Inrasara: Phê bình văn học – Từ rên rỉ mơ hồ đến đến hội chứng báo động giả

Nguyễn Xuân Thủy thực hiện

bài phỏng vấn đã đăng trên eVan, 7-5-2012 có vài đoạn cắt bớt. Đây là bản đầy đủ.

*

Inrasara, tác giả của tiểu luận “Mười căn bệnh phê bình văn học hôm nay” tiếp tục bắt mạch nền phê bình văn học Việt Nam. Ông cho rằng, phê bình văn học Việt Nam hiện nay đang có hội chứng rên rỉ và đổ thừa, từ những nhận định mơ hồ của người làm phê bình đã dẫn đến việc báo động giả, báo động ăn theo. Theo ông, một nền tảng khác nhau cho những cách phê bình khác nhau là điều cần hướng đến.

  Thời gian qua, giới viết lách đã ra công bắt mạch để chỉ ra căn bệnh của phê bình văn học, phải chăng phê bình văn học của ta đang có nhiều vấn đề gây bức xúc thưa ông?

Inrasara: Quá nhiều nữa là khác.

Nhiều căn bệnh mỗi nhà định danh khác nhau. Tôi quan sát, lượm nhặt chúng và phân tích trong tiểu luận “Gọi tên 10 căn bệnh phê bình văn học hôm nay”. Đó là Phê bình bình và tán, Phê bình độn giai thoại, Phê bình chung chung, Phê bình hũ nút, Phê bình núp bóng, Phê bình bè phái, “Phê bình du kích”, Phê bình quan phương, Phê bình hàng hai, “Phê bình liếc nhìn”. Sinh hoạt phê bình mấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế với nhiều biến thái và biến tướng. Các sản phẩm từ bệnh viện kia cuối cùng được tập hợp trong tập sách vài trăm trang, rồi tự tin kêu đó là “tập lí luận – phê bình”: Cảm nhận, Cảm luận, Tản mạn… gì gì đó. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ nghe bao nhiêu giai thoại vui vui, trích đoạn tùy tiện, nhận định vô bằng, cùng muôn ngàn ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.

Trước đây là thế, từ đó đến nay ông có phát hiện thêm căn bệnh nào khác?

Inrasara: Về phê bình tác phẩm, quanh quẩn bấy nhiêu thôi, ta nhai lại năm này sang năm khác, vẫn không hết chán. Riêng phê bình phê bình, ở ta nảy nòi thêm căn bệnh mới, mà tôi tạm đặt cho cái tên “hội chứng rên rỉ và đổ thừa”, rên rỉ và đổ thừa sai mục tiêu. Kế đến là “hội chứng báo động giả”, báo động ăn theo đầy tính cơ hội. Sự thể không nói lên điều gì khác ngoài thiếu suy tư của kẻ báo động.

Nghe nói ông đã viết hẳn một bài dài 2 kỳ cho một tạp chí văn chương để bắt mạch lại… những bài bắt mạch phê bình của một số tác giả trong làng văn thời gian qua?

Inrasara: 2 bài “Phê bình văn học Việt Nam, hội chứng rên rỉ và đổ thừa” và “Phê bình: nạn báo động giả”, là sơ kết bước đầu về bao nhiêu nhận định về nền phê bình hôm nay – phê bình phê bình. Nếu phê bình tác phẩm, người viết chỉ cần sở hữu ít khiếu thẩm mĩ, thêm cách diễn đạt có duyên, là đủ để người đọc dừng lại với bài phê bình, ít ra – không dị ứng với nó; thì phê bình phê bình đòi hỏi rất cao đến thao tác đầy lí tính của người viết. Đằng này, ta muôn năm rên rỉ mơ hồ. Vì mơ hồ nên ta hay làm to chuyện về vài khía cạnh vụn vặt của vấn đề, và ta kêu là phê bình đang khủng hoảng, phê bình đang trong tình trạng đáng báo động.

– Như vậy, theo ông, nền phê bình của ta không đáng báo động? Hay nó đáng báo động ở những vấn đề khác?

Inrasara: Đáng báo động là ở chỗ khác, chứ không ở mấy vụ ta đang than thở rên rỉ. Tôi nói rên rỉ sai mục tiêu là thế. Ta than thở phê bình xuống cấp, tụt hậu, ta cấp tập mở cuộc hội thảo, mở các lớp bồi dưỡng phê bình cấp Hội, cấp Trung ương và hơn nữa, để nâng cao chất lượng phê bình. Nhưng hãy ngó xem, ta bàn về cái gì nào? Quanh đi quẩn lại vẫn là “Văn học với đời sống hiện thực đất nước”, “Văn học và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Để nâng cao chất lượng phê bình”, “Về tính dân tộc và hiện đại trong văn học nghệ thuật hiện nay”, “Văn học và vấn đề chuyên nghiệp hóa văn học”… vân vân. Năm sau hay vài năm sau thôi, ta lặp lại. Tại sao không là cái đang xảy ra: Văn chương mạng, Văn học hậu hiện đại Việt Nam,… với mênh mông cái mới, tại sao không?

Ông có nói đến “hội chứng rên rỉ và đổ thừa” cùng với những tiếng còi “báo động giả”, liệu ông có nhận định hơi quá?

Inrasara: Chẳng quá tí nào cả đâu.

Không ít người đã từng gióng chuông báo động giả, trong khi chính bản thân ta rất đáng bị báo động! Ta không hiểu gì về hậu hiện đại, mà cứ phát biểu bừa về trào lưu văn hóa này, về các sáng tác thuộc hệ mĩ học này, không là đáng báo động thì còn kêu bằng nỗi gì? Ta kêu “thiếu chuẩn”, “loạn chuẩn” vân vân… Thế mà khi ta bị vặn ngược lại, vậy đâu là “chuẩn” hay “kiểu” phê bình của ta? Nó được đặt trên nền tảng mĩ học nào? Thì ta lúng ta lúng túng không biết đặt tay vào đâu. Nghĩa là, chính kẻ phát ngôn đầy hào hứng kia đang tiếp tục chương trình cảm tính với chung chung, để đóng góp phần mình vào nỗi “loạn chuẩn” kia, mà không tự biết!

Nữa, khi ta đánh đồng các bài điểm sách, các bài PR tác phẩm vừa xuất bản với bài phê bình, rồi ta kêu rằng phê bình xuống cấp gì gì đó. Ta cho chính thủ phạm kia đang giết chết phê bình chân chính. Ta kêu, và ta bắt chước nhau kêu, mà không nhận biết rằng đó là hai hoạt động chữ nghĩa hoàn toàn khác nhau. Riết rồi tiếng kêu đó lây lan để trở thành một thứ hội chứng rên rỉ và đổ thừa khó chữa trị.

Tạm nêu vài món, đã vậy, huống hồ! Không quá đâu…

Trong khi nhiều người lên tiếng kêu than về tình trạng “người người làm phê bình, nhà nhà làm phê bình” thì ông lại tỏ ra lạc quan, coi đó là cơ hội cho nền văn học phát triển, trong khi ông luôn đề cao tính chuyên nghiệp của người làm phê bình, như vậy liệu có mâu thuẫn?

Inrasara: Ở đây nữa, thêm sự đổ thừa rất trật… mục tiêu. Ta đổ thừa phê bình xuống cấp do “người người làm phê bình, nhà nhà làm phê bình”, “ai cũng có thể phán kiểu mình được”. Tôi thấy rất lạ!

Cớ sao “người người làm phê bình, nhà nhà làm phê bình” không phải là cơ hội lớn cho nền văn học phát triển, mà lại làm trở ngại? Nữa, nếu ở đó, ta không phải đồng thanh một kiểu phê bình, mà hãy “kiểu ai nấy nói”, tại sao nỗi đó không phải là cơ may cho nền phê bình, mà lại kéo nó tụt hậu? Nhiều người làm phê bình với nhiều “kiểu” phê bình khác nhau, nhiều cách “phán” khác nhau là điều cần thiết cho đa dạng hóa một nền văn học, cớ sao lại đi than vãn nó.

Nó chỉ đáng than vãn, khi các “kiểu” phê bình ấy không được đặt trên nền tảng lí luận nào, mà chỉ là những phát biểu tùy hứng đến tùy tiện. Ở Việt Nam, phê bình kiểu này thừa mứa ra.

Như vậy có nghĩa là những người làm phê bình văn học ở ta đang thiếu một nền tảng tư tưởng của người làm phê bình?

Inrasara: Đúng. Cần một nền tảng cho phê bình, cần những nền tảng khác nhau cho mỗi cách phê bình khác nhau.

Ta rên rỉ về sự “thiếu chuẩn, loạn chuẩn trong phê bình văn học”, không sai.

“Chuẩn” là cần, buộc phải có cho phê bình văn học. Thế nhưng toàn cầu hóa, đâu là “chuẩn” để quy chiếu từ đó đánh giá tác phẩm văn chương? Sau đổi mới, văn chương tiếng Việt phát triển đa khuynh hướng, đa giọng điệu, đa phong cách, chúng cần đến nhiều chuẩn khác nhau để đánh giá. Khác nhau, thậm chí đối chọi, phản bác nhau. Thế giới mở, ai dám và ai có thể độc quyền chân lí nghệ thuật?

Do đó, “phê bình lập biên bản” mang tham vọng khiêm tốn bước đầu đặt nền tảng cho phê bình văn học, để nó có yếu tố lí tính hơn, thoát khỏi tình trạng đầy cảm tính và mơ hồ của phê bình văn học Việt Nam hôm nay.

Ông từng có tham vọng chữa căn bệnh phê bình cảm tính bằng liều thuốc phê bình lập biên bản, nhưng liều thuốc ấy dường như mới chỉ có… Inrasara xài thì phải?

Inrasara: Khởi đầu luôn là một khó khăn, khó khăn với kẻ khởi xướng nó, càng khó khăn hơn cho phía tiếp nhận, nhất là với ý tưởng mới. Phê bình lập biên bản tồn tại dưới 3 hình thức:

Biên bản Bàn tròn Văn chương là Biên bản ghi các ý kiến của người tham dự Bàn tròn Văn chương về một tác phẩm, một trào lưu văn chương… Tôi gọi đó là “tập thể phê bình”. Tác phẩm văn chương là một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi các diễn ngôn khác nhau, từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Các diễn ngôn phát ra qua kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của bộ phận độc giả khác nhau. Vô danh hay nổi tiếng, chuyên hay không chuyên, mới tập tò hay thâm niên công tác.

Biên bản lập chậm, ghi một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và nhất là – khách quan một cuộc hội thảo văn học, buổi ra mắt sách,… Sau đó tôi đưa ra một nhận định riêng. Nhà phê bình hay người đọc dựa trên “tài liệu” chuẩn và khách quan đó, có thể nêu nhận định của mình. Chứ không nhận định trên một tường thuật thiếu sót, mơ hồ hay méo mó, thiên lệch.

– Cuối cùng là Phê bình như là lập biên bản. Ta hay nhận định một tác phẩm nào đó theo “chuẩn” của ta, thậm chí theo gu của ta đầy tùy tiện. Từ đó sinh ta bao bất công tệ hại. Phê bình như là lập biên bản “ý hướng đi vào trong” mĩ học của tác phẩm của tác giả nào đó để nhận định cái hay cái dở của nó. Ta không thể đứng ở căn choi hệ mĩ học lãng mạn để phê bình tác phẩm thuộc hệ mĩ học hiện đại, không đứng ở gác xép mĩ học hiện đại để đánh giá sáng tác thuộc mĩ học hậu hiện đại. Thái độ “đi vào trong” kia vừa đảm bảo tính khách quan vừa tránh sự bất công và hàm hồ ở nhận định một tác phẩm văn học.

Ông từng phân nhà phê bình ra làm 3 loại: nhà phê bình đại diện cho thị hiếu chung của xã hội, nhà phê bình phát hiện cái mới khác trong sáng tác đương thời, và nhà phê bình lí thuyết mở hướng đi mới cho khai phá sáng tạo. Vậy ông thấy mình thuộc loại nào trong ba loại trên?

Inrasara: Phê bình lí thuyết mở ra hướng đi mới cho sáng tạo, thì tôi không dám, bởi nó vượt quá khả năng tôi; mặc dù cá nhân tôi thường bị gán vào cái mác “nhà phê bình hậu hiện đại”. Bên nữa là phê bình phát hiện cái mới khác trong sáng tác đương thời, hậu hiện đại ở trong dòng chảy đó. Tôi nằm ở đường biên hai loại phê bình đó, có lẽ.

Ông có nghĩ một người làm phê bình giỏi thì đương nhiên người ấy sáng tác sẽ… hay hơn?

Inrasara: Không hẳn! Điều chắc chắn là họ sẽ không bao giờ viết nổi bài thơ tệ. Nghĩa là ý thức chuyên nghiệp của họ rất cao.

Tiểu thuyết “Hàng mã kí ức” của ông ra đời nhưng hình như chưa có nhà phê bình nào đụng đến nó, phải chăng dân phê bình ngại vì tác giả của nó cũng làm phê bình?

Inrasara: Đây là câu hỏi tế nhị, tế nhị nhưng… đúng. Sau Lễ Tẩy trần tháng Tư, tôi dấn vào “phê bình”. Sau thời điểm đó, tôi in 4 tác phẩm văn chương nữa, nhưng chúng nhận được rất ít bài phê bình từ nhà phê bình có nghề. Hàng mã kí ức ra mắt khá xôm tụ ở Sài Gòn, và nhận được hơn 20 cảm nhận khác nhau từ phía người đọc, nhưng vẫn chưa thấy một nhà phê bình nào động bút đến nó. Nhớ, đây chỉ là ghi nhận một sự thể, đáp ứng lại câu hỏi.

Bên lề Hội nghị phê bình ở Đồ Sơn (10-2006), nhà phê bình Hoài Nam hỏi đùa tôi: – Ở tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, trong đó tầng cô đơn thứ ba là nhà văn cô đơn sau khi tác phẩm ra đời (nghĩa là không cãi lại nhà phê bình, khi tác phẩm mình bị phê), vậy nếu tôi phê bình Chân dung Cát của anh, hỏi anh có cãi lại không? Tôi đã đùa lại: – Với tư cách tác giả tiểu thuyết Chân dung Cát, tôi không bao giờ làm chuyện nhảm đó; còn với tư cách nhà phê bình, tôi vẫn có thể cãi lại, khi bạn viết sai, nhất là sai mang tính mĩ học .

Nhưng cả hai đều hoàn toàn không quan trọng. Theo tôi, viết hay không viết về sáng tác của tác giả (nhà văn) từng là đồng nghiệp (nhà phê bình), thể hiện thái độ chuyên nghiệp của người làm phê bình.

Website cá nhân của ông có khẩu hiệu “Không ai có thể hát thay chúng ta”, ông có thể nói một chút về “slogan” này?

Inrasara: Đây là câu đầu tiên trong một bài thơ tiếng Chăm của tôi, tôi có dịch ra tiếng Việt in trong Lễ Tẩy trần tháng Tư. Bài thơ được gợi hứng từ câu tục ngữ Chăm mẹ tôi nói ở cửa miệng: Oh hu Ywơn Xanưng halei đik asaih mai patauw drei Không có người Kinh [làng] Từ Tâm nào cưỡi ngựa đến dạy ta. Câu này biến thái qua các cuộc nhậu giữa anh em Chăm thành: Không có ai uống thay chúng ta, hay thông dụng hơn, ở khắp Trung Nam Bắc: Hồn ai nấy giữ.

Đặc san Tagalau, Sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm ra được 2 kì. Cả hai đều do nhà thơ Nông Quốc Chấn “chịu trách nhiệm bản thảo”. Sau số 2, vì một sự cố, đặc san không được duyệt in, Hội Văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam cũng không đứng tên xuất bản nữa. Thế là “Không ai có thể hát thay chúng ta”, tôi phải đứng mũi chịu sào chủ biên. Bài thơ in ngay trang đầu tiên làm đề từ cho Tagalau 3. Từ đó Tagalau dù bao gian truân, đã đi suốt hành trình 12 năm!

– Cám ơn ông đã chia sẻ!

Box:

Inrasara tên thật là Phú Trạm, sinh 1957 tại làng Chăm Caklaing, tỉnh Ninh Thuận. Các tác phẩm đáng chú ý: Thơ: Tháp nắng (1996) Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002); Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (2006); Tiểu thuyết: Chân dung Cát (2006); Hàng mã kí ức (2011); Tiểu luận văn chương: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006), Song thoại với cái mới (2008)… Ngoài ra ông còn xuất bản hơn 10 công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm. Ông đã đầu tư xây dựng một Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani tại quê ông, và chủ biên đặc san Tagalau, Sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1997 & 2003), Giải thưởng Văn học ASEAN (2005), Giải thưởng Vă hóa Phan Châu Trinh (2009). Hiện Inrasara là Phó Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam.

 

2 thoughts on “Inrasara: Phê bình văn học – Từ rên rỉ mơ hồ đến đến hội chứng báo động giả

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 08-05-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Inrasara: Phê bình văn học – Từ rên rỉ mơ hồ đến đến hội chứng báo động giả « vonga1

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *