Cáo lỗi về các trao đổi với tác giả Sakaya

Tác phẩm Văn hóa Chăm, nghiên cứu và phê bình, tập 1 của Sakaya do NXB Phụ Nữ in vào quí 3-2010 ít nhiều tạo dư luận trong xã hội Chăm (tiếc là tôi chưa có dịp đọc đến cuốn này).

 

Vào tháng 12-2010, trên website Inrasara.com, tôi có đăng bài điểm sách của Jaya Bahasa với lời lẽ trân trọng. Bài vừa đăng đã nhận nhiều phản hồi, đại đa số là phản bác về học thuật và cả công kích cá nhân Sakaya, lắm khi với nhiều lời lẽ khó nghe, nên tôi xin phép độc giả cho ẩn tất cả. Cạnh đó về cuốn sách này, tôi nhận được 2 bài trao đổi khác nữa.

Về bài phê bình Sakaya dành cho Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú cũng vậy (tiếc là tôi chưa đọc), tôi có nhận được 2 bài “nói lại” với Sakaya và yêu cầu Inrasara.com đăng.

Tất cả tôi đều nói lời cáo lỗi các tác giả.

 

Sáng nay 29-8-2011, một tác giả trẻ gửi đến Inrasara.com một bài trao đổi mới. Dù bài viết có tinh thần xây dựng cùng lời lẽ khả dĩ chấp nhận được, BBT vẫn xin cáo lỗi tác giả không đăng. Bởi trước đó tôi đã từ chối 4 người khác rồi. Rất mong bạn trẻ cảm thông.

 

Về vấn đề này, tôi xin giải thích thêm cho độc giả và bà con rõ.

Trao đổi học thuật là điều cần thiết. Tôi đã nhiều lần dấn thân vào cuộc, nhất là về lĩnh vực văn học. Trên diễn đàn hội trường hay trên báo chí, tôi thường xuyên gợi mở cho cuộc tranh luận. Tất cả đều khởi đầu vui vẻ, diễn biến chuyên nghiệp và kết thúc thỏa đáng.

Thế nhưng với anh chị em Chăm và về vấn đề Chăm thì tôi rất ngại. Nhiều lần tôi từ chối vào cuộc, và có nêu rõ nguyên nhân. Không phải ngại ở trao đổi “khoa học” mà là ở đối nhân xử thế. Giới thiệu (nhấn về ưu điểm là chính) một tác giả hay tác phẩm nào đó thì được, chớ trao đổi hay phê phán, tôi hạn chế tối đa. Dù cá nhân tôi hay tác phẩm của tôi có là đối tượng bị phê phán chăng nữa, tôi vẫn chối từ “tự biện hộ”. Chối từ cả ngay trên website này.

 

4 năm trước, sau vụ lùm xùm về ngôn ngữ chữ viết Chăm, tôi nhận được mươi bài trao đổi từ bà con bị tấn công, yêu cầu Tagalau làm chuyên đề về vấn đề này. Tôi cũng thực lòng cáo lỗi quý bà con: Chức năng của Tagalau không làm chuyện đó.

 

Bên cạnh vấn đề đối nhân xử thế, văn hóa Á Đông thiếu truyền thống tranh luận, một tranh luận lành mạnh. Khía cạnh này, Ấn Độ và Tây phương họ có nền tảng hơn, nền tảng từ thời các luận sư hay Socrate.

Còn với xã hội Chăm, qua vài thế kỉ bật rễ, giới học thức Chăm vốn đã ít, [Đại học và sau Đại học] ta lại chưa trang bị tri thức văn hóa tranh luận, nên trao đổi dễ dẫn tới hiềm khích vô ích. Bắt bẻ vụn vặt, công kích cá nhân hay đầu óc bè phái, vân vân là điều tối kị trong trao đổi học thuật. Có mấy ai trong chúng ta thoát khỏi cảm trạng kia?

Hơn nữa, nói như Nietzsche: “Con người là dòng sông dơ bẩn. Phải là biển cả bao la mới có thể dung chứa dòng sông dơ bẩn kia mà không tự làm ô uế mình”.

Ai trong Chăm có được tâm hồn bao dong như biển cả kia?

 

Cho nên, hành xử khôn ngoan hơn cả lúc này là: cứ tạm để yên đó đã, vấn đề sẽ tự tháo gỡ hay ít ra – nó không bị vẩn đục thêm.

 

Thân ái

Inrasara 

7 thoughts on “Cáo lỗi về các trao đổi với tác giả Sakaya

  1. Không nói rõ nhưng ai cũng hiểu bác Inra từ chối bài trao đổi của Đồng Chuông Tử. Bài đó cháu vừa đọc được trên Tincham. Theo cháu nếu bác cứ từ chối các bài cộng tác thì trang mạng của bác sẽ bớt người đọc. Rồi chỉ có người Việt đọc văn chương của bác thôi.
    Cũng theo ý cháu ai viết thì người đó chịu trách nhiệm, bác cứ đăng để mọi người cùng bàn thảo, thì có hay hơn không. Web của bác đang có uy tín trong lòng bạn đọc Chăm, mọi người đang tin bác. Không khéo bác sẽ làm họ buồn đó. Mà bài đó đâu có tệ.
    Kính bác
    Klủn Champa

  2. Inrasara wrote:
    “Cho nên, hành xử khôn ngoan hơn cả lúc này là: cứ tạm để yên đó đã, vấn đề
    sẽ tự tháo gỡ hay ít ra – nó không bị vẩn đục thêm”.
    Brovo!!!

  3. Sara nói dzậy mà hổng phải dzậy đâu.
    Nịnh bợ quá cha bà nội kiểu Văn Món “Đảng ta cũng đã đào tạo ra nhiều nhà văn, nhà thơ…”
    thì Japluai tôi còn hổng thèm cãi nói chi nhà văn hóa bự xừ như Sara.
    Im lặng là kim cương…

  4. Yut Klủn thân mến
    Thực tình tôi không muốn nêu tên người Chăm cụ thể nào, khi có “chuyện”. Nhưng vì bạn đã nêu lên rồi, nên tôi nhận là: đúng như vậy. Khi nhận bài của bạn thơ Đồng Chuông Tử, tôi đã viết “Lời mào đầu” cho bài ấy, và tính đăng vào sáng nay: 30-8-2011. Dù vậy, tôi vẫn đắn đo suy nghĩ. Đang lưỡng lự, thì nghe 1 yut cho biết Tincham đã đăng bài đó rồi. Tôi nghĩ website của cộng đồng Chăm đăng 1 bài 2 nơi như thế cùng lúc thì không hay lắm, nên quyết: thôi.
    Đwa karun các bạn đã ủng hộ web và có phản hồi.
    Thuk siam
    Inrasara

  5. Dù gi cũng cám ơn Đồng Chuông Tử đã vạch trần những khe hở đối với tác phẩm của Sakaya (Văn Món). Nhưng tại sao sách đã in hơn một năm nay có nhiều người đã từng đọc không ai “dám” phản biện? Hay “uy tín” của Sakaya quá lớn trong cộng đồng Chăm nên không muốn nói? Chớ cho rằng đó là lối “vu khống” của nhà thơ Đồng Chuông Tử. Tôi xin nhắc: Đồng Chuông Tử là người đồng hương của tôi, tụi tôi chơi thân thuở tấm bé, có hỉ, nộ, ái, ố nào mà không chia sẻ. Tôi biết từ ngày khăn gói (chưa thành Nhà thơ) vào Saigon lang thang đầu đường xó chợ, rồi xâm nhập luôn mấy gã giang hồ thơ phong trần. Thi thoảng nghe mùi cơm sôi đâu đó, bỗng dưng gã nhớ nhà lại chạy về. Khi về nhà, lúc lại đi, đi rồi về… cứ thế, dần dần gã bị chính quyền địa phương “dòm ngó, đeo dõi” nghi nghi thi sĩ đang hoạt động cái gì đó.

  6. Salam Wa,
    Chau rất tán thành cách làm này của wa. Một khi Vietnam nói chung và Chăm mình nói riêng chưa có cái gọi là “Văn hoá tranh luận” thì những tranh luận đưa lên đây mặc dù với mục đích cho sự phát triển nhưng chắc sẽ nhận được sự mếch lòng. Sau cái tranh luận, mọi người chả thèm nhìn mặt nhau, lại nói xấu này nọ thì thôi, có lẽ k nên tranh luận như thế. Bên này, trong lúc thảo luận, đôi khi họ cãi nhau đến đó cả mặt, cứ lầm tưởng như sắp đánh nhau, ai dè sau khi xong cuộc tranh luận, bên ngoài họ lại cực kỳ khác. Mình cần phải học điều đó nhiều lắm.

  7. Các bạn trẻ thân mến
    Đwa karun các bạn nhiều.
    Lẽ ra khi đã “cáo lỗi” thì không nên đăng các “phản hồi” nữa. Nhưng toàn người quen nên BBT đưa lên chỉ như là cách thăm dò dư luận.
    Chuyện của S đã đâu vào đấy rồi. Câu chữ vẫn còn nguyên đó, cứ để cho “hậu thế” phán xét. Nêu lên vấn đề là để nhắc nhở nhau cẩn thận hơn trong ứng xử, trong nói và viết.
    VẬY XIN CHO ĐÓNG TRAO ĐỔI MỤC NÀY Ở ĐÂY, các bạn nhé.
    Sẵn đây Inrasara với tư cách chủ trang Web, xin phép cho ẩn vài phản hồi đã gửi đến.
    Thuk siam!
    Inrasara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *