Trà Vigia: Chuyện trời chuyện người

(Chủ đề Bất an Dự án Nhà máy Điện hạt nhân – Ninh Thuận)

Mấy ngày rày Pangdurangga mưa bão. Cũng may bão đi chệch về hướng nam nên xóm làng không thiệt hại gì nhiều! Dạo này cứ mưa là lũ, lại thêm gió to nên lúa nằm rạp xuống nền ruộng bê bết đất bùn. Lúa mới trổ thì không kết hạt được, còn lúa sắp chín thì phải thuê người gặt tốn công hơn lại rơi vãi nhiều thất thu là cái chắc! Đời nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm sống qua ngày nên dân ngu khu đen là hiển nhiên. Có miếng ăn đã là may mắn, còn đầu óc tối tăm hay cái khu có đổi màu gì cũng không quan trọng bằng việc sinh tồn. Đời sống khó khăn vất vả là thế nhưng họ chỉ cầu mong được sống an lành. Nếu có chính sách hỗ trợ để xóa đói giảm nghèo thì đó là ước mong thiết thực của nông dân.

Trận lũ vừa rồi gây cho tôi thiệt hại không nhỏ về vật chất lẫn tinh thần. Mưa xối xả nên căn nhà già nua của gia đình tôi chỗ nào cũng dột. Đang suy nghĩ mông lung về hậu quả xấu có thể xảy ra khi cơn bão ập đến, tôi vô tình để xảy ra một sự cố tồi tệ khôn lường! Nhiệm vụ của tôi là chăn dắt hai con gà mái đang dẫn bầy con nhỏ, một mẹ tám con và mẹ khác mười con. Thấy trời âm u mưa lất phất nên tôi nhốt hai bầy trong lồng, chúng kêu la inh ỏi nên tôi đành thả chúng ra ngoài tự do kiếm ăn bay nhảy. Mưa lớn quá nên nước lũ tràn về lúc nào không hay. Mấy bữa trước tôi có đắp hờ một bờ con để ngăn dòng chảy về hướng khác nhưng nó vỡ lúc nào không biết! Đến khi vợ tôi la lên nước vào nhà thì tôi mới chợt nhớ đến lũ gà và tức tốc cứu nạn cứu hộ thì đã quá muộn! Con gà mẹ dũng cảm đang cố trì vào bụi chuối để nước khỏi cuốn trôi, trên lưng nó cõng hai con gà con đang kêu chiêm chiếp tuyệt vọng. Tôi lao đến vớt hai con sống sót, còn lại nổi lửng lơ theo dòng chảy tôi đuổi theo vớt đủ tám con còn lại nhưng chúng không còn thở nữa! Mẹ gà khác may mắn hơn, nó dẫn con trú dưới chân bàn đá tôi thường ngồi nhậu nên bảo toàn được tính mạng lũ con mình. Tôi thẫn thờ ân hận như vừa phạm tội sát nhân nhất là với lũ gà con ngây thơ vô tội đang cần sự bảo vệ đùm bọc. Tôi đã quá chủ quan và vô trách nhiệm khi không lường trước được tình huống để xử lý tốt hơn. Không thể bảo lũ gà ngu được vì nó chỉ tự vệ theo bản năng, mặc cho nước chảy nó cứ ấp con vào bụng. Có lẽ lũ gà con có kêu cứu nhưng tôi không nghe thấy, hoặc tâm trí tôi đang vẩn vơ chuyện khác nên không để ý. Tôi là người có tội!

 

Đúng là tâm trí tôi đang suy nghĩ mông lung về tình người và tính người. Nói hay không nói ra thì Điện hạt nhân luôn là nỗi ám ảnh và gây bất an cho người Chăm Ninh Thuận từ khi dự án này cập bến tỉnh nhà. Để người Chăm hiểu rõ về sự lợi hại của ĐHN cũng như để Chính phủ hiểu hơn về tâm tư tình cảm nguyện vọng của người dân địa phương thì cần thiết phải có thông tin và những bài viết phản ảnh trung thực những gì đang xảy ra để có những giải pháp phù hợp thỏa đáng. Chúng ta chỉ mới bắt đầu và đang nỗ lực tìm cách thích nghi, chí ít là an dân để tình hình ngày càng thông suốt trên một quãng đường dài phát triển bền vững.

Thật ngạc nhiên khi một độc giả yêu thơ Inrasara tuyên bố: xin đừng làm tình hình phức tạp thêm! Xui xẻo cho Sara quá, không nhận được sự tiếp sức lại bị thọc gậy thì yêu nhau lại hóa thành mười phụ nhau. Yêu thơ thì nên bàn về thơ và tối thiểu phải có một sự cảm thông nào đó với tác giả khi cần nhận định một sự kiện liên quan. Tôi thì không yêu thơ Sara lắm nhưng có vài bài tôi cho là rất hay, trong đó có một câu mà tôi hay lảm nhảm: Không ai có thể hát thay chúng ta! Đó là một chân lý không bao giờ thay đổi với bất kỳ dân tộc nào. Không ai có thể hiểu và thương Chăm bằng Chăm, nếu anh không nói lên tình tự của dân tộc mình thì ai nói dùm cho. Anh phải nói trước để người khác hiểu thì mới nói giúp, còn nếu anh câm như hến thì ai biết anh đang ngậm gì trong miệng?! Cái cốt của sự hay là động từ hát, hát như là đang khóc và khóc như là đang hát tùy tình huống và cảm xúc của từng người trong từng hoàn cảnh. Chắc bạn mới chớm yêu thơ Sara và chưa yêu dân tộc Chăm nên không hiểu tâm hồn Chăm, cho nên không thể trách bạn được. Còn bạn cảm phục Sara vì dám nói thẳng quan điểm của mình về ĐHN Ninh Thuận thì tôi cho là chưa đúng. Bởi lẽ, nếu ĐHN đặt ở ải Nam Quan hoặc mũi Cà Mau thì chưa chắc gì Sara đã lên tiếng vì không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của tộc Chăm. Sara không nói mà chỉ trả lời phỏng vấn của BBC nhân kỷ niệm một năm thảm họa Fukushima, lẽ nào người ta hỏi mà mình không trả lời?! Bạn phải cảm phục BBC mới phải. Với lại Sara có trang Web riêng nên cần thông tin một cách công khai minh bạch cho dư luận tỏ tường chứ Sara chẳng có lợi lộc gì. Cứ cho là Sara dám nói thẳng nói thật thì cũng cực chẳng đã vì lẽ nào một sự kiện lớn liên quan đến dân tộc mình mà không một Chăm nào lên tiếng? Không ai nói nên Sara nói, vì xấu hổ hơn là dũng cảm!

Diễn đàn bị vài người lợi dụng thì bạn hơi bị coi thường bản lĩnh Sara đấy! Thế nào là phát ngôn tùy tiện, nói xấu những người có trách nhiệm? Thấy bạn xưng hô chú cháu với Sara thì tôi đoán rằng bạn còn trẻ, mà tuổi trẻ thì hay nông nổi và nóng nảy. Tuy nhiên bạn chẳng non nớt chút nào khi phát ngôn mang tính áp đặt tùy tiện với khẩu khí bề trên. Có thể bạn tuổi trẻ tài cao đảm nhận một vai trò nào đó được xã hội phân công, nhưng không vì thế mà bạn coi thường người khác. Có dân ngu khu đen làm việc lam lũ mới có bạn nhàn nhã hơn trong vị trí của mình. Mỗi người có một trách nhiệm nơi mình đang phục vụ và dĩ nhiên mỗi người Chăm phải có trách nhiệm với dân tộc họ nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Bạn nên thận trọng khi phê phán người khác!

Sara cần cân nhắc khi tiếp tục bàn về vấn đề này vì nó đã được Quốc hội thông qua. Dường như bạn già trước tuổi thì phải! Mơ hồ như bạn có liên quan mật thiết đến ĐHN thì phải! Mà hình như bạn có chân trong Quốc hội thì phải! Bạn đưa tôi vào mê hồn trận rồi đó vì tôi biết Sara rất cân nhắc khi đưa ra một vấn đề gì vì Sara có trách nhiệm với trang Web của mình. Bạn nhắc nhở thêm cũng tốt, chỉ đạo càng tốt, răn đe vẫn tốt…  Nhưng đôi khi bạn cũng nên nhìn lại mình. Nếu có thiện chí, bạn nên gặp Sara trực tiếp để góp ý bảo ban và mong rằng xin đừng làm tình hình phức tạp thêm!

 

Bạn yêu thơ Inrasara thân mến! Bạn thấy đấy, chỉ vài nhận định vu vơ của bạn thôi đã vô tình gián tiếp gây ra cái chết của lũ gà con cùng nỗi ân hận không nguôi của tôi. Nếu suy nghĩ ấy biến thành hành động thì tất yếu tai họa phải lớn hơn nhiều. Một lỗi lầm nhỏ không được sám hối, lâu ngày sẽ chất chồng thành tội ác ngàn đời không thể gột rửa được! May là bạn không yêu thơ Trà Vigia, cũng không sao! Người Chăm luôn cười vui trong khổ đau vì có như thế họ mới vững tin vào cuộc sống. Tiếng hát không hẳn là biểu hiện của niềm vui và tiếng khóc cũng không chắc là tín hiệu của nỗi buồn. Nếu bạn cho rằng một lời than vãn của Chăm đều là phát ngôn tùy tiện, nói xấu những người có trách nhiệm thì bạn đang xúc phạm Chăm đấy! Bạn đang hy vọng trên tuyệt vọng của người khác là trái với đạo lý làm người bởi bạn không thể hát thay tôi. Cảnh báo của Sara dù có yếu ớt nhưng đủ thức tỉnh bạn và tôi nếu chúng ta có thiện ý lắng nghe để chung tay xây dựng một cuộc sống tốt lành hơn. Còn không, bạn nên tự hiểu lấy mình để tránh gây tổn thương cho người khác. ĐHN quá mới mẻ và đột xuất đối với Việt Nam nên có nhiều phản ứng trái chiều cũng là lẽ thường tình, không nên nghiêm trọng hóa vấn đề theo một chiều hướng không tích cực bởi mỗi chúng ta đang tồn tại trong mỗi tư thế khác nhau. Không đơn giản chỉ vì lợi ích vật chất mà còn là tài sản vĩnh cửu về tinh thần và không thể một sớm một chiều gầy dựng nên, nên cần thận trọng!

Hôm qua mưa lâm râm nên tôi cũng muốn lai rai, kẹt nỗi chỉ còn 5000$ trong túi. Mua rượu thì thiếu mồi mà hai thứ phải tương tác lẫn nhau đồng điệu thì cuộc nhậu mới thành công mỹ mãn. Tính đi toán lại, tôi mò mẫm tìm được chai cồn dược phẩm, eureka rượu có đây rồi, pha thêm một cốc nước nữa là xong! Lại lọ mọ ra ngoài mua hai con cá khô xuất khẩu nội địa thiu mốc, có còn hơn không (mưa bão mà). Bà bán hàng giả lả: bác mua con mực này đi, em bán rẻ chỉ có 50.000$. Ừa mực ngon nhỉ, nhưng ăn quá chán rồi phải đổi khẩu vị, để bữa nào nghe! Em nghe xứ mình có ĐHN báo hại ghê bác nhỉ, trong chợ ai cũng nói: nó nổ ngoài kia thôi chứ sập chợ nhà mình, ôi thôi lấy chỗ nào mà buôn bán bác nhở! Thì ra vỉa hè như không có chợ cũng tốt chán, thế cô biết ĐHN là rứa kể tui nghe coi? Nghe nói nó giống nồi cơm điện, nhưng không có điện thì chụm củi cũng còn kịp bác nhở! Xóm mình đấy, vợ chồng giáo viên đi dạy hết bỏ lại nồi cơm điện chờ trưa về ăn cơm. Bị chập dây sao đó cháy luôn căn nhà tội nghiệp ghê vậy đó, cháy nhà thì còn đỡ chớ sập chợ thì nhiều người lao đao bác nhở? Ờ cứ nhở hoài mệt quá tui về nhậu đây, bái bai nhé!

 

Một số thông tin cần được tham khảo :

–   Một số người ủng hộ hoặc không phản đối. Có một cuộc tiếp xúc cử tri, đối tượng được mời gồm cán bộ đảng viên hưu trí, kết quả: nhất trí cao. Cán bộ cơ quan đoàn thể với sự đồng thuận tương tự. Vài cuộc hội thảo trong giới viên chức giáo dục: không ai phản đối hay có kiến nghị đề xuất.

–   Phản ứng tích cực nhưng không chống đối chủ trương chính sách. Nên cho di dời đến một nơi an toàn nếu Chính phủ quyết tâm xây dựng ĐHN. Chăm đã từng di dời nhiều lần từ bắc vào nam nên có di dời thêm, hy sinh thêm cũng là một nghĩa cử cao đẹp để phúc đức lại cho con cháu.

–   Phản ứng tiêu cực bằng cách tin vào sự phù hộ của tổ tiên. Họ nghĩ rằng người hại không bằng trời hại. Nếu trời đã muốn Chăm tiêu vong thì cũng đành phải chấp nhận chứ còn biết đi đâu nơi cùng trời cuối đất này. Họ tin luật trời hơn luật người với xác tín: ĐHN có xây xong cũng không vận hành được?!

–   Phản ứng hậu hiện đại: nên lập hồ sơ lên UNESCO công nhận dân tộc Chăm là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới. Một ý tưởng mới lạ nhưng xem ra khó hiện thực vì không có người làm, người trình và người xét! Nắng mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tồi yêu Chăm. Sự lên tiếng của mỗi sinh linh Chăm đều là vạn bất đắc dĩ cho sự sống còn của họ vì họ vẫn còn tồn tại là một trong năm tư dân tộc trong cộng đồng Việt Nam. Hãy cảm thông san sẻ!

 

 

4 thoughts on “Trà Vigia: Chuyện trời chuyện người

  1. Ông Vigia viết:
    “Cảnh báo của Sara dù có yếu ớt nhưng đủ thức tỉnh bạn và tôi nếu chúng ta có thiện ý lắng nghe để chung tay xây dựng một cuộc sống tốt lành hơn.”
    Đề nghị ông làm kiến nghị thư yêu cầu dời toàn bộ dân Chăm ở NT ra Trường Sa đánh nhau với Trung quốc, giữ vững vùng biển đảo cho đất nước ta!!!

  2. “Không ai có thể hát thay chúng ta!”
    Tôi rất thích câu này của Sara
    Anh tồn tại cũng có nghĩa anh đang hát,
    Tiêng hát của trái tim,
    Tiếng hát đồng điệu của tâm hồn: ước mơ cháy bỏng và nỗi đau tuyệt vọng
    Hãy hát bằng tất cả sức lực có thể…
    Đất trời ngày mai bừng sáng lên một trời hoa.

  3. Nếu BBT (lỡ) không để tên tác giả, chắc đọc giả inrasara.com cũng nhận ra ngay văn phong mang đậm chất “Trà”: thật nhẹ nhàng nhưng thật thâm thúy, lôi cuốn và hay ở từng câu từng chữ. Đáng để học hỏi.
    Là bài có lẻ để trả lời cho một đọc giả yêu thơ Inrasara chứ không phải là truyện ngắn sở trường, nhưng bác Trà từ cách đặt vấn đề (rất thực tế đời thường) đến cách hành văn quá lôi cuốn về nhiệm vụ chăn dắt hai con gà mái không thành của mình trong cơn lũ, khiến tôi cứ há miệng nghe kể mà cảm động với lũ gà con bị chết đuối trong cơn lũ, để rồi giật mình với giá trị nhân văn sâu sắc trong câu chuyện mà anh đặt ra.
    Vâng, chuyện “người” khiến anh trăn trở, lơ đểnh nhiệm vụ để rồi lương tâm anh đã ray rứt trước sinh linh của lũ gà con. Do “Trời” chăng! Trời không thương thì đành vậy, Trời mà!
    Còn chuyện lò ĐHN nay mai sẽ treo trên đầu hàng vạn sinh Chăm tại Pangdurangga, đe dọa sinh linh Chăm từng giờ từng ngày. Rồi sinh linh Chăm cũng sẽ giẫy giụa trong cơn hoạn nạn một khi lò ĐHN có vấn đề, bi kịch đó cũng sẽ giống như lũ gà con kia của bác Trà giẫy giụa trong cơn lũ mà chết thê thảm vậy thôi, chỉ khác ở điều là Chăm sẽ bị tuyệt chủng hay tối thiểu cũng bị đột biến gien như loài chuột khổng ở Chernobyl (Ucraina) mà thành loài gì gì đó!
    Ở đây, sự tồn vong của Chăm trên mảnh đất thiêng Pangdurangga không phải do Trời quyết nữa, khổ là do chính con người. Túm lại là do con NGƯỜI tất. Không biết họ có xem sinh linh Chăm bằng lũ gà con kia không nhỉ?! Tôi nói vậy không phải mơ hồ gì, mà tai họa hạt nhân đã diễn ra mồn một trên trái đất này, khiến nhân loại quay lưng với nó và dần đi đến xóa sổ ĐHN trong tương lai. Ở VN, các nhà khoa học hạt nhân cũng như các chuyên gia đầu ngành đã phản đối và cảnh báo. Hãy nghe Gs Phạm Duy Hiển nói: “Trên thực tế, chưa có công nghệ ĐHN nào được xem là an toàn tuyệt đối cả. Mà cái khái niệm an toàn tuyệt đối là vô nghĩa, chỉ những ai thất học mới nghĩ vậy”.
    Vậy, điều gì khiến ta đi ngược thời đại và ngược với nhân loại trên hành tinh này?!
    Và “một đọc giả yêu thơ Inrasara” nào đó có cảm nhận được nó không? Bạn hãy đặt mình, gia đình mình và cả tộc người mình vào đó mà cảm nhận nó nhé! Đừng ngu muội đánh đổi sinh mạng của loài người với các “chủ trương chính sách”, đừng mang tư tưởng cổ hủ “tuân thủ” nữa, mà chúng ta phải cần sự MINH BẠCH, TỎ TƯỜNG, DÂN CHỦ VỚI VẤN ĐỀ HẠT NHÂN TẠI NINH THUẬN. Đó là sự thể hiện trách nhiệm của bất cứ một công dân chân chính, một xã hội công bằng và văn minh.
    Jalo tôi lâu quá ghé thăm lại, hôm nay nói hơi bị nhiều, mong bà con bỏ qua cho. Chào và chúc sức khỏe đến với mọi người.

  4. Chỉ một xơ xuất nhỏ thôi mà cei Trà đã làm chết đến những 6 con gà con, đáng tiếc lắm thay. Nhà mấy ĐHN nếu lỡ chuyên gia xơ xuất trong xây dựng hay vận hành lỡ bị ” Xì ” thôi ví như đập sông Tranh bị rò rĩ thì sao, may mà nước nếu là ĐHN thì sao ? thương cho con gà con của cei Trà nhiều và cũng thương cho Chăm càng nhiều hơn. Ôi ĐHN ta có thù oán gì ngươi đâu, ta có mời mi đâu sao lại ghế thăm ta chứ, ta nghèo khổ và lẻ loi lắm không có gì tiếp ngươi đau. Hãy làm ơn tránh xa ta ra, càng xa, càng tốt… Thương Chăm tôi quá mà không cách nào giúp hu hu … Ngày đêm tôi chỉ cầu Trời giúp tôi làm thủ tướng để tôi đuổi ĐHN đi xa, nhưng bây giờ tôi chỉ anh CB xã quèn nên chỉ biết cầu trời mà thôi…

Leave a Reply to phitoan Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *