Shiyatna: Chuyện “thầy” ở quê tôi

Đã đăng Tagalau 12.

 

Mấy năm gần đây, palei tôi nổi cộm lên chuyện glơng bói toán. Người mất hơn trăm năm, giờ quay lại, nhập vào thân xác người sống và nói lên những điều như thật. Nghe người ta nói, ông cố người đã khuất muốn phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn, thu nhập ổn định.

Cứ ngỡ thời hiện đại ít ai tin bói toán, thầy bói bị thất nghiệp. Ngược lại là đằng khác. Ngày ngày, palei tôi đều có người đến hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông cố. Họ đến để hỏi về tương lai, về quá khứ. Cả điều gì đang xảy ra trong gia đình của họ…

Ngay bên cạnh nhà tôi, ông cố ấy đang “sống”.

Một anh sinh viên nam thôn Công Thành học trong Sài Gòn, bị chết trôi trên con sông nào đó trong một lần tắm sông cùng mấy đứa bạn, tìm không thấy xác. Thế là cha mẹ than khóc và tìm đến xem bói. Ông cố phán rằng “Đúng chín giờ sáng là xác tự trôi lên ngay chỗ nó tắm, và mọi người sẽ trông thấy. Chỉ vì nó bị vướng vào vật gì đó, ông sẽ đi gỡ nó ra bây giờ, yên tâm đi. Ông làm là sẽ được.” Thế là mọi người hồi hộp chờ. Chín giờ. Như thần, xác nổi lên thật! Mọi người òa lên khóc, vừa mừng vừa tủi. Trong thời điểm lo hậu sự cho con trai xấu số, tiếng tăm ông cố từ đó vang xa. Thế là, người làng Công Thành thay phiên nhau mà đi nghe glơng, bói từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.

– Số cô thật bạc phước, có chồng từ khi chưa đúng vị thành niên. Sau khi sinh một bé trai thì bị chồng đánh liên tục. Đánh không lý do, đúng thế không cháu?

Ông cố phán. Người phụ nữ trẻ ngồi nghe, vừa khóc vừa than thở luôn miệng: “Ông ơi, cháu khổ thân quá!”. Ông cố lúc này như một người thầy chữa bệnh tâm lí, được nước, nói tiếp:

– Cháu đừng buồn, thằng chồng ôn dịch của cháu không phải là con người đàng hoàng, tội thân cháu, thế nào ông cũng giúp cho.

Cô hồ hở hỏi:

– Vậy làm thế nào để không còn bị chồng đánh nữa hở ông?

– Cô hãy cố sinh con vào ngày… tháng… và đặc biệt là sinh ra nữ tuổi Sửu thì mới hợp với tuổi Dậu là tuổi chồng cô.

– Nhưng làm sao con biết được con tuổi Sửu của con sẽ là gái? – Cô hồi hộp hỏi.

– Chuyện đó cháu cứ để ông thu xếp. Ông sẽ đi xin trời cho cháu được có con gái. Miễn là cháu đừng quên ông thì ông sẽ không bỏ cháu đâu.

– Ôi, được như thế thì cháu sẽ tạ ơn ông vô cùng.

Ông cố nói đâu trúng đó. Vừa vào cuộc, không cần người ấy mở miệng, ông nói một mạch nhà người đó ở đâu, chồng con làm nghề gì, đất đai đã được tẩy uế hay chưa…

 

Chiều nọ, tò mò, tôi tạt qua nhà “ông cố” để nghe ké chuyện. Mỗi người đến xem, đều mang theo một gói thuốc, một hộp bánh và tiền tổ hai chục ngàn. Món tiền tổ tối thiểu ấy mà. Một chị ngồi xuống chiếc chiếu đã trải sẵn. Ông cố ngồi trên ghế gần bàn thờ. Gọi là “ông cố” cho có lệ, chứ thầy bói là đàn bà trung niên. Mỗi người một số phận, và mỗi số phận đều có một hoàn cảnh thật đáng thương. Bàn lễ nghi xong đâu đấy, ông cố bắt đầu phán: “Chỗ nào ông nói đúng thì cháu gật đầu, nói sai thì cháu cứ lắc đầu để ông nói lại. Đừng e ngại, cháu nhé! Nhà cháu ở Hoài Trung, gần ngay mương Nhật. Trong sân đất ấy có đến ba ngôi nhà. Chà! Đất rộng rãi quá ta. Hai nhà lầu và một nhà trệt, nhà có của ăn của để. Ông đã quá cố của cháu tên… bà tên… Và những người mấy lớp đời trước tên… Họ đều sống bình an dưới ấy.”

Ông kể một loạt tên tuổi của những người đã khuất. Cô gật đầu liên hồi và ngắt lời ông:

– Ông ơi, ông nói chuyện bây giờ đi, vì chuyện mấy đời trước cháu cũng không biết gì đâu ạ.

– Chồng cháu là bác sĩ, hai đứa con gái của cháu học rất giỏi và ngoan. Vậy, cháu đến đây muốn nghe điều gì nào? – Ông hỏi.

– Cháu làm ăn mấy năm nay không hiểu sao cứ bị lỗ lã hoài. Nghề buôn bán của cháu vì sao không như ý hả ông?

– Ra là vậy. Cháu đừng bán rau trong chợ nữa, nghề ấy cực lắm. Cháu có đủ tiền để mở một cửa hiệu bán phân. Nghề ấy có vẻ hợp với cháu. Nhà mặt tiền nên rất tiện cho việc mở cửa hiệu, cháu cứ nghe ông là sẽ ăn nên làm ra. Mà bé gái ngồi bên cạnh là con của cháu phải không?

– Vâng, dạ thưa ông. Ông xem giùm cháu sẽ làm gì ạ?

– Cô này mặt mày sáng sủa. Số cô này rất được. Lấy được Chàm kiều là cái chắc…

– Có đúng thế không ông? Cháu có ai ở bển đâu…

– Tin ông đi. Nếu được như thế thì cháu sẽ cho gì ông nào? – Ông cố liếc sang cô cháu.

– Cháu sẽ hậu tạ ông một cây ạ! Ông giúp cháu nhé.

 

Một lúc sau, tôi về. Một cây là một cây gì nhỉ? – Tôi cứ thắc mắc, tôi không biết vì sao ông cố lại biết được những chuyện của người xa lạ như thế. Hay người đã khuất sống lại thật? Và sẽ làm được thật nhiều điều như thế?

Một chị tuổi khoảng bốn mươi bước vào ngồi lên chiếc chiếu. Quay sang, ông cố phán:

– Ôi! Đất của nhà cháu sao còn nhiều xương thế này? Sao cháu không mời thầy lấy ra? Đất này, trước là đất hoang. Thời chiến, lính tráng chết đầy ra. Không lấy ra thì làm ăn không nổi với người ta. Vợ chồng suốt ngày cãi vã nhau thôi.

Thế là ông bày vẽ bao nhiêu chuyện, rồi kết chắc nịch:

– Đây chỉ là lấy tạm thời thôi. Khi nào có tiền, cháu mời thầy đàng hoàng nhé. Cháu đi mua mấy lá trầu và  ba quả trứng vịt cho ông.

Trong thời gian chờ đợi trứng vịt luộc chín, tranh thủ ông bói thêm cho vài người khác nữa. Qua loa vậy thôi. Trứng chín cũng nhanh. Ông cố ngồi trước mâm lễ, nhắm mắt lại, miệng lẩm bẩm mấy câu gì tôi không nghe rõ. Thỉnh thoảng, ông lấy tay chỉ tứ phía và nói một mình. Chắc là nói với người hầu khuất mặt như ông: “Đi thẳng, quẹo phải. Đi qua một chiếc cầu. Rồi, cứ đi thẳng. Rẽ phải nữa là tới nơi. Một đống xương ở phía ấy nữa kìa. Mới lấy một chút mà mặt mày bí xị như thế rồi à. Cố lên, về ông sẽ hậu tạ. Cháu ơi, hai cái xương thú đang chạy kìa, hai đứa bắt lấy nhanh lên”.

Chốc chốc ông quay sang nói với người xem đối diện: “Lấy xương như thế này mệt lắm cháu à. Mười người như cháu chắc ông hết hơi mất. Tốn hai chục không phí chứ?”. Ông vã mồ hôi, hơi thở mệt nhọc. Ông lại tiếp tục nói: “Ờ, sạch rồi đó. Ra ngoài và đóng cổng lại cho thật chặt. Coi chừng xương chạy vào nữa là mệt. Hai đứa về nhà nghỉ ngơi đi, ông phải xem cho người ta chút nữa rồi về. Nhớ dọn dẹp nhà cửa cho ông, dạo này hai đứa làm biếng lắm đó nghe.”.

Hình như ông có hai người hầu phụ giúp mỗi lần ông lấy đất hay rửa nhà cho một ai đó.

Xong đâu đấy, ông quay lại:

– Cháu còn muốn hỏi gì ông nữa không?

– Ông ơi, cái đầu của cháu thường bị choáng váng. Có lúc lại đau như búa bổ. Cháu bị bệnh trong máu mủ, hay do nguyên nhân nào tác động hở ông?

– Không phải đâu cháu à. Sương gió ấy mà. – Ông nói không suy nghĩ. Đoạn, ông húp một miếng rượu có sẵn trên bàn thờ, phun vào đầu người đàn bà. Tay bóp bóp trán, miệng nhẩm mấy câu thần chú.

Thế là hết một ngày của ông cố.

 

Thông thường, những người hành nghề bói toán rất kiêng với người chết, nhất là ngày đám thiêu. Nhưng, ông cố này tài đến mức không kiêng nể gì cả. Người lặn lội đến xem thì thầy cứ xem. Cả khi phụ nữ có tháng thầy còn không kể nữa.là.

Nhà chị glơng không đến nỗi nghèo lắm. Có hai con trâu và chiếc xe kéo. Mùa gặt đến, hai vợ chồng vất vả cùng nhau làm việc kiếm chút lúa. Chồng chị mệt nhoài đến ốm người cũng chỉ vừa đủ nuôi năm miệng ăn và chăm lo cho bố mẹ già. Nay có nghề glơng trong tay. Chị bán hết mấy con trâu và một đàn heo trong chuồng để có thời gian rỗi hành nghề. Trước vất vả là thế, nay ông chồng chỉ có công việc nấu nước pha trà tiếp khách. Ông nhiệt tình trò chuyện với khách khi chị vợ đang bận xem quẻ cho người khác. Tôi còn nghe đồn, ông cố mượn thân xác chị glơng đến khi nào xây được cái nhà lầu to đùng và có vốn liếng đủ sống cả đời mới thôi. Vì thế, ngày nào chỉ đút túi ba trăm ngàn thì coi như lỗ công, lỗ vốn.

 

Làng tôi rơi vào cảnh khó khăn, nghèo đói khi mùa gặt hái đến gần. Nông dân sống chủ yếu nhờ ruộng nước. Chỉ sau mùa vụ một tháng mạnh ai lo làm thuê mà kiếm sống. Dân làm thuê, được chủ tốt, hiền lành thì đỡ. Còn ở với chủ ích kỷ, tham công thì quá tội nghiệp cho người nghèo. Vào thời đại người ta đi bằng máy bay, làm việc trên công nghệ thông tin rồi, dân palei tôi vẫn lạc hậu như thường. Họa hoằn làng mới có một, hai người đậu vào đại học. Palei ăn mừng. Gia đình thì rất hãnh diện với làng xóm vì có đứa con giỏi. Nhà nào có đứa con gái chửa hoang thì bị cả làng gièm pha, nói cho xấu mặt. Khó khăn là thế, nhà chị glơng vẫn đầy ắp người, ngày ăn ba bữa thịnh soạn. Chị còn khoe: “Thằng Lắm nhà bên, làm luật sư hỏi lương tháng có bằng tao không?”. Cả xóm tôi ai cũng muốn được như chị, được hành nghề bói toán mà dễ gì được đâu.

Tôi không tin bói toán, ba tôi cũng vậy. Tôi từng chứng kiến cảnh ông Cậu từ kiếp nào nhập vào thân dì tôi. Rồi ông tôi thành khẩn đốt thuốc mời dì tôi hút. Ông Cậu còn thủ thỉ chuyện gì đó, tôi không nghe rõ. Hỏi thì mẹ bảo: “Ông Cậu mày xuống nhắc nhở chuyện nợ nần, ông ngoại hứa mà chưa thực hiện ấy mà”. Có lúc tôi còn nhìn thấy chị họ của tôi tự dưng bị “ma bắt”, chị trừng mắt thấy mà ghê. Tôi nghĩ mấy chuyện ấy không phải do họ bịa đặt ra, đó là sự thật. Mẹ tôi nói, người Chăm linh thiêng lắm con à. Sự không tin ma của tôi bị lung lay dữ mỗi khi chứng kiến cảnh tượng như thế. Ba tôi bảo: ”Đó không phải là mê tín, mà là tín ngưỡng của người Chăm đó con à.”.

 

Rồi dì tôi cũng tự nhiên trở thành bà glơng. Ba không tin vào bói toán, thế mà em gái của ba lại hành nghề bói. Đành vậy, chứ ơn trên muốn thế thì chối sao được. Thằng Vậy, con trai của dì chết yểu. Không bệnh hoạn gì mà chết. Linh hồn nó đi tha phương, đến nay cũng mười bảy, mười tám năm rồi còn gì.

Khi có người đến xem, nó nhập vào thân xác mẹ nó. Mỗi lần phán, Vậy nói tiếng Việt chứ không phải tiếng mẹ đẻ. Tôi hỏi “Vì sao như thế?”. Dì bảo “Nó tha phương mười mấy năm, nó tu nhà Phật. Được Phật giúp nên nó linh thiêng, trở thành hồn thiêng thấy hết mười phương bốn cõi. Nó phản Chăm rồi, biết sao được! Nó quên hết tiếng mẹ đẻ.”. Hồn ma đã khuất còn không muốn nhận mình là Chăm, huống chi là người sống. Những người mà klu Vậy xem đa số là người Kinh. Dân Phan Rang và những nơi khác đến, nhiều lắm. Một người đàn bà Vũng Tàu rất mê klu Vậy phán. Đôi khi bà ta còn mời cả nhà dì tôi du lịch Vũng Tàu, tiền ăn ở sinh hoạt bà lo tất tần tật. Vậy thường khuyên bà phải làm thế này không nên làm thế kia. Mọi điều bà đều nghe Vậy. Bà còn làm mối người ta đến với klu Vậy. Người đến nghe glơng là người làm ăn, buôn bán. Dì rất kiêng những ngày ma chay hay có người chết. Vì lẽ đó là tục lệ thông thường. Hành nghề bói như thế này đúng sai, tôi thực tình không biết nữa.

 

Mẹ tôi mê xem bói. Mẹ không vào nhà Vậy, hay nhà ông cố mà qua làng bên. Palei khác cũng có nhiều người làm nghề bói. Người đã khuất xóm bên còn biết gọi hồn những người thân trực tiếp nói chuyện với mình. Có ai biết ở trong ấy có bao nhiêu sự thật? Tôi chỉ thắc mắc, sao con người ta lại để vận mệnh mình nằm trong tay người khác. Nghe lời xúi bảo của người khác như thế liệu có hay không? Có phải tín ngưỡng hay phong tục gì to tát cho cam, mà mấy việc nhỏ lẻ như tình yêu, nghề nghiệp cứ đi hỏi thầy. Hỏi có buồn cười không. Rồi chuyện mẹ giận con, vợ chồng giận hờn nhau cũng hỏi Thầy.

Thế là Thầy buộc phải… phán thôi!

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *