Thư trả lời của Inrasara về câu hỏi liên quan đến Tagalau

Sài Gòn, 7-8-2012

Bạn trẻ thân mến

Bạn có ba câu hỏi liên quan đến Tagalau, xin tuần tự giải đáp như sau:

1. Về câu: Đối tượng chính là người đọc Chăm phổ thông, sau đó mới là giới nghiên cứu. Trên cơ sở đó, BBT chọn bài. Nếu chỉ phục vụ giới sau, e Tagalau không còn ai đọc, người mua chỉ để làm cảnh.”

– Trước hết ta hãy xác định độc giả là ai? – Là cộng đồng Chăm.

Nhưng trong cộng đồng này, hỏi có bao nhiêu người nghiên cứu chuyên sâu?

Theo tôi, một bài Nghiên cứu khoa học phải là một phát kiến mới, chuyên sâu. Không thể viết loại bài này bằng ngôn từ phổ thông. Ví dụ về ngôn ngữ chẳng hạn, nếu trong bài viết ta dùng thuật ngữ ngôn ngữ học đậm đặc (là điều khó tránh), thì độc giả phổ thông Chăm rất khó tiếp nhận. Đây là thực tế ở xã hội ta.

Còn một bài viết mang tính tổng hợp thì thích hợp hơn. Tạm gọi đó là bài Phổ biến khoa học, viết càng dễ hiểu càng tốt. Rất nhiều bài trong Tagalau thuộc dạng này, dù chúng được xếp vào mục Nghiên cứu.

Cuối cùng là các bài thuộc Cảm nhận xã hội. Không phải là nghiên cứu khoa học, mà là cảm nhận cá nhân về các vấn đề văn hóa và xã hội.

2. “Đa phần là Chăm, kiến thức vẫn còn hạn chế, hạn chế cả cách diễn đạt. Khi họ nhiệt tình với Tagalau mà ta cứ từ chối bài của họ, chắc không còn ai cộng tác nữa; từ đó họ quay lưng với Tagalau.”

– Câu hỏi thứ hai của bạn có liên quan đến câu hỏi thứ nhất.

Đó là, vì các nhà nghiên cứu Chăm rất hiếm, cho nên dù họ nghiêm túc, nhưng lực bất tòng tâm. Trong một số bài viết, lác đác vẫn có những cái sai khá thô thiển, chưa chuẩn khoa học là vậy. Còn bạn bảo họ sai có hệ thống thì bạn xem lại, nếu có hãy viết trao đổi lại tác giả hay góp ý chủ biên ở Tagalau. Lí do nữa, là vài tác giả thường rất “lập trường” về cái sai của mình.

Còn về các sai sót về kiến thức, khi nhận ra “lỗi”, tôi có thư từ qua lại (ít nhất phải qua 2 lần biên tập). Nếu tác giả chưa nhận ra, tôi vẫn tạm chấp nhận “cái sai” của họ. Còn nhận định của tác giả, có thể chưa đồng ý, nhưng tôi tôn trọng tối đa. Vì vậy độc giả thấy, có không ít ý kiến khác hay thậm chí ngược hẳn Inrasara với tư cách là chủ biên, tôi vẫn đăng.

Theo tôi, thái độ đó cũng có cái hay riêng. Nói Tagalau là “sân chơi” là vậy. Tagalau không là chân lí, nghĩa là không phải cái gì viết trên Tagalau là đúng. Tất cả đều có thể trao đổi lại.

Bạn nên hiểu rằng chủ biên một đặc san thì khác hoàn toàn với giảng viên trên giảng đường. Giảng viên có quyền hướng dẫn và buộc sinh viên theo ý mình, còn chủ biên thì không.

Ngay bản thân Inrasara vốn được coi là một nhà thơ chuyên nghiệp (Phó Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam hẳn hoi!), nhưng khi biên tập thơ của một bạn thơ nữ trẻ Chăm hãy còn vô danh để in Tagalau, cũng đã bị “than phiền”. Thấy mình lỡ, tôi mới chống chế: nếu không biên tập thì nhà xuất bản không duyệt in, bạn ấy mới tạm cho qua.

3. Về việc chuyển giao Tagalau. Thắc mắc của bạn đúng lắm. Có rất nhiều bạn trẻ và không còn trẻ từng gắn bó với Tagalau, hỏi ai chịu gánh vác và đủ sức gánh vác Tagalau? Ngay từ Tagalau8 Inrasara đã  nhiều lần đánh tiếng, nhưng đến lúc này vẫn chưa. Tôi rất mong các bạn hãy mạnh dạn đến Inrasara hay đặt vấn đề thẳng trên diễn đàn Inrasara.com đi, ta cùng bàn. Ngay khi Tagalau13 phát hành mùa Kate năm nay.

Inrasara sẽ lo phần giấy phép in và cố vẫn chuyên môn, nếu các bạn cần.

Thân mến

Kajap karo thuk siam!

Inrasara

*

Thư bạn trẻ về Tagalau

Hữu Đức, ngày 07/08/2012

Kính gửi chú Sara!

Sau khi đọc “Thư Tagalau- 05/03/2012, đăng trên inrasara.com” cháu có đôi lời muốn trao đổi với chú.

Thứ nhất, về đối tượng phục vụ và người viết Chăm: chú có viết Đối tượng chính là người đọc Chăm phổ thông, sau đó mới là giới nghiên cứu. Trên cơ sở đó, BBT chọn bài. Nếu chỉ phục vụ giới sau, e Tagalau không còn ai đọc, người mua chỉ để làm cảnh.” Đọc xong đoạn này cháu hơi mơ hồ không hiểu ý chú đang nói gì nữa. Có phải chú muốn nói là sở dĩ Tagalau không có bài viết chuyên sâu là sợ độc giả Chăm không hiểu chứ gì! Hay chú có cách giải thích nào hay hơn ? Theo cháu nếu là một người làm nghiên cứu, hay nói chính xác là làm khoa học thì phải biến những thứ khó hiểu thành dễ hiểu, những thứ còn hỗn độn thành gọn gàng……làm vậy mà độc giả Chăm còn không hiểu nữa sao!

Thứ hai, về người viết “Đa phần là Chăm, kiến thức vẫn còn hạn chế, hạn chế cả cách diễn đạt. Khi họ nhiệt tình với Tagalau mà ta cứ từ chối bài của họ, chắc không còn ai cộng tác nữa; từ đó họ quay lưng với Tagalau.”. Về ý này cháu đồng ý với chú! Nhưng chú có nghĩ chính vì sự châm trước đó đã khiến người viết không làm việc nghiêm túc và cứ sai hoài. Kể cả những bài viết xếp vào mục nghiên cứu cũng cứ sai một cách có hệ thống sao chấp nhận được.

Hồi còn học năm 2 nhóm cháu có làm nghiên cứu về văn hóa Chăm, lần đầu làm nên bị cô bắt viết lại cả chục lần, nhưng cuối cùng nhóm cháu cũng thành công. Nhờ kinh kiệm đó mà từ bài nghiên cứu thứ 2 cháu tự làm độc lập, cô chỉ đọc đề cương và gật đầu vậy thôi! Cháu nghĩ người hướng dẫn là rất cần thiết cho những cây viết trẻ chứ không có chuyện “Còn nếu BBT cứ “làm lại”, biên tập mãi thì e rằng nó sẽ thành “tác phẩm” của Ban biên tập mất thôi.” Quan trọng là người hướng dẫn có đủ bản lãnh hay thôi!

Về việc chuyển giao Tagalau, cháu có đôi điều thắc mắc. Theo cháu biết trong tay chú giờ cũng có mấy người như anh Bá Minh Truyền, Lưu Tấn Thành….sao vẫn chưa đủ sức gánh vác Tagalau. Không biết chú cần những tiêu chí nào để bổ sung nữa. Không biết cháu có thể giúp được gì cho ban biên tập Tagalau ?

Chúc chú sức khỏe và thành công!

Mong sớm nhận được hồi âm của chú.

 

 

10 thoughts on “Thư trả lời của Inrasara về câu hỏi liên quan đến Tagalau

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 08-08-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: cập nhật tin ngày 08/8/2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 08-08-2012 | bahaidao2

  4. Ủa, giới trẻ Chăm chết hết rồi sao?
    Tôi thấy ông Inrasara thông báo vụ CHUYỂN GIAO này lâu rồi mà!!!
    Hay xã hội này không có trí thức trẻ???
    Hay thế hệ trẻ Chăm thấy Tagalau không cần thiết nữa???
    Cứ để cho nhà văn kiêm nhà phê bình “già” này gánh mãi hay sao đây?
    Kêu trời trời không thấu.

  5. Không nên kêu gọi chung chung, ai cũng chỉ biết kêu gọi và thắc mắc “giới trẻ chết hết rồi sao” như thế này thì chẳng bao giờ có giải pháp. Đừng làm vai trò “gợi ý” để người khác làm. Chính mỗi người, nếu thực sự tâm huyết để góp sức. Chúng ta không cần Tổng Bí Thư để phát biểu “phải nghiên cứu trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả” mà phải nói chính xác là trồng cái cây gì và trồng ở đâu, trồng như thế nào, nuối cái con gì, nuôi ở đâu, nuôi như thế nào, bán cho ai …? Cần lắm những phát biểu rõ ràng, cụ thể và quyết tâm chứ không chỉ qua loa, “tâm huyết” nhưng lại đứng ngoài lề. Mong có những hành động và cam kết cụ thể hơn.

  6. Theo thiển ý tôi nhận thấy là vài bạn trẻ palei Hamu Tanran có ý thức xã hội rất cao. Tôi xin đưa vài ví dụ:

    1/- Khi ô Cửu Chi Tơ hết làm Hội đồng hương Chăm Thuân Hải, Hội này sắp chết thì chính bạn trẻ Tanran đã kết nối lại, sau đó ô Thành Phần mới nối gót theo, mà tồn tại tới hôm nay.

    2/- Bạn trẻ Hamu Tanran đang học chữ Chăm tại quê rất hăng say, đáng nể phục.

    3/- Bạn trẻ Hamu Tanran có tinh thần chính quy hơn dân Chakleng. Ví dụ làng Chakleng rất có tài, nhưng đa số đều có khuynh hướng tự do vô chính phủ, nhiều người tài ở Chakleng ít ai theo học đến nơi đến chốn. Anh Inrasara, anh Trà Vigia, rồi mới hơn là Tuệ Nguyên sau đó Đồng Chuông Tử lấy vợ Chakleng cũng bị lây nhiễm. Họ ưa TỰ DO cá nhân.
    Còn bạn trẻ Hamu Tanran có căn cơ, tôi tin họ làm được cho xã hội Chăm trong tương lai.

    4/- Lo cho Tagalau như trong Thư (mà nhà thơ Inrasara trả lời) này hay Yut Tặng ở bài vừa đăng, là bạn trẻ Hamu Tanran.
    Tôi tin các bạn. Đây không phải phân biệt cục bộ địa phương đâu nhé.
    Thân mến

  7. Bác Inrasara có đăng bức thư của người người trẻ, sao không ghi tên tác giả bức thư nhỉ? Khéo người ta nói bác bày ra bức thư này thì sao?
    Kính bác
    Cháu D

  8. Sao Anh Sara trả lời chủ quan quá vậy. Đa phần là Chăm, kiến thức vẫn còn hạn chế, hạn chế cả cách diễn đạt. Sao lại dùng từ đa phần.

    • Phát biểu của tôi ở trong một văn cảnh nhất định. Tôi viết nguyên văn:

      “Cuối cùng là các bài thuộc Cảm nhận xã hội. Không phải là nghiên cứu khoa học, mà là cảm nhận cá nhân về các vấn đề văn hóa và xã hội.
      2. “Đa phần là Chăm, kiến thức vẫn còn hạn chế, hạn chế cả cách diễn đạt. Khi họ nhiệt tình với Tagalau mà ta cứ từ chối bài của họ, chắc không còn ai cộng tác nữa; từ đó họ quay lưng vớiTagalau.”
      – Câu hỏi thứ hai của bạn có liên quan đến câu hỏi thứ nhất. Đó là, vì các nhà nghiên cứu Chăm rất hiếm, cho nên dù họ nghiêm túc, nhưng lực bất tòng tâm. Trong một số bài viết, lác đác vẫn có những cái sai khá thô thiển, chưa chuẩn khoa học là vậy”.

      Phát biểu trên CHỈ liên quan đến “nghiên cứu khoa học”, bạn à. Ngay cả với các nhà nghiên cứu người Việt cũng vậy. Vừa qua một hội thảo khoa học ở miền Nam, 30% tham luận sao chép của nhau nên bị loại, một nửa còn lại chưa đạt chuẩn tối thiểu. Mà họ đều là tiến sĩ, phó giáo sư. 25-11 này có Hội thảo khoa học Việt Nam học lớn nhất từ trước đến nay, tập hợp 800 tham luận các loại, tôi được cho biết, các tham luận đạt chuẩn khoa học quốc tế không nhiều.

Leave a Reply to Jalau Anưk Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *