Inrasara: Đối thoại văn học

tại Đại học An Giang – Long Xuyên, 6&7-10-2011

Buổi Tọa đàm cùng sinh viên, bạn văn trẻ trong tỉnh và các giảng viên Đại học An Giang trong hội trường nhỏ với lượng người nghe hạn chế (50 người) vào chiều 6-10 và Giao lưu cùng độc giả mở rộng vào buổi tối cùng ngày trong hội trường lớn hơn với lượng người nghe gấp ba – về đề tài rất rộng là văn học Việt Nam đương đại -, vẫn là quá ngắn so với nhu cầu tương tác giữa diễn giả và người nghe. Người nghe còn muốn hỏi, diễn giả triển khai chưa hết ý thì đã phải chuyển qua đáp ứng câu hỏi mới, khác. Nên nhiều khía cạnh của vấn đề hầu như vẫn còn bỏ lửng…

Tạm lược bỏ mấy câu nói “dí dỏm”, các nỗi riêng tư cùng đối đáp ngoài lề, sau đây là vài tò mò có tính chuyên môn về cá nhân Inrasara và các câu hỏi quan yếu liên quan đến văn học Việt Nam đương đại còn tồn đọng cùng những giải minh và gợi mở cần thiết.

Inrasara.

 

Câu hỏi 01. Văn học phản ánh hiện thực, theo nhà văn văn học hiện nay có phản ánh được hiện thực không? (một sinh viên tại buổi Giao lưu).

Inrasara: Đúng lắm, văn học phản ánh hiện thực, các bạn được dạy như thế trong nhà trường, từ Trung học cho đến Đại học. Có khi nào các bạn thử đặt vấn đề khác đi không? Hay dễ hơn, đặt vấn đề ngược lại không? Rằng văn học không phản ánh hiện thực. Bởi chỉ khi nào ta dám đặt vấn đề ngược lại, hay khác đi thì ta mới có khả năng phản biện.

Cứ tạm chấp nhận văn học phản ánh hiện thực, nhưng đây là hiện thực nào? Hiện thực như thực của nhà Phật hay hiện thực qua cái nhìn của chủ nghĩa thực dụng Mỹ? Hiện thực của trường phái hiện thực phê phán hay của trào lưu lãng mạn? Của hiện thực xã hội chủ nghĩa hay của trường siêu thực? Của hiện đại hay của hậu hiện đại?…

Sau Freud, ai dám cho rằng các giấc mơ đầy cảnh tượng quái dị không là “hiện thực”? Hoặc họa phẩm với những nét chằng chịt như sợi dây thần kinh của Paul Klee thì kém hiện thực hơn các bức tranh chân dung của họa sĩ thời Phục hưng? Mỗi trường phái triết học, mỗi trào lưu văn học nghệ thuật hiến tặng cho nhân loại cách nhìn mới, khác về hiện thực. Chúng làm phong phú đời sống tinh thần con người. Vấn đề là ta hành xử thế nào với các “phương tiện thiện xảo” đó?

Khi các bạn biết phản biện, thì sự thể sẽ mở ra nhiều chiều kích khác. Dẫu sao, muốn có khả năng phản biện, các bạn phải có cái gì đó để mà phản biện. Một trong những “cái gì đó” là các bạn cần học thuộc bài [ở Đại học] trước đã.

 

Câu hỏi 02. Nhà văn có bị bế tắc sáng tạo không? Khi bế tắc, nhà văn giải quyết như thế nào? (bạn thơ trẻ Long Hồ tại quán Cà phê).

Inrasara: Bế tắc là bạn đồng hành của sáng tạo. Trước khi đi vào giải quyết vấn đề, ta thử đặt câu hỏi: Thế nào là bế tắc? Và đâu là nguyên do của bế tắc?

Bế tắc do ta kém, không biết viết gì, không có gì để viết – ta bế tắc. Bế tắc do tác động từ bên ngoài, bị nhà phê bình trù dập là bí hiểm, tắc tị; bị bạn viết trù ẻo là lai căng, mất gốc, phản bội dân tộc; hay bị chính trị quy chụp là chạy theo Tây phương, phản động. Sợ hãi – ta bế tắc. Văn hóa văn chương Việt Nam coi sáng tạo như là “cuộc chơi”, từ đó ta thiếu thái độ chuyên nghiệp – bế tắc là điều khó tránh. Có nhà văn bế tắc mà không tự biết, cứ viết tới “thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”.

Có thể gọi đó là các loại bế tắc nghiệp dư. Bế tắc chuyên nghiệp thì khác. Bế tắc đến khủng hoảng.

Bế tắc buổi đầu ở giai đoạn tìm đường, nhà văn thử nhiều lối khác nhau, chỉ là bế tắc tạm thời, không quan trọng. Bế tắc khi thời cuộc thay đổi, nhà văn không chuyển hướng kịp, đuối sức. Gặp bế tắc kiểu này, nhiều nhà văn có xu hướng chuyển thể loại. Bế tắc thứ ba khốc liệt hơn, bởi cuộc khủng hoảng xảy ra trong chính tâm hồn nhà văn. Đối mặt với bế tắc này, kẻ sáng tạo suy sụp tinh thần nghiêm trọng, có khi phải tìm tới cái chết. Cuối cùng, truyền thống Tây phương là khai phá cái mới, khi cùng đường, họ bế tắc. Bế tắc như thế đưa đến cuộc cách mạng văn học hoặc có thể dẫn đến từ bỏ chữ nghĩa vĩnh viễn.

 

Câu hỏi 03. Hầu như năm nào nhà văn liên tục có tác phẩm xuất bản, nhà văn có thể cho biết kinh nghiệm sáng tác của mình? (một độc giả tại buổi Giao lưu).

Inrasara: Câu này liên quan đến sự bế tắc. Bởi bế tắc là bạn đồng hành của sáng tạo, nên không nhà văn nào tránh được bế tắc, dài hay ngắn hạn. Có khi họ cố ý đẩy mình rơi vào bế tắc để mở ra hướng đi mới.  Làm thế nào giải quyết bế tắc?

Tôi không khuyên các bạn [như các đồng nghiệp của tôi hay dạy] rằng phải đọc thật nhiều sách. Nói thế thì dễ quá. Cần theo lối khác, chuyên nghiệp và có nghề hơn. Nói cách nghiêm xác: cụ thể và thực tiễn hơn:

– Không xài hết vốn một lần, hãy dành cho tác phẩm kết tiếp; hoặc cứ xài cho kiệt tận vốn cũ đi, tìm vốn khác cho tác phẩm khác.

– Chuẩn bị in cuốn này thì bạn phải có bản thảo khác gối đầu, để đảm bảo tính liên tục, tránh cụt hứng; còn nếu có mất hứng, hãy tạm thời làm việc khác: nghiên cứu, dịch, thể thao… gì cũng được, nhưng không bao giờ quên bạn là kẻ sáng tạo.

– Viết liên tục từ đầu đến cuối tác phấm, việc bổ sung hay cắt bỏ để hoàn chỉnh nó tính sau; giữ nguyên tắc ba trang một ngày của B. Shaw, hay thực hành nghiêm túc châm ngôn “Dù bạn không thể sáng tạo, bạn vẫn có thể viết” của H. Miller.

Đó là kinh nghiệm của người đi trước, các kinh nghiệm tôi rút tỉa được cho mình. Tôi vận dụng mỗi cách ở mỗi thời điểm khác nhau. Rất linh hoạt, nên có thể nói – tôi vượt qua bế tắc với đầy đủ ngón nghề. Một mánh riêng khác tôi học được từ Chế Lan Viên, đó là luôn thủ sẵn cây bút với tờ giấy A4 gấp làm tám trong túi áo. Chớ cầm đến sổ tay dày, đẹp; nó nặng và giúp bạn ra vẻ thôi chứ không nhờ được cái gì cả. Ý, tứ và từ… tất tần tật tôi ghi nhanh lên đó. Và chỉ dùng trong ngày. Cuối ngày, tôi chuyển qua sổ ghi chính. Mỗi tác phẩm đều được tôi ghi chú chi chít trước đó trong sổ ghi này. Tôi vạch chương trình và lên dàn bài cụ thể đến từng chi tiết, sau đó tôi tìm môi trường khả dĩ nhất và ngồi vào bàn làm một hơi cho đến trang cuối cùng. Nhanh và gọn. Còn chỉnh sửa thì tùy. Một tháng xong tập thơ cũng có (như Chuyện 40 năm mới kể...), hay 15 năm mới ra hình hài một bài thơ (Kẻ canh đêm) cũng chẳng sao. Tiểu thuyết Chân dung Cát tôi đã phải mất 14 năm để sửa đi sửa lại.

Đó chỉ là kinh nghiệm của riêng tôi. Chớ dại dột nghe theo Inrasara, mà hãy tự khám phá ra cách viết phù hợp với chính tâm tính, hoàn cảnh của các bạn.

 

Câu hỏi 04. Được biết nhà văn làm thơ viết văn từ tuổi thiếu niên, sao mãi tuổi 40 mới cho xuất bản? Có vấn đề gì không hay là một cố ý? (một độc giả tại buổi Giao lưu)

Inrasara: Cố ý, chính xác. Không phải khiêm tốn gì đâu, mà tôi chờ sự chín đầy, để không phải ân hận gì cả. Đó là tuổi “hết ngờ” (bất hoặc, – chữ của Khổng Tử), sau tuổi “trụ vững”. Và các bạn thấy đó, tôi luôn dấn tới, liên tục dấn tới mà không phải quay đầu lại nhìn về phía sau. Nếu cuộc đời có bắt đầu lại tôi cũng sẽ lặp lại như thế.

 

Câu hỏi 05. Nhà văn đọc nhiều thì miễn nói rồi, xin hỏi tác giả nào đã ảnh hưởng mạnh nhất đến nhà văn? (một độc giả tại buổi Giao lưu)

Inrasara: Tư tưởng gia ảnh hưởng tôi nhiều hơn các tác giả văn học. Trước hết là Nietzsche, Krishnamurti, sau đó là Đức Phật và Heidegger. Nietzsche và Krishnamurti thì tôi hết mặn mà sau tuổi tam thập, riêng Heidegger tôi luôn trở lại. Đây là nguồn suối nuôi dưỡng tư tưởng và chữ nghĩa tôi. Về văn chương, là Dostoievski và Faulkner. Nhưng họ ảnh hưởng tôi theo hướng động phản. Nghĩa là tôi viết để chống lại thiên tài của họ.

Về tiếng Việt, Bùi Giáng và Phạm Công Thiện là bậc thầy của tôi về ngôn ngữ. Không phải thơ mà là văn xuôi của hai dị nhân này.

 

Câu hỏi 06. Tôi nghĩ rằng làm thơ không cần theo trường phái hay chủ nghĩa nào cả, thơ hay đọc lên thấy hay ngay vì nó gây cho ta xúc động (giải đáp quan điểm của bạn thơ Nguyễn Lập Em tại Văn phòng Hội Văn học – Nghệ thuật An Giang).

Inrasara: Bạn có tự hỏi thế nào là xúc động chưa? Các bài thơ của TTKh. đã lấy được nước mắt bao nhiêu người thời Tiền chiến, nay còn có thể không? Ai dám bảo một phát ngôn tưởng khô cằn “Je est l’autre” của thần đồng thơ đất Pháp A. Rimbaud không làm xúc động lòng người?

Thời đại khác, thơ khác, cách đọc thơ cũng  phải khác.

Không thể trách, khi Huỳnh Thúc Kháng phản đối quyết liệt thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, bởi ngay người cùng thời như Xuân Diệu, Tố Hữu cũng đâu chấp nhận thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi. Trần Mạnh Hảo cách Nguyễn Quang Thiều không bao xa nhưng đã không chịu được thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhiều thơ tài năng Việt Nam cùng thế hệ không cho thơ Đinh Linh, Bùi Chát là thơ, chứ đừng nói là thơ hay.

Họ toàn là trí thức và cây bút hàng đầu cả. Tại sao? Không phải ở hay hay dở, mà chính bởi sự khác biệt thuộc phạm trù mĩ học sáng tạo.

 

Câu hỏi 07. Làm thế nào biết được thơ hay? (câu hỏi ngoài Hội trường)

Inrasara: Có ba loại nhà thơ (không có chút tâm phân biệt trong thái độ phân loại này cả). Trong một tiểu luận, tôi có đặt vấn đề làm sao để hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay, để tránh được kì thị, phê phán nhau vô ích..

Người làm vần để phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường,… Thơ ưa chuộng của bộ phận này là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ nhớ và dễ truyền.

Nhà thơ “tiếp hiện” luôn ở tư thế “tiếp hiện” các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của chính mình.

Kẻ sáng tạo luôn trên đường khám phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.

Cả ba loại trên, nếu có “tài”, họ đều “hay” cả, “hay” trong chính dòng mình.

 

Lâu nay, các nhà thơ thuộc ba khu vực này hay phát biểu phản bác nhau. Nhà thơ sáng tạo phê thơ dòng “tiếp hiện” là lỗi thời, chê thơ câu lạc bộ là thơ của thời xưa. Rồi chính dòng này bị hai loại kia phán cho là hũ nút, lập dị, khó hiểu.

Ba dòng thơ kia chẳng những không chết mà tồn tại đồng thời, vì cả ba đều có ích cho bộ phận độc giả nhất định. Chúng có mặt là điều cần thiết. Còn nếu ba nhà thơ thuộc ba loại này quay lại chống nhau, thì đó mới thành vấn đề. Ý định của tiểu luận nhằm hóa giải và hòa giải chúng. Mỗi loại chỉ có thể phê phán sự “dở” trong chính dòng của mình, thì sự chống kia mới thích đáng và cần thiết. Kẻ sáng tạo phát biểu chống thơ câu lạc bộ thì không khác gì đánh nhau với cối xay gió – thậm vô ích. Ngược lại, nhà thơ “tiếp hiện” nghĩ rằng mình đang “sáng tạo” thì không gì đáng phiền hơn.

 

Câu hỏi 08. Inrasara không chỉ là một nhà văn, một nhà nghiên cứu mà con là một cây bút phê bình rất cá tính. Theo anh, phê bình Việt Nam hiện nay ở đâu? Đâu là phương pháp phê bình của Inrasara? (giảng viên Phạm Thanh Hùng tại buổi Tọa đàm).

Inrasara: Cũng như các nhà thơ gom các lại thơ làm từ mấy năm cũ in tập và kêu là tập thơ, đa số nhà phê bình Việt Nam chẳng khác gì. Họ gom các bài báo viết từ hai, ba năm trước được vài trăm trang, và rất tự tin kêu nó là tập tiểu luận phê bình. Ở đó người đọc không tìm thấy bất kì tư tưởng chủ đạo nào cả. Trong một bài tiểu luận, tôi có “điểm danh” 10 căn bệnh phê bình hôm nay, xin miễn nhắc lại. Ở đó, điều đáng phiền nhất là nhà phê bình hay đứng ở hệ mĩ học này [hoặc không đứng ở đâu cả] để phê phán sáng tác thuộc hệ mĩ học khác, và ngược lại.

Năm năm qua, tôi có đề nghị một phương pháp phê bình mới mà tôi tạm gọi là “Phê bình lập biên bản”. Triển khai ra thì dài, chỉ cần biết nó tồn tại dưới 3 hình thức: Thứ nhất là “Biên bản Bàn tròn Văn chương” như là tập thể phê bình. Thứ hai là “Biên bản lập chậm” là biên bản về cuộc ra mắt sách, Tọa đàm, Hội thảo với ghi nhận đầy đủ và cụ thể đến từng chi tiết mọi diễn biến của nó, sau rốt là một nhân định ngắn. Cuối cùng là “Phê bình như là lập biên bản”, là phê bình “đi vào trong” hệ mĩ học của tác phẩm đó để nhận định và đánh giá nó.

Đó là phương pháp phê bình không chối bỏ bất kì hiện tượng văn học nào, khai mở cho mọi trào lưu, mọi thể nghiệm phát triển công bằng và lành mạnh.

 

Câu hỏi 09. “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần” là tên tiểu luận rất ấn tượng của nhà thơ, nhà thơ có thể nói rõ hơn (đề nghị của giảng viên Phạm Thanh Hùng tại buổi Tọa đàm).

Inrasara: Không nói đâu xa, ở Việt Nam xảy ra 3 cuộc cách mạng thơ: Thơ Mới, Thơ Cách mạng và [một phận nào đó] thơ Sáng tạo. Cần 4 yếu tố để làm nên cuộc cách mạng văn chương: Nhóm tác giả trẻ tài năng cùng ý hướng sáng tạo, có tuyên ngôn hay khuynh hướng sáng tác thống nhất, có diễn đàn, và điều không thể thiếu là: có độc giả tiềm năng sẵn sàng đón đợi sáng tác của họ. Việt Nam hiện nay chưa hội đủ các yếu tố đó.

Thế nhưng một trào lưu hay nhóm sáng tác nào đó không làm nên giá trị, cái đáng giá nhất nơi đó là chúng tạo nên sự sôi động của đời sống văn học. Một tác giả đúng nghĩa phải biết từ bỏ trào lưu, từ bỏ nhóm văn học, để đi một mình. Nghĩa là phải tuyệt đối cô đơn – cô đơn toàn phần.

[Triển khai thêm ở Quán Cà phê với các bạn viết trẻ]:

Tối qua có bạn trẻ hỏi về sự cô độc của nhà văn, nhà văn Dạ Ngân đã triển khai khá cụ thể. Ở đây, tôi muốn đẩy sự thể đi đến cùng hơn. Cô độc chỉ là một tầng của cô đơn. Đó là cô đơn trước khi viết. Hàng ngày nhà văn tương giao với đồng loại, đồng nghiệp nhưng hắn vẫn cô đơn – là cô đơn ở tầng thứ nhất. Tầng thứ hai quan trọng hơn, nhà văn cô đơn khi đối mặt với trang giấy, màn hình trắng. Hắn không bị ám ảnh bởi bất cứ tư tưởng nào, con người nào, thể chế chính trị hay hệ tư tưởng tôn giáo nào, không bị chi phối bởi mối quan hệ nào, áp lực chuyên môn hay ngoài lề nào. Chỉ có mỗi hắn và tờ giấy trắng. Cuối cùng là cô đơn sau khi tác phẩm ra đời. Một tác phẩm in ra có đời sống của nó. Nó sống đời của nó, bạn không phải can thiệp. Không đứng lên bảo vệ, giải thích nó khi nó bị phê phán, chê bai.

Đó chính là cô đơn toàn phần, cô đơn đầu tiên và cuối cùng.

 

Câu hỏi 10. Nhà thơ hay nói về hậu hiện đại, nếu bảo giễu nhại là hậu hiện đại thì Hồ Xuân Hương hay Tú Xương, thậm chí gần đây thơ Bút Tre đã hậu hiện đại lâu rồi... (một thắc mắc [hay nhắc nhở] ngoài Hội trường).

Inrasara: Không sai, bạn à. Nhưng có tính hậu hiện đại khác hẳn với chủ nghĩa hậu hiện đại. Hậu hiện đại là một trào lưu văn hóa lớn tác động đến nhiều mặt của xã hội. Nó khác với các phong trào văn nghệ thuần túy như trào lưu siêu thực hay tượng trưng chẳng hạn.

Ngay ở các phong trào này thôi, sự xuất hiện một, hai yếu tố siêu thực hay tượng trưng trong tác phẩm nào đó không đảm bảo tác phẩm đó được viết theo trào lưu siêu thực hay tượng trưng. Có thể tìm thấy trong Truyện Kiều không ít yếu tố hiện thực huyền ảo, siêu thực, tượng trưng, lãng mạn… nhưng Nguyễn Du không sáng tác theo các trường phái đó.

Một nhà văn hậu hiện đại cần có “cảm thức” hậu hiện đại, nhìn hiện thực bằng con mặt hậu hiện đại, “hành động” hậu hiện đại, từ đó vận dụng nhuần nhuyễn [và sáng tạo] nhiều thủ pháp hậu hiện đại trong các sáng tác của mình.

 

Câu hỏi 11. Có nhiều yếu tố hậu hiện đại tôi thấy chúng cũng  đã có mặt ở hiện đại rồi, nên hậu hiện đại thực ra cũng chỉ là tiếp nối hiện đại… (ý của nhà thơ Hữu Nhân tại Văn phòng Hội VHNT An Giang).

Inrasara: Hầu hết mọi thủ pháp hậu hiện đại đều đã được nhà hiện đại hay hiện đại hậu kì biết đến. Sự nhấn mạnh tính chủ quan trong văn bản, sáng tác thuộc dòng ý thức, sự làm mờ biên giới giữa các thể loại, hình thức phân mảnh và sự không liên tục của ý tưởng, chối bỏ thứ trau chuốt mang tính tu từ, khước từ phân biệt hình thức cao/ thấp, trí thức/ bình dân của nghệ thuật,… được chủ nghĩa hiện đại khai phá và đã có các thành tựu lớn, giai đoạn qua.

Nhiều đặc điểm ở hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa – không sai! Nhưng điều quyết định xẻ ranh khu biệt hậu hiện đại với cái khác nó, là: nền tảng tư tưởng, hành động và thái độ. Tư tưởng, đó là khi hiện đại đánh đổ một hệ tư tưởng với kì vọng dựng lên một hệ tư tưởng khác hợp lí hơn, tốt đẹp hơn thì hậu hiện đại hoài nghi tất cả, hoàn toàn bất tín nhận thức. Hành động, đó là giải trung tâm hay phi tâm hóa decentralization, de-centring; hậu hiện đại quyết đạp đổ mọi bức tường ngăn mang tính phân biệt đối xử ở mọi khía cạnh, dạng thức, cấp độ. Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại không những từ chối tham dự để dàn xếp, đưa chúng vào trật tự mà còn chấp nhận chúng, tán dương chúng, nhập cuộc chơi với chúng – khoái hoạt!

 

Câu hỏi 12. Hậu hiện đại là giai đoạn kịch phát của hiện đại, hay hậu hiện đại chống lại hiện đại hoặc chỉ là một tiếp nối hiện đại hay thậm chí, nó chỉ là ý niệm ảo do đầu óc của triết gia Tây phương đẻ ra. Hậu hiện đại vẫn còn là một tranh cãi, nhưng ta cứ tạm thời chấp nhận là có hậu hiện đại, vậy đâu là các sáng tác hậu hiện đại tiêu biểu của Việt Nam? Và họ có làm được điều gì mới?(câu hỏi của giảng viên Phạm Thanh Hùng tại buổi Tọa đàm).

Inrasara: Sáng tác hậu hiện đại manh nha từ cuối thế kỉ trước ở hải ngoại. Mươi năm qua, từ khi văn chương mạng ra đời, sáng tác hậu hiện đại Việt Nam phát triển mạnh. Nhất là ở Sài Gòn. Hơn 50 tác giả đã thành danh hay mới xuất hiện, thơ và văn xuôi, lí luận phê bình và dịch thuật… đăng tác phẩm trên mạng hay in giấy, in chính thống hay in photocopy, nhà văn trong nước hay hải ngoại,… đủ cả.

Thơ lắp ghép, thơ nhại các bài thơ nổi tiếng trước đó, thơ chế tác trên tin tức báo chí, thơ siêu hư cấu sử kí, thơ phân thân, thơ thực hiện, thơ phụ âm, thơ graphic, thơ hình họa hậu hiện đại, thơ cụ thể, thơ video, viết truyện ngắn mà gọi là thơ, thơ trình diễn,…

Đã có hàng trăm tác phẩm hậu hiện đại Việt đã in ấn và phát hành. Có thể kể ra các tác phẩm và tác giả tiêu biểu:

– Về lí thuyết – dịch thuật: Nguyễn Hưng quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000; Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, Văn Nghệ, Califonia, Hoa Kì, 2002; Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.

– Về phê bình: Inrasara, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, nghiên cứu, phê bình và tuyển thơ, Tienve.orgInrasara.com, 2009; các bài phê bình của Đoàn Cầm Thi, Trần Ngọc Hiếu, Liêu Thái,…

– Về sáng tác, có rất nhiều tác giả từ trong nước đến hải ngoại: Phạm Thị Hoài, Trần Vũ, Nguyễn Viện, Hoàng Ngọc-Tuấn, Đặng Thân, Lê Anh Hoài, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Lê Minh Phong, Vũ Lập Nhật, Hoàng Long, Vương Văn Quang, Nguyễn Đình Chính,… Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh, Vương Ngọc Minh, Đinh Linh, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Hoàng Tranh, Nguyễn Tôn Hiệt, Lê Văn Tài, Vương Ngọc Minh, Thận Nhiên, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Như Huy, Nguyễn Quốc Chánh, Khúc Duy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Bỉm, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Phạm Tường Vân, Lê Hải, Jalau Anưk, Tiểu Anh, Lưu Mêlan,…

 

Sài Gòn, 11-10-2011

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *