Quan điểm của Inrasara 07. Hòa giải & hóa giải

Khổng Tử: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”.

Câu này được dịch nhiều cách khác nhau, chung quy có thể hiểu: Người quân tử sống hòa thuận với mọi người, dù không giống mọi người hay suy nghĩ khác người; người quân tử dù không đồng tình, đồng ý, đồng quy nhưng vẫn sống hòa với mọi người. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại, suy nghĩ giống mọi người, hắn có thể đồng tất cả nhưng chẳng hòa thuận nổi với ai cả. Cụ thể hơn: tiểu nhân có thể chung phe phái, nhưng vì tính khí, vì quyền lợi cá nhân, họ vẫn cứ kèn cựa với chống phá nhau.

 

1. Tiểu luận “Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay” đăng trên Sông Hương, tháng 6-2010 (“Tặng thưởng tác phẩm hay năm 2010” của tạp chí). Ở đây, tôi tạm phân nhà thơ thành ba loại:

– Nhà thơ câu lạc bộ: sáng tác theo lối cổ, diễn ngâm và đọc cho nhau nghe.

– Nhà thơ dòng “tiếp hiện”: viết theo dấu vết các thành tựu xảy ra trước đó chưa lâu.

– Nhà thơ thuộc dòng sáng tạo: hoàn toàn khai phá hướng đi mới.

 

Theo quan sát của tôi, điều lạ là các nhà thơ thuộc ba khu vực này hay phát biểu phản bác nhau. Nhà thơ sáng tạo phê thơ dòng “tiếp hiện” là lỗi thời, chê thơ câu lạc bộ là thơ của thời xưa. Rồi chính dòng này bị hai loại kia phán cho là hũ nút, lập dị, khó hiểu.

Tôi có ba bạn thơ có thể xếp vào ba khu khác nhau: Trần Đình Sơn thuộc khu vực câu lạc bộ – Trương Nam Hương thuộc nhóm “tiếp hiện” – còn Bùi Chát thuộc dòng sáng tạo. Theo tôi, tất cả đều “hay” – cái hay trong dòng mình.

 

Ba dòng thơ kia chẳng những không chết mà tồn tại đồng thời, vì cả ba đều có ích cho bộ phận độc giả nhất định. Chúng có mặt là điều cần thiết. Còn nếu ba nhà thơ thuộc ba loại này quay lại chống nhau, thì đó mới thành vấn đề. Ý định của tiểu luận nhằm hóa giải và hòa giải chúng. Mỗi loại chỉ có thể phê phán sự “dở” trong chính dòng của mình, thì sự chống kia mới thích đáng và cần thiết. Kẻ sáng tạo phát biểu chống thơ câu lạc bộ thì không khác gì đánh nhau với cối xay gió – thậm vô ích. Ngược lại, nhà thơ “tiếp hiện” nghĩ rằng mình đang “sáng tạo” thì không gì đáng phiền hơn.

 

“Hóa giải & hòa giải” không phải cho chúng tan vào nhau để tất cả đều giống nhau  hay loại nào đó bị triệt tiêu, mà là tất cả cùng tồn tại công bằng và sòng phẳng.

 

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở bộ phận văn xuôi. Ba tác giả thời danh:.

– Dòng viết phục vụ cho đối tượng cụ thể (tuổi áo trắng và mực tím): Nguyễn Nhật Ánh.

– Dòng “tiếp hiện”: Nguyễn Ngọc Tư.

– Dòng sáng tạo: Nguyễn Viện.

 

2. Viết giới thiệu cuốn Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú, tôi lấy tiêu đề “Khởi động hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc”. Bài viết đăng trên Inrasara.com nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Tạm gác sang bên các ý kiến thuận, xin nêu ra ý kiến nghịch. Đó là: Hồ Trung Tú viết tác phẩm với ý đồ “cướp” di sản Chăm mà nhà thơ lớn của dân tộc Chăm viết “lời giới thiệu”.

 

“Giới thiệu” một tác phẩm nào đó không phải là bảo lãnh tất cả kiến thức, nhận định của tác phẩm đó. Nguyễn Tấn Đắc giới thiệu Văn học Chăm – khái luận “được xuất bản như một tin vui lớn, không những trong cộng đồng người Chăm, trong các tộc người trên đất Việt Nam mà cả trong giới chuyên môn trên thế giới”, không phải giáo sư này bảo lãnh hoàn toàn cho tác phẩm của tôi mà ở đó không phải là không có khuyết điểm.

Thậm chí, khi Lafont kí quyết định trao Giải thưởng cho tác phẩm kia với lời lẽ trân trọng như: “có giá trị lớn về mặt khoa học” cũng không có nghĩa giáo sư Pháp này cho đó là một tác phẩm toàn bích.

 

Giới thiệu một tác phẩm nào đó chủ yếu muốn người đọc biết đến một đề tài mới mẻ hay cách tiếp cận khác lạ. Nói chung, đó là tác phẩm đáng đọc và thảo luận. Còn các nhận định với kiến thức trong đó, tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm. Và mỗi độc giả đều có quyền nêu ý kiến của mình về nó.

 

3. “Giải”, “hòa giải”, “hóa giải” là các từ tôi đã ưa dùng, dùng nhiều lần ở các lĩnh vực khác nhau.

Tiểu luận “Giải sân hận hay Sống dưới dấu hiệu Glơng Anak” (Tienve.org, 2-2-2008) được tiếp nhận từ tinh thần nhân văn bàng bạc trong tác phẩm cổ điển Chăm. Cũng trên Tienve.org, viết ngày 11-6-2011 và đăng ngày 17-9-2011, bài “Đối thoại hậu Hàng mã kí ức“” “Giải quá khứ không phải là từ bỏ hay quay lưng lại quá khứ, mà là hiểu và buông xả”.

Chỗ khác, tiểu thuyết Hàng mã kí ức (NXB Văn học, 2011, trang 166):

“Nếu bác khả năng giảng giải lang yah, tầm chương trích cú Glơng Anak ở câu, đoạn nào bất kì mà tâm bác chưa tận diệt mọi căm thù sâu kín, là nhà bác còn chưa hiểu Glơng Anak. Khi tâm hồn bác còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bác còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bác chưa hiểu tinh thần Glơng Anak. Khi bác chưa mở lòng ppalai tung tian với con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bác chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak“.

 

Như vậy, khi bạn [sống] hòa [đồng] với cộng đồng tộc người nào đó không có nghĩa là bạn bị đồng [hóa] với dân tộc đó. Bạn vẫn là Chăm, nghiên cứu để bảo tồn văn hóa dân tộc, lên tiếng về các vấn đề liên quan đến cộng đồng nhỏ bé Chăm trong đó bạn sống, làm việc và sáng tạo.

Ở lĩnh vực văn chương, tôi xử sự hòa [thuận] với các nhà thơ thuộc khu vực “tiếp hiện” hay nhà thơ câu lạc bộ không có nghĩa tôi đồng [ý] với quan điểm về thơ của các nhà thơ cư trú ở hai khu vực thơ ấy. Hòa, nhưng tôi làm thơ hoàn toàn khác họ.

 

Nói như nhà thơ Trúc Thông, khi bình tập Lễ Tẩy trần tháng Tư (NXB Hội Nhà văn, 2002), có đoạn (tô đậm) tôi cho là rất trúng:

“Inrasara đã tạo dựng một hệ thống thi pháp riêng. Có thể nói dài về những đóng góp của anh vào thơ Việt hiện đại; một thi sĩ Việt trăm phần trăm, nguồn gốc Chăm trăm phần trăm, không xa lạ với những luồng sáng di chuyển của văn hóa, văn chương, thi ca hôm nay. Hoan nghênh người nghệ sĩ không chỉ vào tháng Tư mới hành lễ tẩy trần, anh tẩy trần và tẩy trần liên thông trong đạo-sáng-tạo (báo Thơ, số 7, 8-2004).

 

Một con nước lớn tràn xuống giống như một cơn giận dữ bột phát, – để hóa giải chúng, không là hành động liều lĩnh ngăn nó lại tức thì, mà phải cần đến thái độ bình tĩnh để phát tán và điều tiết nó chảy vào các dòng sông, con mương trầm lặng và hiền hòa tưới mát cánh đồng.

 

Sài Gòn, 21-9-2011.

3 thoughts on “Quan điểm của Inrasara 07. Hòa giải & hóa giải

  1. Hòa mà không bị đồng. Hòa thuận mà không cho đồng hóa, rất khó đấy, các bạn à. Nhưng khó đến đâu cũng phải quyết. Đất mất hay văn hóa vật chất tàn điêu hết, nhưng NGÔN NGỮ còn thì DÂN TỘC đó còn. Một nhà văn nổi tiếng người Pháp đã khẳng định chân lý đó.
    Chúc các bạn vững tâm.

  2. Mình rất thích hành trình tư tưởng của Sara.
    Rất đẹp, rất độc đáo & giàu tính nhân văn.
    Chúc sức khỏe.

  3. Hôm qua nghe thầy Sara nói chuyện ở Hôi trường nhỏ Đại học thú vị lắm. Thầy nói hấp dẫn, mới lạ và rất là lôi cuốn. Tụi em cứ tưởng nhà thơ lớn phải là xa vời và xa cách nhưng thầy rất gần gụi thân mật.
    Nhưng đề tài thầy nói rộng quá nên không đi sâu được, tiếc quá. Nhất là về văn học Chăm, về thơ Bùi Giáng, về hậu hiện đại.
    Còn ở Hội trường lớn tụi em nghe thầy tâm sự và đọc thơ thì rất khoái.
    Cám ơn nhà thơ thật nhiều.
    Tụi bạn em rất mong thầy trở lại Đại học An Giang một ngày rất gần.
    Rất là monhg.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *