Chay Mala Đối thoại 5: Biên bản hạch tội phá hoại của CVT

(biên bản hành chính rất chán, các bạn đọc tới đâu hay tới đấy, đọc dở chừng nghỉ cũng chả sao – Đwa karun)

– Xin lỗi bác, dư luận đang đồn ầm lên bác là chuyên gia phá hoại xã hội Chàm…

CVT: Chay Mala nghe dư luận đâu thế?

– Nhân dân tiến bộ Chàm họ nói, có đưa tang chứng vật chứng hẳn hoi. Bác ghê quá! Thời 70, chân ướt chân ráo hiệu trưởng, bác đuổi ngài tỉnh trưởng ra khỏi văn phòng. Nghe thôi đã ớn. Chàm mà chơi trội vậy, hậu quả phải biết: học sinh bác bị gài bom nè, ký túc xá bị giật mìn hết xài nè, chú Mang Nhái chết thảm nè. Đích thị bác gián tiếp phá hoại nhà trường.

CVT: Họ nghĩ hay nhỉ!

– Đến năm 80, bác cấu kết với tay thi sĩ lang thang thảo cái thư đi xin chữ kí các nơi đòi lại Trường Pô Klong, Trung tâm Văn hóa Chàm…

CVT: Làm vậy có phải vì tớ đâu…

– Hưỡn đã, chớ nóng vội. Thời buổi đó mà bác chơi dại thế, nghe sao đặng. Bây giờ mở cửa toàn cầu hóa rồi mà khối đứa còn hãi ký tên gì gì đó… Do bác mà cả 2 mất tuốt tuồn tuột luôn.

CVT: Lạ quá hén.

– Lạ gì đâu. Đích xác phá hoại rồi, nhân dân tiến bộ Chàm họ nói ì xèo kìa. Làm trưởng Ban gì đó, bác tiếp tục phá hoại chữ Chàm truyền thống…

CVT: Ui, cái này thì oan to rồi, có dấu đỏ chứng cho tớ. Lúc tớ ngồi ghế trưởng Ban thì các vị trước đã chỉnh lý chữ Chàm xong xuôi đâu đó rồi

– Không sai, nhưng bác im im (em chưa dám dùng từ nặng nhé), là bác mắc tội tòng phạm.

CVT: Oan quá, oan tớ quá…

– Chưa hết. Ở Ban, trên bảo bác dời nó lên Sở, bác đã ngoan cố dùng dằng mất 10 năm…

CVT: Đó là tớ cố giữ lại cho Chàm

– Lên Sở là lên đời, không thức thời là cái tội. Bác không thấy ông gì gì đó trên vừa hở môi mà đã dạ ầm ầm liền sao. Nhờ đó mà Ban lên vun vút, tiến bộ như thổi. Chống lại sự tiến bộ khác gì phá hoại.

CVT: Ôi, tội thân tôi

– Còn nữa, đầu thế kỉ mới thiên hạ cờ xí vui vẻ rợp trời, mà bác đi thảo đơn kiến nghị gì đó. Các vị khoa bảng người Kinh viết sai về Chàm có mấy tẹo mà bác làm dữ, lôi kéo nhân sĩ trí thức kí đơn than vãn…

CVT: Nhưng đó là đòi hỏi sự công bình mà em

– Úi dào, đó là sanh sự, silence c’est l’or… tiếng Pháp bác dạy em nhớ như in mà bác làm bộ quên. Đâu đâu bác cũng không chừa cái tật phá hoại… rất đáng bị kết tội.

CVT: Em cho bác xin

– Không. Hôm nay, Nhân danh nhân dân tiến bộ Chàm, em tuyên phạt bác một… chầu.

CVT: Ôi xin em, xin em, phạt sao cũng được, chứ vụ đó, bác chịu, đời tôi chưa biết uống bao giờ

– Giấu nghề nữa. Chả phải năm kia dzụ “Sự cố văn hóa NTT”, bác đã thách đối thủ chọn sân Cam Ranh trung lập để đấu à? Sau cuộc tỉ thí không phải là một chầu nhậu ra trò à…

CVT: Vậy thì tớ đồng ý chịu tội thôi

 

 

19 thoughts on “Chay Mala Đối thoại 5: Biên bản hạch tội phá hoại của CVT

  1. Chuyện đã cũ.
    (CVT = Chế Vỹ Tân = Chế Văn Tỷ = Nguyễn Văn Tỷ)
    Góp ý: BBT Website ngoài các bài viết về văn thơ là đương nhiên, các bài về chủ đề khác có lẽ nên tập trung vào các bài viết mang tính thời sự cao như ĐHN hay các vấn đề xã hội khác nổi cộm hơn là các bài nhắc lại chuyện đã xa vời như thế này.
    Chân thành cảm ơn.

  2. Đọc sáng tác này của Chay Mala tôi cứ cười suốt. Ai hiểu chuyện mới hiểu sự ám chỉ, từ đó mà cười. Đúng là biên bản hạch tội để ca ngợi tinh thần dũng cảm của một trí thức Chăm.
    Anh ca ngợi theo kiểu Chay Mala, rất siêu.
    Kajap karo!

  3. Xin lỗi, tôi vừa viết xong thì đọc “còm” của Urang Chàm.
    Không như thế ạ. Đây cũng là chuyện rất thời sự: là chuyện thái độ của trí thức Chăm mà bạn trẻ Chay Dalim đang đề cập.
    Đúng, CVT chính là thầy Tỷ. Ông đã quyết giữ BBS suốt 10 năm mặc dù trên muốn đuổi đi, ông đã ký đơn khiếu nại về các nhà khoa bảng Việt viết sai về Chăm, ông đã cùng (?) làm đơn xin lại Pô-Klong, Tr tâm văn hóa Chàm…
    Urang Chàm nhớ đó là thời 80 nhé! Theo tôi dũng cảm hết sẩy đó.
    Ôn cố tri tân, nói chuyện cũ là để nhắc bà con ta chuyện mới.
    Còn cái dzụ ĐHN thì nhà thơ Inrasara “tạm nghỉ chơi” rồi, Chay Mala cũng viết là không nhắc nữa rồi.

  4. Vâng, trí thức đã “làm”, nói như Inrasara, nhưng thường thất bại, phải không?
    Vậy, thì phải làm gì?

  5. Các bạn thân mến!
    Loạt bài của Chay Mala nằm trong hệ thống bài về xã hội Chăm. Chúng tôi sẽ đăng từ từ. Hy vọng ngôn ngữ các bài sau không “động chạm” cá nhân nào nữa, mà chỉ nhấn vào trách nhiệm cộng đồng.
    Riêng bài này, vài chi tiết có lẽ CM nhớ lầm, tôi xin nhắc lại cho rõ.
    Năm 1979, thầy Tỷ có thảo đơn thư riêng gửi cho Trung ương, về Trung tâm Văn hóa Chàm, bên cạnh có thư chung khoảng 10 chữ kí của thân hào Chăm (tôi nhớ có người vừa kí, đã xin rút lại, vì lúc đó ai ai cũng ngại. Tôi có nói: không sao đâu bà con à, chúng ta nói là để giúp Nhà nước hiểu đúng hơn về người Chăm thôi).
    Phần tôi thì có lá thư riêng về Trường Pô-Klong (là việc tôi rành), tôi nhớ chủ yếu giải minh rằng trường này do bà con Chăm đóng góp công, tiền làm chứ không phải do Mỹ tài trợ (để phản bác lại ý kiến một tác giả của cuốn sách nào đó tôi không nhớ rõ).

    Còn nhiều chi tiết khác… Theo thiển ý, bài này có 2 chỗ nhấn vào việc kí thỉnh nguyện thư, hay kháng thư, là đang rất thời sự. Sự thể này với các nước Tây phương thì rất bình thường, riêng xã hội Chăm ta chưa quen, nên chúng ta còn bở ngỡ.
    Xin hiểu như vậy.
    Thuk siam!

  6. Anh Sara giải thích như thế thì rõ hơn rồi, vì đúng là bài này của Chay Mala không phải ai cũng hiểu hết thâm ý,…

  7. Bài này của Chay Mala rất hay, dí dỏm và đúng vói hoàn cảnh, nếu hiểu rộng và sâu sắc thì đây là chuyện thời sự, chuyện của dân tộc chứ không phải chuyện cá nhân. Bạn sẽ cười nhiều, vui và hay nếu bạn là U50 trở lên.
    Phải nói thầy Tỷ là một trí thức có trách nhiệm, chân chính và “tự nhiên”. Những việc làm trước và sau giải phóng của Thầy cứng rắn mạnh mẽ, không ái ngại, không sợ đụng chạm bất cứ điều gì miễn sao bảo vệ và đem lại quyền lợi cho dân tộc. Đó là bản chất anh hùng trí thức, là chân dung của một người yêu nước thấm sâu vào máu thịt.
    Cuộc phỏng vấn của Chay Mala hài hước rất thâm thúy: Khi các bạn có lòng yêu nước tha thiết mãnh lệt, xuất phát từ con tim, từ đáy tâm can thì các bạn sẽ đấu tranh dành quyền lợi dân tôc một cách rất “tự nhiên” mà không tính toán hơn thiệt.

  8. Đây có thể là bài sơ kết về DHN chăng?!! Lời cuối Chay Mala muốn nhắn nhủ với chúng ta: Nếu các bạn có tinh thần yêu dân tộc mãnh liệt, biết đau thương và cương quyết bảo vệ vùng đất và sự sống còn của người Chăm thì hãy đứng lên, không chỉ trí thức mà tất cả đồng bào Chăm, sinh viên, nông dân, già trẻ hãy ký vào biên bản phản ứng lò điện hạt nhân. Chúng ta mất nước nhưng không mất tinh thần dân tộc.
    Chúng ta phải bảo vệ sự sống còn của dân tộc Chăm bằng mọi cách… và BIỂU TÌNH NẾU CẦN THIẾT… Thầy Tỷ và Inrasara cầm cờ dẫn đầu hiiiiii…

  9. Anh “khaokhát” giỏi quá. Tôi cũng hiểu giống như vậy, mà tôi không nói được.
    Chay Mala viết sáng tác này hay tuyệt. Đọc mà không nhịn cười được. Thời sự lắm.
    Không phải chuyện cá nhân, mà chuyện chung của toàn xã hội Chăm.

  10. Anh chị em ta bình tĩnh nào!
    Chúng ta nghĩ mình sống ở đâu chứ? Kinh nghiệm của Tôn Pho, Thăk Va… ngày xưa, xin hãy nhớ nằm lòng. Không phải tôi khuyên các bạn nhát hèn đâu, mà phải biết ta sống ở đâu. Người Chăm có được một người như thầy Tỷ như nhà thơ Inrasara là quý lắm. Khích các ông như vậy là không phải tí nào cả.
    Theo tôi nhà thơ Inrasara cũng cẩn thận hơn với những còm chưa cần thiết.
    Thành thật xin lỗi các bạn, nếu có gì sai.

  11. Dù yêu dù ghét Chay Mala, nhưng mọi người đều công nhận chay viết vui, và rất hay. Đó mới đáng nói phải vậy không? Chưa ai dám chê chay viết dở. Còn ý ta có cao thượng mà ta viết dở có ai thèm đọc. Viết hay đã nào.
    Chay Mala viết ngắn, càng thích đọc hơn, khỏi mỏi mắt. Mà vui rất tếu nữa. Rất là Chăm đó.
    Đừng sợ mất lòng, chay ơi!!! Ai xấu có mất lòng ráng mà chịu. Ai vỗ ngực ta đây mà chả làm gì được cho xã hội nhờ, mất lòng chịu.
    Tôi ủng hộ Chay Mala lấy bút hiệu mà không ký tên thật.
    Vỗ tay…

  12. Tôi dám nói rằng thầy Nguyễn văn Tỷ là trí thức Chăm mẫu mực. Có thể lúc này ông đã lớn tuổi, có lối suy nghĩ hơi cũ so với thời đại mới, nhưng ông vẫn là gương mẫu cho trí thức trẻ Chăm noi theo. Ở sự quan tâm đến xã hội, ở lòng dũng cảm của ông.
    Bài này tác giả viết rất hay, dù chưa đủ lắm theo chỗ tôi biết về ông.
    Cảm ơn Chay Mala!

  13. Tôi đọc bài này hơi muộn, Chay Mala rất sâu sắc và tinh tế trong phỏng vấn. Chúng ta đang tranh luận khá gay gắt về vấn đề hạt nhân và đang tìm giải pháp cho vấn đề nan giải nay. Bài viết kịp thời đúng lúc.
    Tôi thuộc thế hệ U50 là học trò Thầy Tỷ tại trường Po Klong, hiểu và ấn tượng sâu sắc về phương pháp giáo dục của Thầy. Những ngày lên lớp vào giờ dạy của Thầy mà quên tập vở thì run cầm cập, bạn nào yếu tim là có thể “tè” trong quần luôn, học sinh đi ngoài trời nắng không đội nón vô tình gặp Thầy thì cố tránh thật xa…. Thầy có trách nhiệm và yêu học sinh hết mực
    Ông Ban Ki-Moon dự hội nghị Liên Hiệp Quốc trước hết là làm kinh tế, Thủ tứớng, chủ tịch tỉnh, kỹ sư, bác sĩ đều lo kiếm tiền trước, lo hủ gạo gia đình đầy đủ mới tính chuyện làm việc nước…. Nhưng Thầy Tỷ thì việc nước là trách nhiệm là niềm vui và phải được ưu tiên hàng đầu mặc dù những năm 80 Thầy thuộc diện nghèo, có người chọc đùa Thầy: “Thầy Tỷ đi xe đạp ruột xe nhét RƠM để đi làm” (hoàn toàn có thật). Thử hỏi nếu không có một người đầy tâm huyết và trách nhiệm như Thầy Tỷ thì Trường Po Klong, BBS, TT Văn Hóa Chăm sẽ về đâu?
    Những bài viết như thế này rất bổ ích cho cho giới trẻ hoc sinh sinh viên vì ít đựơc tiếp cận và ít thông tin hữu ích về thầy. Để giới trẻ có cái gương noi theo và có ý thức về tình yêu dân tộc.
    Mỗi dân tộc đều có vài vị để hãnh diện noi theo và “để khoe” với các dân tộc hàng xóm nữa chứ. Với Chăm ta có thầy Tỷ. Tại sao không…..

  14. Đồng ý với Champa, mặc dầu không đồng ý hết.
    Sao không thấy thầy Nguyễn Văn Tỷ, thầy Lưu Quang Sang, thầy Thành Phú Bá… ký tên vào đơn nhỉ?

  15. Các Bác cứ yên tâm, mình lo một các vị ấy lo mười. Các vị ấy chắc có chiến lược và kế hoạch lâu dài rồi. Đặc biệt là Thầy Tỷ có nhiều “chiêu độc” lắm.
    Thời hoàng kim các vị ấy còn không sợ huống chi bây giờ. Các vị già hết rùi, về hưu hết rùi, không Đoàn không Đảng, hoàn toàn độc lập tự do.
    Cứ chơi tẹt ga đi quí vị, phải phản đối nghiêm túc và quyết liệt về DHN,
    Dù sống chết Cháu sẽ đi theo quí vị

  16. Có người cùng quê hỏi tôi, bài ông Chay Mala viết nói xấu về thầy Tỷ, mà thầy Tỷ đồng chí với nhà thơ Inrasara sao nhà thơ đăng nhỉ? Tôi ngạc nhiên vô cùng. Sao lại đọc hiểu như thế nhỉ? Mà bạn này đã tốt nghiệp đại học rồi, mới đáng nói.
    Tôi nói, nhà thơ Inrasara thì vô tư rồi. Độc giả viết thì ông đăng, miễn là bài viết đó hay, đâu phải nói xấu hay nói tốt.
    Nhưng tôi nói, đó là bài ca ngợi ông Tỷ đó chứ?
    Quá là ca ngợi nữa là đằng khác. Đọc văn như vậy là giết chết tác giả rồi còn gì!!!

  17. Vừa rồi có một bạn học cũ điện thoại hỏi tôi, bài này Chay Mala viết xuyên tạc thầy Tỷ, sao nhà thơ Inrasara là học trò thầy Tỷ lại đăng bài này?
    Quả thật tôi rất bất bất ngờ với câu hỏi này, rất ngạc nhiên với lối hiểu quá lệch lạc của 1 người đã qua trình độ Đại học. Tôi nói: Đây là bài viết CA TỤNG sự dũng cảm và thẳng thắn của thầy Tỷ, chớ không nên hiểu như bạn hiểu. Tôi không dám phê bình ai, nhưng có nhiều người Chăm còn hiểu một bài văn rất thô sơ. Đọc văn là nắm được thâm ý của tác giả mới là đọc.
    Thế là tôi phải mất công giải thích cho bạn đó. Anh này lại ngây thơ nói:
    – Sao Chay Mala không viết thẳng ra như thế đi?
    Tôi á khẩu luôn! Viết thế thì đi viết báo đi, còn làm văn chương để làm gì nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *