Văn chương & Tư tưởng II-106

Mân ngó trân trân người phụ nữ Kinh nổi tiếng khắp vùng Chăm từng nghe chồng nhắc tên nhiều nhưng mới lần đầu gặp mặt. Chị ngạc nhiên thấy phụ nữ ăn nói thẳng thế, nhận xét sắc thế. Hay đó là cái khôn vượt trội của phụ nữ Ywơn so với Chăm mà Saman hay ca cẩm. Ngạc nhiên hơn khi hôm sau xuống làng, giáo viên trường kể Hà Vân đã đốp chát thẳng thừng với ông anh họ là giáo viên cấp III ở thị xã, khi anh này bảo các nhà nghiên cứu giống loài kên kên đói mồi đâu sà tới xác trâu văn hóa Champa rỉa rúc. Nữ phó tiến sĩ này hỏi tại sao các anh không làm loài kên kên thử lấy nửa lần cho đất nước nhờ? Các anh muốn xác trâu văn hóa Champa thối rữa trơ xương văng lạc tứ tán hay rã mục vào lòng đất ư?

– Tôi biết khối vị phó tiến sĩ sinh hạ qua cuộc tình hữu nghị Việt – Xô. Mang tiếng nghiên cứu văn hóa Chăm mà một chữ dân tộc bẻ đôi không biết.

– Ồ, xin lỗi ngài nhé. Một chữ bẻ đôi là của Việt đấy. Ngài có biết thành ngữ Chăm nào tương cận nó không? Chắc là không rồi, phải chứ! Chỉ một phát ngôn thôi cũng đủ tố cáo khả năng tiếng mẹ đẻ của ngài rồi. Hỏi chứ ngài có biết văn học Chăm nó to hay bé thế nào không? Kiến trúc Chăm nó khổng lồ thế nào không? Hay ngài chỉ quanh quẩn ba cái Po Klaung Girai, Po Rome cùng vốn liếng tiếng mẹ đẻ từ thời còn vịn áo mẹ đi yaung. Hà Vân hoàn toàn đẩy anh họ của Mân vào thế bí với câu hỏi điểm huyệt liên tù tì đến khi anh trừng mắt: chị đến đây nghiên cứu hay dạy khôn chúng tôi thì ngay tức thời Hà Vân ra tiếp đòn chí tử: anh không biết chữ Chăm phải không? Nếu thế thì mấy đứa con anh đang học nó trong trường tiểu học kẹt bài hỏi bố thì bố cháu trả lời sao đây? Quý phụ huynh mù chữ này có tự đặt câu hỏi đó với mình chưa?

Người phụ nữ này đã vờn anh giáo thành một loài chuột tội nghiệp. Ai khiến!?

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *