Chia sẻ cùng nhà thơ Inrasara

Xuân Trường thực hiện

Báo Gia Lai cuối tuần, 12-2-2012

 Xin anh chia sẻ với độc giả Tây Nguyên vài nét riêng tư về đời và thơ của anh? Cơ duyên đã đưa anh đến với thơ?

Inrasara: Về riêng tư, thông tin đại chúng đã viết nhiều rồi, nhắc lại, e sẽ nhàm và nhảm. Chỉ muốn thêm rằng hồi còn Trung học, tôi giỏi về con số chứ không phải năng khiếu chữ nghĩa. Về chữ nghĩa, tôi say mê triết học và tư tưởng chứ không là văn chương. Về văn chương, tôi đọc tiểu thuyết nhiều hơn và kĩ hơn là thơ. Các nhà văn ưa thích của tôi: Dostoievski, Faulkner, Kafka, Camus,…

Về thơ, như phần lớn thanh thiếu niên Việt và Chăm khác khi tiếp xúc với văn học, tôi tập tò làm thơ từ 13-14 tuổi. Cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Ông tôi là thầy cao đạo đồng thời là tác giả tập trường ca Ariya Rideh Apwei khá nổi tiếng. Có lẽ tôi di truyền dòng máu này từ ông. Tuy vậy, làm thơ tôi hoàn toàn không ý định gửi đăng báo hay in tập. Năm 1996, tôi được nhà thơ Nông Quốc Chấn mời dự Trại sáng tác tại Đải Lải, cơ duyên đó tập thơ đầu tay Tháp nắng mới ra đời. Và thơ tôi bắt đầu được đăng dồn dập trên các báo, tạp chí. Rồi giải thưởng xuất hiện và các tập thơ tiếp theo ra đời: Sinh nhật cây xương rồng (1997), Hành hương em (1999), Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002), Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức (2006)…

Không ít người làm thơ tập hợp vài mươi bài thơ lại “đủ tập” để thành tập. Tôi thì khác: phải làm một tập thơ. Tập hợp các bài thơ được viết trước đó, dù cùng chủ đề đi chăng nữa, nó cũng không ra hình hài một “tập thơ” đúng nghĩa. Nó không làm thành một hơi thơ-hơi thở xuyên suốt. Bắt được một ý niệm, tôi “làm” một tập thơ. Trước đó là các ghi chú, nhiều càng tốt. Rồi, khi rỗi – 20-25 ngày – tôi ngồi xuống, và viết một hơi cho đến câu cuối cùng.

Anh có cảm nghĩ gì về những nhà thơ là người dân tộc thiểu số đã đóng góp tài năng sáng tạo nghệ thuật cho nền văn học Việt Nam?

Inrasara: Ưu thế lớn của đất nước Việt Nam là đa dân tộc, đa văn hóa. Từ đó, thơ các dân tộc trên đất nước đóng góp giọng điệu riêng. Dĩ nhiên, nếu người làm thơ đủ tầm văn hóa dân tộc, đủ bản lĩnh sáng tạo và tài năng văn chương. Bởi ngôn ngữ khác biệt tạo nên lối nghĩ khác biệt dẫn đến sự diễn tả khác biệt. Cho dù người làm thơ dân tộc thiểu số có viết bằng tiếng Việt đi chăng nữa, họ vẫn mang được cách nghĩ khác biệt từ ngôn ngữ dân tộc qua thơ tiếng Việt.

Giai đoạn qua, ai là nhà thơ dân tộc thiểu số đã làm được chuyện đó? Xin hãy bỏ lửng câu trả lời lại… Bởi trả lời cho rốt ráo câu hỏi lớn trên phải cần đến một chuyên luận. Chỉ biết rằng qua bốn thế hệ – từ thế hệ Nông Quốc Chấn, sang Lò Ngân Sủn qua Dương Thuấn cho đến tận Tuệ Nguyên -, không ít nhà thơ đã có những nỗ lực đáng kể phần mình. Cạnh đó không phải không cần nhấn mạnh rằng: đã xảy ra không ít hiện tượng muốn làm thơ “giống Kinh”, từ đó chân không tới đất cật không tới trời. Thêm: thời gian gần đây cũng xuất hiện vài bạn trẻ học theo phương Tây [nhưng chưa tới] đã sản sinh các thứ phẩm ngô nghê ngọng ngịu. Hết hiện đại đến hậu hiện đại, hết thơ trình diễn đến thơ tân hình thức… dù bản thân chưa hề nghiên cứu thấu đáo và nắm vững các thủ pháp của trào lưu văn chương trên.

Anh nói rõ thêm về tính hiện đại và hậu hiện đại trong thơ hôm nay? Và cho biết một số ý kiến về thơ tân hình thức hiện nay?

Inrasara: Để tìm một tác giả Việt Nam sáng tác theo chủ nghĩa hiện đại rốt ráo thì khó. Bởi cũng như lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam đâm rễ chưa sâu, phát triển chưa mạnh mà đã nửa đường đứt gánh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ Đặng Đình Hưng cho đến Hoàng Hưng ở miền Bắc, từ Thanh Tâm Tuyền cho đến nhóm “Thơ tự do” ở miền Nam. Chưa nói đến tinh thần của chủ nghĩa hiện đại, ngay các thủ pháp chủ yếu của chủ nghĩa này thôi, thơ Việt Nam giai đoạn qua vẫn chưa hội đủ yếu tố.

Khác với các loại thơ trước đó: cổ điển và lãng mạn chẳng hạn, thơ hiện đại diễn tả nội tâm con người thời đại đủ bình diện, nhất là bình diện bản năng ở tầng thẳm sâu vô thức, tâm linh,… vượt thoát khỏi sự kìm tỏa của chủ nghĩa duy lí. Cho nên thơ hiện đại không dùng thể thơ cũ (vần, nhịp, luật bằng trắc…) để tạo nhạc tính, mà nhạc tính mang tính nội tại. Hình ảnh vụt hiện bất ngờ, không tuần tự thứ lớp mà chồng lắp, đan xen,… Rõ hơn cả là tinh thần làm mới ngôn ngữ của thơ hiện đại đa phần vượt khỏi ngôn ngữ thường nhật mang tính tiêu dùng, dễ hiểu, đại chúng. Từ  những “chứng từ” đó, thơ hiện đại là loại thơ cao sang được làm ra bởi nhà thơ tinh hoa để dành cho độc giả tinh tuyển.

Thời đại khác, thơ cũng phải khác. Sang hậu hiện đại, thơ Việt Nam đã bước sang một lối rẽ quyết định. Tư tưởng giải trung tâm nhất quán của nhà thơ và xuyên suốt loại thơ này.

Thơ là loại hàng hóa như mọi hàng hóa khác, nhà thơ sống lẫn với mọi người, sử dụng ngôn từ đời thường để làm thơ như mọi người bình thường khác. Không còn gì mới dưới ánh sáng mặt trời, nên họ có thể sử dụng thơ có sẵn để giễu nhại, cắt dán từ tin tức báo chí, lắp ghép từ chuyện tạp nham ngoài đường. Nhà thơ hậu hiện đại giải trung tâm cả thể loại: thơ xáo trộn với truyện rất ngắn hay tiểu luận, hình ảnh và ngôn từ, thơ phụ âm, thơ video, thơ trình diễn… Nhưng ranh giới phân biệt rõ nhất giữa hậu hiện đại với hiện đại sự bất tín nhận thức trong cảm thức, phi tâm hóa trong hành động và tính phi nghiêm cẩn trong văn phong.

 Là Phó Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, xin anh cho biết đôi điều về tình hình phát triển Hội viên ở các tỉnh phía Nam của Hội Nhà văn và chất lượng các Hội viên được phát triển trong năm nay?

Inrasara: Theo tinh thần giải trung tâm hậu hiện đại, văn chương không phân biệt vùng miền, giới tính, dân tộc, hay gì gì khác. Cho nên xin miễn đề cập vấn đề cụ thể của từng vùng miền, rằng tại sao vùng miền này năm nay ít hơn thành phố kia, hay tại sao không phát triển ở tỉnh thành còn trắng hội viên này,… mà hãy đi vào thẳng trung tâm của sự việc. Với cơ chế của các Hội đồng chuyên môn và Ban Chấp hành Hội Nhà văn như hiện nay, việc xét kết nạp hội viên vẫn đầy cảm tình và cảm tính. Năm 2011, hai lần trên báo Tiền phong, tôi đã đề xuất lối làm mới; rồi đầu năm 2012, tôi đưa ra cách làm khác nữa. Để đảm bảo tính khách quan và công bằng tối thiểu. Ít nhất là có tính nguyên tắc hay hình thức, nhưng tất cả đều không đi tới đâu cả.

Còn chất lượng ư? Năm nào mà chẳng bị than vãn! Ngaoì cái than vãn kiểu “văn mình vợ người”, khi bình tâm suy xét, ta thấy dư luận không thể không than vãn, khi họ biết đây đó có vài nhà thơ thơ không ra thơ mà nhập được làng văn, trong khi nhiều khuôn mặt xứng đáng hơn vẫn cứ phải xếp hàng năm này sang năm khác.

Vậy chỉ có thể thay đổi cách làm, mới có thể thay đổi được cách nghĩ: từ nhà quản lí cho đến kẻ sáng tác lẫn dư luận quần chúng yêu văn học.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *