Văn chương & Tư tưởng II-107

Hôm nay tin đồn lan sang tôi. Mẹ gọi tôi hỏi nhỏ con làm gì đó ở Bai Gaur được giải thưởng có cả đăng báo còn lên tivi nữa làng xóm người ta nói quá đi nói quá không tốt đâu con ông bà ta bảo sống có người có ta, tôi giải thích mãi rằng không sao đâu mẹ, con viết sách cho con nít học thôi mẹ mới ngủ ngon. Ông chú triết gia của tôi thì bảo thẳng tao đồng ý là mày dám đi vào biển cả, đang giữa biển cả dù chỉ mình mầy chèo chống. Chớ trông vào tiếng vỗ tay hoan hô từ tao. Cuộc hành trình muốn vững, nhanh thì cánh buồm phải lớn, cánh buồm lớn thì thuyền phải to. Nhưng tao muốn mày mau cất cái buồm phấp phới ngạo mạn kia đi, hay khôn hơn là phải biết ngụy trang nó để không một ai, khó ai có thể thấy ngọn cờ giong mở của mầy. Hãy lấy ông họ nội mày làm gương: một Yogi ngoại hạng nhưng đã ai biết ông là bậc cao cường ngoài tao.

Tôi muốn nói với chú rằng cả cháu cũng biết nữa nhưng tôi kịp dằn lại. Tôi cũng muốn nói rồi ông đã mang theo lên giàn hỏa các bài Yoga gia truyền chưa kịp dạy cho ai, như ông cha mình ngày xưa vùi chôn bí quyết xây tháp sau màn đêm lịch sử. Tiếp tục chương trình: ông Thành Tín với bài thuốc trị rắn độc sẽ còn chăng, ngày mai? Tôi muốn la lớn lên nếu hôm nay cháu không mòn chân đi lượm nhặt những mảnh vụn ca dao dân ca, tục ngữ…; không mày mò sắp xếp, dịch chúng ra rồi chầu chực nhà xuất bản để được in; chương trình liên tục: mang tặng cho bà con, biếu các thư viện lớn bé thì liệu nó còn có mặt không? Chú có muốn nó hiện diện trên trần đời này không, muốn nhân loại biết tới nó như nó là thế không hay muốn nó xuất hiện thô lậu, méo mó như các ông nhà nghiên cứu bấy lâu làm không? Và khi thấy thiên hạ nói trật lất về dân tộc mình, hiểu quá lệch về văn hóa mình, chú muốn cháu cũng câm như gò mối ở đầu ruộng Hamu Kut kia không? Nữa! Chú có biết thằng cháu cưng của chú bị rồng liếm trúng phần nào của cơ thể nó không? Bộ phận nặng nhọc nhất, cơ khổ nhất và phiền hà nhất: ruột thừa đấy! Tôi muốn la to lên như thế, nói rành mạch đại cà sa như thế. Tôi phải chịu ngậm cám, bởi tôi đã nếm cơn thịnh nộ của ông nông dân-triết gia này hơn một lần rồi, thuở ria mép tôi mới lún phún mọc.

Chú tiếp: viết ít, ngắn thôi. Viết những gì cần viết (những gì thật sự cần viết thì rất ít), viết như sẽ chết nếu không viết, như thể sắp chết. Viết như là trối trăng. Như Glang Anak, Pauh Catwai đã trối trăng.

Tôi rùng mình.

Viết để thiên hạ phải tìm chép anh (tôi nhấn mạnh: chép tay) chứ không phải bạ đâu kí tặng đấy. Thời đại này đang làm cuộc diễu hành vĩ đại bôi nhọ thi ca, đầu độc văn chương – chú đang ngon trớn. Tháng trước tôi đi Sàigòn (xin lỗi không ghé anh) có tạt vào hiệu sách. Tôi bị ngợp, những sách là sách, đủ màu đủ cỡ với những tên tuổi, có tên đẻ đến chục đầu sách, vài chục đầu sách liệt kê ở bìa sau. Cả anh nữa cũng chen chân.

Tôi vẫn không nói gì. Tôi hiểu cái giá phải trả cho nổi tiếng (nổi tiếng còm trong xã hội chật hẹp của chúng ta). Mưlan đùa nếu lúc này anh ra ứng cử đại biểu Quốc hội, chót bảng là cái chắc. Tôi nghĩ cũng có thể ngược lại – nhất bảng. Nhưng tôi hoàn toàn thấy hai vị trí đó như nhau, hệt nhau.

– Anh cãi tôi đi chứ! Tôi hiểu lắm cái kiêu ngạo im im của anh. Anh thừa kiêu ngạo để làm cái việc có ma mới hiểu là đi tìm tư tưởng nền tảng của văn học Chàm hôm qua, thừa kiêu ngạo phát quang cho lối đi vô định cho sáng tác văn chương Chàm hôm nay, nhưng liệu anh có đủ kiêu hãnh từ chối không ghi tên anh dưới tác phẩm? Làm tác giả vô danh như tác giả Ariya Bini – Cam đã làm? Anh vẫn không dứt nổi khỏi ánh sáng nhấp nháy của đủ loại phương tiện thông tin đại chúng hôm nay đang rọi vào anh, vẫn cần tiếng vỗ tay lốp bốp của các mụ đàn bà (chú không ưa Hà Vân và cả Mưlan dù họ xử sự tốt với chú).

– Chú muốn tôi vứt tất cả không, tất cả và ngay bây giờ không? Tôi bỗng hét lớn và bật dậy.

– Hôm nay mày dám với chú mày à! Chú cũng đứng bật dậy: làm loạn à?

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *