Văn chương & Tư tưởng III-119

Tính liên-văn hóa (Interculturality): yêu cầu của thời đại

Liên-văn hóa, như một môn học, được xét ở bốn viễn tượng: triết học, tôn giáo, chính trị và giáo dục.

• trong viễn tượng triết học, liên-văn hóa là một thái độ, một tinh thần và một sự thức nhận rằng mọi thành tựu của tư tưởng nhân loại đều là những biến thái của một philosophia perennis (“triết học vĩnh cửu”), trong đó sự tương đồng giữa các câu hỏi quan trọng hơn sự dị biệt giữa các câu trả lời, từ đó ngăn chặn việc biến một truyền thống hay một hình thái triết học nhất định thành hình thái tuyệt đối như là định nghĩa duy nhất cho chân lý triết học. Với nhận thức ấy, có lẽ đã đến lúc cần phải viết lại một bộ lịch sử tư tưởng, – và nói riêng, một lịch sử triết học – của nhân loại.

• trong viễn tượng tôn giáo, tính liên-tôn giáo là tên gọi khác của tính liên-văn hóa, bởi một religio perennis / sanatara dharma (“tôn giáo vĩnh cửu”) cũng mang nhiều tấm áo tín ngưỡng khác nhau. Tất nhiên, bản thân tính liên-tôn giáo không phải là một tôn giáo để người ta tin theo. Nhưng, đó là một thái độ khiến ta cởi mở và khoan dung. Ngoài ra, nó cũng giúp ta tránh được mọi cám dỗ của óc cuồng tín tôn giáo và thuyết “bảo căn” (fundamentalism).

• trong viễn tượng chính trị, tính liên-văn hóa cũng là một tên gọi khác của tinh thần cộng hòa-dân chủ, không chấp nhận bạo lực và sự độc quyền thống trị.

• trong viễn tượng giáo dục – và đây là viễn tượng quan trọng nhất -, thái độ, tinh thần và sự thức nhận liên-văn hóa về cả ba viễn tượng trên cần được dạy và học trong gia đình và xã hội, từ nhà trẻ cho đến đại học, trong tư tưởng lẫn hành động. Chỉ có như thế mới hy vọng sớm ngăn chặn tư tưởng cục bộ, toàn thủ (integrism), vị chủng, bởi một khi chúng đã chiếm lĩnh vũ đài thì mọi nỗ lực giáo dục đều đã trở nên quá muộn.

Bùi Văn Nam Sơn, báo Sài Gòn tiếp thị

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *