Inrasara: Khoảng tối của thi ca

Thi ca không phải là cái đẹp thêm vào cuộc sống, của trang điểm cho tính thể con người, càng không phải là trò nhàn đàm của và cho những tâm hồn mệt mỏi.

Ở đâu và bất kì thời đại nào cũng có những tâm hồn đau khổ và tuyệt vọng. Chính nơi đó thi ca có mặt. Nhưng thơ có mặt không với tư cách chiếc bè cho sinh thể kia bấu víu mà như chất xúc tác làm cháy lên trong tâm hồn bóng tối ấy tia lửa mới của hy vọng.

Như thế, xã hội tính bao giờ cũng là một trong những tiêu đích thi ca hướng tới, dù xã hội đó là sự thống khổ của cả đám đông, nỗi ưu tư của một nhóm hay chỉ là cái uẩn khúc trong tâm thức của một cá thể biệt lập.

Bóng tối nhất thiết thuộc về sự vật. Nó là một phần của sự vật. Nó còn quan trọng hơn ánh sáng, vì nó đi trước ánh sáng. Tuy thế, cái làm nên ý nghĩa là nỗ lực vươn ra ánh sáng. Vươn ra ánh sáng nhưng luôn lưu giữ bóng tối sâu thẳm như là nền đất qua đó nó thúc đẩy thi sĩ ý thức vươn vượt.

Vươn ra nhưng vẫn còn lưu giữ. Vươn ra và lưu lại. Như là ra đi mà vẫn còn ở lại. Quá trình co kéo này có mặt thường trực nơi tâm hồn kẻ sáng tạo. Khốn khổ và bất trắc cực độ. Chính nơi khoảng giữa chênh vênh này, thi sĩ buộc phải cư trú.

Cư trú trong vùng đêm sáng, hắn lên đường thám hiểm mọi ngõ ngách tâm hồn mình và tâm hồn người cùng thời. Hắn cố gắng nói lên tiếng nói quyết liệt của mình.

Do đó, đòi hỏi mọi sự mạch lạc và sáng sủa ở thi ca là điều không cần thiết. Tệ hại không kém là khuynh hướng tự khuấy đục làm ra vẻ sâu thẳm của những dòng nước cạn. Là thứ mánh khóe hay dùng của những nhà thơ bất tài. Sức hấp dẫn của thơ không chỉ ở bề nổi nơi tất cả được bày ra giữa ban ngày mà chính là ở đường biên ẩn khuất của đêm sáng huyền nhiệm, nơi cuộc chiến trong tâm hồn con người còn nóng hổi hơi thở.

Thơ trẻ hôm nay đang đi theo những nẻo đường riêng và có định phận riêng của nó. Có những khuôn mặt thơ sinh ra trong ánh sáng dễ dãi và cũng đã dễ dãi chấp nhận nó, bám cứng lấy nó. “Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi cầu” (Chế Lan Viên).

Có những người thơ trẻ nuôi hoài vọng làm nhà kỹ thuật hậu thời. Bày biện, xếp đặt, kết hợp, uốn vặn con chữ như là trò luyện đan ngôn ngữ với hy vọng một ngày đẹp trời nào đó bật lên thứ hoa tâm linh ngẫu nhĩ.

Nhưng làm sao có thể cách tân thi ca khi bạn còn chưa kinh qua cuộc nổ lớn nơi tâm thức? Chưa bị những mảnh vụn của cuộc nổ vùi dập đồng thời nâng đỡ và hối thúc bạn lên tiếng nói?

Không hiếm người trẻ tuổi dũng cảm lặn sâu xuống đáy thẳm bóng tối và cố gắng trồi lên. Rồi, do nóng vội mong bày ra ánh sáng những chồi biếc còn non tơ, nên khi vừa giáp mặt với cái nắng nhiệt đới đầu mùa, nhúm lá nõn kia tức khắc bị đốt cháy tàn lụi.

Hoặc kiêu hãnh muốn cất lên tiếng nói lạ biệt vừa bắt gặp từ cuộc khai phá. Quá lạ biệt, quá kiêu hãnh để rồi nhận lấy ngay sau đó bao phản hồi của cơn lũ những cái nhìn ái ngại kẻ cả, mấy bĩu môi dè sẻn hay cuộc chụp mũ thô bạo. Hãi sợ, tiếng nói chợt co rúm vào vỏ sò cô độc hay muốn có mặt – đã vội vã giải giáp, trở lại nói năng nhỏ nhẹ và biết điều trên con đường mòn.

Những số ít luôn luôn đứng vững.

Sẵn sàng gây hưng phấn và tin tưởng. Những sinh thể tự giú mình thật dài lâu giữa đêm tối vô danh. Chờ đợi trong câm lặng ẩn mật, hoài thai và tự chín. Để đến một giây phút định mệnh, hiển lộ. Từ từ, khỏe khoắn và chắc chắn. Như mặt trời nhô lên khỏi chân trời. Sẵn sàng cháy sáng đồng thời mang ánh sáng đến soi sáng các sinh thể mở lòng đón nhận. Dù sinh thể đó chỉ là một cá thể dị biệt, một nhóm người hay cả một đám đông rộng lớn.

Và, bao giờ cũng là ánh sáng.

 

One thought on “Inrasara: Khoảng tối của thi ca

  1. Bài ngắn, súc tích cho dù ý hơi cũ nhưng vẫn đáng đọc. Có lẽ do bài viết hơi lâu rồi, tôi đọc nó 15 năm trước rồi thì phải.
    Sau này anh Inrasara viết khác và mới hơn.

Leave a Reply to Chung Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *