Chay Mala: Câu chuyện nghe lén được ở góc Chợ Cầu Muối

(Ngụ ngôn hiện đại)

 

– Tất tần tật chúng nó không phải là Chăm, không còn là Chăm…

– Ông anh ám chỉ người Chăm trong sách của Hồ Trung Tú?

– Vứt, vứt hết. Tao nói mấy thằng đang sống nhăn đây nè, chớ kể gì Chăm mười bảy đời hai mươi ba kiếp cứ cố gân cổ nhận mình là Chăm.

– Chăm mà không là Chăm, kì vậy cà. Nhưng là những ai chớ, ông anh nói nghe cói!

– Tay ca sĩ Tà-ma-lén kia lấy vợ Kinh đẻ con Kinh cả đời đi hót nhạc Kinh, tao nói có bàn đèn chứng giám: nhân dân Chăm không còn coi nó là Chăm từ khuya rồi.

– Ông ta vẫn nói tiếng Chăm vẫn giúp Chăm vẫn lo cho bà con Chăm…

– Trời phật! Chớ dại dột mà đi tin mấy ngữ đó. Kinh, Kinh hết!

– Lạ quá hén! Thế còn ông đốc Đát-mơ?

– Một giuộc cả. Nó lấy vợ Tây đẻ con Tây nè, viết sử Chăm bằng tiếng Tây nè, Tây rành rành rồi chối sao mà chối.

– Nói dzậy, ngài dân biểu Ma-nờ-chù phải bị ông anh loại ra đầu tiên rồi?

– Tuốt luột hết. Vợ Kinh, con Kinh, làm việc cho Kinh thì là Kinh chứ còn quái gì nữa!

– Ông anh kể luôn cả bác sĩ Cha-mư-lên nổi tiếng sao?

– Thằng này thì nửa nạc nửa mỡ. Vợ Chăm sinh ra con Chăm mà đi dạy đám nhóc nói tiếng Việt thì bảo tao cho hắn trăm phần trăm Chăm à?

– Cứ theo chuẩn của ông anh, nhà thơ Ít-na-xa được trừ ra là cái chắc?

– Chắc gì mà chắc. Cái thứ man mát này. Vợ Chăm con Chăm nói tiếng Chăm mà làm thơ thì hỗn độn Việt lẫn Chăm thì cùng lắm là điểm 7,5. Chớ cho vàng ăn tao cũng không cộng thêm nửa điểm.

– Ghê quá nhỉ! Nhà nghiên cứu trẻ Tà-ka-yi không là trăm phần?

– Lạy chúa tôi! Tao biết tỏng sự thông thái của thằng này. Nghiên cứu Chăm mà viết bằng tiếng Việt sai văn phạm thì cũng chỉ dở ông dở thằng như cái đứa gì ở trên…

– Theo thước thợ mộc của ông anh, nhà thơ trẻ họ Abằn nọ còn là Chăm?

– Miễn, miễn. Làm thơ tiếng Kinh thì cho nó theo Kinh luôn đi.

– Anh Ắp-kà-rem thì sao?

– Thằng ở bển đó chớ gì? Ra tận ngoài nớ làm thuê mà còn tập tành viết tiếng Kinh sai chánh tả, thì không chấp. Có giỏi sao không viết thẳng tiếng Tây tiếng U đi…

 

– Ai cũng hết là Chăm thế còn ai là Chăm đây?

– Tầm mầy không theo kịp triết lý của tao đâu!

– Thế còn ông anh có phải Chăm xịn không?

– Tao là Chăm. Là Chăm đích thực nè nè (vài tiếng vỗ ngực từ dưới gầm cầu vang lên nghe bộp bộp).

– Xin phép ông anh cho hỏi một câu nhé?

– Hỏi đi, hỏi thoải mái đi…

– Hội đồng nào chấm cho ông anh là Chăm xịn nhỉ?

– Tao, là tao, chính tao. Tao nói tao là Chăm. Tao bầu cho tao, tao chấm cho tao… Tao là hội đồng, là nhân dân. Tao viết lịch sử cho nhân dân… Tao làm lịch sử, tao là lịch sử.

– Dạ thưa vâng ạ, em nhất trí cao. Nhưng ai cũng không là Chăm, hết còn là Chăm rồi thì ông anh sẽ sống với khỉ à?

– Ơ hay, cái thằng này ăn gì hỏi ngu thế nhỉ…

(nghe có bước chân chạy rất gấp rồi có tiếng ném nghe… vù).

 

Chú thích:

Tại ruộng một vụ Đồng Xoài, tui đang cố be cho xong thước bờ cuối để chuẩn bị chống lũ thì thằng bạn ngà ngà (nó vẫn chưa xong Katê) đi chân cẳng hàng hai hàng ba tới chống nạnh, nói xốc:

– Bộ mầy chưa nghe tin “nhân dân” Chăm đồn Chế Linh không phải Chăm à?

– Nhậu đã đi rồi qua đùa ông…

– Hổng dám đâu! Nhân dân tiến bộ Chàm hẳn hoi, viết trên báo chí Chàm hải ngoại hẳn hoi…

Tôi vốn mê Chế Linh. Tin như xét đánh ngang tai, tui mới cấm cái phập chà leng sâu lút bùn:

– Cái thằng lào náo thế! Cái thằng đại diện cho nhân dân lào thế?

Tối về, bực quá nên mới chế ra ngụ ngôn này.

 

3 thoughts on “Chay Mala: Câu chuyện nghe lén được ở góc Chợ Cầu Muối

  1. Dường như tôi có đọc đâu đó rằng người Chăm có tôn giáo không muốn người ngoài vào đạo mình. Hay có nói người Chăm Bà la môn khi lấy vợ hay chồng khác dân tộc, con cái những người này không được vào nằm trong kút chính mà phải nằm ở kút lihin.
    Như vậy là có phân biệt. Trong khi tôi thấy người đạo Chúa cố lôi kéo người khác đạo và khác dân tộc vào đạo mình, tạo điều kiện tốt cho họ. Còn Chăm làm vậy thì người ngoài sợ, cả người Chăm lỡ lấy người ngoài dân tộc cũng lo sợ. Có nghĩa ta chỉ trừ đi mà không cộng vào.

    Bài ngụ ngôn này hay ở chỗ là tác giả đã biết triển khai ý đó. Có vài tay viết lách Chăm hễ ai khác chính kiến ta là ta loại bỏ họ, gọi họ là phản bội. Về nghiên cứu cũng vậy, ai có ý khác mình thì mình tố cáo chụp mũ họ đủ thứ, như muốn giết chết người ta không bằng. Câu kết tôi thấy càng hay nữa: “Giết người đi thì ta ở với ai?”. Tất cả đều không phải Chăm, mỗi có ông anh là Chăm thì ông anh sống với khỉ à?

    Cám ơn Chay Mala.

  2. Theo logic của “ông anh” này thì còn đâu dân Do Thái nữa!
    Klủn tôi đôi khi cũng đọc thấy mấy nhà nghiên cứu ta phê phán giống như triệt hạ tất cả, để có chỉ mỗi mình ta và phe ta nghiên cứu cho dân đen đọc. Lối độc quyền độc tài độc ác này xưa rồi Diễm…
    Nếu cứ nghiên cứu và nói một chiều thì chỉ còn nói với… khỉ.

  3. Bài này tôi nhận thấy nó có liên quan đến 2 đề tài bàn ở web này:
    – Người Chăm có thông minh không? Bà con ta tản mát khắp nơi trên nước VN, khắp nhiều nơi trên thế giới, lấy chồng cưới vợ khác dân tộc, nói tiếng khác, vân vân. Họ vẫn là Chăm, nếu họ nhận mình là chăm. Chối bỏ họ là KHÔNG thông minh.
    – Người Chăm sẽ nói tiếng Chăm như thế nào?
    Bài này của Chay Mala không hay lắm, ngụ ngôn hơi dài, nhưng nó rất cần thiết.
    Cảm ơn bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *