Inrasara: Thơ Đồng Đức Bốn & Mai Văn Phấn

Tham luận Hội thảo thơ Mai Văn Phấn & Đồng Đức Bốn, Hải Phòng, 15-5-2011(*)

 

Mùa hè năm 2006, trong một buổi nói chuyện về Thơ Việt đương đại ở Lớp Cử nhân Tài năng tại Trường Đại học KHXH & NV THHCM, một nữ sinh viên, sau khi xin đọc hai đoạn lục bát của Đồng Đức Bốn đã cho rằng nó rất hay, rất đáng ca ngợi, tại sao nhà thơ không ca ngợi mà đi xiển dương mấy loại thơ cách tân chẳng có ai quan tâm như thơ hậu hiện đại chẳng hạn.

Khi bị tôi hỏi vặn lại: – Về khoản lục bát, bạn đã đọc lục bát của Bùi Giáng, của Phạm Thiên Thư chưa? Và cả lục bát của Du Tử Lê nữa? Bạn sinh viên đã trả lời rất ư là vô tư: – Chưa ạ! – Vậy là bạn chưa đủ thẩm quyền khen chê lục bát của Đồng Đức Bốn, rộng hơn – chưa đủ thẩm quyền bàn về thơ lục bát Việt, – tôi nói.

Bạn trẻ đã im lặng. Tôi tiếp:

– Nếu bạn là một độc giả bình thường thì không vấn đề, bạn có thể thích hay không thích ai tùy, còn khi bạn ngồi ghế lớp chuyên ở bậc Đại học để chuẩn bị làm giáo viện chuyên văn hay nhà phê bình, thì bạn phải đọc hệ thống. Này nhé, giữa bốn dòng, lục bát Đồng Đức Bốn đứng ở đâu? Vắt dòng, ngắt nhịp, tạo nhịp lẻ cho dòng bát,… Đồng Đức Bốn có đóng góp tí ti vào các thủ pháp kia không? Cuối cùng, quan trọng hơn, đi sau non nửa thế kỉ các tên tuổi lớn ấy – Đồng Đức Bốn đã giẫm phải dấu chân ai? Đụng hàng ai? Bạn đã tự hỏi và trả lơig câu hỏi ấy chưa?

Inrasara

 *

1. Ngôn ngữ là của chung một dân tộc. Từ ngôi nhà chung đó, nhà thơ xây dựng ngôn ngữ cho riêng mình, và/ để cư trú trong đó. Một thứ ngôn ngữ đặc thù cá nhân, có khi trên dưới trăm từ, lặp đi lặp lại như một thứ ám ảnh, làm thành cái riêng nhất, không thể lẫn.

Đồng Đức Bốn chưa có ngôn ngữ riêng. Anh ẩn và lẩn trong ngôn ngữ chung của tiếng Việt. Dẫu sao, cho rằng thơ anh quanh đi quẩn lại khoảng 600 từ là nhầm. Dung lượng tiếng Việt trong thơ Đồng Đức Bốn không thiếu kém hơn các nhà thơ cùng thời nào khác bất kì(1).

Thử lướt qua bảng thống kê tần số xuất hiện lượng từ trong số chữ có mặt trong thơ. Nếu tỉ lệ từ trên chữ của Nguyễn Quang Thiều chỉ là 0,366%, của Nguyễn Duy và Lê Vĩnh Tài: 0,444%, Inrasara là 0,518%, Mai Văn Phấn đến 0,658%, thì Đồng Đức Bốn ít ra cũng cư trú ở khoảng giữa các nhà thơ trên: 0,470%. Nghĩa là không ít hơn Nguyễn Quang Thiều và xấp xỉ Nguyễn Duy và Lê Vĩnh Tài (**).

Có lẽ lượng từ đơn trong thơ anh vượt trội (Nguyễn Quang Thiều tỉ lệ từ ghép trên lượng từ là: 0,667%; Đồng Đức Bốn chỉ có 0,297%) đã tạo cảm giác nơi người đọc rằng anh “không có nhiều chữ”. Nhất là các từ kia đơn giản, dễ hiểu và lại quá quen thuộc.

Danh từ: cỏ, đồng, rạ rơm, gió đông, con diều, củ khoai nướng, chuồn chuồn, bùn, mẹ, chợ làng, gốc đa, con gà, đê, trâu bò, bè tre, rơm với lửa, chùa, chuông chùa, đường làng, ăn mày…

Động từ: mua, bán, ra ngõ, kéo diều, chăn trâu, đốt lửa, đi đò, cấy lúa, hát ru,…

Cạnh đó là vô vàn các từ và cụm từ làm sẵn được dùng với tần số cao trong ca dao dân ca: duyên mình, giếng đình, trúc xinh, chiếc thuyền rồng, bạn đến thăm, con sáo sang sông, con sáo bay đi, sang đò, bén trầu cau, cầm lòng, tơ với tình, xe chỉ luồn kim…

 

Đồng Đức Bốn chưa ý thức tạo ngôn ngữ riêng cho thơ mình.

Vậy, đâu là thành tựu của Đồng Đức Bốn? Lâu nay, nhận định vô bằng về thơ đã gây tai hại cho thơ không ít. Từ phía khen lẫn phía chê. Với Đồng Đức Bốn, chê là thế. Ngay cả khen chúng ta cũng vẫn cứ tranh nhau khen… sai.

Thành tựu của Đồng Đức Bốn là có. Đã có không ít đánh giá của các bạn văn và nhà phê bình, xin miễn nhắc lại. Chỉ xin hỏi: Có phải Đồng Đức Bốn đã “sáng tạo ra những cái mới trong thơ lục bát”, như có người khẳng định không?(2)

 

2. Lục bát, lâu nay ta hay có thói quen xem nó thuần Việt. Nhưng không. Đây là thể thơ gần như của chung các dân tộc Đông Nam Á. Bởi cơ cấu ngôn ngữ dị biệt nên “lục bát” mỗi nơi phát triển mỗi khác. Ngay từ cuối thế kỉ XVI – đầu thế kỉ XVII được ghi nhận là thời điểm ra đời của sử thi Akayet Dewa Mưno, thể thơ ariya [lục bát] Chăm đã rất chuẩn mực. Trước đó nữa, trong panwơc pađit ca dao Chăm, ariya là thể thơ được độc quyền sử dụng. Chăm gọi nó là thể ariya(3).

Về lục bát Việt, không kể các tác phẩm cổ điển sáng tác theo thể lục bát như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên,… lục bát hiện đại Việt Nam phát triển theo bốn dòng chính.

 

Dòng lục bát dân gian, mà lục bát Nguyễn Bính là rất tiêu biểu. Thơ nhịp chẳn, đều đặn, ngôn ngữ dung dị dễ hiểu, hình ảnh thơ quen thuộc và gần gũi với đời sống thôn quê Việt Nam. Rất gần với ca dao. Sau Nguyễn Bính, đã có nhiều nhà thơ đi theo và phát triển xu hướng lục bát này.

 

Dòng lục bát “hiện đại”. Có thể xem Lửa thiêng của Huy Cận thời Thơ Mới là thành tựu mở đầu. Mới mẻ ở đề tài và ý tưởng, ngôn từ đẫm chất trí tuệ và chắt lọc bên cạnh là độ nén của ý thơ tạo nên thứ thi pháp khá hiện đại.

 

Dòng lục bát huyền ảo. Dòng này nảy nở và phát triển mạnh ở miền Nam thời sáng tác [và ảnh hưởng] Phật giáo thịnh hành: Huy Tưởng, Tuệ Mai và nhất là Phạm Thiên Thư với Động hoa vàng (1973) và Trại hoa đỉnh đồi (1975). Ngôn ngữ thơ mơ mơ hồ hồ bên cạnh hình ảnh mông lung, ý tưởng thiếu rành mạch, trật tự thời gian đảo lộn liên tục tạo một cảm giác miên man, mong manh, huyền ảo. Bài thơ đôi lúc chuyển nhịp khá bất ngờ. Sáng tạo (hay cách tân) mạnh mẽ nhất ở Phạm Thiên Thư chính là kĩ thuật ngắt nhịp:

núi nghiêng                                                                   

               suối vẳng tơ đàn

nhìn ngoài thạch động

             mưa vàng lưa thưa

nghiêng bình

            trà nhớ hương xưa

từ

             vàng hoa nọ

                     bây giờ vàng hoa…

(Động hoa vàng, NXB Tiếng thơ, Sài Gòn, 1971)

 

Sau này, Nguyễn Trọng Tạo đã “tiếp thu và sáng tạo” rất thành công ở bài “Chia”:                         Chia cho em một đời say

      một cây si

                        với

                                    một cây bồ đề…

(Đồng dao cho người lớn, NXB Văn học, 1994)

 

Dòng lục bát hậu hiện đại. Mở đầu bằng Bùi Giáng, ở giai đoạn sau của ông, nhất là các bài thơ mà tỉ lệ từ Hán Việt lấn át. Có khi bài thơ chỉ là một chuỗi liên hệ âm, thanh, vần, phép nói lái trong ngôn ngữ nối tiếp hoặc chồng chéo lên nhau, lồng vào nhau như thể một ma trận chữ vô nghĩa; rồi cả chuỗi hình ảnh, ý nghĩ dẫm đạp lên nhau, xô đẩy, nhảy cóc rối tù mù. Về mặt kĩ thuật, qua Bùi Giáng, lục bát Việt thực sự có nhịp mới: nhịp lẻ, nhất là ở dòng bát. Chúng có mặt đậm đặc, đủ để tạo nên cái phong cách riêng của Bùi Thy sĩ!

Xin chào nhau giữa lúc này

Có ngàn năm / đứng ngó / cây cối và

(dòng này còn có thể ngắt: Có / ngàn năm / đứng ngó / cây cối / và )

Nửa người xa lạ người yêu

Nửa thân thể / náo động / liều lĩnh xương

(Mưa nguồn, NXB Hội Nhà văn, 1993 – sách tái bản)(4)

 

Bên cạnh bốn dòng trên, người đọc còn biết đến thể nghiệm mới của Du Tử Lê khi anh cố ý cắt nát lục bát bằng các dấu chấm, phẩy, gạch chéo, gạch ngang… để tạo nhịp mới, nhịp chỏi cho thể thơ vốn khá mềm mại này. Một cố ý thuần kĩ thuật nhưng không phải là không có giá trị nhất định.

– Nằm nghe – chăn gối rơi. Cùng

tháng năm bằn bặt.- Phật còn ở không

Tôi nhìn – tôi rất chon von

núi non âm bản. – rừng son vẽ.- Buồn 

– Còn tôi, – cõi nát – cõi tàn

cõi hoang mang, – vội, – cõi bàng hoàng, – qua

– chiều lên chiều lên tù mù

vàng tâm cổ thụ lá khu trục cành

lon bia lon bia chia buồn

nhớ, quên, một lũ chết bầm tương tranh(5)

 

Như vậy, từ ngôn từ cho đến nhịp điệu, từ lối vắt dòng, ngắt ngịp cho đến thi ảnh… ta chưa thấy Đồng Đức Bốn “sáng tạo ra cái mới cho lục bát Việt”. Lục bát Đồng Đức Bốn đi len giữa dòng lục bát dân gianlục bát huyền ảo. Vô ngại. Để không ít lần bật lên các bài thơ, đoạn thơ xuất thần. Xuất thần và dễ hiểu, dễ tiếp nhận, cả với người đọc được cho là bình dân nhất.

 

3. Mai Văn Phấn ngược lại: vô cùng khó hiểu.

Hiếm nhà thơ hôm nay dứt áo với quá khứ vừa đau đớn, nhọc nhằn vừa khó khăn như Mai Văn Phấn. Bỏ làm thơ trong thời gian dài, mãi sắp bước sang tuổi tứ thập anh mới xuất hiện trở lại. Các tập thơ thời kì đầu: từ Giọt nắng (1992) cho đến trường ca Người cùng thời (1999) gặt hái các giải thưởng thơ liên tục từ năm 1991 đến năm 1995, đủ dọn cho anh một chỗ ngồi đường hoàng trên chiếu văn. Những tưởng anh “yên bề”, nhưng không! Sự vận động vươn vượt không ngưng nghỉ của nhà thơ này là rất đáng trân trọng. Tiếc, nhà phê bình chưa nhìn ra các đóng góp của anh.

Không gì lạ cả!

Trở ngại chính là ở ngôn từ, và nhất là các ẩn dụ có mặt dày và đậm trong thơ anh. Rất khó tiếp cận. Khó khăn cả với bộ phận độc giả chuyên nghiệp.

Trong khi tỉ lệ từ ghép và cụm từ trên số lượng từ trong thơ Đồng Đức Bốn chỉ có 0,297%; ở Inrasara: 0,469%; và Nguyễn Quang Thiều là vượt trội: 0,667%; thì ở Mai Văn Phấn tỉ lệ này tăng dần qua mỗi giai đoạn: Giai đoạn 1: lệ 0,301%, giai đoạn 2: 0,383%, đến giai đoạn 3 là 0,501%.

Thao tác ghép từ và tạo lập cụm từ chủ yếu để diễn tả một khái niệm khác, mới – phức tạp hơn, tầm bao quát rộng hơn. Cho nên,  một văn bản văn chương đựng chứa chúng khả năng mang tính tư duy cao hơn. Từ đó, nó có thể gây ra sự khó hiểu nhất định. Nhưng sự thể này không nói lên được gì cả nếu thơ Mai Văn Phấn không tồn tại dày đặc ẩn dụ.

Những lưỡi cày, sá cày, mùi ruộng ải, tiếng cuốc, chiếc sừng trâu, phận hoa bìm, dấu chân liềm hái, mắt rạ rơm, lưỡi cỏ, thớ đất, con quạ… Rồi phong kín, mê sảng, tái sinh, phục sinh, vong linh, kí ức, trí nhớ, huyệt mộ, u mê, hốc mắt, hốc lặng, ướp đông, oan khiên, sám hối, mặt trời mù, thác loạn, quánh đặc, nỗi kiếp côn trùng,…

 

Các ẩn dụ đầy dụng ý được đẩy lên tầm khái quát mang tính tượng trưng rất cao.

Khác với Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn sở hữu và rất ý thức tạo lập dụng ngữ đặc thù của mình. Anh bày cụm từ mới hay dùng lại từ cũ theo ý nghĩa khác. Nhận ra các từ khóa và tìm được chìa khóa của bộ phận từ này (thuật ngữ hay được dùng hời hợt đầy dễ dãi hiện nay là: giải mã), thì việc tiếp cận được thơ Mai Văn Phấn, không là chuyện khó. Tất cả đều nằm ở giai đoạn hai của hành trình thơ Mai Văn Phấn.

 

Khác với giai đoạn đầu, thơ – dù không thiếu suy tư – chỉ là những hoài cảm, tức cảnh sinh tình, cùng lắm là ưu tư về vài khúc rẽ lịch sử.

Những “Tản mạn về cỏ”, “Khúc cảm mùa thu”, “Nỗi nhớ mùa thu “, “Thoáng thu”, “Mưa cuối hạ”, “Qua hoàng hôn”, “Rượu xuân”, “Em và biển”, “Cuối xuân đầu hè”, “Nét quê”, “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc”, “Đà Lạt thì thầm”, “Những con sẻ chùa Vĩnh Nghiêm”, “Chiều Trà Cổ”, “Nhớ Hà Nội”, “Đêm ở Thụy Khuê”…

người đọc có thể bắt gặp nhan nhản khắp trang thơ ở mọi miền đất nước.

Khác cả giai đoạn thứ ba, khi Mai Văn Phấn đã chín đầy, thơ mở rộng tầm nhìn cùng phạm vi đề tài, thơ hướng về cuộc sống và ngôn ngữ đời thường hơn, cách xử lí nghệ thuật ít nhiều mang chiều hướng hậu hiện đại. Các cách đặt tên cho bài thơ nói rõ điều đó: “Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”, “Nghe tin bạn bị mất trộm”, “Ghi ở Vạn lý Trường Thành”, “Còn cậu hãy đứng đằng kia”, “Hội chứng từ một tin đồn…”, “Chuyện còn dài”, “Giả thiết cho buổi sáng hôm sau”, “Bưng chậu nước lên cao”, “Tin nhắn lúc giao thừa”,…

Giai đoạn hai của hành trình thơ Mai Văn Phấn là bước chuyển dũng mãnh mang tính quyết định. Ẩn dụ có mặt đậm đặc: “Tôi với mọi người”, “Nỗi đau phát sáng”, “Trái tim giải thoát”, “Phía trước bàn chân”, “Mũi tên bóng tối”, “Phía sau ánh sáng”, “Từ một đường bay”, “Đổ về phía khuất vầng trăng”, “Dấu vết bình minh”, “Biến tấu đêm mưa”, “Biến tấu con quạ”, “Giọng nói”, “Nhịp thu về”, “Hồi sinh”, “Quyền lực mùa thu”, “Tiếng kẹt cửa”, “Mùa hạ rất gần”, “Đất mở”, “Nhịp điệu vẽ lối đi”, “Im trôi”, “Được quyền nghĩ những điều đã ước”, “Đợi mùa”, “Đối thoại với thời gian”, “Ước phục sinh”, “Dừng lại để suy nghĩ”, “Di chứng”, “Không quán tính”, “Đến trong ý nghĩ”,…

đến không biết đường nào mà lần. Dù không ít lần, thơ cố giải minh bằng thứ ngôn ngữ “khoa học” như là cụ thể hóa các ẩn dụ kia: “Cấu trúc tạm thời”, “Mười bài tập mùa xuân”, “Vòng cung thời gian”, “Những ý nghĩ không sắp đặt”, “Dàn ý”, “Giải pháp”,…

Nhưng càng “khoa học” và càng tìm “giải pháp”, thơ càng tự đẩy mình về phía khó hiểu. Lạ!

Vậy làm thế nào để “giải mã” thơ Mai Văn Phấn? Không gì khác hơn là tìm ý nghĩa tượng trưng ở phía các bề tối qua điệp điệp ẩn dụ trong thơ anh.

 

Đó là QUÁ KHỨ bị khu trục, mắc cạn, giả mạo và tha hóa trong chân trời bó hẹp cùng chân nhang, khói hương, bức tường, đóng, hầm tối, hốc lặng, im trôi, quanh quẩn, đời sống đã chết, ướp đông, hơi lạnh nhân tạo, căn bệnh mãn tính, tiếng nói vụng trộm

… có hàng phi lao hát mãi lời ca mang quá khứ hay tương lai không giới tính.

Sau giấc ngủ dài mới hay cả quá khứ bị đánh cắp.

Bức tường và cánh cửa vẫn đóng

Trong hốc lặng

tôi

im trôi với bao người.

 

Thế nhưng quá khứ với Mai Văn Phấn không chỉ là thứ quá khứ “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa” (Chế Lan Viên), mà là một quá khứ sẵn sàng tự thức trong tư duy của thi sĩ. “Quá khứ bắt đầu gầm rít”, đòi hỏi chuyển động. Về phía cánh cửa….

 

Là CÁNH CỬA – Cánh cửa hẹp.

Bức tường và cánh cửa vẫn đóng.

… mở thông những cánh cửa sang nhau.

Mở nắp bút như bật cánh cửa, cậy nắp hầm tối…

Nín thở biết gần kho báu

Lần tìm, cố xoay từng cánh cửa nước.

Đã hé mở cánh cửa nền văn minh tâm học

Hối thúc chạy về cánh cửa.

Cánh cửa bật mở.

 

Bao nhiêu là “cánh cửa”. Không phải vô cớ, MỞ xuất hiện rậm rạp trong Vách nước: cánh cửa bật mở, mở cổng, mở vòm ngực rộng, ngực ai mở lớn, mở toang ngực, mở con đường, đất mở, đất hoang vừa mở, dấu giày mở, mở cơn lốc, cờ phướn mở, gói bọc được mở ra, tay mở những bờ mùa, trẻ con mở viện bảo tàng, lời vô nghĩa mở ra tưởng tượng,… Cả các hạn từ hàm nghĩa tương đương: nở bung, bật tung, bung rã, cửa phá bung, vỡ, bùng vỡ,…(6)

 

Và cuối cùng là CON ĐƯỜNG.

tiếng kẹt cửa réo vang

mở con đường.

 

Con đường réo gọi “bàn chân”, “chuyển động”, “mở”, và “bước đi”. Quá khứ lâu ngày chày tháng im ỉm đóng hình thành nên mênh mông thứ rỉ sét nguy cơ mài mòn, giết chết bao mới lạ cùng ý hướng khai phá vùng đất hoang của tinh thần sáng tạo. Muốn mở, thi sĩ cần tạo nên tiếng kẹt cửa, không thể khác – về phía con đường. Con đường muôn hình dạng, đa trạng thái, đa phương cách. Mở và đi. Đường con đường xuất hiện trùng trùng điệp điệp trong thơ Mai Văn Phấn, là thế.

Tìm đường, vạch đường, nhận ra con đường, mở những con đường, nhìn rõ con đường, khao khát làm con đường, phía khuất con đường, những ngả đường trước mặt, tô đậm con đường,…

Rồi khi thơ đã xác lập con đường mới mẻ trinh nguyên của ngày mới, thơ “kinh hoàng và ngoái lại thương xót con đường chỉ biết rạch tia chớp vu vơ không khả năng chập cháy“, những “đường ống tối đen” hay “con đường cổ lỗ chôn nông khuôn mặt hạn hán“. Con đường bây giờ đã thành “đường bay”, “đường chân trời”. “Con đường là chân tay anh“, “Bàn tay săn bắn và hái lượm giờ tìm đường lên vì sao và xuống các đại dương“. Con đường “vừa được vẽ run run” để tiếp tục “mở con đường chênh vênh trẻ thơ ướt tóc“, “khi gót chân trẻ thơ chập chững đặt lên mặt đất“.

Để thơ nói lại tiếng nói ban đầu: tinh khôi, giản đơn và sáng rỡ. Nhật tân, nhật nhật tân.

Như/ để:

dòng sông vừa chảy

vừa sinh nở.

 

Sài Gòn, 29-4-2011

________________________

 

Chú thích:

(*) Tôi được nhiều tổ chức mời dự Hội thảo về thơ đương đại, ở đó tôi đều có viết các tham luận, nếu thấy đó là chủ đề thích hợp. Còn việc có ngồi vào bàn hội thảo hay không thì rất tùy; và trên thực tế rất nhiều lần tôi làm vắng mặt.

(1) “Lục bát của Đồng Đức Bốn có một cái gì khác người, hiếm và lạ”. “Vốn từ của anh loanh quanh khoảng 600 từ” (Nguyễn Huy Thiệp, Giăng lưới bắt chim, NXB Hội Nhà văn, H., 2006, tr. 130-134).

(2) Từ Nguyên Linh, “Đồng Đức Bốn – Người làm thơ lục bát hiện đại”: “Đồng Đức Bốn là một nhà thơ sáng tạo ra những cái mới trong thơ lục bát” (tạp chí Nhà văn, ?).

(3) Xem thêm: Inrasara, “Lục bát và các dòng thơ lục bát”, tạp chí Thơ, 10-2008.

(4) Inrasara, “Để thơ đến với bạn đọc – Nhịp điệu”, tạp chí Văn nghệ Vũng Tàu, số 64, 2003.

(5) Bùi Bảo Trúc, Lục bát và những đóng góp của Du Tử Lê, trong tập: Du Tử Lê, Chấm dứt luân hồi em bước ra, Tủ sách Văn học nhân chứng,USA, 1993, tr. 153.

(6) Inrasara, “Mai Văn Phấn, Ra đi sau tiếng kẹt cửa”, Tienve.org, 25-4-2004.

(**) Bảng thống kê từ và chữ các nhà thơ sử dụng, tư liệu riêng:

Đồng Đức Bốn, các bài thơ “Chợ buồn”, “Đời tôi”, “Đường đi”, “Trở về với mẹ ta thôi”

316 từ/ 672 chữ – chiếm tỉ lệ 0,470%

94 từ ghép/ 316 từ – chiếm tỉ lệ 0,297%

17 lần – 01 từ: mẹ

13 lần – 01 từ: còn

11 lần – 01 từ: tôi

9 lần – 02 từ: đã, không

8 lần – 02 từ: trời, để

7 lần – 03 từ: bán, cho, vẫn

6 lần – 02 từ: cho, những

5 lần – 06 từ: bao nhiêu, cái, giữa, là, mà, bây giờ

4 lần – 15 từ: vàng, vào, tóc, như, một, được, gì, gió, lại, có, đời tôi, đi, chẳng, buồn, cả

3 lần – 15 từ (1 từ ghép/ 15): chờ, vừa, thôi, sao, ra , qua, nhớ thương, người, mua, nắng, đường, gầy, chân, chợ, bạc

2 lần – 42 từ (3 từ ghép/ 42 từ): ai, bảo, bên, chiều, chưa, chửa, cũng, đất, đau, đem, đến, đôi, giông, hết, hôm ấy, khi, lên, lo, lòng, mấy, mồ, mưa nắng, nhau, nhớ, nữa, ở, quên, rằng, rơi, say, sợ, ta, tả tơi, theo, thì, thơ, tí, tìm, trở về, trước, vui, yêu

Mai Văn Phấn

1. Các bài thơ: “Tiếng gọi từ cánh đồng”, “Nhật kí đô thị hóa”, “Giấc mơ đi qua”

461 từ/ 700 chữ – chiếm tỉ lệ 0,658%

139 từ ghép/ 461 từ – chiếm tỉ lệ 0,301%

21 lần – 1 từ: những

11 lần – 1 từ: mẹ

7- 8 lần – 2 từ: đất 7, mình 8

5-6 lần – 9 từ: gió, một 5, của, đêm, lên, người, ta, trong, từ 6

4 lần – 5 từ: làm, ra, tìm, tôi, trên

3 lần – 23 từ (2 từ ghép/ 23): còn, đã, đang, hạt, hay, lại, lưới, mặt, ngày, nỗi, ơi, qua, quê, thành, thấy, theo, trước, và, vào, về, với, bóng tối, ngôi nhà

2 lần – 44 từ (11 từ ghép/ 44): ai, áo, ấm, cái, chưa, con, cuối, đầu, để, được, em, góc, hồn, kéo, khóc, không, lật, lúa, mà, mưa, nếp, nhau, như, nửa, nước, sâu, sớm, thóc, thời, tiếng, thương, xanh, xuống, bạc màu, ban mai, bây giờ, câu ca, e dè, khung cửa, kiếp người, lùm cây, nghìn năm, ngơ ngác, ngôi nhà

2. Trường ca Người cùng thời, trích từ đầu

436 từ/ 718 chữ – chiếm tỉ lệ 0,607%

167 từ ghép/ 436 từ chiếm tỉ lệ: 0,383%

Trên 10 từ (3 từ): những 17, lên 13, trong 10

7-8 lần  – 3 từ: ta 8, cùng, tiếng 7

5-6  lần – 6 từ: đêm, một, vào 6, đi, lại, quả chuông 5

4 lần – 5 từ: chim, dưới, hình, và, vừa

3 lần – 19 từ (2 từ ghép/ 19): ai, bao, cạn, chân, có, để, gọi, mang, nằm, nào, người, qua, sương, thành, trên, với, xuống, ban mai, con đò

2 lần – 45 từ (14 từ ghép/ 45): bên, biến, cầm, cháy, chiếc, chiều, cho, chờ, cũng, đã, đã, dở, hết, là, lửa, lưng, mặt, mình, mỗi, ngày, nở, phủ, ra, rừng, sớm, thời, tôi, vang, về, xưa, yên, bình minh, bọc trứng, câu thơ, con tim, cuốc cày, hoàng hôn, liềm hái, miếng vá, ngân nga, ngọn lửa, người xưa, người cùng thời, nhận biết, vô danh.

3. Giai đoạn 3. Các bài thơ:

“Bài học”, “Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”, “Chỉ là giấc mơ”, “Hội chứng từ một tin đồn…”

347 từ/ 712 chữ – 0,487%

174 từ ghép/ 347 từ – 0,501%

Nguyễn Duy, Nhìn từ xa… Tổ quốc, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 1989

311 từ/ 700 chữ – chiếm tỉ lệ 0,444%

22 lần: 01 từ – ai

11 lần: 01 từ – không

8-9 lần: 7 từ – ta , bầm đen 9, sao, vết, thật lắm, vua, xứ sở 8

5-6 lần: 03 từ – điếm, với 6, mắt 5

4 lần: 05 từ – bóng, buôn, lắm, như, và

3 lần: 08 từ – cả, đi, hùng vĩ, lên, ma, trắng, một thời, người

2 lần: 17 từ (2 từ ghép/17) – cái, có, cuộc, đã, đêm, lòng, mà, mình, nhắm, nhìn, nỗi, sau, thứ, vâng, về, giả vờ, tuổi thơ

Nguyễn Quang Thiều, “Đoản ca về buổi tối” trong Bài ca những con chim đêm, NXB Hội Nhà văn, 1999.

283 từ/ 772 chữ – chiếm tỉ lệ 0,366%

189 từ ghép/ 283 từ – chiếm tỉ lệ 0,667%

Trên 20 lần: 03 từ – những 36, một 26, và 25

Trên 10 lần: 03 từ – trong 15, của 13, chúng 12

Dưới 10 lần: 02 từ – ai đó 10, mượn 8, lên 6

5 lần: 04 từ – họ, người chết, thành phố, trở về

4 lần: 08 từ – đến, gương mặt, lời, như, rồi, sống, tội lỗi, vẫn

3 lần: 16 từ (8 từ ghép/ 16) – bay, cánh cửa, con chó, đang, đầy, để, đêm, đi, đời sống, đứa trẻ, giọng nói, mở, linh hồn, nức nở, sủa, thiên thần

2 lần: 38 từ (13 từ ghép/ 38) – bầu trời, bên, bởi thế, bóng ma, cả, các, chợt, chứa, cửa, cuốn sách, đám mây, đi ra, được, khi, lại, mãi, mơ, người, người say, người sống, nói, ra, rít, rung, sau, tâm hồn, tất cả, thảng thốt, thù hận, tiếp tục, tìm, trên, từ, về, với, vừa, xích, xuống

Inrasara, “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối này” trong Lễ Tẩy trần tháng Tư, NXB Hội Nhà văn, H., 2002.

345 từ/ 666 chữ – chiếm tỉ lệ 0,518%

162 từ ghép/ 345 từ – chiếm tỉ lệ 0,469%

27 lần: 01 từ – tôi 27

7-10 lần: 02 từ – từ 10, chúng tôi 7

5-6 lần: 06 từ – với, vào, lớn lên 6, cho, cũng, em 5

4 lần: 03 từ – chúng, không, quan trọng

3 lần: 16 từ (trong đó 15 là từ đơn) – Cham, có, dạy, đầu, gì, giữa, hãy, kia, làm, mình, một, mưa, ngồi, ôi là, quán, tội

2 lần: 33 từ (9 từ ghép/ 33) – bán, bằng, cả, cha, con, của, đi, dòm, được, hiểu, lưng, mắt, muốn, nào, nhiều, nói, nước, ơi, quên, sau, sông, tên, thơ, vẫn, hôm qua, làm gì, làm sao, bia ôm, cô gái, có gì, liên quan, con ma, đứa con

Lê Vĩnh Tài, Đêm & những khúc rời của Vũ, NXB Hội Nhà văn, 2008

311 từ/ 700 chữ – chiếm tỉ lệ 0,444%

13 lần: 01 từ – Vũ

7-9 lần: 03 từ – nước 9, không 8, trong 7

5-6 lần: 05 từ – chúng ta 6, ngày, yêu, khi, đã 5

4 lần: 14 từ – ai, cái chết, càng, được, hai, không còn, lắp bắp, lắp bắn, môi, ngồi, nhiều, nhìn, nói, ơi

3 lần: 24 từ – biết, cả, chết, chiết, cựa quậy, đang, đêm, hơn, là, lên, đứa trẻ, ly, màu, mình, một, người, nhau, pha, sinh ra, sự sống, ta, thành, trên, em

2 lần: 39 từ (15 từ ghép/ 39) – áo quan, ảo tưởng, bài ca, bằng, cách, chảy, chỉ, cùng, cuộc đời, đầy, để, đời, giả dối, giấc mộng, hát, hay, hôm qua, hy vọng, im lặng, lầm lẫn, lần, lớn lên, mặt, màu xanh, mấy, năm tháng, nào, quên, rằng, rượu, sống, thì thầm, thói quen, trắng, từ, và, vẫn, vàng, vào.

 

 

5 thoughts on “Inrasara: Thơ Đồng Đức Bốn & Mai Văn Phấn

  1. Sara viết: “Lâu nay, nhận định vô bằng về thơ đã gây tai hại cho thơ không ít. Từ phía khen lẫn phía chê. Với Đồng Đức Bốn, chê là thế. Ngay cả khen chúng ta cũng vẫn cứ tranh nhau khen… sai….”

    Bình luận như thế này mới… vui.

  2. “Nếu bạn là một độc giả bình thường thì không vấn đề, bạn có thể thích hay không thích ai tùy, còn khi bạn ngồi ghế lớp chuyên ở bậc Đại học để chuẩn bị làm giáo viện chuyên văn hay nhà phê bình, thì bạn phải đọc hệ thống”
    – Ôi, đọc câu này của Inrasara em cũng giật cả mình

  3. Còm vô đây, thay vì viết bài mất công.

    – Những ông như Hữu Việt giờ cũng phán xét “thơ trẻ chưa có đỉnh” nghe thấy tội nghiệp. Trong khi thơ mình nếu trừ những bài không giống thơ Lê Đạt thì còn lại toàn là những bài không ai nhớ. Giải thưởng HNV mà ông cũng phát biểu “châm chế” cho vùng miền Cao nguyên liều lĩnh khệnh khạng. Mà không biết Hữu Việt “già” hồi nào mà bây giờ nhìn lại thơ Trẻ?

    – Cũng vậy, khi Phan Hoàng gồng mình phán bậy, thấy thương.

    Kính gửi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

    Kính xin nhà thơ, trong quá trình xiển dương Thơ đang rầm rộ như đang diễn ra, mong nhà thơ với độ uyên ảo của mình, tìm những vai diễn sang trọng và thuyết phục hơn một chút, đâu có thiếu trên văn đàn hiện nay. Xin cám ơn

  4. Nói gì nói, tôi thấy lối phê bình của anh Inrasara rất công tâm. Người này đồng ý người kia không đồng ý thì chả sao cả. Anh ít dính đến dây mơ rễ má chằng chịt trong quan hệ. Do hoàn cảnh anh và nhất là bản lãnh anh. Thấy anh Inrasara phê bình thơ Đồng Đức Bốn rất bài bản và công bình.
    Phải vậy chớ.

    Còn tôi thấy nhà thơ NQT thì bị lôi cuốn vào guồng máy, nên anh nói đò đưa. Anh biết quá đi chứ là tầm của ai đến đâu, nhưng về vụ Festival ông đò đưa. TXB viết vậy mà được. Tôi chưa đọc bài Hữu Việt, nên chả biết ra sao, chứ theo dõi thấy ông Phan Hoàng trả lời trực tuyến trên Vietnamnet rồi cắt đăng trên web hnv TP chỉ chuyên nói dựa ông này ông nọ, mà không chính kiến gì cả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *