Tiếng Chăm của bạn: Tại sao phải biết tiếng Chăm?

Thời hiện đại, người ta học là học tiếng Việt là tiếng phổ thông ở đất nước Việt Nam, để giao tiếp, làm việc, viết văn… hay nếu ngon hơn, luyện cho tinh tiếng Anh là ngôn ngữ mang tính quốc tế, để mở ra với thế giới bên ngoài tìm kiếm cơ hội lớn hơn; chứ ai lại đi học tiếng với chữ Chăm? Vừa chẳng tích sự gì (oh buh tamư gauk lisei hu chẳng bỏ vào nồi cơm được), thêm mấy ông ‘trí thức’ cãi vã ỏm tỏi thêm mệt. Thôi thì, hay hơn cả – bỏ quách đi cho xong?

Có phải vậy không? Và có dễ dàng như thế không?

Ông bà Chăm quan niệm akhar là tri thức (Hu akhar caik di rup Có chữ, kiến thức cất trong mình). Con người không tri thức thì như khúc gỗ mục, chỉ đáng vứt đi, cho nên trong đám tang có lệ Jot akhar, thầy Paxeh đọc to từng chữ cái – đọc ngược đọc xuôi ba lần vào lỗ tai người chết để xóa mù cho họ. Còn hôm nay, tri thức ư? Thu thập qua ngôn ngữ nào mà chẳng được. Tiếng Việt, tốt; tiếng Anh càng tốt hơn.

Hay mới đây, bà con nghĩ Thei thuw akhar bbơng ngauk dauk dahluw Ai biết chữ thì được ăn trên ngồi trước. Cũng xưa rồi! Chữ Anh, chữ Việt thì được, chứ chữ Chăm thì đừng hòng. Càng giỏi tiếng Anh thì ta chiếm chỗ ngồi càng cao, ta càng được trọng vọng hơn.

Vậy, sao phải học tiếng và chữ Chăm?

Về kinh tế, ừa, so với tiếng Việt hay tiếng Anh, chữ Chăm kém thế với lép vế hoàn toàn, đến trẻ con cũng thấy. Xin miễn bàn. Nhưng nghĩ rằng, cho con cái học và nói tiếng Việt ngay từ còn bập bẹ, để trẻ con tập trung giỏi một thứ tiếng (Việt) trước, sau đó học lại tiếng mẹ đẻ (Chăm) cũng không muộn, là lầm to! Đã có vài phụ huynh trẻ nghĩ và làm như thế, ngay giữa làng Chăm, giữa lòng cộng đồng Chăm. Và thực tế, hãy nhìn vào thành tích học văn của đám trẻ đào tạo từ “lò” gia đình nhân dân tiến bộ Chàm này!

Trong khi đó, các nhà tâm lí học cho biết: học song ngữ bilingual vừa giúp trẻ con vận dụng trí não tối đa, từ đó giúp kí tính của chúng phát triển, bởi chúng thường xuyên so sánh hai thứ tiếng. Cạnh đó, biết hai thứ tiếng giúp cho trẻ sở hữu nhiều cách nghĩ qua so sánh đối chiếu giữa lối nghĩ, lối nói của hai dân tộc. Ví dụ, chúng tò mò muốn biết tại sao người Việt nói trời đất ơi, trong khi người Chăm kêu trời biển ơi lingik tathik lơy.

Về mặt tâm lí xã hội, hai chiều mặc cảm diễn ra có vẻ phức tạp hơn. Không ít người cảm thấy xấu hổ khi nói tiếng Chăm với người ngoài, sợ bị phát hiện mình dân tộc thiểu số, nhất là mấy thanh niên choai choai lúc tán gái Việt; ngược lại, đại đa số trẻ em lại mặc cảm giữa cộng đồng, khi xung quanh bé mọi người nói tiếng Chăm, còn bé thì bập bẹ chính tiếng mẹ đẻ của nó. Mặc cảm này ngày càng lớn dậy khi chúng trưởng thành.

Trưởng thành, thế nào rồi ta cũng phải một, hai lần nhìn lại bản thân ta. Ta biết lí lịch ta: dân tộc Chăm, quốc tịch Việt Nam. Qua Mỹ hay Pháp, ta vẫn khai ta Chăm. Chăm như một dấu thập đóng, in trên trán ta – không thể chối, không thể xóa. Dù nhất quyết [đánh vẫn] không khai, ta cũng bị phát giác qua thể tạng của ta: với dân Tây, ta thấp bé, da vàng, mũi tẹt… với cộng đồng dân tộc Việt Nam, ta da nâu nè, miệng rộng nè, lông mày rậm với mái tóc pauh jien rất oách nữa… Giấu sao mà giấu! Căn cước tính luôn theo đuổi và đeo bám ta cho đến chết.

Vậy, khi không thể chối, bất khả xóa bỏ, tốt hơn là ta phải học tiếng Chăm.

Đẩy vấn đề tiến xa hơn, biết song ngữ thì ta sở đắc được hai văn hóa bicultural, từ đó ý thức liên văn hóa được khơi dậy trong ta, nó làm cho đời sống ta phong phú hơn, ta không phải đối xử phân biệt với nền văn hóa khác ta, qua đó tinh thần dân chủ được nảy nở và mở rộng.

Bạn thấy đó, thế giới đang nỗ lực bảo vệ sự đa dạng sinh học bằng bảo tồn loài vật quý hiếm. Ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên thế giới như một “loài” quý hiếm nhất trong những loài quý hiếm, bởi nó mất đi thì bất khả phục hồi. Đa dạng ngôn ngữ, đa dạng văn hóa cũng là ý hướng quan yếu của chiến lược hành động của UNESCO.

Bạn còn mặc cảm không? Tiếng và chữ Chăm có đáng cho bạn mặc cảm không?

Dân tộc Chăm biết sử dụng chữ viết từ khá sớm. Bia Võ Cạnh (Nha Trang) – năm 192 sau Công nguyên, là bia kí đầu tiên bằng chữ Phạn ở Đông Nam Á. Cũng vậy, bia Đông Yên Châu cuối thế kỉ thứ IV, là minh văn bằng chữ bản địa có mặt sớm nhất khu vực. Ông bà Chăm hãnh diện về điều đó.

Hôm nay, các bạn Chăm có hãnh diện về truyền thống đó, không?

One thought on “Tiếng Chăm của bạn: Tại sao phải biết tiếng Chăm?

  1. +Người Chăm nói tiếng Chăm không có gì phải ngại.
    +Truyền thuyết vua nữ Âu Cơ và Vua nam Lạc nói lên tất cả.
    +Người Kinh nói: Trời đất ơi! Không gian sống của họ thuộc đất liền của vua nữ Âu Cơ. Họ nhìn lên thấy trời. Nhìn xuống thấy đất.
    +Người Chăm nói: Trời biển ơi! Không gian sống của họ thuộc đại dương của vua nam Lạc (Luak). Vua nam Luak là nguồn gốc của mọi cư dân ngữ hệ Nam Đảo.
    +Một ngày đẹp trời vua nam Luak không thích sống ở biển nữa mà tiến vào đất liền. Ở miền Bắc hòa hợp với vua nữ Âu Cơ là nguồn gốc người Kinh. Ở miền Trung, hòa hợp với … ( chưa có nguồn tham khảo) mà thành người Chăm, người Ê Đê. Kiến trúc nhà cửa dạng thuyền của người Ê Đê khẳng định nguồn gốc biển của họ.

Leave a Reply to Chế Bồng Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *