Ghi chép tháng 5-2012: Về quê patrip mẹ, Trí thức Chăm với ĐHN, Chế Linh về VN hát

* Photo Inrajaya.

4-5-2012: Dòng cuối của tiểu thuyết Tcherfunith kết thúc!

Như thoát được hai hòn đá tảng trên vai. Có lẽ người mẹ cho ra đời đứa con quá tháng cũng trải qua nỗi đau đớn và hoan lạc như thế, tôi nghĩ. Nó ám ảnh tôi ba năm nay. Ở Tuy Hòa, 12 ngày, tôi làm một hơi hết 5 chương. Vào Sài Gòn, ngồi 2 ngày làm tiếp chương cuối cùng.

Và thoát.

 

Cả tháng, đầu óc cứ quanh quẩn với ĐHN.

14-5-2012: Kháng thư phản đối ĐHN, do ba trí thức thảo, được gửi đi các nơi. Tôi kí ngay, không chần chừ. Vài bạn Chăm tỏ vẻ ái ngại cho tôi. Tôi nói: Việc kí vào kháng thư nào đó không có gì trầm trọng cả! Chỉ là một cách tỏ thái độ của công dân có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và đất nước.

Đến cuối tháng đã có 60 bà con, anh chị em Chăm các nơi kí vào kháng thư. Có lẽ đây là lần đầu tiên, người Chăm đã tỏ thái độ công khai với một sự kiện lớn như thế.

 

19-5: về quê Patrip mẹ. Anh chị em có mặt đủ đầy, và vui.

Tối, ghé Phan Rang gặp Lê Hưng Tiến. Anh chàng thơ nhiệt tình, phone kéo thêm Tú Nhật cùng vài bạn thơ trẻ nữa, lai rai. Lạ quá, ở Phan Rang, dường như tôi chưa gặp người Kinh nào nhắc đến hay hỏi han tôi về ĐHN, dù anh chị em với tôi rất thân tình!

Người Chăm thì khác. Như ĐNT, LGT, LV… đã tâm sự chân thật: Nhiều người có hiểu biết chút đỉnh cũng lo, cũng buồn, nhưng biết làm sao bây giờ. Nhờ có chú nó nói, may ra trên nghe… để còn xem xét lại.

Trưa, Phú Champa hú qua Hamu Tanran: “tụi cháu lai rai mồi độc, đang chờ cei đây, thế nào cei tranh thủ qua nhé”. Đi cùng Xoài và Trà Vigia. Rồi anh em kéo qua nhà anh Lưu Lực, Lam… tận chiều mới dứt ra được. Chăm mà, gặp nhau thì nổ. Buồn – nổ, vui cũng nổ. Nổ bia và nổ tiếng cười. Ngồi nán đến tối, thế nào cũng phải hát hò với đọc thơ. Trở đi trở lại thế nào rồi cũng đụng… ĐHN. Thế hệ trẻ Chăm hôm nay dường quan tâm hơn đến thế giới xung quanh. Ở đây, tôi nói 3 ý chính:

– Về ĐHN, Chăm mình hiểu biết rất trung bình, nếu không muốn nói – mù, nên miễn đề cập. Chúng ta tin tưởng vào phát ngôn của chuyên gia, các chuyên gia vô tư và vô vị lợi.

– Về phần Chăm, mình chỉ muốn cung cấp cho ban ngành có trách nhiệm hiểu sâu hơn về 3 điều: – Đây là vùng đất cư trú lâu đời của tộc người Chăm, – Cộng đồng Chăm tập trung nhiều và dày nhất, và – Là vùng đất tâm linh đang được cộng đồng thờ phượng…

– Vậy thôi. Còn lại, tuyệt đối không đổ lỗi hay trách móc trí thức Chăm. Tội lắm, dù đó là Đại biểu Quốc hội, cán bộ đang làm việc trong cơ quan Nhà nước, hay người sinh hoạt tự do.

Hãy hiểu nhau, cảm thông để có thể hỗ trợ nhau – theo khả năng nhỏ bé của mình.

 Không người Kinh làng Từ Tâm nào cưỡi ngựa đến mà yêu thương chúng ta!

Oh hu Ywơn Xanưng halei đik asaih mai nit khaul ita!

 

30-5-2012: Gặp ba nhà thơ Ấn. Geetesh Sharma và… Thêm hai vợ chồng doanh nhân. Trưa ăn cơm kiểu Ấn ở nhà hàng Ấn Độ: các món ăn đặc trưng Ấn rất khó nuốt. Tối, Tổng Lãnh sự mời cơm chiều nhà riêng ông. 9 người cả thảy, một Chăm một Kinh, còn lại là Ấn. Cũng hay hay. Tôi xin phát biểu ngắn 5 phút về Chăm, về quan hệ văn hóa và ngôn ngữ Chăm và Ấn Độ. Rồi viện lẽ nhà xa – xin kiếu.

 

Trưa 1-6-2012, Chế Linh hẹn cơm trưa ở quán cà phê cạnh nhà anh đường Nguyễn Trọng Tuyển. Anh nói nhiều chuyện “to”, nghệ sĩ hết biết. Anh hỏi về ĐHN, về thầy Tỷ, về nhiều chuyện chung khác. Anh tin cho hay Danauk Po Nưgar ở HamuTanrran đã có Tỉnh lo, nên anh miễn. Anh viết “Thông cáo báo chí” nhờ tôi chuyển cho các báo.

Tôi “báo cáo anh”, sau 12 kì, đây là năm đầu tiên “Tagalau túng thiếu”. Từ khởi động Tagalau vào mùa Katê năm 2000, tôi chưa bao giờ chú ý đến tiền nong. Và tôi nghĩ tiền nong sẽ không thành vấn đề với Tagalau. Tôi thừa sức gánh, nếu có thêm “đồng bào” nào nổi hứng, cho đồng xu hay đồng đô càng hay. Tôi chưa bao giờ xin, nhưng chưa bao giờ thiếu. Nay, do mắc mứu chuyện riêng tây, Tagalau đang bị đau màng túi. Anh nói: anh sẽ kêu gọi hỗ trợ. Bởi Tagalau ít nhiều cũng là một biểu tượng. Đến Katê mà bà con không có Tagalau trong tay để nghía, thì hỏng to.

Tôi nói: Sara tính cho nghỉ một kì, năm sau làm tiếp. Nếu ông anh có lòng như thế, thì khá lắm.

Tôi bắt chặt tay anh – về.

Sài Gòn mưa đổ to.

Cây me chậu “Vườn Jaka” tầng ba không biết từ đâu lũ ong về làm tổ. Đẹp, vui mắt và hay hay. Biết đâu đây là điềm lành. Ngày sau, nó tách ra làm tổ con bên cạnh tổ mẹ (Chăm nói thruh ba anưk). Ba ngày đang ngon trớn, thình lình chiều nay cả đám tản bay tứ tán. Mình toan đổ tội cho mèo con. Không, toán phun thuốc trừ sâu bọ làm việc, chúng nghe mùi thuốc và bỏ tổ chạy lấy mạng. Thấy vài con còn vương vấn, tôi nghĩ sau mươi phút, chúng sẽ tụ lại. Nhưng thôi rồi, có khi chúng không kịp chạy thoát thân nữa là. Tối mịt, chỉ còn hai cái tổ chỏng chơ.

Tội!

Sài Gòn, 2-6-2012

 

14 thoughts on “Ghi chép tháng 5-2012: Về quê patrip mẹ, Trí thức Chăm với ĐHN, Chế Linh về VN hát

  1. Tôi không nói đến tài năng mà là tấm lòng Inrasara với anh em, với dân tộc. Mời đọc (Inrasara nói trước tập thể và trên giấy trắng mực đen):

    Tuyệt đối không đổ lỗi hay trách móc trí thức Chăm. Tội lắm, dù đó là Đại biểu Quốc hội, cán bộ đang làm việc trong cơ quan Nhà nước, hay người sinh hoạt tự do.

    Hãy hiểu nhau, cảm thông để có thể hỗ trợ nhau – theo khả năng nhỏ bé của mình.

    Không người Kinh làng Từ Tâm nào cưỡi ngựa đến mà yêu thương chúng ta! Oh hu Ywơn Xanưng halei đik asaih mai nit khaul ita!

    Tôi xin kính tặng còm này cho các trí thức Chăm.

  2. Pingback: Tin Chủ Nhật, 03-06-2012 « BA SÀM

  3. Không thể nào quên dân tộc Cham với lịch sử vĩ đại của họ, thì cũng không thể không sát cánh với anh em trong cuộc đấu tranh này. Không điện hạt nhân và tôn tạo lại vùng Cham.

  4. Cháu yêu chú Sara vô cùng. Thương tổ ong của chay lắm!
    Cầu trời cho điện hạt nhân qua đi cho chay rảnh đầu óc làm thơ, nghiên cứu…

  5. Pingback: Anhbasam điểm tin Chủ Nhật, 03-06-2012 | bahaidao2

  6. Pingback: Tin Chủ Nhật, 03-06-2012 | Dahanhkhach's Blog

  7. Tôi “báo cáo anh”, sau 12 kì, đây là năm đầu tiên “Tagalau túng thiếu”. Từ khởi động Tagalau vào mùa Katê năm 2000, tôi chưa bao giờ chú ý đến tiền nong. Và tôi nghĩ tiền nong sẽ không thành vấn đề với Tagalau. Tôi thừa sức gánh, nếu có thêm “đồng bào” nào nổi hứng, cho đồng xu hay đồng đô càng hay. Tôi chưa bao giờ xin, nhưng chưa bao giờ thiếu. Nay, do mắc mứu chuyện riêng tây, Tagalau đang bị đau màng túi. Anh nói: anh sẽ kêu gọi hỗ trợ. Bởi Tagalau ít nhiều cũng là một biểu tượng. Đến Katê mà bà con không có Tagalau trong tay để nghía, thì hỏng to.
    Tôi nói: Sara tính cho nghỉ một kì, năm sau làm tiếp. Nếu ông anh có lòng như thế, thì khá lắm.

    KHÁ LẮM, vậy hãy khá thật nhé, thưa ca sĩ kính mến.

  8. Cảm giác như trang web của Inrasara luôn sạch-đẹp-vui và luôn tích cực. Dân tộc Chăm biết yêu thương, đùm bọc và đoàn kết. Xúc động….
    Cảm giác hạnh phúc dâng trào……..

  9. Đồng ý trăm phần trăm với Happiness!
    Bác Inra làm web hay tuyệt .

    Có ai nghĩ web cá nhân mà ngày nào cũng có vài bài không?
    Toàn bài mới, rất ít khi bác Inra chép lại từ báo khác.
    Mà tuyệt đa phần đều đáng đọc, rất đáng học. Nhiều bài thời sự nóng.
    Bài của bác, và bài của anh chị em với chú bác Chăm
    .

    Tuyệt!!! Em phải xuống dòng như thơ vậy cho nó oai, xin cảm phiền.

  10. Inrasara nói không thấy người Kinh nào ở PR nói về ĐHN là do anh chưa biết và chưa gặp đấy thôi. Họ nói nhiều, và nhiều hơn anh nữa cơ.
    Tôi cũng đọc mấy bài của anh có nói vấn đề ĐHN, hầu như bài nào anh cũng có nhắc đến ĐBQH (Đàng Mỹ Hương-Chăm). Tôi cũng xin nhắc anh, nếu xem cô này là trí thức Chăm thì chắc anh nhầm. Chỉ xôi thịt thôi, không hơn không kém.
    Chắc anh không nhớ, chứ tôi thì nhớ vì ít nhất tôi cũng gặp anh ở dịp Kate Mỹ Nghiệp rồi.
    Nhà anh có trọn bộ 2 tập tiểu thuyết Thuốc Lá. Tôi chắc cả cái tỉnh Ninh Thuận may ra thì 2 người có bộ sách này là anh và tôi!
    Mong sẽ có dịp gặp lại anh khi nào về PR nhé.

  11. Hay lắm, bạn Dũng à. Cám ơn bạn.
    Bạn đúng, có khi nhà văn Inrasara không gặp nhiều người Kinh ngon lành ở PR nên anh nghĩ thế.
    Nhưng nói đi có nói lại: đây là “ghi chép”, nên anh không viết kĩ, và hơi mơ hồ. Đáng lẽ anh nên viết: rằng đó là trong phạm vi người thân tình.

    Nhưng dù sao tôi nghĩ nhà văn Inrasara cảm nhận đúng.
    Tôi đang viết một bài có lẽ gián tiếp trả lời bạn Dũng cũng nên. Tình cờ thôi, chứng minh anh Inrasara đúng. Tối nay gửi cho Inrasara.com. Mong bạn đọc nhé.

    Thân mến bạn

  12. Anh Dũng viết: “Họ nói nhiều, và nhiều hơn anh nữa cơ”.
    – Nói ở đâu? Quán cà phê hay ở nhà?

    Anh Dũng viết: “hầu như bài nào anh cũng có nhắc đến Đàng Mỹ Hương.
    – Không đúng, không phải bài nào cũng nhắc.

    Anh Dũng viết: “xem cô này là trí thức Chăm thì chắc anh nhầm. Chỉ xôi thịt thôi”
    – Nhà thơ Inrasara chỉ gọi là “người có học”, chứ không là trí thức.
    Còn “xôi thịt” thì nhà thơ Inrasara chưa dám gọi ai chữ này cả!

    Kính anh!

  13. Được sứ quán Ấn chiêu đãi thì tuyệt, vậy mà có thấy ảnh nào đâu! Gặp nhà thơ VCH thử, anh ta sẽ đưa loạt hình ảnh lên khoe. Tôi thấy ông này chụp với nhà thơ chủ tịch hay với ông Phó Hội cũng đưa lên, còn nhà thơ PH ở Hội TP, thì web Hội TP mà cứ cách tuần là có hình mình đứng chình ình.
    Đằng này anh Inrasara chỉ đưa hình ảnh hai tổ ong tan vỡ lạc loài. Vui nhỉ!
    Thế mới là thi sỹ chính hiệu con nai vàng!!!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *