cương trực, vừa mới lên ngôi vương không bao lâu, ông đã tiến hành hàng loạt những cuộc cải cách, đặc biệt là những cải cách về mặt hành chính. Hệ quả của việc cải cách hành chính chia tách tỉnh, thành mới đã xóa bỏ nền tự chủ của người Chăm (1832). Từ là người chủ canh tác trên đất đai của tổ tiên để lại người Chăm trở thành thân phận làm thuê vì không chịu nỗi nhiều khoản thuế má vô lí. Họ phải bán ruộng canh tác tốt dễ tưới nước cho người Việt, cho con cái đi ở đợ trừ nợ, bỏ làng đi đến những vùng đất sinh sống khắt nghiệt nhằm trách xa sự kiểm soát của chính quyền.

 

2. Ngôi sao trên bầu trời Panduranga

Trong suốt thế kỉ XIX và nửa đầu thế kỉ XX, chủ nhân của nền văn minh Champa sống trong cảnh đêm trường  tăm tối không còn ai biết đến, dần dần người Chăm trở thành một tộc người thiểu số ở Việt Nam. Thời Pháp thuộc xuất hiện ông Dương Tấn Phát làm Quận trưởng quận An Phước. Với tư cách là người đứng đầu một quận có đông người Chăm sinh sống, ông Dương Tấn Phát đã phục dựng được Bộ luật tục (Tập quán pháp) cho người Chăm dựa trên văn hóa ứng xử truyền thống. Nhưng, nội dung của tập quán pháp chủ yếu phản ánh vấn đề hôn nhân và gia đình. Mặt khác, nó được xây dựng thành những điều khoản chặt chẽ giống như bộ luật hiện đại. Trên thực tế, bộ luật do Dương Tấn Phát soạn thảo chủ yếu dùng để cho chính quyền tham khảo chứ không có giá trị chế tài và hiệu lực trong cuộc sống. Ngày nay, khi nhắc đến quận trưởng người Chăm thì người ta thường nhắc đến tác giả của bộ tập quán pháp mà quên hết những ông quận trưởng khác. Việc đánh giá về sự nghiệp của các ông quận trưởng người Chăm chưa được sự chú ý và quan tâm của nhà nghiên cứu về Chăm. Những ông quân trưởng như Lưu Hồng Xuân (Quận trưởng Tê), Thiên Sanh Tây (thân sinh Thiên Sanh Cảnh) cho đến vị dân biểu cuối cùng của nền Đệ nhất Cộng hòa là ông Quảng Đại Minh chưa có nhiều vai trò nổi bật. Dù sao đi nữa, những công chức này họ được hưởng nền giáo dục Tây học và là tri thức Chăm đương thời. Ở họ có nhiều hiểu biết về phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của người Chăm. Nếu biết cách khai thác nguồn tư liệu từ gia đình của các công chức này, có lẽ sẽ có những khám phá thú vị về văn hóa-xã hội Chăm trong thế kỉ XX.

Cũng là sản phẩm của thời thuộc địa nhưng họ trưởng thành trong thời lửa đạn của cuộc chiến tranh Việt Nam. Quận trưởng Dương Tấn Sở xuất thân từ học sinh Trường Ecole des Cadres Chams, sau đó tham gia khóa huấn luyện sĩ quan võ bị Đà Lạt từng tham chiến nhiều chiến trường ác liệt, được phong hàm thiếu tá và nhậm chức Quận trưởng An Phước. Trong thời gian tại chức, ông đã tham gia tích cực trong các phong trào xã hội, ủng hộ việc thành lập một trường trung học cho người Chăm sau này nổi tiếng với tên gọi Trường Trung học Pô Klong. Cùng là bạn học và cùng chọn lựa con đường binh nghiệp như ông Sở, nhưng với Lương Vặng có một kết thúc sự nghiệp một cách đau đớn. Sau khi các vị trí phòng ngự chiến lược lần lượt bị phá vỡ ở Tây Nguyên, rồi Huế và Đà Nẵng. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết tâm chọn Ninh Thuận làm tuyến lá chắn thép để bảo vệ thành trì Sài Gòn. Do đó, ông Lương Vạng được điều từ Bình Thuận vào Ninh Thuận để ổn định tình hình vô cùng cấp bách này. Đến ngày 16-04-1975, tỉnh Ninh Thuận được giải phóng, ông bị bắt, sau đó mất trong trại giam.

Một trường hợp khác, cũng xuất thân từ Trường Ecole des Cadres Chams, nhưng có số phận không may khi mất vào tuổi đời và sự nghiệp đang giai đoạn chín mùi. Đó là ông Lưu Quý Tân. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chánh Quốc gia Sài Gòn, ông công tác ở Viện Khảo cổ học, với chức vụ là chuyên viên về các vấn đề người Chăm. Quá trình công tác, ông Lưu Quý Tân và GS. Nghiêm Thẩm đã thực hiện những chuyến đi điền dã ở vùng Chăm Panduranga và địa bàn sinh sống của người Churu, Kaho, Raglai ở Lâm Đồng để khảo sát và thống kê những hiện vật của vương quốc Champa được các tộc người thiểu số cất giữ. Các hiện vật này được mệnh danh là kho báu Champa. Tiếc rằng, một số địa phương bảo quản kho bấu Champa bị Tin Lành hóa nên đã bỏ hoang hoặc làm mất mát rất nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật luyện kim của người Chăm. Sinh thời ông Lưu Quý Tân từng đảm nhận vai trò thanh tra giáo dục vùng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Do vậy, khi Trường Trung học An Phước – tiền thân của Trường Trung học Pô Klong ra đời, ông đã đứng ra thành lập Hội cha mẹ học sinh đầu tiên và không ngừng đôn đốc vần đề dạy và học của nhà trường. Ngoài ra, ông Lưu Quý Tân còn là người tiên phong nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Chăm. Bên cạnh đó, ông còn là một cây viết văn nghệ trên tạp chí Phổ thông nổi tiếng với bài thơ Cổ thụ để nói lên nỗi hoài niệm, thể hiện điều trăn trở và tin tưởng của ông vào sự tươi sáng của dân tộc Chăm ở tương lai. Đầu năm 1970, trong một chuyến công tác ở tỉnh Bình Thuận, ông mất bởi tai nạn giao thông. Ông được tổ chức tang lễ cấp Nhà nước theo phong tục truyền thống ở quê nhà.

Thủa thiếu niên đã xa nhà để tìm con đường học vấn. Đó là Quảng Văn Đủ, khi học hết lớp 3 tại làng Chất Thường, để theo đuổi sự nghiệp đèn sách ông phải vượt một quãng đường khá xa để đến làng Hữu Đức học tập cho hoàn tất chương trình Tiểu học. Vào Trung học, ông phải vào thị xã Phan Rang để sinh sống và học tập. Đến năm 1966, ông tham gia công tác tình nguyện tại Trường Trung học An Phước. Tuy chỉ là học sinh trung học nhưng với năng lực tổ chức ông vừa học vừa hướng dẫn học sinh Trường Trung học An Phước trong vấn đề học tập, giữ gìn kỉ luật, nội quy quy chế của nhà trường. Ông được học sinh gọi bằng cái tên thân mật là Ai Năm. Ngày nay, học sinh Pô Klong vẫn còn nhớ về ông ngưỡng mộ về ông vì đã góp phần giáo dục họ nên người. Đến hết năm 1968, ông sang Cambodia và đổi tên thành Po Dharma. Sau đó, ông sang Pháp du học và tốt nghiệp tiến sĩ sử học. Sự nghiệp khoa học của ông gắn liền với các công trình nghiên cứu về Champa đồng thời ông là người đẩy mạnh quảng bá văn hóa Chăm và nghiên cứu về Champa học trên thế giới.

 

3. Canh tân giáo dục.

Tuổi trẻ là bé mục đồng, được người cậu là Lưu Quý Tân dẫn dắt con đường học vấn ông Thành Phú Bá đã tốt nghiệp Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn về Ninh Thuận được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Đức. Vào năm 1965, trước nhu cầu phát triển giáo dục của địa phương, ông được bổ nhiệm làm Quản đốc (tương đương Hiệu trưởng) Trường Trung học An Phước– một trường trung học đầu tiên đặt tại Quận An Phước, nơi tập trung người Chăm đông nhất cả nước. Từ xuất phát điểm một trường không có giáo viên, không có cơ sở vật, ông đã thực hiện công việc quyết định đến sự sống còn của ngôi trường là  tiến hành tuyển sinh và khai giảng năm học đầu tiên vào ngày 1-10-1965 với 65 học sinh lớp 6 tại làng Bầu Trúc (thôn Vĩnh Thuận). Hết học kỳ I trôi qua nhà trường vẫn không có một chuyển biến tích cực nào. Do vậy, ông quyết định chuyển cơ sở giáo dục về tại làng Phú Nhuận. Tại đây, hoạt động giáo dục được tiến hành thuận lợi hơn. Xã hội Chăm đã nhận thức được muốn phát triển cần phải có lớp trẻ học vấn. Vì vậy, họ đã ra sức tham gia công tác tình nguyện, ủng hộ vật chất và tinh thần để nhà trường hoạt động được. Từ năm 1966-1968 là khoảng thời gian khó khăn nhất của Nhà trường, nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân nhà trường ngày càng trưởng thành và vững bước tiến lên với phương châm giáo dục “ Sinh hoạt tự túc-Kỉ luật tự giác-Tháo vác tự cường”. Nhà trường tiếp tục mở thêm lớp 7, 8 và 9.

Đồng hành với ông Quốc đốc nhà trường có ông Đàng Năng Quạ được thuyên chuyển từ tỉnh Quảng Nam, ngoài việc lên lớp giảng dạy chính thức, ông còn đảm nhiệm vai trò tổng giám thị, chịu trách nhiệm quản lý toàn thể học sinh. Vì vậy, ông thường túc trực tại trường để theo dõi các hoạt động của học sinh. Ngoài ra, ông còn làm đạo diễn các chương trình văn nghệ của nhà trường để đi lưu diễn khắp các làng Chăm nhằm mục đích gây Quỹ học đường. Trong hoàn cảnh sinh hoạt khó khăn tình yêu thương của ông dành cho học sinh và tiếng nhạc của ông là niềm hứng khởi để học sinh cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện đạo đức để trở thành công dân ưu tú trong xã hội. Sau này, khi Trường Trung học Pô Klong kết thúc sứ mệnh vào năm 1975, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp nhà giáo tại quê nhà cho đến ngày hưu trí.

Đầu năm 1970, cơ sở giáo dục Trường Trung học An Phước bị trúng đạn pháo kích lạc vào. Rất may, không ai bị thương vong. Sự kiện này làm cho phụ huynh lo lắng và học sinh không dám ngủ trong Ký túc xá nữa. Để ổn định việc dạy và học, Nhà trường quyết định chuyển vào thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Một lần nữa, học sinh phải phát hoang sân trường, xây dựng phòng học và nơi sinh hoạt. Tại đây, nhà trường có bước phát triển mới, Từ Trường Trung học Đệ nhất (Trung học cơ sở) thành Trường Trung học Đệ nhị cấp (Trung học Phổ thông). Và ông Lưu Quang Sang được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, nhận nhiệm sở ông tiếp tục công việc xây dựng cơ sở vật chất đưa nhà trường phát triển khang trang hơn làm cho “trường ra trường lớp ra lớp”. Do vậy, cần phải có tên gọi mới để đánh dấu bước phát triển. Thế là, Ban lãnh đạo nhà trường quyết định chọn nhân vật Pô Klong Girai làm tên gọi chính thức để trình lên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xin danh xưng này. Đến ngày 15-2-1971, Nhà trường nhận được công văn của Bộ giáo dục đồng ý đặt tên Trường Trung học Pô Klong. Giữ cương vị Hiệu trưởng hết niên học 1970-1971, ông Lưu Quang Sang xin thôi chức vụ ra ứng cử dân biểu và trở thành vị dân biểu người Chăm trong Hạ nghị viên của Việt Nam Cộng hòa.

Kế thừa thành quả xây dựng từ những vị tiền nhiệm, ông Nguyễn Văn Tỷ trở thành tân Hiệu trưởng Trường Trung học Pô Klong cho đến khi tỉnh Ninh Thuận được giải phóng 16-04-1975. Ông ra sức làm cho nhà trường “xanh-sạch-đẹp”, phát động phong trào trồng cây xanh trong khuôn viên nhà trường và nơi công cộng. Khó khăn lớn nhất mà ông phải đối mặt là hiện tượng kẻ xấu đặt mìn trong trường, trước áp lực này, ông đã yêu cầu ông Đại tá-Tỉnh trưởng Trần Văn Tự giải trình sự việc cho rõ ràng. Từ đó, hiện tượng đặt mìn phá hoại, khủng bố tinh thần nhà trường không còn tiếp diễn nữa. Phải chăng ảnh hưởng nền giáo dục Tây học từ nhỏ nên ông có một cuộc sống khép kín. Sau này, khi hưu trí ông mới thực hiện những chuyến đi thăm viếng bạn bè, học trò và bà con Chăm. Sau năm 1975, ông không bị tù đầy mà vẫn tiếp tục giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Thanh niên Dân tộc Chiêm tỉnh Thuận Hải, sau đó là Trưởng ban Ban Biên soạn Sách Chữ Chăm cho đến khi về hưu. Để đúc kết kinh nghiệm trong nghề giáo dục và trăn trở các vấn đề xã hội Chăm, ông đang thực hiện các dự án viết sách, nghiên cứu và viết hồi ký tự truyện để thế hệ trẻ hiểu thêm về văn hóa-xã hội Chăm.

 

4. Khai sáng phong trào báo chí.

Sinh hoạt báo chí của người Chăm bắt đầu có mầm móng từ sân chơi báo tường của Trường Trung học Pô Klong với Đặc san Ước Vọng. Nhưng tờ báo đầu tiên do người Chăm sáng lập được sự cho phép của chính quyền và có sự kiểm duyệt nội dung là Nội san Panrang xuất bản số 1 vào tháng 9 năm 1972, do ông Thiên Sanh Cảnh làm chủ bút, ông Đàng Cải làm Thư kí, ông Nại Thành Viết trình bày nội dung. Chủ đề mà Nội san Panrang thường bàn luận là các vấn đề xã hội, giáo dục, văn học và nghệ thuật. Cấu trúc của tờ báo gồm 4 danh mục chính: Nhận định và biên khảo (Nghiên cứu), Sinh hoạt cộng đồng (Tin tức), Cổ thư Chàm (Sưu tầm) và Văn chương (thơ, truyện).

Tuy rằng tờ báo có qua sự kiểm duyệt nghiêm túc, nhưng những nhà sáng lập vẫn không chủ trương thương mại hóa nội san này. Họ làm vì tâm và tình với văn hóa dân tộc mà cống hiến, bởi vì, đa phần họ không xuất thân từ lĩnh vực chuyên môn về báo chí. Do đó, Nội san Panrang gặp không ít khó khăn, mọi vấn đề tài chính đều tự chủ. Bên cạnh đó, tờ báo dùng để biếu chứ không có bán. Quá trình hoạt động tờ Panrang không những nhận được bài viết của người Chăm còn có nhiều bài viết của tác giả người Việt. Trong số đầu tiên, chữ Chăm Akhar Thrah cũng đã xuất hiện trên mặt báo.

Tiếp nối tinh thần yêu thích văn nghệ, trước và sau 1975, rải rác một số cá nhân cũng tiến hành sưu tầm văn, thơ, bài viết cảm nghĩ về văn hóa Chăm rồi đóng thành tập để lưu niệm trong nhóm bạn bè. Mãi cho đến năm 2000, sinh hoạt báo chí người Chăm mới được khai bút trở lại qua Tuyển tập Tagalau do các cộng sự là Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Chế Vỷ Tân thực hiện, nhà văn [tự do] Inrasara làm chủ biên và chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu từ tập hợp bài vở, biên tập nội dung đến xin giấy phép và trả chi phí phát hành. Thời kì khủng hoảng kinh tế, Tagalau cũng bị ảnh hưởng tưởng rằng sẽ nghỉ luôn; thế nhưng may mắn thay, được sự ủng hộ tài chính từ mạnh thường quân và độc giả, Tagalau tiếp tục con đường mang tri thức và nguồn giải trí đến từng Palei Chăm.

 

5. Phong trào sinh viên từ tự phát đến hợp pháp.

Sinh viên là lực lượng tiến bộ trong xã hội có hiểu biết và được trang bị nghề nghiệp trước khi bước vào xã hội. Trước năm 1975, phong trào sinh viên Chăm đã xuất hiện khi học sinh Trường Trung học Pô Klong trưởng thành vào các thành phố lớn để học tập. Họ lập thành nhóm bạn bè để chia sẻ với nhau niềm vui và nỗi buồn những ngày tháng sống xa người thân xa quê hương yêu dấu. Hình thành nên nhóm sinh viên Đà Lạt, nhóm sinh viên Ban Mê Thuột và nhóm sinh viên Sài Gòn khi có dịp nghỉ họ thường đoàn kết lại tổ chức các chương trình văn nghệ giúp vui cho quê hương, trồng cây xanh, xây dựng công trình công cộng ở nông thôn.

Sau năm 1975, số lượng sinh viên Chăm tuy có gia tăng, nhưng chưa xuất hiện phong trào nào đáng kể có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Nhu cầu sinh hoạt cộng đồng Chăm ở TPHCM là rất lớn. Trong những năm cuối thế kỉ  XX “Hội đồng hương Thuận Hải” do ông Cửu Chi Tơ phụ trách tập hợp đông đảo anh chị em hoạt động khá hiệu quả. Nhưng từ khi ông về hưu trở lại bản quán Phan Rí sinh sống, phong trào này gần như tắt ngúm. Mãi đến năm 1997, một nhóm sinh viên người Hamu Tanran do Trương Đăng Ái, Đàng Năng Hòa, Bình Minh Nhẹ v.v. phát động và kêu gọi bạn bè đồng hương về biểu diễn văn nghệ tại quê nhà để cổ vũ phong trào học tập cho thế hệ đàn em. Đêm văn nghệ đã thành công vang dội, sau đó, được các palei khác mời đi lưu diễn góp vui. Sự kiện này, ít nhiều thức tỉnh đến nhiều học sinh nhà quê cố gắng học tập để trở thành sinh viên để có cơ hội cống hiến cho cộng đồng. Nó đã tạo tiền tề cho phong trào văn nghệ địa phương phát triển về sau.

Đầu thế kỉ XXI, số lượng công chức, lao động và sinh viên đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh ngày càng gia tăng. Trong những ngày cuối tuần, ngày lễ, họ thường tổ chức trận thi đấu đá banh giao hữu. Dần dần nổi trỗi lên nhóm thanh niên gốc người Hamu Tanran như Lưu Hoàng Phương, Trương Đăng Ái, Hán Dương Phú, Lưu Xuân Bảo, Bá Minh Trí, Bá Lan Hanh, Thuận Văn Hải, Lưu Quý Nhu .v.v. Họ tổ chức những cuộc họp để đề ra chương trình sinh hoạt cho sinh viên, giao lưu với bạn bè đồng tộc. Thế là, vòng tay bạn bè được mở rộng thêm các palei khác cùng tham dự, họ tự xưng hô với nhau là Đồng Hương Chăm. Từ năm 2004-2006 mọi hoạt động đều tự phát nhưng Đồng Hương Chăm đã tổ chức được các chuyến lưu diễn văn nghệ ở các Palei Chăm, hành hương về dự Lễ hội Kate, giao lưu văn nghệ, thể thao với các trường đại học và quảng bá văn hóa Chăm tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động của Đồng Hương Chăm bị lực lượng an ninh mời tra vấn hay gọi điện báo về gia đình hoặc gởi giấy báo về nhà trường.

Trước tình hình mới, những thủ lĩnh thanh niên phải tìm kiếm một tổ chức để bảo trợ các hoạt động của Đồng Hương Chăm được duy trì dài lâu. Được sự giới thiệu của tiến sĩ Thành Phần (Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Sinh viên Dân tộc Ít người), Đồng Hương Chăm đồng ý gia nhập vào Hội Dân tộc học Tp. Hồ Chí Minh để được hoạt động hợp pháp mà không lo phải gặp những trở ngại nào liên quan đến vấn đề hành chính-chính trị Nhà nước. Ngày 10 tháng 04 năm 2007, Hội Dân tộc học quyết định thành lập Chi Hội Chăm và công nhận là đơn vị chính thức của Hội, đồng thời công nhận các chức danh cho anh Lưu Quang Tuấn Huy (Chị Hội trưởng), Bá Minh Trí (Chị Hội phó), Thành Chế Phương (Chi Hội phó), Phú Tuệ Năng (Ủy viên), Quảng Đại Tuyên (Ủy viên), Đổng Thị Mỹ Thẳm (Ủy viên), Lộ Minh Hoàng Trân (Ủy viên).

Ngày nay, hoạt động của sinh viên đã chính danh rõ ràng. Tuy nhiên, theo thói quen sinh viên vẫn giữ xưng hô với nhau là Đồng Hương Chăm hay Nhom Urang Chăm. Phong trào của sinh viên lan rộng rất nhanh thu hút sự chú ý của các cấp chính quyền, phụ huynh ở quê nhà và Chăm kiều ở nước ngoài về tham dự. Chi Hội Chăm đã vinh dự đón tiếp nhiều doanh nhân, cán bộ cao cấp và tri thức lão thành về sinh hoạt chung. Hàng năm, các chương trình văn nghệ mừng Kate & Ramadan được tổ chức trang trọng ở Hội trường Trường Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Chi Hội Chăm còn đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt Vòng tay bạn bè ở miền quê, tổ chức dạy tiếng Chăm và nhạc cụ truyền thống cho đối tượng là sinh viên.

 

6. Nhìn về tương lai.

Từ Trường Ecole des Cadres Chams đã sản sinh ra thế hệ tri thức Chăm ảnh hưởng văn minh phương Tây đến Trường Trung học Pô Klong cung ứng cho xã hội Việt Nam nguồn nhân lực chất xám và xã hội Chăm những vị bác sĩ, kĩ sư, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ và nhà khoa học giàu tinh thần dân tộc và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Họ vừa hoàn thành trách nhiệm của một công chức với cơ quan, công dân đối với Nhà nước vừa đóng góp chung tay vào việc nâng cao dân trí, phát triển cộng đồng của mình lên cùng cả nước. Ở mỗi thời kì lịch sử có một sứ mệnh riêng, nưgar Chăm đã sản sinh ra những con người ưu tú để giải quyết các vấn đề lịch sử đặt ra. Tuy nhiên, hiện tại và tương lai có vô vàng khó khăn, thách thức khi cấu trúc văn hóa palei Chăm đang bị phá vỡ, quan niệm sống và lối tư duy thay đổi. Người Chăm cùng văn hóa truyền thống sẽ đi về đâu trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ?

Mọi đứa trẻ Chăm đều được giáo dục như bao đứa trẻ Việt Nam khác, chỉ lúc ở nhà mới nói tiếng mẹ đẻ. Vấn đề đưa giáo dục song ngữ vào nhà trường ở nơi có đông tộc người thiểu số theo học vẫn còn là mơ ước chưa trở thành hiện thực. Văn hóa Chăm có đủ sức mạnh cạnh tranh để phổ biến rộng rãi trên toàn cầu khi đời sống nông thôn Chăm có một khoảng cách khá xa với đô thị. Hơn một thập kỉ của thế kỉ XXI đã trôi qua người Chăm chỉ có khoảng 30 thạc sĩ và 7 tiến sĩ. Du học sinh người Chăm sau đại học ở nước ngoài chỉ vọn vẹn chưa đầy 10 người. Liệu ai sẽ đưa xã hội tiến triển đi lên? Lối sống thực dụng đang manh nha trong một bộ phận người sống ở đô thị. Từ đó, câu hỏi cấp thiết đặt ra là: Tinh thần Chăm truyền thống kia có còn sáng rực rỡ? Và rồi một mai, khi những hạt lúa ấy chết đi, nó có để lại hoa thơm và trái ngọt? Hay tất cả sẽ mang theo cùng với nó?

 

12 thoughts on “Jaya Bahasa: Ngược dòng lịch sử nhìn về tương lai xã hội Chăm

  1. Biah siam makrâ. Caong ka ayut Jaya Bahasa hu ralo kadha yau ni wek. Pieh ka anak Cam thau tal sakara, ilimo saong adat Cam.

    Ranam.

  2. Hoan hô Javy viết tiếng Chăm. nhưng sao nhà thơ Inrasara không biên tập lỗi chính tả nhỉ?
    5 lỗi như sau:
    – biah = biak
    – makrâ = mâkrâ
    – anak = anâk
    – sakara = sakarai
    – YUT chứ không phải ayut!!!

    Ndua karun!

  3. có gì hay ho khi vạch áo cho cộng đồng cùng xem vết loét vậy Beh, có gì hay – lợi ích chi khi một thứ tiếng đang chuẩn bị rơi xuống vực thẳm, có gì vui khi ở VN nói tiếng Chăm theo kiểu mà Malay, vọng ngoại và mù quáng tin theo những lời nói cua nhà khoa học nửa mùa, hãy có chính kiến riêng mình Beh ơi, mong Beh sẽ mau lành.

  4. À, likuw ơmpun!
    Javy viết:
    Biah siam makrâ. Caong ka ayut Jaya Bahasa hu ralo kadha yau ni wek. Pieh ka anak Cam thau tal sakara, ilimo saong adat Cam.
    Ranam.

    Không phải vạch áo xem lưng đâu, mà giúp nhau cho đúng thôi mà. Ở trển là tui sửa theo khoa học nửa mùa, còn đây tui xin viết lại cho đúng (theo chuyển tự Từ điển của Trường ĐH KHXH và NV) nhé:
    Biak siam mưkrư. Caung ka yut Jaya Bahasa hu ralo kadha yuw ni wơk. Piơh ka anưk Cam thuw tơl xakarai, ilimo saung adat Cam.
    Ranơm
    .

  5. Viết Ma hay mâ thì có gì là sai trong từ makrâ?
    Yut với Ayut thì cái nào mới là đúng? Bạn BEH bảo là YUT chớ ko phải Ayut? Bạn dựa vào đâu mà nói thế?
    Viết comment thay vì chú ý vào nội dung của bài viết thì lại bắt lỗi chính tả nhau. Lại còn có ý mỉa mai chế giễu người khác trong câu “khoa học nửa mùa”.
    Các anh thật là khó hiểu.

  6. Yut Chăm drei!
    Kadha ni yut Jaya Bahasa wak siam rolo. Nhu pamưdơh Chăm drei anit ranơm bangsa Chăm mưda haray mưda lihik ilimo. Đom xap Ywon lo jen pawnoc Chăm. Kaywa nan, dahlak likau chek kadha di Inrasara “NẾU HẠT LÚA KHÔNG CHẾT ĐI…” paray khol drei pwoc wơk. Kadha ni kadon liwik dalam hatai jai di hulin. Nhu pamưdơh hulin nao aka ong muk drei matai parân gul patom Chăm mai biak khik ilimo Chăm drei. Drei jwoi tahoh atai ong muk drei. Dahlak parân wak xap Chăm oh nhjaup akhar o, yut drei parân pwoc nah!
    Bài này của bạn jaya Bahasa rất hay. Nó nhắc nhở Chăm mình nên thương dân tộc Chăm đang ngày ngày mất đi văn hóa của mình. Nói tiếng Việt nhiều hơn tiếng Chăm. Với tinh thần này, tôi xin đăng bài của Inrasara “NẾU HẠT LÚA KHÔNG CHẾT ĐI…” để mọi người cùng đọc. Bài viết này đọng lại rất lâu trong lòng tôi. Nó nhắc nhở tôi về ông bà mình đã cố gắng tập họp người Chăm lại với nhau để giử gìn văn hóa Chăm, Chúng ta chớ để phụ lòng họ. Tôi cố gắng viết “tiếng” (ko phải chữ) Chăm, các bạn rán cố gắng đọc nhé!.
    YC
    NẾU HẠT LÚA KHÔNG CHẾT ĐI…

    Những con người bình thường đến tầm thường, những con người làm việc cật lực trong nỗi vô danh của hạt thóc vãi rơi sau vụ gặt thịnh mùa, chịu ở lại với đám ruộng bỏ giá suốt những tháng hạn, với nắng, gió, chim chóc… để bật lên cây lúa chắc nịch sau những ngày mưa đầu tháng năm; những con người chịu nở trọn lòng mình trong bóng tối… luôn cuốn hút tâm hồn tôi một cách kì lạ.
    Nếu hạt lúa không chết đi, nó sẽ ở một mình.
    Nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ mang đầy hoa trái.
    Một câu Phúc Âm bất ngờ bay tới ám tôi suốt buổi chiều cuối thu mưa phùn, giá rét Hà Nội. Bây giờ là ba giờ sáng. Hôm qua, người thầy cũng là bạn vong niên nhắc tôi viết bài tham luận cho Hội thảo tổng kết hai mươi năm biên sọan sách chữ Chăm – Ninh Thuận. Tôi hơi lưỡng lự. Không phải bởi chuyên môn. Vì dẫu sao, từ lò Ban biên soạn sách chữ Chăm, tôi đã là một thi sĩ, người nghiên cứu văn hóa dân tộc ít nhiều được biết đến. Mà bởi một cái gì sâu lắng hơn, lay động con tim hơn.
    Là đứa em út của Ban mà đã sớm rời anh em, tôi cảm thấy mắc nợ, với những người còn lại. Và nhất là với những người đã vĩnh viễn đi xa. Những con người đã chịu làm hạt lúa chết đi…
    Lâm Nài, Quảng Đại Hồng, Nguyễn Ngọc Đảo, Bạch Thanh Chạy. Bốn khuôn mặt – bốn tính cách – một con đường. Những kẻ mà tuổi thiếu niên tôi xem như là những sinh thể cá biệt. Rồi khi lớn lên đủ hiểu biết, tôi lại coi là những con người bình thường – vĩ đại. Ví dù kẻ hậu sinh này có ngoa ngôn chút ít, kính mong anh linh các vị lượng thứ.

    Lâm Nài
    Với bộ râu như cước, vầng trán cao lộ vẻ thông thái hệt một ông lão bước ra từ thần thoại. Mà thần thoại thật, bởi mỗi lần ông đạp xe xuống làng là lần các cụ ông cụ bà tụ họp lại để nghe ông kể chuyện cổ tích. Và trong ông là cả một kho truyện cổ, truyền thuyết, thần thọai Chăm.
    Đôi lúc tôi tự hỏi tại sao ông không hệ thống chúng lại thành cuốn sách sưu tầm văn học dân gian thì có giá trị hơn không. Cứ mãi để cho những ấn phẩm được tập hợp vội vã, sao đi chép lại càng vội vã hơn thao túng văn học Chăm, để người ngoài càng lúc càng hiểu sai về nền văn học dân tộc này.
    Nhưng hầu như ông có năng khiếu nói kể hơn là viết lách. Khoản này thì ông cực kì. Quả thật tôi chưa gặp người Chăm nào nói thuần Chăm (không lai tiếng Việt), nói hay và chuẩn như ông. Dù ông là người Phan Rí mà trong phát âm và giọng điệu không thấy mùi Parik cũng chẳng của một địa phương nào.
    Riêng vốn từ vựng Chăm của ông thì chúng tôi bái phục. Có thể chúng ta không đồng ý lắm với ông về một số từ mới tạo như : mul ba rapatom (chủ nghĩa xã hội) hay tui hatai (tự do)… Nhưng với số ngữ vựng mà ngay cả người cùng lứa tuổi ông không ai còn nhớ như: barih (nét), puk (xóm), thì phải xem đó là một cống hiến thiết thực của ông cho Ban. Chúng tôi tôn ông lão làng là vậy. Một lão làng vui vẻ, hòa nhã. Ông không bao giờ muốn được dành đặc ân, dẫu rất xứng đáng. Đi khảo sát hay kiểm tra dạy và học ở các trường, ông cũng đạp xe như chúng tôi, những đoạn đường gần như không tưởng. Bảy, tám mươi cây số một ngày – với cụ già trên sáu mươi tuổi, dù ông mắc chứng sạn bàng quang nặng. Gần ba mươi làng Chăm có trường tiểu học trải dài hơn hai trăm cây số của tỉnh Thuận Hải cũ, không nơi nào không in dấu chân ông. Những cơn gió Phan Rang khi thì như mang từng thau lửa hất vào mặt, lúc lại như kéo cả chùm hơi rét thổi buốt thấu tủy xương người. Mười lăm năm. Thuộc đội ngũ cán bộ đầu đàn của Ban, năm 1993 ông về hưu. Nhưng hầu như tất cả tinh lực ông đã dồn hết cho sự nghiệp phát triển tiếng Chăm trong những năm xa nhà, nên chưa đầy năm sau, ông ngã bệnh và mất.
    Năm năm làm việc bên ông, tôi định bụng “khai thác” ông vốn truyện cổ. Nhưng rồi lần lữa và lần lữa. Hôm nay đành tiếc hối cho bao vốn quý ông mang theo.

    Quảng Đại Hồng
    Biệt danh Hồng Thơ. Người Vụ Bổn lấy vợ Mĩ Nghiệp. Thầy dạy tôi lớp một năm 1962 và luôn đồng hành với tôi suốt chặng đời gập ghềnh của tiếng và chữ Chăm cho đến khi thầy mất vào mùa thu năm 1991. Cái chết của thầy gây xúc động cho mấy thế hệ học sinh qua trường lớp của thầy ở Mĩ Nghiệp, cộng hưởng sang cả làng Chăm khác. Dù đã bước sang tuổi nghe thuận tai, nhưng sức khỏe vẫn như một thanh niên. Mười giờ tối. Thầy vừa dạy xong lớp xóa tái mù để về căn lều nằm trong khu đất cách đó hơn cây số. Dù tính rất thận trọng nhưng chỉ một lần rủi ro thầy đánh ngã đèn cầy bắt cháy bình xăng. Thầy bị phỏng nặng và mất hai ngày sau đó ở bệnh viện.
    Suốt ba mươi năm không ngưng nghỉ, thầy làm một chiến sĩ xóa mù và chống tái mù – cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt – không công và hoàn toàn tự nguyện. Nhiều lứa tuổi trẻ chăn trâu nghèo thất học ở Mĩ Nghiệp biết ơn thầy đã năn nỉ cha mẹ, đôi lúc mua giấy bút cho họ để họ có thể đọc và viết được thư cho người yêu.
    Nông thôn Chăm vào những năm 60 còn rất đèo heo. Mới bảy giờ tối mà làng xóm đã im ắng. Ngoại trừ tiếng học bài của các xeh – học trò thầy. Thầy dạo qua tất cả các con hẻm, mà nếu nhà nào không vang tiếng học bài thì chắc chắn hôm sau em đó sẽ bị phạt. Thuở học trường làng, lứa chúng tôi rất khớp về lối nhiệt tình này của thầy. Bây giờ nghĩ lại mới thương.
    Mà thầy giàu có gì cho cam. Thầy nghèo đến nỗi phải nhét giẻ làm ruột xe đạp đi mười cây số qua Phan Rang để làm chuyện cười cho bàn dân Ban biên soạn. Nhưng nếu chỉ được chọn giữa học sinh và người thân thì thầy dứt khoát chọn học sinh rồi.
    Năm 1986 thầy được phân công dạy lớp hai ở Thành Tín cách nhà khoảng một nồi cơm chín. Buổi trưa, người nhà báo tin dì ruột thầy ở một làng xa bệnh nặng. Lưỡng lự đôi chút, thầy quyết định đi đến với học sinh mình. Và trong lúc cuốc bộ dưới nắng trời Phan Rang, thầy làm một bài thơ tạ lỗi thật cảm động.
    Thầy mất. Các học sinh cũ của thầy ở các nơi đang công tác trong ngành giáo dục muốn đề đạt với Sở phong danh hiệu liệt sĩ cho thầy. Một liệt sĩ trên mặt trận giáo dục, ở một cấp thấp nhất: xóa mù! Có cường điệu lắm không? Tôi không nghĩ vậy. Bởi một cây muốn vươn lên khoảng xanh thì trước tiên nó phải được bám rễ trên mảnh đất chắc chắn. Chúng ta luôn ôm mang hoài bão làm chuyện to tát vĩ đại mong để lại một tiếng vang. Tiếng vang sẽ dội vào đâu không biết! Hỏi có mấy ai chịu chăm sóc đám ruộng đã bạc mầu, khiêm cung hì hục với khâu làm đất tẻ nhạt và đơn điệu cho cây lúa đâm nhánh trổ bông?

    Nguyễn Ngọc Đảo
    Khác với Quảng Đại Hồng, Nguyễn Ngọc Đảo là đại biểu của phái ốm. Mút mùa, hai lớp áo bọc lấy tấm thân gầy còm. Vậy mà chính bằng tấm thân này với chiếc xe đạp cọt kẹt, anh đã đội nắng, gió miền Trung mỗi năm hai mùa lặn lội khắp mọi nẻo đường đất làng Chăm cả hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận suốt hai mươi năm ròng rã để vãi gieo hạt giống chữ lên cánh đồng tâm hồn của con em dân tộc.

    Ngọn nến đa mang

    Không còn nhạc dế tuổi thơ trỗi khúc tiễn đưa
    Không còn giọng mẹ ru hời làm câu từ biệt
    Chỉ gió đông từng tác oai lên thành ngực lép
    Ù ù thổi vào khoảng không anh.

    Không lớn lao nên không phải cờ xí rềnh rang
    Không vang danh nên chẳng ai tạc tuổi tên vào trang sách
    Triệu con chữ xanh anh làm vãi rơi khắp làng mạc
    Có cầm tay xếp hàng cũng không phác nổi một hình anh.

    Như ngọn nến phải cháy hết đời nến đa mang
    Cần gì giọt lệ dư, cần chi lời thơ thống thiết!
    Những ánh mắt dại khờ của đám học sinh quê vương màu sốt rét
    Cũng đủ ru linh hồn anh ngủ yên.

    Làm việc quên mình. Làm việc quên cả quyền lợi dù rất nhỏ nhoi. Một giai thoại về anh: khoảng năm 1970, giáo viên thôn quê hàng tháng phải lên thị xã Phan Rang nhận lương. Bốn năm lần anh qua nhận trễ. Có khi thủ quỹ phải lưu nó lại đến mươi ngày, khá phiền hà cho kết toán đến nỗi anh bị phiền trách. Anh đã phát biểu một câu quá ư thật thà: bao công việc chưa xong còn buộc tôi đi lãnh lương nữa!
    Lại thêm một kỉ niệm. Năm 1980. cả tuần đi kiểm tra ở xã xa về. Mệt bã người. Buổi tối chúng tôi lăn ra ngủ để còn lấy sức cho hai hôm sau tiếp tục lên đường giải quyết các trường còn lại. Cơ sở mới chuyển đổi, cửa khóa khá chểnh mảng. Chả chểnh mảng là gì bởi gần hai mươi anh em tập trung trong một phòng tập thể rộng thênh thang. Và có gì quý đâu mà lo giữ. Thế là, một chiếc xe đạp bị mượn đỡ, lại đụng ngay xe của anh mới khổ chứ. Anh đã khóc như con nít. Và rên: tôi lấy gì để đi xuống trường đây! Mà không có thật. Phải mất một quý đèo nhau anh mới có được chiếc xe mới do mười anh em nhường tiêu chuẩn.
    Làm việc với tất cả lương tâm nghề nghiệp. Ở Trường Trung học Sư phạm Ninh Thuận có lớp bồi dưỡng chữ Chăm cho giáo sinh hàng năm. Mấy năm đầu, một giáo viên với lối dạy qua loa, rồi thêm một giáo viên với việc truyền thụ kiến thức trên trời thì hầu như các khóa học đều thất bại. Và dĩ nhiên: bởi học sinh Chăm thiếu căn bản!
    Nhưng khi Nguyễn Ngọc Đảo đứng lớp thì tất cả thay đổi hẳn: giáo sinh siêng học, luôn muốn được thầy dò bài, và cả những người bỏ học đều xin trở lại lớp. Không phải vô cớ mà buổi lễ tổng kết, hiệu trưởng nhà trường, ông Trần Đức Lực phát biểu rằng: “Nếu ngành Sư phạm đào tạo được tất cả giáo viên như Nguyễn Ngọc Đảo thì đất nước này không phải ở tình trạng hôm nay mà đã cất cánh lâu rồi!”
    Vắt kiệt sức cho công việc. Tổng kết năm năm biên soạn, dạy và học sách thí điểm, ba anh em chúng tôi chỉ có bốn ngày đêm chuẩn bị. Dù tôi với Kinh Duy Trịnh trẻ khỏe hơn, và dẫu nhiệt tình đến đâu, chúng tôi cũng tranh thủ chợp mắt. Riêng anh thì không. Để đến hôm khai mạc, anh ném thân xác kiệt quệ của mình lên chiếc giường cứng ngủ li bì, ẩn mình sau bóng tối của vinh dự.
    Có phải thế chăng mà anh đã ngã gục bất đắc kì tử vào mùa đông năm 1997 ở một làng xa nơi anh đang công tác? Và phải thế chăng mà gần cả trăm cánh thư chia buồn với lời lẽ thống thiết và trân trọng nhất từ khắp nơi đổ dồn về Phước Nhơn, quê anh. Điều vô tiền (khóang hậu) trong xã hội còn quá chật chội và khá kèn cựa nhau này.
    Định mệnh thật cay nghiệt với anh, với Quảng Đại Hồng trước đó và cả với Bạch Thanh Chạy nữa.

    Bạch Thanh Chạy
    Anh mất bởi bệnh ung thư cấp tính vào năm 1982, khi mới bốn mươi tuổi, lúc tài năng đang độ chín mà ước mơ chưa thành. Mất chỉ hai ngày sau khi đọc bảng Tổng kết năm năm hoạt động Ban biên soạn sách chữ Chăm. Quả chưa kịp hái mà người đã ra đi. Cái chết gây bàng hoàng cho cả xã hội Chăm.
    Có thấy anh gò từng nét chữ để vẽ từng mẫu tự hoa Chăm rồi sửa đi sửa lại cả trăm lần, có thấy anh mò mẫm đọc, chép, dịch văn bản cổ Chăm để từ đó làm nháp ngữ pháp tiếng Chăm rồi lại đi, hỏi, mở hội nghị chuyên đề cả chục lần mới hiểu hết cái say mê của anh với ngôn ngữ mẹ đẻ như thế nào.
    Thế hệ này sang thế hệ khác, xã hội Chăm luôn sinh ra những người con yêu thương tiếng nói và chữ viết dân tộc, riêng trường hợp Bạch Thanh Chạy là cực hiếm.
    Nghe tên các vị nghiên cứu có tiếng về Chăm anh đều liên hệ mời bằng được họ về nói chuyện. Anh còn thân hành đi khắp các làng xã Chăm xin từng cặp gà, vịt, dê, để bổ sung kinh phí hạn hẹp cho hội nghị nữa.
    Mùa hè trời rất bức và gió rất nồng. Đường cát lồi lõm Thành Tín mù bụi. Anh em chúng tôi đạp xe ngược gió. Gió ơi là gió. Người ta bảo dân Thành Tín mới mười hai tuổi mắt đã chập chững bét quả không ngoa. Có đoạn hai ba trăm bước chúng tôi phải dắt. Không ít khúc phải bỏ xe đi thuyền. Người Chăm phần đông nghèo khổ, riêng ở đây cần thêm cái chữ cực làm hậu tố. Thành Tín với tôi như là quê hương thứ hai. Tình cảm bà con, bằng hữu muôn đời vẫn vậy: trung thành và chân chất. Vợ anh Chạy lại là người Thành Tín. Thế mà một chuyện khá bất ngờ đã xảy ra: Nghe nói là một gia đình phú nông ở đây có máy điện, chúng tôi ghé vào hỏi nhờ ba đêm (một lẽ rất thường tình trong xã hội Chăm). Bà cụ lịch sự mời chúng tôi trà trước. Biết ý định của anh, bà cụ vội đỡ lời:
    – Ôi hai cháu ơi, máy điện thím mới mua tốt lắm, thằng con rất cưng, lau chùi ngày ngày. Hai cháu cho thím xin…
    Chúng tôi nghe mà hỡi ôi, không biết nên cười hay khóc nữa. Thường thì muốn từ chối, người ta viện lẽ máy hư hoặc có trục trặc gì đó, đằng này… Vậy là chúng tôi lủi thủi đạp xe trở về. Biết nhau chưa đầy năm, anh đã gây cho tôi bao nhiêu ấn tượng. Nhưng thôi, cái chết đã mang anh đi để lại trong tôi cả khoảng trống. Cũng như cái chết của ông Nài, thầy Hồng, anh Đảo.
    Chúng ta đến, chúng ta đi, và chúng ta bị quên lãng. Có thể những tên tuổi này cũng bị sớm lãng quên trong kí ức mọi người, như họ mong được thế. Như hạt giống chỉ muốn mình bị lãng quên để có được cây lúa xanh tươi trổ bông chĩu gié cho đời người và cho mùa sau.
    Hà Nội, cuối Thu 1998.

  7. muon hieu hoang sa, va truong sa thuoc ve ai. phai tim hieu ban do co cua vuong quoc champa. mot vuong quoc co nen hang hai rat manh, co the noi la manh hon ca nguoi trung hoa, chua noi la nguoi vn. chinh vuong quoc champa da khai pha mot tu duy bien rat quan trong ma nguoi viet co ke thua. nhung nguoi con uu tu cua vuong quoc cham, ho dai dien cho mot nen van minh dang con hien huu. hay tim ra nhung bang chung ve bien dong, ve cac dao dang co tranh chap. toi tin tai lieu o vuong quoc cham ma nguoi viet ke thua se lam bang chung cho bien song hom nay….

  8. Aku Melayu Campa thân mến!
    Bạn lầm TO rồi đó!
    1/- Muốn biết sai hay đúng về một chữ nào đó, bạn lấy ở đâu đối chiếu? – 3 cuốn từ điển Chăm năm 1906, 1971 và 1995 phải không? Cả 3 KHÔNG có makrâ, ayut!!!!!!
    Chỉ có MƯKRƯ hay MÂKRÂ và YUT thôi.
    Muốn lập ra mảnh trời riêng sao?

    2/- Tôi nói là để GIÚP đỡ chứ không bắt bẻ, GIÚP nhau viết đúng hơn.

    3/- “khoa học nửa mùa” là tôi dùng lại của Ja Siam, chứ không mỉa mai Javy đâu. Hiểu cho nhé.
    Nit ranơm!!!

    Bài viết của Jaya Bahasa rất chí lí! Vỗ tay…..

  9. Jabeh nói đúng đó, Aku Melayu Campa à.
    Theo ý tôi Ja Siam không nên dùng chữ khoa học nửa mùa, mới phải. Chúng ta nhắc nhở nhau nhẹ nhàng thì dễ sửa hơn.
    Thân mến

  10. Thêm 1 lần nữa xin phép BBT Website được nói chuyện ngoài lề với Entry nhé!

    Chào Jabeh!
    Là lầm to hay ko thì bạn xem lại chỗ này nhé. (Theo tinh thần của @JaloJalai là nhắc nhở nhau nhẹ nhàng nên mình dùng từ “to” nó ko “TO”)

    1. Yut hay Ayut viết đúng cái nào?
    Mình ko có từ điển 1995 và 1971 nhưng 1906 và từ điển Việt-Chăm 1996 thì lại có. Cùng xem lại dòng cuối trang 11 của từ điển 1996 này:
    bạn (d) yut […] cv: ayut” (cv = cũng viết là)
    Xem hình: http://farm8.staticflickr.com/7266/7767235840_f65b3e2016_z.jpg (hoặc: http://api.photoshop.com/v1.0/accounts/4f5bfafcca794724bb51e92b3bb9ef68/assets/ce2bbbed7b374dcb85a39baa7f7aec60/renditions/1024.jpg?md=1344792613000 )
    Vậy, bạn hay mình và @Javy lầm? Chẳng có ai lầm cả. Nếu bạn đúng thì từ điển này sai.

    2. Makrâ hay Mâkrâ mới đúng? Đúng như bạn nói, mình tìm lại trong từ điển 1906 thì ko có từ Makrâ mà chỉ có Mâkrâ. Nhưng mình có cơ sở để nói viết Makrâ vẫn đúng.
    Cũng trong quyển này, các từ như Manyum(uống), Manyim (dệt), Malau (xấu hổ), Mahesarai (hạnh phúc)… Hầu hết đều viết chữ “Ma”, nhưng nếu bạn lật từ điển 1995 thì mình chắc rằng tất cả đều viết lại là “Mâ”
    Xem hình ở đây: http://farm9.staticflickr.com/8301/7767234528_802228d8c7_z.jpg (hoặc: http://api.photoshop.com/v1.0/accounts/4f5bfafcca794724bb51e92b3bb9ef68/assets/4282c3cd64f54f11a83244e9b3abcc52/renditions/1024.jpg?md=1344792631000 )

    Tuy rằng Makrâ ko có trong từ điển 1906 nhưng bạn có nghĩ rằng nó có 1 sự liên quan tương đồng nào đấy? Sự chuyển thể từ Ma cho đến như thế nào thì chắc bạn biết rồi. Vậy viết cái nào mới đúng Makrâ hay Mâkrâ?
    Theo mình, viết cách nào cũng được.

    3. Ok mình đồng ý với bạn là giúp đỡ nhau chớ ko bắt bẻ.

    4. Biết là câu nói của @JaSiam dù ko hay ho lắm nhưng bạn vẫn cố ý dùng lại, điều này chẳng khác nào bạn cũng đồng ý với ý kiến của @JaSiam cả.
    Muốn hiểu lắm trong câu “Ở trển là tui sửa theo khoa học nửa mùa>, còn đây tui xin viết lại cho đúng (theo chuyển tự Từ điển của Trường ĐH KHXH và NV) nhé” nhưng hiểu ko nổi cách bạn giải thích là chỉ “dùng lại của Ja Siam”. Theo bạn, lối chuyển tự kiểu Rumi có vấn đề? Hay các nhà khoa học và những người thích viết theo Rumi là “nửa mùa” hết?

    Thân mến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *