Inrasara: Thơ Việt sau hiện đại, hậu hiện đại làm gì?

Tạp chí Nhà văn, số 6-2012

1. Lướt qua vài cuộc chuyển động lớn của thơ Việt

Một cuộc cách mạng văn chương cần hội đủ bốn yếu tố. Trước hết, họ là người viết cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ; thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của phong trào; thứ ba là nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập; cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ. Giai đoạn qua, thơ Việt luôn nhận được cơ hội đáng kể.

Trước tiên là Thơ Mới. Đó là thế hệ thơ sở hữu lứa tài năng đặc biệt. Họ cùng sáng tác theo một hệ mĩ học: Lãng mạn, Hiện thực, Tượng trưng… Các sáng tác này được đăng tải thoải mái trên các báo chí thời chế độ thực dân Pháp mà không bị ngăn trở bởi phép tắc ngẫu hứng qua cầu nào! Có nhóm còn lập được cả diễn đàn của mình nữa: Ngày nay của Tự lực Văn đoàn chẳng hạn. Và, yếu tố cần thiết cuối cùng tạo nên thành công lớn của Thơ Mới là: độc giả. Người đọc tương lai của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu,… đã được làm quen với các tên tuổi như Lamartine, Musset, Vigny, Rimbaud, Baudelaire, Hugo,… ngay từ thuở ngồi ghế Trung học. Cho nên Thơ Mới, dù bị các cụ đồ Nho phản đối kịch liệt lúc mới xuất hiện, nó vẫn làm nên cuộc cách mạng lớn trong thơ Việt.

Thứ hai là thơ Cách mạng giai đoạn chiến tranh và sau đó là hậu duệ của nó với những thành tựu trong trào lưu sáng tác mang tính sử thi (1975-1985) thể hiện qua các trường ca đặc sắc. Điều kiện cần và đủ của cuộc cách mạng thơ này thì miễn bàn rồi. Có khác chăng là các nhà thơ Cách mạng đã tạo lập nên một hệ thống lí thuyết riêng, và tất cả đều sáng tác dưới ngọn cờ đó, khá nhất quán. Các nhà Thơ Mới thì khác: không lập thuyết và, cũng không cần lập thuyết; bởi lí thuyết Lãng mạn, Tượng trưng đã được người Pháp sáng tạo và hoàn chỉnh trước đó non thế kỉ rồi.

Tiếp theo là nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn. Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Quách Thoại, Duy Thanh,… tài năng có thừa, biết lập ngôn; tạp chí Sáng tạo là diễn đàn độc lập; và, họ có độc giả tiềm tàng nhất định. Dẫu chỉ tồn tại thời gian khá ngắn, nhưng chính nhóm Sáng Tạo bẻ gẫy hệ thống thi pháp từng thống ngự thơ Việt trước đó, nhất là thi pháp Thơ Mới. Cuộc cách mạng đó đã mở ra khả tính mênh mông cho phát triển thơ Việt.

2. Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần

Thử đặt nhóm Sáng Tạo bên cạnh nhóm Nhân văn – Giai phẩm để làm một đối sánh nhỏ. Xuất hiện trong cùng thời đoạn lịch sử, cũng mang ở tự thân khả tính cách mạng nhưng Nhân văn – Giai phẩm đã thất bại, bởi hoàn cảnh lịch sử đặc thù. Mãi gần ba mươi năm sau khi đất nước mở cửa, các sáng tác của các nhà thơ thuộc nhóm thơ này được xuất bản, dẫu rất độc đáo nhưng lại bị chìm khuất bởi luồng khí của thế hệ đổi mới, trẻ hơn và khác hơn. Thời điểm này, các thi tài xưa ấy cũng đã ở bên kia sườn dốc của tuổi sáng tạo. Như vậy, cuộc cách mạng thơ Việt đã bỏ qua cả thế hệ thơ trong số phận kì lạ của mình! Cho đến đầu thế kỉ XXI, tân hình thức Việt ra đời ở Hoa Kì, truyền bá sang Việt Nam và được các thi sĩ không chính lưu ở Sài Gòn hưởng ứng, nhưng nó vẫn không tạo được thay đổi đáng kể nào, bởi vài lí do khác nữa.

Thơ hôm nay, tạm chia ra ba bộ phận:

Người làm vần phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường… Bộ phận này ưa chuộng thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ nhớ và dễ lưu truyền.

Nhà thơ tiếp hiện có vẻ “hiện đại” hơn. Họ biết “tiếp hiện” (tiếp nhận và thể hiện) các thành tựu gần, sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tựu hôm qua của thế hệ trước đó hoặc của chính mình.

Nhà thơ sáng tạo là kẻ luôn trên đường phiêu lưu khai phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm phật lòng độc giả từng yêu mến họ, kiếm tìm bộ phận độc giả mới, khác. Bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.

Sáng tác hậu hiện đại Việt Nam thuộc dòng này. Nhưng nó có thể làm nên cuộc cách mạng không – Vẫn không! Bởi hậu hiện đại chỉ mới nhận được ba yếu tố cho cuộc cách mạng thơ. Hậu hiện đại tập hợp được cả lực lượng sáng tác tài năng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau; thứ hai, họ biết lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; diễn đàn độc lập họ có: tạp chí Thơ, các website văn chương…; cuối cùng, họ có độc giả.

Thế nhưng hai yếu tố cuối, họ chỉ có được mỗi thứ một nửa! Diễn đàn, các phương tiện thông tin chính thống dị ứng với văn chương hậu hiện đại đủ loại, nhất là hậu hiện đại Việt Nam. Còn độc giả tương lai của họ không được chuẩn bị tri thức tối thiểu từ nhà trường (khác với thời Thơ Mới), bởi hậu hiện đại không được phổ biến trong trường học. Riêng độc giả cao cấp (nhà phê bình) hoặc làm ngơ hoặc chống đối hậu hiện đại ra mặt. Thì làm sao hậu hiện đại có thể làm nên cuộc cách mạng văn học tại Việt Nam?

3. Sau hiện đại, hậu hiện đại làm gì?

Cho dù chủ nghĩa hiện đại chưa có thành tựu lớn tại Việt Nam, thế nhưng về thi pháp, ta có thể thấy thơ hiện đại Việt đã khác rất nhiều với các loại thơ trước nó, như cổ điển và lãng mạn chẳng hạn. Khác ở nhạc tính, hình ảnh và nhất là ngôn ngữ, khác để bộc lộ triệt để đời sống thực của nội tâm con người.

Ở cuối đêm

em rũ tóc nói những lời mê sảng

những ám hiệu

của mặt biển đen không tình yêu tuyệt vọng

anh xé tóc em cùng những cánh lá chết

mùa thu

gây thương tích nơi cườm tay

anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc

(Thanh Tâm Tuyền, “Đêm”, Tôi không còn cô độc, 1956)

 

Mưa thu phay phay

Ngã tư năm ngoái

Biết tôi khờ dại

Em đi không sao chống cự nổi

Em dài man dại

Em dài quên che đậy

Em dài tê tái

Em dài quên cân đối

Em dài bối rối

Em dài vô tội

Em dài – khổ tâm

(Trần Dần, Tập thơ 63-64)

 

Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khoắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay

Bão loạn. Múa vàng. Te tua. Nhừ giấc

Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Giạt tóc. Liên lục địa sầm. Tìm, chết, đi

Bão loạn. Dứt tung tay. Oc lói. Lơ láo tù về lạc thế kỷ. Sương đầm đẫm vóc miên mai

(Hoàng Hưng, “Đường phố 1”)

 

Hôm qua tôi ghé alfa

Alfa không có nhà

Ô gặp nhau rồi sao vẫn cứ li

Một nắm hột khuya rắc vào bếp lạ

Đời gì

Sao cứ đi đi, những cái va li cứ về Bến lạ!

(Đặng Đình Hưng, “Bến lạ”, Bến lạ (viết khoảng cuối những năm 1970 – theo Hoàng Hưng, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1991).

Các đoạn thơ vừa trích dẫn là rất tiêu biểu cho sáng tác hiện đại Việt. Dẫu vậy, hơn nửa thế kỉ đi qua, chúng vẫn là những gì khó tiếp nhận. Mà không chỉ với độc giả Việt. “Đặc tính của thơ hiện đại được bàn cãi nhiều nhất là tính khó hiểu tối nghĩa của nó”, ngay từ năm 1941, Delmore Schwartz đã có nhận xét như thế. Bất kì bài thơ nào, tập thơ nào của tác giả nào, cứ là khó hiểu với tối nghĩa. Vậy, thơ để làm gì? Thơ có phải là nghệ thuật quá sang cả chỉ dành cho con người đặc tuyển, người viết và người đọc? Đây là câu hỏi cốt tủy của hậu hiện đại.

Có thể nói, chữ DE giải mã hóa được tất cả khía cạnh của vấn đề hậu hiện đại: trong sống, từ lối nghĩ cho đến ứng xử hay hành động; trong văn chương, từ thủ pháp cho đến giọng điệu… Bởi hậu hiện đại bất tín đại tự sự, nghĩa là không tin vào sự thâu tóm thế giới trong một chủ thuyết do trí óc con người nặn ra, dù là trí óc đó thông tuệ tới đâu. Cho nên, hậu hiện đại chấp nhận cái khác – Những Cái Khác The Others. Khác về quan niệm hay cách sống độc lập của cá nhân, về bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng vùng miền, đặc thù ngoại vi, dân tộc thiểu số, nữ, da màu,… nói chung tất tần tật những cái khác biệt. Để đa dạng và phong phú nền văn hóa đồng thời tôn trọng nhau giữa các cộng đồng nhân loại. Có thể nói, tinh thần chấp nhận cái khác mình chính là đức lí của hậu hiện đại.

Mươi năm qua, tiếp nhận hậu hiện đại thế giới, các nhà thơ Việt Nam đã có những sáng tác khá đặc thù – đặc thù hậu hiện đại Việt Nam. Thơ thì phải có chất thơ, quan niệm cũ xưa là vậy, hậu hiện đại nghĩ khác. Lấy chất liệu từ báo chí, không ngại sử dụng chính văn phong báo chí để làm nên bài thơ. Lý Đợi đã làm thế qua bài thơ “Một nhà thơ bị đánh chết”.

Về ngôn ngữ, tứ thơ đẹp đi liền ngôn từ đẹp để tạo nên bài thơ nên… thơ. Hậu hiện đại phi tâm hóa ngôn từ bằng cách cố tình sử dụng ngôn ngữ thông tục đến thô tục đậm đặc trong thơ, vô phân biệt từ sang trọng với thấp hèn, linh thánh với trần tục.

Lâu nay thơ cứ kì khu, kì khu đến giả tạo. “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát dùng đúng sáu âm để cười vào thứ văn chương [cũng như tình cảm và lối hành xử] giả tạo đó. Như là một cách dùng độc trị độc, khiến người đọc tự phản tỉnh với nỗi giả tạo kia.

Truyền thống Việt Nam đồng hóa thơ với tình, qua đó người ta nghĩ thơ chỉ để cảm chứ không phải để hiểu. Quan điểm này được đẩy đến cùng độ vào thời Thơ Mới với phong trào lãng mạn. Nguyễn Hoàng Nam dùng chính bài thơ tiêu biểu ở thời kì này: “Ngậm ngùi” để chế tác thành bài thơ “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” như một cách phản lãng mạn để giải lãng mạn.

Lịch sử không đáng tin cậy, cả lịch sử cá nhân được kể lại ở dạng tự thuật. Qua bài “Hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng”, Phan Bá Thọ chế biến tiểu sử Hemingway lẫn Phạm Duy với nhiều chi tiết thật giả lẫn lộn, trong đó giả nhiều hơn thật. Đó là thủ pháp siêu hư cấu sử kí historiographic metafiction, lối viết rất đặc trưng của hậu hiện đại.

Có quá nhiều hình ảnh, biểu tượng thiêng liêng ám tâm trí con người khiến hắn ngày càng mụ mị đến sống không ra sống, con người trở thành một phó bản secondhand people thảm hại. Cần phải giải thiêng chúng. Và đã có nhiều nhà thơ hành xử như vậy.

Không chỉ mỗi ngôn ngữ, nhà thơ hậu hiện đại không ngại sử dụng các chất liệu khác để làm thơ. Thơ cụ thể concrete poetry của Lê Văn Tài ở “Văn bản toàn trị [nhìn sâu]”, chữ dành chỗ cho màu sắc và hình khối. Một bức tranh nhiều màu án ngữ giữa màn hình vi tính. Vòng ngoài là loạt bàn chân cùng đi một chiều tạo cảm giác trăm bước đi trên một lối mòn đã định hướng sẵn, phần trong là các que ngoặc không đều gồm hai màu xanh và xám vô trật tự, trung tâm bức tranh là chiếc sọ dừa với hai thanh dùi cui như hai chiếc xương bánh chè bắt chéo ở tư thế dọa nạt “nguy hiểm chết người”, nhưng sọ dừa kia vẫn rất mực tỏ vẻ đạo mạo đầy quyền uy qua chiếc cà vạt nghiêm chỉnh với hai bàn tay xòe áp vào ngực.

Nguyễn Hoàng Nam với thơ graphic. “Những ngày vô cảm” sử dụng phần mềm graphic của thời vi tính, nhưng bằng các “vật liệu” và đơn vị ý tưởng rất cổ điển: chữ Hán, cờ tướng, thế kẹt Mã điền, những nội dung “thời của tốt đen” và “anh hùng mạt vận”… để làm thơ.

Nguyễn Hoàng Nam còn chế tạo ra loại “thơ phân thân” chưa từng có tiền lệ. “Một bàn chưn” tự tách ra khỏi chủ thể con người để làm cuộc hành trình độc lập với cả chuỗi hành động qua cuộc phiêu lưu riêng lẻ, không liên quan đến con người từng “sở hữu” nó. Đinh Linh và Đỗ Kh. có thơ photo và thơ video.

“Tôi là cột điện” là bài thơ [trình diễn] thành công của Lê Anh Hoài. Cột điện tại các thành phố chịu đựng mênh mông nỗi đời và nỗi người, không là chuyện lạ. Nhưng tự nguyện mang thân xác phàm trần đứng ra làm cột điện chịu trận ấy với mục đích nghệ thuật, thì ở Việt Nam – đây mới là đầu tiên. “Tôi là cột điện” gửi đi một thông điệp rất khác. Hành động nghệ thuật của của Lê Anh Hoài mời gọi diễn giải mang tính xã hội và nghệ thuật, rộng và sâu.

Nguyễn Tôn Hiệt với thơ động tác. “Trăm năm trong cõi / người ta” là bài thơ gồm toàn danh từ hay danh từ kèm động từ, phó mặc người đọc với trò ráp nối và diễn dịch chủ quan trong một hoàn cảnh, tâm trạng nhất định của họ.

Lâu nay, vần trong truyền thống thơ Việt là nguyên âm hay nguyên âm kết hợp phụ âm cuối, Đặng Thân nghĩ: Tại sao không thể sử dụng thi pháp lặp lại là phụ âm đầu? Nghĩ là làm. Thế là nhà thơ này dành nguyên tập Thơ phụ âm (Alliteration) [& tôi] để chế tác thơ kiểu này.

Không ít tác giả viết truyện rất ngắn nhưng vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, là cách phi tâm hóa thể loại. Đinh Linh (“La đi man ô li din”) và Đặng Thân (“Đặng Mậu Lân [the Đađa-ist]”) còn phi tâm hóa thể loại quyết liệt hơn nữa bằng cách xóa nhòa ranh giới thơ – văn xuôi – tiểu luận.

Thơ hình họa pictographic poems hậu hiện đại như “Em đi qua đời tôi” của Ngu Yên, bài thơ chỉ có mỗi chữ NỮ được xếp hình đầy sáng tạo; hay “Quà tặng của Quỷ sứ” của Trần Wũ Khang khác hẳn loại hình này như từng được biết đến ở thời chủ nghĩa hiện đại (Apollinaire, Cunnings chẳng hạn). Nó hết là trò chơi thuần kĩ thuật, mà nội dung cư trú ngay trong hình thức.

Thơ hiện đại gắn liền với thể thơ tự do không vần nhịp chỏi, hậu hiện đại thì khác. Các nhà thơ hậu hiện đại không ngại ngần sử dụng các thể thơ truyền thống: lục bát, năm chữ hay tám chữ… để làm thơ. Như Nguyễn Thế Hoàng Linh hay Bùi Chát đã làm.

Cuối cùng, nghệ sĩ là phải độc sáng, làm ra cái gì chưa hề có trước đó. Bùi Chát nghĩ khác: mỗi sáng tác là mỗi vi phạm bản quyền. Nhà thơ này làm nguyên tập thơ nghĩa Xin lỗi chịu hổng nổi bằng cách nhại các bài thơ nổi tiếng khác.

Tất cả đều gần gũi và rất dễ hiểu. Vô phân biệt đề tài cao cấp hay thấp cấp, ngôn ngữ thông tục hay sang trọng,… nhưng không vì thế mà thơ hậu hiện đại tự biến mình thành sản phẩm văn nghệ thứ cấp dành cho giới bình dân phổ thông.

Thơ hậu hiện đại có thể làm nên cuộc cách mạng văn học tại Việt Nam?

4 thoughts on “Inrasara: Thơ Việt sau hiện đại, hậu hiện đại làm gì?

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 06-06-2012 « BA SÀM

  2. Nhà thơ Inrasara nói đúng. Thơ hiện đại khó hiểu. Mấy bọn trẻ cứ cố làm thơ khó hiểu để lòe thiên hạ, không lòe ai được đâu. trong lúc đó tôi thấy thơ hậu hiện đại rất dễ hiểu.
    tôi đọc nhiều bài rất thích.
    cám ơn nhà thơ

  3. Nếu nhiều bài tiểu luận văn học của Inrasara em chấm 9,5 – 10 điểm, thì bài này 8 điểm thôi. Lúc này anh đanhg để đầu óc đâu đâu nên chưa tập trung lắm, phải không anh?

  4. N. là ai mà chấm điểm Inrasara nhỉ? Nghehay quá ta.
    Dũng cảm đó bạn à, nhưng bạn phải chỉ ra cho bà con ta biết là do đâu mà có điểm đó, mới phải lý chớ, phải hôn?
    Mong thư N.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *