Ghi chép tháng 1-2012: Đời xuống dốc từ bao giờ?

Đời xuống dốc từ bao giờ? Vậy hãy cười tươi đi cho tâm hồn lên hương cái! – Photo Inrajaya.

1. Trong giới văn nghệ Sài Gòn, tôi ít nhiều mang tiếng [tiểu] đại gia.

Việc đại gia đến lúc nào đó “khủng hoảng… tiền” thì không gì lạ. Lạ cái, là tôi từ nhỏ chưa bao giờ chú ý đến tiền nong, chưa bao giờ bị tiền là vấn đề, và cho dù rơi vào thời điểm khốn đốn nhất, cũng không phải một lần vay mượn tiền. Thuở học Phan Rang, thiếu tiền đi xe thì tôi cuốc bộ về, chứ tuyệt không mượn là không mượn – quá quắt vậy đó. Cả khi làm đặc san Tagalau, đôi lúc gặp khó khăn, tôi cũng không nhờ ai hỗ trợ (mạnh thường quân tự nguyện cho). Vậy mà hôm nay tôi bị vướng lụy… tiền.

11 tuổi, chuẩn bị lên thị xã vào lớp Đệ Thất, tôi đạp xe khắp làng Chăm bán cà-rem lấy tiền mua sách vở; rồi suốt 6 năm ngồi ghế Trung học tôi được học bổng, nên không phải ngửa tay xin cha mẹ nghèo. Có thiếu, thì tôi đi câu cá, mót lúa, đào chuột hay cày thuê lấy tiền mua sách. Sau này vào đời làm ăn buôn bán khấm khá, tôi thoải mái cho (tôi tật kế toán nên cái gì cũng ghi, dù ghi không để làm gì); tôi từng 2 lần đốt sổ nợ khoảng 20 cây vàng, để đừng vướng vào mấy con số nữa. Để mỗi lần về quê nhìn bà con anh chị em như là bà con anh chị em chứ không là con nợ.

Thế mà nay lại mắc kẹt, bởi con số. Kẹt cứng.

 

Số là thế này, đầu năm 2010, Hani nghe phong thanh Nhà nước đầu tư lớn cho Caklaing, nên mới bàn với tôi nâng cấp Cửa hàng để đón khách, sẽ nườm nượp đổ về Caklaing mua… thổ cẩm, – nàng mơ mộng thế. Tôi nói:

– Chớ dại mà ảo tưởng. Mình làm cho chính mình thưởng thức và làm đẹp mặt làng thôi. Nguyên tắc của tôi: không lấy thu nhập từ nhà quê về chi tiêu thành phố.

Tôi OK. Thế là Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani ở quê được lên kế hoạch. 4 khu, kinh phí 700 triệu chỉ tính cơ sở hạ tầng. Được 3 khu, đến khu 4 – “Phòng đọc sách dành cho Cộng đồng” – thì… kẹt. Kẹt, do ỉ i vào Sổ đỏ đã mang qua ngân hàng thế chấp. Thêm: ỉ i vào khu đất 7 lô ở Bình Chánh khá đẹp. Hani hơi [t]ham, muốn dễ bán và bán có giá, nên lén tôi vay thêm tiền đắp nền cho bề thế, bên cạnh xây cái căn nhà cấp 4 với làm thủ tục cần thiết để được bỏ túi cái Sổ đỏ. Ngoảnh lại thì số tiền nợ ở Ngân hàng lên đến 1,5 tỉ đồng.

Không vấn đề gì cả. Đùng cái, tình hình nhà đất đóng băng nặng. Rồi kinh tế toàn cầu suy thoái… mới nên nỗi này.

 

8 năm làm ăn đất Sài Gòn, lập xong Công ty cho bà xã năm 2000, tôi viết chữ to tướng vào Sổ ghi:

 

MI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA

 

Thế mà vừa qua cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh dọn tinh thần thật thanh thản để VỀ, rồi sẵn sàng đón Tết con Rồng thì bị tiền… hành! Túng thế, tôi mới viết bài “Inrasara đang khủng hoảng… tiền!” và thư hỏi hai bạn văn trẻ trải nghiệm đời Việt Nam, xin ý kiến: Có nên đăng bài này lên website Inrasara.com không? Một bạn đề nghị:

 

“6-1-2012: Theo em thì không nên in, vì 2 lý do: – 1 tỷ bây giờ khó có ai mà cho mượn, nên anh phải tập trung vào những người cụ thể, chứ không nên làm việc đại chúng; – làm đại chúng rất dễ bị xuyên tạc, nhức đầu, mà không hiệu quả.

Em nghĩ anh nên tập trung vào những ai thật nhiều tiền và đủ thân, xin email và gởi trực tiếp cho họ thì cơ may lớn hơn. Hoặc, anh chia ra 10 người, mỗi người mình mượn 100 triệu theo lối tín chấp; nhưng hiện nay, tiền là thứ rất khó nói.

 

Một bạn thơ già phản đối quyết liệt [dù không đưa ra ý gì hay để giải cứu binh nhì]: Nợ chưa tới 10% số tài sản, sao Sara phải làm thế kia chứ. Còn Jaya thì dứt khoát: “Cei không nên”. Ừ, thì thôi. Hạ giá đất xuống còn 30% cũng chả tới đâu. Vậy là phải co chân chạy tiền… lẻ, cứu bà xã.

 

2. Vợ chồng Ấn Độ-Thụy Điển dẫn hai đứa con ghé nhà. Xinh và vui. Thổi được luồng khí tươi mát trẻ trung vào nhà INRA đang… kẹt. Anh ta ý định mời Jaka qua Ấn, mời tôi đi Thụy Điển. Ừ, thì ở thì tương lai.

Còn bây giờ không muốn đi đâu cả! Không thể và không còn hứng. Họ hàng bên Hani Nhập Kut Họ Hamu Bhauk 11-1-2012, – 20 năm mới có một lần, KHÔNG đi được! Ngay mồng một Tết, có vụ cãi cọ một thanh niên Kinh đâm chết một anh Chăm ở Bauh Bani. Thường thì các vụ như trên, tôi về. Nay thì không. – Tôi đã trơ lì cảm xúc từ bao giờ?

Liên hoan thơ châu Á do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Bắc sắp tới, tôi được bố trí đọc thơ tại Văn Miếu, chắc không đi được.

13-1-2012, thêm Hani nhập viện mổ cườm tốn mất ba mươi triệu. Lại cẳng tam chân tứ chạy tiền… lẻ. 27 Tết, Hani cùng Jaka xuống làm sự kiện cho một Resort ở Mũi Né, tôi và Út ở nhà. Càng không hứng thú đi đâu cả.

Đời xuống dốc từ bao giờ thế!?

 

3. May, tôi vẫn còn lại con tim ngây thơ cho tình yêu và sáng tạo…

 

 

Ôi, Kamay

 

Kamay biển Nha Trang mửa ta vào bờ

ta rời vú mẹ kêu be be mười năm mười lăm năm ba mươi năm không nhớ

ta còn be be kêu qua mấy giấc mơ hoang

 

Kamay trưa Chakleng tràn gió tràn nắng tràn mưa tràn

vui sướng và khổ lụy, đày ải và cứu chuộc, tội lỗi và thánh thiện

lò luyện tội cuộc đời nung ta lớn khôn

trái tim ta chưa một lần khôn lớn

 

Kamay ủ nhũn ta sương mù Tây Nguyên là Kamay trận Nồm Nam ninh ta nung chảy

Kamay ta ngã sái cổ đồi cát Nam Kương

ở một chiều lãng nhách

quê hương sẽ ném bỏ ta vào quên như miếng giẻ rách

ôi Kamay

 

Kamay mềm và ngọt thả ta lạc cuối đêm Sài Gòn cận Tết

ta mất dấu chân Phật gọi tên Kamay vào trùng trùng khoảng rỗng

… Kamay Kamay Kamay Kamay…

 

Sài Gòn, mồng Ba Tết, 2012.

6 thoughts on “Ghi chép tháng 1-2012: Đời xuống dốc từ bao giờ?

  1. Chưa hết Tết, nhà thơ Inrasara kể chuyện buồn quá.
    Nhưng tôi tin nhà thơ sẽ vượt qua được. Bởi như nhà thơ nói: May, tôi còn giữ được trái tim ngây thơ cho tình yêu và sáng tạo.

    Tiếng Chăm KAMAY là nữ. Đây là danh từ chung. Thiên tài luôn có bóng dáng ái tình. Tôi không nói nhà thơ Inrasara là thiên tài, nhưng một nghệ sĩ lớn thì luôn luôn có người nữ đi theo suốt con đường sáng tạo của anh. Họ làm cho anh khốn khổ đồng thời họ cũng làm cho anh ngây ngất để sáng tạo. Lôi anh xuống hố thẳm là họ, và nâng anh bay trên chín tầng trời vẫn là họ.
    Tôi có đọc bài thơ “Trà Ma Hani” trong Chuyện 40 năm… nói lên tứ này rất hay.
    Ý của bài thơ này là như vậy, theo thiển ý của tôi. Nên tôi nói, tôi hy vọng nhà thơ chúng ta vượt qua trận ốm đòn này được.

  2. Tính anh Inra thì tôi biết, anh muốn được nhẹ nhõm để cho văn chương và văn hóa.
    Tôi nghe nói anh dự định “mượn” bạn bè (có thế chấp Sổ đỏ) để trả ngân hàng sau khi bán được đất thì trả lại, để nhẹ nhõm, nhưng anh ngại. Anh ngại là đúng. Tôi nghe nói anh muốn bán tháo miếng đất để trả dứt ngân hàng, cũng vậy, cho nhẹ nhõm để sáng tác.
    Vậy là kẹt. Mà kẹt thiệt, thời buổi này.
    Cơm áo không đùa với khách thơ.

  3. Sara “lên dốc” nhiều rồi
    lâu lâu “xuống dốc” cũng …vui thôi mà
    trăm năm trong cõi người ta
    có lên có xuống cũng là…bình thường 😀

  4. Chú Trần Can hay nhỉ!
    Trăm năm trong cõi ta bà
    Có lên có xuống, rên la (hay kêu ca…) là thường.

  5. Cháu yêu chú Sara vô cùng tận. Tên Inrasara là nguồn cảm hứng bất tận của cháu. Không hiểu vì sao cả, nhưng đó là điều thật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *