Hàng mã kí ức 17. Mạc Tuấn Đinh Trần Toán

Mạc Tuấn ĐINH TRẦN TOÁN

ĐỌC HÀNG MÃ KÝ ỨC & BIẾT INRASARA

 

Thoạt kỳ thủy cuốn sách có hai điều ám ảnh: chữ “hàng mã” và cái bìa sách!

Chữ “hàng mã” trong tác phẩm Hàng mã c, có lẽ, có nguồn gốc từ một nghề thủ công: nghề làm hàng mã và tục đốt vàng mã của Việt tộc. Vì vậy chúng tôi thấy cần nêu một số đặc điểm nội dung công việc của nghề làm hàng mã. Hàng mã trước hết là một thứ hàng hóa chuyên dụng trong các việc tế lễ tang chế và trong tục cúng giỗ tổ tiên của người Việt. Nguyên liệu làm hàng mã rất đơn giản, gồm giấy bản, giấy bồi, giấy màu ngũ sắc (giấy thủ công) và năm màu tự nhiên gồm trắng, đen, vàng, xanh và đỏ, nứa tre ngâm, nhũ vàng, nhũ bạc, kính mỏng tang tráng thủy, kim chỉ, hồ (keo dán). Thợ mã làm ra những cục vàng thoi, bạc thỏi, giấy tiền, giấy vàng, giấy bạc, voi ngựa mũ mão quần áo và những đồ tế nhuyễn khác… Nghề làm hàng mã là nghể thủ công, có phường có hội sản xuất, buôn bán hàng mã.  Hà nội xưa và nay có phố Hàng Mã là một dẫn chứng. Đó là dấu tích một loại hình phong tục tập quán mang tính lịch sử của nền văn minh, sản xuất nông nghiệp. Hàng mã được mua về đặt lên bàn thờ, cúng lễ, lễ tất rồi đốt hết. Việc đốt hàng mã có hẳn một thuật ngữ là hóa vàng hoặc hóa vàng mã.Như vậy xét chữ “hàng mã” trong tiêu đề của cuốn sách, thì hàng mã dừng lại ở mức là một loại hàng hóa đang được trưng bày tại cửa các hàng, cửa hiệu, chưa được đặt lên bàn thờ nghĩa là chưa được định vị thành hẳn đồ lễ cúng tế. Và nếu vậy thì, có lẽ, chủ ý của tác giả có ngầm ý, muốn nêu tên một loại hàng – hàng mã như một phương tiện liên tiến, hướng tới một thế giới ngoài thế giới thực tại đang tồn sinh này chăng?

Hàng mã đã là một phương tiện, thì sẽ tùy thuộc vào mục đích và khả năng thực tế của từng thực thể, mà mặc ai nấy dùng, miễn sao không để vướng vào hệ lụy.

 

Chữ “hàng mã” trong Hàng mã c lập tức gợi tôi nhớ tập tục hóa đồ vàng mã khi tiễn đưa người đã khuất, hoặc trong ngày cúng giỗ tồ tiên, lấy việc hóa đồ vàng mã làm “cầu nối” hiện tại với quá khứ, hoặc xét về hình thái và tính biểu trưng, theo cái lý “Âm TỊNH – Dương ĐỘNG” của phương Đông thì mục đích hóa đồ vàng mã là để làm (một trong những) phương tiện nối hai cõi âm – dương cách trở. Tên sách Hàng mã c gồm hai mảng là “hàng mã” và “ký ức”, hai mảng này hình như cũng có xuất xứ từ  khái niệm “Âm TỊNH – Dương ĐỘNG” nêu trên, dù sự liên hệ này có gượng ép, nhưng nếu xét kỹ về sự liên kết giữa hình thái và nội dung của ngôn từ giữa hàng mã (của cõi dương)  và “người (cõi) âm”, thì “hàng mã” là vật hiến cúng “người âm” có hình  hài cụ thể (định hình, định dạng) – gắn với khái niệm “tịnh lặng”, còn “người âm” là không (định) hình hài – gắn với khái niệm “động hoạt”. “Người âm” trong tổ hợp người âm – hàng mã,  gắn với sự “động, hoạt” bởi nó tùy thuộc vào sự tưởng tượng, sự nhận biết của mỗi cá thể người và là kết quả của sự ghi nhớ trong ký ức mà có hình hài lúc thế này lúc thế nọ, khi to, lúc nhỏ, cao, thấp, béo, gầy, sang, hèn…. Còn trong cặp đôi “hàng mã” và “kí ức”, thì hàng mã vẫn (có) định hình, còn ký ức (là) không (thể) định hình. Sự định hình và không định hình là một cặp tương tác thể hiện tính đối dụng của những thực thể tồn tại và không tồn tại. Luận như trên thì rõ là tên gọi cuốn sách đã đặt ra vấn đề đối dụng của cái hiện hữu định hình – hàng mã và cái (không định hình) hư vô – ký ức. Xét cái tiêu đề của tên truyện thì không hẳn chỉ là cái tên đề, mà có chủ ý hướng người đọc tới tính đối dụng của cặp đôi tương tác “Âm tịnh – Dương động”. Đó là lý do khiến tôi tò mò, xoay xỏa, lật trước giở sau đọc ngay cả cuốn, xem tên sách có phải một tiêu đề gợi lý hay không… Gợi lý, gợi lý…hình như…

 

Bìa sách gây ấn tượng bởi tính ẩn dụ của dấu những bước chân, những bước người mà cũng là những bước thời gian. Dấu những bước chân đương đại bám chặt không gian hằn rõ khuôn hình  (có – (định) hình) và những bước chân ấy đang bước theo thời gian hút xa về quá khứ mờ ảo (không – không (định) hình). Việc chứng thực cho cái có hình và không hình ấy,trước hết, là một pho tượng đá, mà đá là hình tượng vĩnh cửu hóa, với đá, như tôi ghi nhận Hãy nhìn vào/ Mắt đá / Thấy mênh mông cội nguồn//  Hãy soi vào / Mắt đá / Thấy cuộc mình chông chênh// Hãy nhắm mắt/ Nhìn đá/ Thấy cuộc đời bình yên…//, với  ý thơ trên, thì rõ ràng Đá là nhân chứng! Chứng nhân tiếp theo đá là các đền đài lở lói, những màu sắc tàn phai, những tượng ngườilặng ngắt. Tất cả chúng, xét theo lý tịnh – động, là thể tính tịnh – động: cái quá khứ lặng ngắt là tịnh, người đi tìm quá khứ là động. Tác giả cuốn sách,người đi tìm quá khứ đích thực động. Động, vận động, sống và động là để tồn tại, để tự khẳng định. Những bước chân từ trong ký ức hiển tịnh bước ra thành động, động để đi tìm cái bản thể người Chăm đang tịnh lặng, đang ẩn tàng trong toàn thể cái gọi là Chăm. Cuộc tìm kiếm là động, cái bản thể sẽ được tìm thấy kia khó xác định (hình), cũng là động. Công việc tìm kiếm ấy vô cùng gian nan, vất vả. May ra, có thể, theo cái lẽ “hai không thành một có ”suy ra, “hai  động” sẽ thành “một tịnh”, mà nếu tịnh là biểu tượng của kết quả, thì, tất sẽ có kết quả như thành ý của người đi tìm. Những bước chân người xưa bị vùi trong ký ức, giờ từ trong ký ức bước ra để được làm một thực thể người. Rồi con người lại để dấu chân vào ký ức. Con người – ký ức cứ thế vần xoay, như khói cuộn hút lên phía trời cao thiên cổ rồi lại ngồi nhìn khói mà tìm… trong không gian mà với Thời gian trôi xuôi xăm già cỗi/ Dòng đời chảy ngược láy non tơ. Tự tôi thấy khá hợp với cách đặt vấn theo kiểu tịnh – động nêu trên, đểtự mình thử mà nhìn nhận…

Chưa mở sách ra, ngay mặt bìa, hai bước chân so le (thế động năng) và những bước tiếp theo đã để lại dấu vết, đang và sẽ còn là để lại, truyền đời, rồi lại từ tương lai, hiện tại bước về quá khứ, khi quá khứ đã hóa thân thành những bia đá tượng đồng. Theo những dấu chân bước về quá khứ, là theo bước thời gian quay trở ngược…

Những bước thời gian quay trở ngược trên bìa sách đã mách tôi rằng tác giả những bước thời gian quay trở ngược Inrasara là người thông hiển. Người thông hiển tự thân làm cầu nối cái đã qua với cái sẽ tới, thông qua ngôn từ hiện tại, hiển hiện thời cuộc CHĂM trong dòng CÔ ĐƠN, cùng trải nghiệm và cùng khác biệt. Inrasara dấn thân để thông với đất Chăm và trời Chăm, và bằng con chữ để hiển lên thể tính Chăm. Người thông hiển, trước biển mênh xanh và sóng cuộn, đối diện với biển, đối diện với chính mình để trầm tư, để tìm kiếm, để nhàn tản và để rong chơi. Rong chơi để cùng thông hiển cái cương dũng, cái quyết kháng, cái ngây bần, cái Chăm tập tính! Người thông hiển cô đơn giữa trùng trùng sóng xô, cô đơn giữa trùng trùng biển người. Chăm tập tính đầy đặn giữa trống không thể tất. Tôi bị thuyết phục kính nể cái cô đơn và sự thể tất! Tôi kính nể cả sự sợ hãi, sợ hãi cái hoang liêu – bản năng gốc của nòi người, sự sợ hãi cái trống vắng và cái đầy chật, bởi vì còn sự sợ hãi thì còn cái thể tất nhân tình, còn nhân tính.

 

Mở đầu cuốn sách bằng VÀO TR[CH]UYỆN…. tôi ngỡ ngàng vì cái kiểu chữ này nó lạ, nó hay hay và tôi vội diễn ý nó thế này: Chuyện (bằng) lời… / Chuyển…/ Truyện (bằng ) chữ…/ Tất tất vào một TR[CH]UYỆN/ Thực… ngộ ghê! Hai chữ Chuyện và Truyện hợp nhất, thành một chữ TR[CH]UYỆN đã dẫn tôi luận ra rằng chữTR[CH]UYỆN là một uyên nguyên, thường chuyển, được chiết xuât từ: nguyên là khởi đầu và uyên làuyên áo tạo thành một uyên nguyên. Có cái nguyên khởi đầu tiếp đến là uyên áo nên mới sinh ra thường chuyển! Cát bụi thường chuyển thành hình hài, hình hài thường chuyển thành cát bụi, phải vậy chăng? “… Từ cái lý uyên nguyên, thường chuyển hướng tới hai việc cụ thể: học nhìn “cái tâm thường trụ” tận trong chính ta và “ học nhìn mình từ bên ngoài… biết mở trí xem nhẹ mình.” đến rốt ráo, để được nhận về mình“cái cười giải phóng con người khỏi mê tín”(tr. 7). Và nếu xét sự tương tác của cặp  đôi Chuyện và Truyện , thì Chuyện (bằng LỜI) là động, còn Truyện (bằng CHỮ) là tịnh, có phải vậy, thưa quý thức giả? Lại thêm một lẽ nữa, căn cứ vào cái sự “HAI” hợp thành “MỘT” TR[CH]UYỆN, thì thấy trang cách Dịch Lý biểu đạt bằng đồ hình Thái cực gồm HAI cực Âm – Dương uyển nhuyễn hợp thành MỘT thái cực căn cơ, để cứ thế mà tương tác sinh sinh, trùng trùng duyên khởi, để rồi như con nhà Phật thấy rõ kiểu vạn pháp quy tâm, hiển giác nhất tâm thường trụ. Một chữ TR[CH]UYỆN này, tán như bi nhiêuđã là quá cái quắt, có phải vậy, Người Thông  Hiển? Chữ TR[CH]UYỆN là một sự lý mới kỳ cực!…

 

Nói tiếp về Người Thông Hiển. Cùng những người bạn Chăm tâm huyết muốn và chuẩn hóa chữ Chăm, ông nhiệt thành tham gia Ban Biện soạn về ngôn ngữ và chữ viết Chăm, gian nan… thậm… gian nan, ý chí… ỳ… chí ý, lý trí tịnh chí lý, cả một quá trình dài dặc khởi từ 1979 đến sau tết 1994… bộ Từ điển (tiếng Chăm) mới cất tiếng chào đơời. Vui vẻ. Đọc chữ vui vẻ, nghe tiếng “vui vẻ” sao ngon ơ, nhẹ tênh, lạ thật! Nếu không phải là những người thông hiển thì khó mà nên dạng, nên hình từ điển Chăm như nguyện ước của quá khứ và là vọng ước tới tương lai!

Ông đồng tác giả này có năng lực tạo chữ mới, hoặc là tự bản chất “cơ học” và “uyển nhuyễn” của ngôn từ Chăm đã sẵn có những hình thái như “… đầy cải lương nghiêm trọng.  Nhưng loài người thì nghiêm trang nghiêm trọng” (cải lương đối đế nghiêm trang, cả hai kết với nghiêm trọng tạo ra một thế đối dụng, cũ mà rất mới, “không chừa trừ ai”, “bởi lập dị tôivà dễ hòa đồng của tôi, ngu ngốc tôi và lanh trí của tôi”… bởi tác phẩm tôi và mấy trăm bài báo lăng nhăng hoặc nghiêm túc của/ về tôi, hay như kiểu “mênh mông chật chội” … “đời tôi là chuỗi cuộc di dời”… “hứng thú đau đớn”, v.v…  Ở Phần trích dẫn này tôi đặc biệt chú ý tới tổ từ của/ về và chữ chuỗi cuộc. Chuỗi cuộc là thể tính của “sinh sinh chi vị dịch”, chuỗi cuộc biểu hiểu khái niệm “chỉ có vận động là tuyệt đối”. Toàn bộ cuốn sách hầu như chương nào cũng thấy kiểu từ nêu trên. Rồi những điệp ngữ kiểu “hội viên hội hội viên hội của nhà, sĩ, của trân trọng kính ngài… dạ thưa cám ơn,… dồi tung ngài như con rối; cái cười vội túm lấy chòm tóc em ôi sợi ngắn sợi dài giữ lại… trò đùa trong điệp điệp muôn trùng trò đùa…”. Cấu hình của những điệp ngữ là thêm một sự mới! Ngay tên tác giả INRASARA đã Việt hóa thành Phú Trạm. Trong cái tên riêng này, phần nào là (tiến tố) Phú = giầu, phần nào là (căn tố) Trạm = dừng? Ông còn chỉ ra những nét khu biệt của tiếng Chăm theo luật đối thanh, hiệp vần trắc trắc, bằng bằng… (tr. 316)

Tiếng Việt cận đại có chữ “phu trạm”. Phu trạm là người chạy đưa thư từng đoạn, từng trạm. Chả là, ngày xa xưa ấy đã làm gì có hòm thư, có xe cộ chuyển thư, ngay cả xe ngựa. Người làm phu trạm phải chạy chuyển gấp thư tín tới nơi cần nhận. Đường chuyển thư dài hay ngắn đều chia ra từng đoạn xác định được gọi là trạm. Tùy sức người phu, chạy hết mức định “trạm” thì thay phu trạm mới.

Inrasara có tên Việt hóa là Phú Trạm. Tôi liên hệ ngay phú trạm với  phu trạm. Tôi nghĩ  Phú Trạm Inrasara đang thực hiện cái chức năng của nhiều loại hình phu trạm của cả thời xưa lẫn thời nay, tự nhận cái nhiệm vụ nặng cựcvà cực huyền, ấy là chuyển thông điệp của quá khứ Chăm cho hiện tại và tới mai hậu, gần như  là một mình ông gom chạy hết các loại hình phu trạm. Mà cũng bởi để có thể chuyển được quá khứ Chăm phải xắm nhiều vai phu, phu phục sử, phu tạo chữ, phu họa văn,…

Inrasara với chức năng khai mở và phục hồi bản sắc Chăm văn hóa, đã tự thấy: “Tôi là kẻ đi một mình. Như vị thiền sư kia: Gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi chập chùng…”, Inrasara dẫn mấy câu liên ý gợi về vị thiền sư chân giày chân đất, hình tượng vị bồ tát, biểu ý hồn linh trụ trên cõi Phật, thể tính xuống trần thí hạnh bồ tát, cứu rỗi chúng sinh. Và tôi từ đã lâu lâu thấy vị thiền sư này y như là VÔ LỐI Quảy cái thày lay/Gánh tang bồng/ Cụ một kiếp rong chơi/ Dép một đôi/ Văng đi đâu một chiếc/ Sao không vứt nốt chiếc kia đi/ Cho nhẹ gánh/  Hay theo thời tạo ra/ Thành mốt mới/ Chơi kiểu này là chơi số MỘT đây!/  Tôi theo Cụ/ Chạy muốn đứt cả hơi/ Chân giày nọ dép kia VÔ LỐI quá / Gánh tồng tênh/ Cuộc chơi này nặng bồng nhẹ tếch/ Tôi cũng đang tấp tềnh bước /… Thong dong…

Bây giờ thì xin luận một chút về phu phục sử.

Ông là phu phục sử, đã và đang ở ngay xứ quê mình, xục bới trong quá khứ đổ nát, hoang  tàn, lật ngược, xới tung để tìm ra, để nhận dạng, để xác tín cái bản thể cô đơn, như ông đã ghi nhận, bắt đầu bằng nhận định khái quát: “Con người ít cảm thông nhau, ít có khả năng cảm thông, mang ý hướng tìm hiểu để cảm thông thì càng ít hơn nữa”, “Chăm không còn khả năng cảm thông nhau”, “Chăm cô đơn từ trong nước ra tận trời âu biển Mỹ”. Cô đơn hơn, đó là kẻ ưu tư: “Rồi tha hương ngút mắt tha hương/ Rồi thiểu số giữa lòng thiểu số” (tr. 18, trích Sinh nhật cây xương rồng, 1997). Đã thiểu số, lại thiểu số trong thiểu số là thêm mấy lần thiểu số, thực cô đơn cực! Ôi chao, Giữa cộng đồng luễnh loãng/ Kiểu gió túa bốn phương/ Tạo thành  rốn bão/  Rốn bão cuồng xoáy hút / Gom lọn cực cô đơn/ Có tôi đấy mà không tôi đấy/ Chao ôi là… đến cực! Cô đơn, hình như là căn tính của một tộc người, tộc CHĂM đã và đang lênh bênh huyền sử, đã tự lượng, tự biết xây cho mình biểu tượng cô đơn trong hệ phái: Tháp Chăm gồm tháp Ông, tháp Bà, tháp Cố, và bây giờ đang là những tháp sẽ… Con!? Hình hài tháp, bản thân nó đã hàm chứa cái thế, cái cấu trúc cô đơn, cái cô đơn căn tính, mà có lẽ cô đơn cũng là tính trội của Chăm chăng? Tạo thế cô đơn, như tôi  ý thức, là nhằm gom đủ tài sức, đủ trí tuệ  để đủ tầm vươn tới huyền nhiệm cao xanh. Với  chủ đích tìm căn cội sự cô đơn hòng giả mã nó “Vượt qua cô đơn sử tính” (tr. 315) cô đơn tràn vào tim… cô đơn của Ppo Tang Ahauk, nỗi cô đơn ấy đuổi theo tôi tận hôm nay. Không dứt ra được”.

Kiến trúc Tháp chỉ có một cửa tiền, không cửa hậu. Thay chức năng cửa hậu mở là cái lỗ thông thiên đặt trên đỉnh tháp, cũng lại là lỗ thoát tục, lỗ biểu tượng hướng thiên mà cũng là hướng thiện, cửa hậu ra cửa tiền hợp thành “một” thành “như nhất”, gom vào một, khéo thay!  Lòng tháp thờ duy một cặp Linga – Yoni, sinh thực khí, cũng là biểu tượng thờ của đạo sống sinh sinh, tất nhiên đã trải qua các giai đoạn thành, suy, hủy, diệt để mà tiếp đến thời sinh! Người Chăm xưa chắc là đã ý thức rằng cuộc người này toàn những phù hoa hỗn độn, toàn những phù phiếm, phù du, cho nên phải tìm ra đường thoát, nhưng dẫu gì thì  trước hết cũng phải tồn sinh cái đã! Tồn sinh trong môi trường đặc biệt hoành tráng gồm giữa trời và biển, đất và nước,  núi và rừng. Biển cả mênh mông, nhiều dịu êm đấy mà cũng đầy sóng cồn hung bạo đấy! Sóng là biểu tượng sinh đấy mà hủy đấy! Trời thông thênh lắm mà cũng gian ngoan lắm, thay đổi quay quả liền liền, dường như là quy luật. Còn rừng núi thì hùng vĩ, bao xanh, nhưng hiểm nguy thường trực. Sự tồn sinh không thể thiếu đất và nước, mà nước là thể chất của nguyên sinh. Sự tồn sinh của người Chăm ở trên biển, ở trong biển, khác với Việt tộc là ở trên đất và trong đất, dựa vào thế rừng núi phía sau lưng, kiên trinh, vững chãi, không để cho bất cứ sự đánh lén nào, tồn tại hiên ngang đứng dưới bầu trời khoảng khoát, rợn xanh, trước biếc biển mênh mông, im đấy mà ầm đấy, để  người Chăm cùng tồn sinh và  cùng chiêm nghiệm.

Chỉ bằng hình tượng tháp thôi đã có tính kế thừa tồn sinh và hướng thượng (thiện), biết tất cả đều phù du nên coi nhẹ mọi tham sân, tất thảy! Một dân tộc đã khẳng định tính sống và lẽ sống của mình như thế thì hỏi rằng có dân tộc thượng đẳng nào hơn? Nhưng trong biểu tượng tháp cũng còn một lẽ khác, ấy là “rồi thiểu số giữa lòng thiểu số” diễn cái ý trong quần tụ đông đảo tháp, vẻ vui đầy mà vẫn cứ là đơn lẻ, vẫn cứ là cô đơn, sự cô đơn hiện trong mỗi từng ngọn tháp, cái cô đơn cần có để thể nghiệm sinh cô đơn hướng thiện, cô đơn sáng tạo! Thể xác Chăm tan hòa vào biển thẳm, sóng bập dềnh thành những lênh đênh, và biển khát nhân tình tìm Tháp Chăm làm bầu, kết bạn. Tháp Chăm nhân mối của thiên duyên! Và cũng là nhân  mối thiên nhiên hoang hóa. Tháp Chăm!  Tháp Chăm!..

Hình hài kiến trúc tháp Chăm tương tự hình hài xây cất của Điện Mẫu nằm trong quần thể Đền thờ của tộc Việt. Đạo Mẫu là đạo đặc trưng Việt tộc. Điện Mẫu là nơi người Việt thuở ban đầu theo Mẫu Hệ, gắn với cái ăn nết ở qua hình thái cái bếp Việt cổ có ba đầu Rau, gồm của Một Bà Mẹ Chủ ngổi ngôi chính ở hậu cung, phía trước ngôi là hai Ông tả hữu phò trợ, thành kính phụng thờ, khẩn bái Mẹ thiêng linh. Về hình thái Tháp chăm và  Điện Mẫu cùng  mang một đặc điểm: có cửa tiền, không cửa hậu, ra vào chung một cửa. Khác biệt là Tháp Chăm đứng độc lập, riêng biệt, Điện Mẫu nằm trong quần thể đền thờ.

Tháp Chăm với Linga – Yoni vật thờ nguyên thủy, duy nhất,nằm chính giữa Tháp, theo trục thẳng đứng, bằng trục ánh sáng  nối với lỗ thông thiên, theo nguyên lý Âm – Dương.  Cấu trúc ấy biện giản mà hùng dị.

Điện Mẫu cũng xuất từ nguyên lý Âm – Dương, thờ Một Mẹ nguyên sinh, nhưng hiện hóa chi tiết hơn, cụ thể hơn so với tổng thể Tháp Chăm. Việc trình bày sau đây không biết có gì sai phạm hay không, nhưng để soi tỏ nguồn cội của Đạo Mẫu, đạo thờ Mẹ, khác với đạo Chăm thờ linh vật Linga – Yoni, ở chỗ toàn bộ cấu trúc Điện thờ Mẹ cho ta liên tưởng đó là sự thể hiện phần thể chất của TỬ CUNG ở giới nữ, ở mẹ: mọi sự sinh sinh, từ lúc “hai nhập một” (tinh trùng nhập trứng  thành một bào thai) đều diễn cảnh vào và cùng ra một cửa, (cấu trúc  không lỗ thông thiên) mà Linga – Yoni là công cụ dung chứa cái nguyên ý sinh sinh. Linga – Yoni  mới ở mức nguyên ý, còn tinh trùng & trứng là nguyên lý? Cấu trúc Điện Mẫu đã hóa hiện đạo MẪU thờ Mẹ – Mẹ ngồi ngôi chính điện. Xét theo cấu tạo thứ bậc thờ tự từ cao xuống thấp, thì bậc một ở trên cùng cao nhất, thờ âm – dương nguyên lý (như cặp âm – dương nguyên ý Linga – Yoni, nẳm chính giữa tháp) đã được thể thực hóa bằng cặp đôi rắn: rắn Trắng – dương (Bạch xà), rắn Xanh – âm (Thanh xà) ở hai bên tả hữu, (cũng xin lưu ý,như chúng tôi tưởng tượng, hình dung, thì hình đôi rắn trắng và rắn xanh cũng là tượng hình hai ống dẫn trứng…hóa hiện tượng đối âm – dương). Bậc hai, nơi Mẹ ngồi, có tượng Mẹ tượng là hợp nhất âm – dương, hóa hợp mà thành. Bậc ba, nơi đặt ba bát hương,hiện hướng tam thế, thể tam tài thiên – địa – nhân. Bậc bốn là nơi người đã và đang tồn sinh, nơi những người đang hành lễ và lễ tất. Bậc năm, là hóa hiện ngũ hành (ngũ hình) nhập thế. Sau lễ mọi người ai nấy ra về, nhập vào dòng sống,có cung cách khác nhau theo năm hình đã được Dịch lý khái quát thành năm loại hình vật chất là kim – thủy – mộc – hỏa – thổ theo sự tương tác là tương sinh, cũng là tượngcủa năm hành hay là năm phương thức, năm cách hoạt động, năm loại hình hành động. Cấu trúc  Điện thờ Mẫu xuất từ nguyên lý Âm – Dương, theo triết thuyết của Dịch lý, từ nguyên ý và lý Âm – Dương, tạo thế “tam tài”, rồi ai vào việc nấy ở ngôi vị “tứ tượng”, rồi xuất thế bằng thể “ngũ hành”, như vậy là đã hiện hóa chi tiết hơn, cụ thể hơn.

Song Đạo Mẫu của Việt tộc, như ông  Nguyễn Xuân Khánh, lão nhà văn, 79 tuổi, với bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn và vừa mới đây là Đội gạo lên chùa hợp thành một tập dại thành Xuân Khánh, có tâm ý “viết cũng tùy duyên” đã lý giải:

“Đạo Mẫu độc đáo, nhưng chưa được tạo nên triết lý tôn giáo sâu sắc. Chưa được trí thức đón nhận và đúc kết thành tư tưởng, đạo Mẫu chỉ mới dừng lại ở những tín ngưỡng dân gian. Hạt nhân đạo Mẫu thì đẹp đẽ nhưng chưa phát triển được thành hệ thống tư tưởng, triết lý, thành những tầng sâu văn hóa. Đạo Mẫu bây giờ vẫn phát triển trong dân gian, thôi thì nó cũng là an ủi cho người lao động. Nó để lại di sản âm nhạc, vũ đạo trong những sinh hoạt tín ngưỡng, rất có giá trị. Tuy nhiên, không thể so sánh sự thâm sâu, trí thức như ở đạo Phật”. Phật giáo là một lối sống. Theo thiển ý tôi thì Đạo Mẫu Việt cùng cung cách Đạo Chăm Bà-la-môn đã tồn tại trong văn chương chuyền miệng, đã và đang tồn tại trong nếp sống  thị – thường dân thì cũng đã là biểu thị  sự hợp lẽ tồn sinh  của nền văn minh nông nghiệp của Việt và văn minh sông biển của Chăm? Và cái nét sống, nếp sống của người thị – thường dân là căn nguyên, đồng thời là điều kiện tiên quyết của sự tồn sinh, cùng tồn tại và cùng chuyển hóa.

Như  trên, chúng tôi đã biện giải khá tỉ mỉ về Đạo Chăm  Bà-la-môn và Đạo Mẫu Việt nhằm tìm ra những nét tương đồng và dị biệt trên con đường giao thoa văn hóa, vừa  có sự hòa nhập vừa có sự tồn suy, nhờ đó mà mỗi tộc người mang một bản sắc riêng, không thể nhầm lẫn dù đã trải qua quá trình giao thoa, pha trộn. Cái bản sắc riêng ấy còn phụ thuộc vào môi trường tồn tại. Môi trường tồn sinh của Việt tộc là nông nghiệp và văn minh nông nghiệp. Môi trường tồn sinh của tộc Chăm là biển và văn minh sông nước. “Người Kinh (tộc Việt) nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy đất. Chăm thì khác, dưới chân học là mênh mông biển nước. Ông bà Chăm xưa sống bằng nghề biển, nhờ biển và với biển. Biển là nơi trú ngục của mình. Ông là chủ nhân đồng thời là tù nhân của biển (tr. 317).

Xét về mặt triết thuyết thì Chăm Bà-la-môn có vẻ gần với Vô Vi của Lão giáo hơn, là bởi Vô Vi gần với khái niệm “sắc sắc không không” của Phật giáo, gắn ở mứcThái cực “trong âm có dương và ngược lại trong dương có âm”, biểu thị nguyên lý tồn sinh của Dịch Lý. Vô Vi tồn tại ở mức khái niệm âm – dương, về mặt ý nghĩa, có thể có hai cách biện giải, một là/ ở mức mới có một cặp tương tác là  âm – dương, chưa tự sinh thành hai cặp tương tác Âm – Dương mới có tên gọi là “tứ tượng”, nghĩa là chưa tiếp tục sinh thành để bị vướng vào vòng luân hồi sinh – tử, hai là/ do kinh nghiệm sống mà tự ý thức đượcsự luân hồi sinh – tửcho nên tự dừng lại ở mức Âm – Dương, không tạo sinh “tứ tượng”thì sẽ không có biến thành ngũ hành (hình), cũng là cách tự vượt thoát khỏi vòng ngũ hành sinh tử,hướng đến rốt ráo là Vô Cực.

Đạo Mẫu Việt gần gũi với Hữu Vi của Khổng Nho. Người Việt xưa khi học Khổng Nho đã tạo ra một trường phái học thuật riêng đó là Việt Nho, dụng Hữu Vi triệt để. Hữu Vi hình thành từ Thái Cực“trong âm có dương và ngược lại trong dương có âm”, tiếp sinh thành tứ tượng rồi đến ngũ hành (hình) cứ thế tiếp sinh thành luân hồi sinh – tử, cứ thế mà sinh sinh dẫn tới việc hình thành Đạo Mẫu là hợp lý, và có lẽ, vì vây, tộc Việt, nếu có thực tu thì chỉ tu tới mức Tiên – Thánh, cùng lắm là đạt thành đạo quả Bồ Tát, thực thi Phật sự, cứu khổ cứu nạn, giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi mê lầm tín điều tôn giáo, nghĩa là vẫn muốn tồn sinh trong vòng ngũ hành (hình) sinh – tử, điển hình là chuyện Từ Thức tu Tiên.

 

Inrasara là một phu văn họa.

Ông vẽ gương mặt của ông cha mình, thông qua đó, ông vẽ gương mặt văn hóa của tộc mình… “khi học biết qua triết lý Yoga, tôi lờ mờ hiểu ông. Đến tuổi mười tám, tôi dám chắc là đã hiểu đúng như ông đang là”. Đúng như ông ĐANG LÀ! Cái ĐANG LÀ ở đây cũng lạ, khó hiểu mà kỳ diệu. Cái ĐANG LÀ là cái hiện hữu, là cái có đấy mà không đấy, là cái mong đạt tới, để và là cái đạt tới của một đạo thành thiền sư, một đạo sư hành thiền đạt đạo quả. ĐANG LÀ của “Thầy pháp cao đạo của một dòng họ lớn nhất làng” (tr. 16)… Đây là nhà Yogi Chăm cuối cùng, có lẽ… thời xa xưa, chắc Ông được phong thánh nữa không chừng.”. Như tôi hiểu thì Chữ “không chừng” là gợi mở một khoảng suy tư, một khoảng nhớ để mà quy nạp, để mà có cái hướng về với cái ĐANG LÀ uyên ảo, và, cũng là tự hiển định rằng “Ông được bí truyền từ người cha lối hành đạo quái dị” nên ông là một thánh nhân của tộc mình. Đó là điều chắc chắn! Chao ơi, cái ĐANG LÀ sao mà vi diệu thế. Trong hiện cõi này bao nhiêu xô bồ, bạo liệt, bao nhiêu đảo lộn, biến thiên thì càng hiển tỏ cái ĐANG LÀ… mà triết gia Marx, có lẽ, do tỏ (hay là chưa tỏ???) cái ĐANG LÀ, nên nêu ra ý “bổn phận của ta là thay đổi thế giới”. Làm sao mà thay đổi (thế giới) quy luật được, chi có thề phá quy luật. Hiện trạng thế giới con người đang ngược ngạo, đang tàn phá thế giới tự nhiên nghĩa chính là đang phá quy luật tồn sinh. Phá quy luật tồn sinh là tự tìm sự tiêu vong! Nhỡn tiền đang thế!… “khi sông Lu được vạch dòng quy hoạch/ nó hết làm lũ lụt/ cũng lúc thôi bồi phù sa”,là lật trái, là đảo ngược tự nhiên và thế là hủy diệt! “ Bao nhiêu con sông quê tôi đã chết” lời bi thương của người và cũng là của con sông kia không thấu tới tai trời ơi… bao nhiêu con sông quê đã chết! Văn minh sông nước kiệt rồi!

Ông cùng với những người con ưu tú, kiệt xuất, hiếm hoi của Chăm đương đại, vẽ tiếp những gương mặt “Những đứa con của đất & cuộc trần gian” với những Lưu Văn Đảo, Quang Cẩn & Trượng Ngạt, với Hứa Ngọc Cát sức khỏe trâu hoang, còn ý chí thì mạnh quá đá tảng (tr. 48), với Châu Văn Thủ, tính tình và xử sự hệt nhân vật cách mạng  trẻ tuổi trong Lũ người quỷ ám của Dostoievski và ông còn vẽ bao nhiêu gương mặt trần gian nữa, những con người luôn “trầm tư về cõi hủy phá @ sáng tạo, hủy phá để sáng tạo, hủy phá @ sáng tạo, anh chàng Shiva thiên niên kỷ xưa chịu chơi thế là cùng” (tr. 59).

Thần Shiva biểu tượng hợp nhất, hủy diệt cùng lúc sáng tạo, sáng tạo, hủy diệt song hành. Một biểu tượng phi thường giữa cái thường hằng, mấy ai nhìn ra tìm ra trừ bậc thánh nhân, hiển tạo cái ĐANG LÀ bất biến.

Cái ĐANG LÀ còn được Phu Văn Họa thể hiện bằng chương khái niệm “Đinhư là ở lại” rất hợp với triết thuyết của R.M. Rilke: “Dù làm gì đi nữa, vẫn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường. Như chứng ta sống vẫn luôn là từ biệt” (tr. 315). Đi là chẳng đến mà về là chẳng đi là cái lý sự cù nhằng tôi thường dùng trong các bài viết nhắng, nghe chừng lạ hoắc, ấy cũng là do tôi tự muốn mua lấy mấy cái sự sự… vậy thôi!

Inrasara – Phú Trạm hoàn thành cuốn sách này như là một sự tạ ơn: “Bởi không thể sống mà không tạ ơn/ tạ ơn trang giấy trắng, tạ ơn dòng thơ  cuối cùng chưa viết… Vậy nhé – tôi xin tạ ơn TÔI”. Tôi tạ ơn TÔI là… đâu phải cái  tôi chỏng lỏn. Đó là Cái Tôi ngoài tôi, Cái Tôi đích thị TÔi, là cái Tôi linh cảm chiêu chiêu… THỨC! Nếu không thức thì không lẽ ngủ quên à!… Tôi của Inrasara – Phú Trạm vừa không tôi vừa là cái TÔI – CHỦ THỂ, CHỦ ĐỘNG tiệm cận với quá khứ để nhận biết hiện tại, để hướng tâmđến nền “Văn hóa Chăm là văn hóa đùa vui/ chịu chơi cả trong đau khổ”. Cái tâm văn hóa Chăm nêu trên chính là cái tâm hướng Thiền, là cái ĐANG LÀ bất biến!

 

Để kết thức bài viết thô lậu này, tôi xin thưa là do trình độ biết và hiểu của tôi rất hạn hẹp, kiến và thức thì nông và cạn, không bao quát, thiếu tính hệ thống do vậy việc biện giải chắc chắn sai sót! Tôi xin cáo lỗi cùng người – thông – hiển, quý vị thiện tâm và tất cả những ai đã để mắt tới bài viết này!

 

TP Hồ Chí Minh, 25-7-2011 (ngày 25 tháng Sáu Tân Mão)

 

One thought on “Hàng mã kí ức 17. Mạc Tuấn Đinh Trần Toán

  1. Bài này viết hơi dài với nhiều suy diễn ngoài lề. Ví dụ Phú Trạm = phu trạm, hay nhiều chỗ khác.
    Nhưng phải công nhận ông dùng chữ “thông hiển” rất hay!
    Có lẽ nên đọc đoạn này là đủ:

    “Inrasara là người thông hiển. Người thông hiển tự thân làm cầu nối cái đã qua với cái sẽ tới, thông qua ngôn từ hiện tại, hiển hiện thời cuộc CHĂM trong dòng CÔ ĐƠN, cùng trải nghiệm và cùng khác biệt. Inrasara dấn thân để thông với đất Chăm và trời Chăm, và bằng con chữ để hiển lên thể tính Chăm. Người thông hiển, trước biển mênh xanh và sóng cuộn, đối diện với biển, đối diện với chính mình để trầm tư, để tìm kiếm, để nhàn tản và để rong chơi. Rong chơi để cùng thông hiển cái cương dũng, cái quyết kháng, cái ngây bần, cái Chăm tập tính! Người thông hiển cô đơn giữa trùng trùng sóng xô, cô đơn giữa trùng trùng biển người”.

Leave a Reply to Nguyễn Thị Hạnh Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *