Đàng Năng Thọ & tôi

Bài này đã đăng ở Chamyouth.com, 2004. Nay trang mạng này đã nghỉ, nên đăng lại tại đây.

+ Ảnh chụp năm 1997 tại nhà Đàng Năng Thọ – Hamu Crauk.
Viết về người bạn là điều khó khăn. Càng khó khăn hơn nữa khi đó là Thọ & tôi. Chê không đành, mà khen thì thiên hạ dễ cho là cánh hẩu tán nhau. Có ma tin!

Tôi chơi với anh khi chung lớp ngay từ năm Đệ Thất Trường Trung học Pô-Klong. Rồi cấp III, cả sau đó lúc anh làm việc trong Đoàn văn nghệ Thuận Hải hay Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao Huyện Ninh Phước, rồi là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận từ hơn nửa năm nay.

Tôi đùa Thọ: anh có mạng làm to.
Thọ mê vẽ từ rất sớm. Rất say sưa. Trong lúc lớp Anh văn có Hứa Phăng (Trầm Ngọc Lan) là siêu sao văn thơ, thì lớp Pháp văn chúng tôi có Đàng Năng Thọ là họa sĩ để làm đối trọng trong các cuộc thi báo tường. Từ đó điểm hai lớp mới so kè 9-10, không thì cánh Anh văn ăn đứt. Khi có đợt báo tường, Thọ mê mải với cây cọ màu nước! Còn thì, các môn khác anh rất lơ đễnh, nên điểm cứ bị kém. Trời ạ, ví học ở Mỹ, anh đã là một học sinh xuất sắc rồi. Và vẽ thì, luôn luôn là ảnh tháp Chàm. Đủ dạng, đủ cỡ, đủ kiểu.
Nhớ, vào thời kì trường kì ăn cơm độn – 1978, hai anh em chúng tôi rủ nhau làm cuộc hành trình dài qua các làng Chăm, bằng cuốc bộ. Tôi – sưu tầm văn học dân gian. Thọ vốn hiền từ, ít nói. Anh im lặng nghe tôi với các cụ thao thao về văn chương chữ nghĩa. Có lẽ anh mơ màng về cái đẹp Chăm đang lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống cơ cực nhưng cũng vô cùng đẹp này.

Tôi ít khi “dơng di sang”, cứ ghé gia đình anh em bạn hữu trong đó có nhà anh ở đậu và ăn nhờ. Tình thực, các bức họa của Thọ thời đoạn này không thuyết phục được sự thưởng ngoạn của tôi. Tôi hay phê anh: nét này còn dính mùi Modigliani, khối nọ là con đẻ của Picasso, màu kia có anh em bà con với Van Gogh. Hãy xem bức tranh “Về Làng” in ở bìa 4 đặc san Tagalau 1 cũng đủ biết. Vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng từ các bậc thầy. Rồi, bất chợt anh đưa cho tôi xem bức tranh vẽ tháp mới nhất. Tôi gần như bị choáng.

Sau này, khi có đặc san Chăm, tôi đưa ngay bức tranh đó lên bìa. Sự cân đối của bố cục, đối chọi của màu đã tạo ấn tượng mạnh cho người xem. Nhưng quan trọng hơn: Thọ đã đưa sắc lửa (một bạn họa sĩ người Kinh của Sara gọi đó là lửa Chăm!) trong đường nét Haumkar Cham vào tác phẩm, gân guốc và bay bổng. Từ ngôi tháp màu “xanh lửa” bước xuống là một cô gái Chăm gần như toàn trắng nổi lên giữa màu đỏ rực. Tôi cho đó là một sáng tạo rất Đàng Năng Thọ. Mà chỉ Đàng Năng Thọ – họa sĩ Chăm đất Hamu Crauk mới làm nổi!
Ẩn mình trong bóng tối rồi cũng có ngày vươn ra khoảng sáng. Tiến sĩ KH Phan Đăng Nhật tình cờ thấy một tài năng đang chịu khuất lấp oan uổng giữa bề bộn và cơ cực dòng đời (bao nhiêu tài năng Chăm còn bị như thế hôm nay, ai biết được?). Ông đã có hành xử tốt đẹp: giúp Thọ triển lãm tại Hà Nội vào năm 1995.

Triển lãm thành công đến bất ngờ. Có lẽ do thao tác ngoại giao từ vị ân nhân trên. Hơn 30 bài báo đưa tin. Đàng Năng Thọ có lẽ rất khoái, đưa khoe tôi tất cả. Thoáng buồn, tôi nói với bạn thân: – Đấy là người ta đưa tin, tin các quan lớn ghé thăm phòng triển lãm, chứ không là bài viết về chính tác phẩm của yut. Sang nhà Thọ, bức ảnh anh chụp chung với ông lớn được phóng to và treo trang trọng. Tôi khá thất vọng. Tôi nói lên suy nghĩ thật của mình:

– Chuyện nhỏ, chỉ là phong trào thôi bồ ạ. Bồ cũng đừng tin lắm ở nhà báo, trong khi một họa sĩ thành công thực sự khi hắn chinh phục được người trong giới. Khi người trong giới bái phục anh, anh mới tồn tại, tồn tại đúng nghĩa một nghệ sĩ. Biết nói thế làm bạn buồn lòng, nhưng chịu.
Tôi hỏi Thọ có gì mới không? Anh đưa cho tôi mấy tập phác thảo các tác phẩm sắp tới.

Tôi la lên: thiên tài! Bạn hãy ném bỏ tất cả để lao vào hoàn thành các phác thảo này đi, bạn sẽ là thiên tài.

Sau này, không biết có phải do nghe tôi hay không, anh đã chuyển hẳn sang làm tượng đất nung. Và anh đã có những tác phẩm để đời. Một trong tác phẩm ấy: “Luân Hồi” đã được chọn làm biểu tượng trong cuộc triển lãm giao lưu tại Ấn Độ năm 1998. Là một hãnh diện chung cho cả dân tộc Chăm, tôi phone cho anh vậy.

Sau đó, anh gặt hái được khá nhiều huy chương trong các cuộc triển lãm khu vực, bằng nghệ thuật này. Họa sĩ Đàng Năng Thọ cứ thế, vững bước đi tới.

Tôi nữa, tôi thêm yêu mến người bạn của mình.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *