Chay Mala: Biên bản vụ xử án về tội khoe khoang của Nhà văn Ít-na-xa

(Ngụ ngôn hiện đại)

 

Các nhân vật chính gồm:

– Luật sư đại diện bên nguyên: Chàm-lé

Bên bị: Nhà văn Ít-na-xa

– Tòa; Quần chúng Chăm.

 

Chàm-lé: Kính thưa tòa, nhân danh toàn thể nhân dân tiến bộ Chàm, tôi tố cáo kẻ có tên Ít-na-xa đã phạm một trọng tội không thể tha thứ, đó là tội khoe khoang.

Tòa: Cho phép bị cáo tự biện minh.

Ít-na-xa: Dạ thưa tòa, em tập tò làm thơ viết văn từ thuở xà lỏn ở quê, mãi 40 tuổi em mới dám ló mặt với đời. Kết tội em khoe khoang thì hơi oan ạ…

Chàm-lé: Đó là do nhà người nhát gan…

Ít-na-xa: Vâng thưa tòa, làm ở Đại học có đồng song viết trên Blog là em “rất kiệm lời, thỉnh thoảng có mở miệng, chẳng phải để khoe giỏi và cũng chẳng chê bai ai”.

Tòa: Tôi có đọc cái Blog đó…

Quần chúng Chăm: Có… có…

Chàm-lé: Chúng cùng phe cánh với nhau, thưa tòa.

Tòa: Đề nghị tập trung, tập trung…

Chàm-lé: Bị cáo bắt đầu dở trò khoe khoang khi in sách… Hết khoe khoang trên báo chí lại lên truyền hình khoe khoang…

Ít-na-xa: Dạ. Đó là do họ phỏng vấn em…  vài trăm bận em mới trả lời có phân nửa…

Chàm-lé: Do nhà ngươi khoe khoang họ mới biết mà phỏng vấn. Như ta đây, ta cũng in sách, có ai phỏng vấn ta đâu…

Tòa (gõ búa): Không nói về mình, không nói về mình…

Quần chúng Chăm: Có thể do ngài viết dở… có thể lắm…

Tòa (gõ búa ba lần): Trật tự, trật tự…

 

Chàm-lé: Á, xin lỗi! Như nhà văn Nguyễn Thị tài giỏi hơn ngươi có thấy lên báo, lên đài đâu…

Ít-na-xa: Dạ, chị Nguyễn viết mỗi văn xuôi, em vừa viết văn xuôi, vừa làm thơ, viết tiểu luận phê bình… em còn đứng chân Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn nữa…

Chàm-lé: Viết nhiều loại cốt để khoe khoang. Làm phó gì đó là nhà ngươi tham quyền cố vị…

Ít-na-xa: Dạ, họ bầu em ạ…

Chàm-lé: Như ta đây, ta cũng nghiên cứu nhưng ta có thèm chức quyền đâu…

Tòa (gõ búa): Không nói về mình… Tòa cảnh cáo luật sư lần thứ nhất.

Chàm-lé: Xin lỗi, xin lỗi, như nhà nghiên cứu kia…

Ít-na-xa: Dạ thưa tòa, do em vừa nghiên cứu vừa dịch vừa chủ bút đặc san Tagalau vừa làm Trưởng Ban Phê bình của Hội Thiểu số ạ…

Chàm-lé: Tham lam, quá cha tham lam…

Tòa: Tòa yêu cầu luật sư không xúc phạm bị cáo. Còn bằng chứng nào nữa không?

 

Chàm-lé: Bị cáo hơn chục lần chường cái bản mặt ra trang bìa nhật báo, là lối khoe khoang trắng trợn nhất.

Ít-na-xa: Dạ vâng thưa tòa. Không dám đổ thừa cho báo, nhưng đó là do họ đưa em lên thôi ạ.

Chàm-lé: Nhà ngươi đồng lõa, tội tòng phạm…

Tòa: Tòa lưu ý luật sư lời ăn tiếng nói…

Chàm-lé: Bị cáo còn cầu xin các nơi cho đi thuyết trình…

Ít-na-xa: Dạ thưa tòa, em đi kiếm chút cháo nuôi vợ con, nhưng ở đó em kiêng đọc thơ mình…

Chàm-lé: Vờ vịt, vờ vịt khiêm tốn. Ta gọi đó là thứ kiêu ngạo rởm….

Ít-na-xa: Dạ xin thưa, An ninh Thế giới báo của Đảng viết em là “một nhà thơ Chăm đúng nghĩa, đáng yêu và không hề kiêu ngạo chút nào”.

Chàm-lé: Thêm nhà báo cánh hẩu với bị cáo.

Tòa (gõ búa): Tiếp tục…

Ít-na-xa: 20 Khóa luận Cử nhân, 6 Luận văn Thạc sĩ, 1 Luận án Tiến sĩ về em…

Chàm-lé (lớn giọng): Trước bàn dân thiên hạ đây mà nhà ngươi dám khoe khoang phách lối…

Tòa: Trật tự, trật tự… Tiếp tục đi!

Ít-na-xa: Dạ thưa tòa, nhưng em chưa hề tham dự buổi nào.

Chàm-lé: Ta không biết chuyện tày trời này. Khinh người, đúng là nhà ngươi có thái độ khinh người…

Tòa: Cho bị cáo nói tiếp…

Ít-na-xa: Trả lời báo chí thì là khoe khoang, không trả lời phỏng vấn thì cho là ngạo mạn khinh người, em mong tòa mở rộng lượng hải hà cứu xét….

Quần chúng Chăm: Đúng lắm, đúng lắm…

Chàm-lé (đập bàn): Nhà ngươi lại giở giọng đạo đức giả…

Tòa (gõ búa): Cảnh cáo luật sư lần thứ hai…  Cho phép bị can nói tiếp.

Ít-na-xa: Thưa tòa, em hơn mươi lần có giải thưởng, chỉ 2 bận em đến nhận, còn lại em nhờ người khác thôi ạ.

Chàm-lé (đứng bật dậy, chỉ tay về phía bị cáo): Thằng này nó quen tật xem thường thiên hạ, coi loài người không ra ếch nhái gì cả…

Tòa (gõ búa rất to): Trật tự, trật tự… Luật sư còn có gì chất vấn nữa không?

Chàm-lé: Đây, kính thưa tòa! Chính bị cáo tự đưa ảnh chân dung to đùng lên trang bìa tác phẩm (cầm cuốn sách đưa lên cao quá đầu, đập mấy nhát lên bìa sách). Đây nè, đây nè. Danh nhân thế giới còn chưa dám làm. Đó là chứng cớ rõ rệt nhất về hai trọng tội khoe khoang lẫn kiêu ngạo đủ để buộc tội bị cáo.

Ít-na-xa: Đó là do nhà sách tự đưa lên để dễ bán sách, thưa tòa.

 

Tòa: Luật sư còn gì nói nữa không?

Chàm-lé: Thưa tòa, luận theo bản sắc truyền thống văn hóa Chăm, khoe khoang, ngạo mạn và khinh người là trọng tội. Tôi đề nghị bỏ tù hoặc đuổi thẳng cổ bị cáo ra khỏi dân tộc Chăm.

Tòa: Tòa hỏi luật sư, hai trọng tội của bị cáo có làm hại ai không?

Chàm-lé: Thưa tòa, về chuyện này thì chưa có bằng chứng. Nhưng bị cáo đã làm cho toàn thể nhân dân tiến bộ Chàm xấu hổ, cả thế giới coi thường Chăm là dân tộc khoe khoang. Thật xấu hổ, xấu hổ…

Tòa: Có ai ở đây xấu hổ không?

Quần chúng Chăm: Dạ, không ạ. Có khi nhờ nhà văn Ít-na-xa khoe khoang mà người ta biết đến Chăm nhiều hơn ạ…

Chàm-lé: Sai, sai, thưa tòa… Những người ở đây không đại diện cho nhân dân tiến bộ Chàm…

 

Tòa quyết: Về hai trọng tội của bị cáo, xét thấy các chứng cớ đưa ra chưa hội đủ yếu tố để buộc tội. Nếu cho là có tội thì tội đó chưa làm phương hại ai. Riêng vụ khoe khoang kia có giúp cho người ngoài biết đến dân tộc Chăm nhiều hơn hay không thì tòa cần có thời gian điều tra.

Tòa phán Nhà văn Ít-na-xa VÔ TỘI!

Bãi tòa!

___________________

 

* Biên bản có tham khảo “Tiểu sử – Biography” và các “Ghi chép” trên web Inrasara.com.

Đồng Xoài, 12-10-2011

 

____

 

Chú thích của Inrasara:

Ở ngụ ngôn này, Chay Mala đề cập nhiều chuyện nhưng đã viết rất ngắn nên không sáng tỏ. Để độc giả nắm bắt rõ sự việc, tôi xin kĩ lưỡng hơn về 2 chi tiết:

– Đi nói chuyện về thơ, tính padaup  của hầu hết nhà thơ là ưa đọc thơ mình, thậm chí là diễn ngôn thơ mình, tôi ngược lại – nói về thơ mình càng không. Tôi không cho thái độ trên là khoe khoang, cũng không cho hành vi dưới do khiêm tốn, mà chỉ là tính cách mỗi nhà.

– Trong các buổi bảo vệ của non 30 Khóa luận, Luận văn, Luận án về văn chương và phê bình của tôi, tôi không dự bất kì cuộc nào. Khi 2 Luận văn Thạc sĩ về Inrasara trong năm 2010 được đưa lên Tagalau 12, có người cho như vậy dễ bị hiểu lầm là tự quảng cáo. Thời hiện đại, quảng cáo là tốt, nếu đó là hàng chất lượng và xứng đáng. Có bạn văn mang hoa đến tận buổi bảo vệ Khóa luận Cử nhân về cuốn tiểu thuyết của mình; cạnh đó một tờ báo lớn cũng đưa tin. Tôi không cho đó do khoe khoang. Theo tôi, thông tin về 2 Luận văn Thạc sĩ là tin quan trọng trong sinh hoạt chữ nghĩa của cộng đồng Chăm, chứ chưa nói trong cả nước. Bản tin Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã đưa, báo Thể thao & Văn hóa của TTX Việt Nam cũng thế. Tác phẩm Inrasara đã là đối tượng nghiên cứu khoa học chính quy ở cấp trên Đại học.

 

 

4 thoughts on “Chay Mala: Biên bản vụ xử án về tội khoe khoang của Nhà văn Ít-na-xa

  1. Có nhà nghiên cứu nọ hỏi nhà thơ Đồng chuông tử có giỏi tại sao không làm thơ tiếng Chăm đi mà đi làm thơ tiếng Việt?
    ĐCT hỏi lại:
    – Ông có giỏi sao không viết sách nghiên cứu bằng tiếng Chăm đi mà viết bằng tiếng Việt?
    Nhà này câm họng!

    Đề nghị Chay Mala thêm ý này vào ngụ ngôn của bạn. Tặng bạn đấy, không tính tiền công.

  2. Đời trớ trêu thế đấy.
    Đúng, đúng! It-xa-na có tội! tội là thế này:

    tội lỗi nảy nở và lớn dậy
    do thông minh con hay ngu ngốc con do nhiệt tình con và thờ ơ con do khôn ngoan con và dại dột khờ khạo con

    Peda di xơp đom panwơc pwơc urang kurba yai yak patak parai
    tội lỗi do lời ăn tiếng nói có kẻ kiện cáo buộc tội tại tòa án trần gian
    tội lỗi lan truyền bởi kiêu ngạo hay khiêm tốn con do đúng đắn và sai lầm con
    phê bình làm thơ viết văn con phạm tội
    nghiên cứu con phạm tội không làm gì cả con
    cũng phạm tội khi con hỗn láo hay cả khi con nhún nhường con cũng phạm tội


    (Trích Sám Hối)

  3. Jalo_panrang khéo đùa rất có duyên.
    Chuyện nào tôi không chắc, Các Luận văn Thạc sĩ mà không thông tin cho bà con biết mới là lạ. Ai cho đó là khoe khoang thì rất xằng bậy
    Tôi có biết vài người viết văn cả đời mà chưa được một anh Cử nhân nào chọn làm đề tài, chứ nói chi tới Thạc sĩ hay Tiến sĩ. Nhà văn Inrasara có được vậy là hãnh diện cho cộng đồng Chăm chúng ta.
    Đừng bảo tôi nịnh. Đó là điều rất khó đạt.
    Báo chí nhà nước đưa rồi, hà cớ gì không thông báo cho người Chăm mình biết.

  4. Nhân vật Ít-na-xa ai cũng đoán biết là anh Inrasara.
    Khen anh Inrasara khác gì khen phò mã tốt áo. Dĩ nhiên bảo anh khoe mẽ hay gì đó thì không ổn rồi.
    Ngụ ngôn này không sâu sắc như về tiến sĩ Đát-mơ và nhà thơ Ít-na-xa, không đau như về Ngài Giáo Sư Khả Kính, nó cũng không giải quyết vấn đề như về ca sĩ Chà-ma-lén, mà rất vui. Ngụ ngôn thuộc dạng giải trí mua vui. Có 3 điều vui:
    – Luật sư chê nhà văn khoe khoang nhưng luôn muốn khoe mình: như ta đây
    – Giọng luật sư thì rất bức xúc, còn của nhà văn thì tưng tửng
    – Nhất là chỗ tội này không hại ai

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *