Hàng mã kí ức 16 – Inrasara: Phá hủy là Sáng tạo

hay “Thằng Trạm mát” và Bí ẩn Champa

Yên Thảo thực hiện

Báo Pháp luật chủ nhật, 19-6-2011

* Hi vọng vào thế hệ mới với tư duy mở

Đột ngột bỏ Đại học đi lang thang, đọc sách, làm thơ; bỏ Ban Biên soạn sách chữ Chăm của tỉnh Ninh Thuận về làm nông dân, lang thang, nghiên cứu; nghỉ ngang công việc nghiên cứu văn hóa Chăm tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh để thành người tự do, chàng Phú Trạm (tên thật của nhà thơ Inrasara, sinh năm 1957 tại làng Chakleng, huyện Ninh Phước – Ninh Thuận) vui vẻ nhận biệt hiệu “thằng Trạm mát” mà bạn bè tặng cho mình từ thuở thiếu niên. Thế nhưng, dù là nghiên cứu, phê bình, viết tiểu luận cho đến sáng tác thơ, tiểu thuyết, ông luôn nghiêm túc và sáng tạo không mệt mỏi. Qua sự nghiệp “đánh thức tâm hồn Chăm” của mình, ông đã được Trung tâm CHCPI – Sorbonne (Pháp) trao giải thưởng cho nghiên cứu Văn học Chăm – khái luận (1994); tập thơ Tháp nắng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1997), Giải thưởng Văn học Đông Nam Á cho tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư (2003), Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lĩnh vực nghiên cứu năm 2009…

Hàng mã ký ức, tiểu thuyết thứ hai của ông vừa được NXB Văn học và Cty Sách Phương Nam ấn hành hồi tháng 5-2011 là một câu chuyện đầy bí ẩn của Chămpa ngày nay, đau khổ, bí ẩn và đầy kiêu hãnh. Gian khó tới đâu, Chăm vẫn ca hát, nhảy múa, đọc sách và làm thơ. Dù ngày xưa Chăm dạy và học không trường quy, thêm nữa văn hóa Chăm chưa qua kĩ thuật in ấn nhưng không một quý ông Chăm nào mù chữ. Một xã hội dù trong đói khổ vẫn không tìm ra một người ăn xin, đĩ điếm. Đó không phải là tuyệt diệu ư? Có nơi nào hàng giáo phẩm tôn giáo này vui vẻ qua làm lễ cho tôn giáo kia không? Có đâu trên trái đất mà tín đồ đạo này dâng lễ cúng cho giáo sĩ đạo kia tín thành như ở Chăm không? Hay có nơi nào đã đẻ ra một hệ trung dung là Mưdwơn cùng vui vẻ lễ cho cả hai bộ phận tín đồ? Đó cũng là một sự thật đầy huyền hoặc. Và có nơi đâu một dân tộc đầy khổ đau, mất mát nhưng không có dòng nào trong nền văn học dân tộc kia biểu hiện sự thù hận.

Tất cả các đặc tính của Chăm như cùng đồng hiện trong Hàng mã ký ức như tinh thần tùy tiện, giải sân hận, ham chơi, ngẫu hứng, nghệ sỹ, tự ti vừa kiêu hãnh…  Những mâu thuẫn trong tâm lý này đã tạo nên một tính cách Chăm tài hoa nhưng cũng rất mực lạ lùng. Có thể nói, Hàng mã ký ức bao quát ở mức độ nhất định lịch sử phát triển tộc người Chăm trong thế kỷ XX.

 

Inrasara: “Phá hủy là sáng tạo”

Nổi lên như một hiện tượng với tập thơ Tháp nắng rồi gây xôn xao dư luận với những tập thơ liền sau, đùng cái Inrasara chuyển sang phê bình văn học. Trong khi đang được ca ngợi như nhà phê bình hậu hiện đại sáng giá, Inrasara lại chuyển sang viết tiểu thuyết. “Thằng Trạm mát” Inrasara chia sẻ: “Từ bỏ là một đặc tính của đặc tính Chăm. Trong cuộc đời và trong văn chương, tôi đã từ bỏ hơn chục cuộc lớn. Tôi không chắc cái mới có hay hơn không, nhưng tôi phải thay đổi. Muốn thay đổi chỉ có cách từ bỏ và… phá hủy. Phá hủy để sáng tạo, phá hủy là sáng tạo”.

 

Tin tôi là thiệt thòi cho bạn

– Nhiều nhận định cho rằng tiểu thuyết của Inrasara khó đọc và không hay bằng thơ. Ông không sợ những “tín đồ” của nhà thơ Inrasara sẽ quay lưng lại với mình sao?

Inrasara: Làm mất lòng nhà phê bình, độc giả là mình khoái rồi, chỉ sợ không làm mất lòng được ai thôi. Mỗi độc giả đều có tầm đón đợi riêng, trang viết của mình rơi vào tầm đón đợi của họ thì họ thích và ngược lại. Có nhà văn mấy chục năm chỉ viết đúng cái độc giả đón đợi, như thế là tự giết mình rồi còn gì. Thỏa mãn là tự hủy. Ngừng sáng tạo là chết. Tôi không sáng tác hợp với tầm đón đợi của độc giả, mà luôn tìm cách cắt đứt rời bỏ, từ bỏ độc giả cũ để tìm kiếm độc giả mới.

Đọc Hàng mã ký ức, có người đã thốt lên “như thế mà cũng là tiểu thuyết ư?”. Bởi vừa thơ vừa ký vừa tùy bút vừa chính luận, lại chẳng có cốt truyện, chẳng có thắt nút, mở nút và dường như cũng chẳng có gì hư cấu ở đây?

Inrasara: Tôi không muốn đặt thể loại nào là trung tâm, điều quan trọng hơn cả với tôi là viết thế nào. Lịch sử là chuyện kể về một sự thật trong khi chuyện kể thì đầy tính hư cấu. Bởi chúng được kể lại qua cách nhìn của tôi, sự yêu ghét của tôi, hiểu biết của tôi, hệ thẩm mỹ của tôi và cuối cùng qua ngôn ngữ của tôi. Bản thân sự sắp xếp lớp lang, cái nào trước cái nào sau cũng là hư cấu rồi.

 

– Nói như vậy con người Chăm, văn hóa Chăm được kể lại trong cuốn tiểu thuyết này đều không đáng tin?

Inrasara: Hàng giả được làm giống như thật để mang giá trị như hàng thật với mục đích lừa người tiêu dùng. Hàng mã thì ngược lại, người sản xuất và người tiêu thụ đều biết nó là “hàng giả”. Câu chuyện của tôi, nhận định của tôi, cách giải trình của tôi về văn hóa Chăm, về tinh thần và con người Chăm,… bạn có thể giữ nó lại hoặc quăng nó đi. Tôi không đòi hỏi người đọc nhìn xã hội Chăm theo cách của tôi. Đó là diễn ngôn của Sara về Chăm chứ không LÀ của Chăm. Có thể một nông dân hay một ông tiến sỹ sẽ diễn ngôn khác. Tin hoàn toàn vào tôi là thiệt thòi cho bạn. Bạn hãy đi vào lòng xã hội Chăm và khám phá nó theo cách của bạn.

 

Làm đất cho cỏ mọc

– Trong Hàng mã ký ức, ông cho rằng mình là một tai nạn văn hóa. Tại sao vậy?

Inrasara: Tinh thần Chăm phiêu lưu, sáng tạo, nhưng họ xu hướng làm nghệ thuật hơn là khoa học. Qua kinh nghiệm quan sát, rất ít Chăm biết làm việc có kế hoạch, có khoa học – nghĩa là có chương trình ngắn, dài hạn, và bám sát nó. Nếu có, đại đa số anh em quẩn quanh với thế giới sẵn có, khai thác các đề tài Chăm. Chẳng trách! Dân số Chăm xấp xỉ một huyện trung bình. Cứ mang một huyện người Kinh ở Ninh Thuận ra so đo, thì biết Chăm nỗ lực thế nào. Nhìn rộng hơn, không có tộc thiểu số nào mà lực lượng nghiên cứu đông đảo như Chăm, nhưng do hệ mỹ học nông nghiệp níu kéo nên chưa ai suy nghĩ vượt qua hàng rào ao làng đúng nghĩa. Nên mới có chuyện nói đùa Inrasara thoát khỏi ao làng để vươn ra thế giới bên ngoài, là một tai nạn văn hóa!

– Có phải đặc san Tagalau mà mỗi số ông chịu chơi chịu lỗ 7-8 triệu đồng và không ít phen lên bờ xuống ruộng vì nó là cách Sara kéo Chăm ra khỏi ao làng?

Inrasara: Trước năm 2000, dù tác phẩm của tôi có đoạt giải thưởng này nọ, nhưng rất ít Chăm biết. Lẽ nào nhắc đến văn học Chăm là cứ nhắc đến mỗi Inrasara! Không đáng buồn sao? Sau 1975, người trẻ Chăm chưa nhập cuộc vào xã hội hiện đại. Ngay cả Đại biểu Chăm ở Quốc hội cũng ít được cộng đồng biết đến. Đã đến lúc Chăm thôi kiêu hãnh về cái cũ và sáng tạo cái mới để thế hệ sau kiêu hãnh về thời đại mình. Tagalau muốn góp phần khiêm tốn vào ý hướng đó: làm mảnh đất cho cỏ mọc. Qua 10 năm có mặt, hàng loạt khuôn mặt mới ra đời.

Lâu nay ở ta có suy nghĩ rất lạ, cứ trung tâm thì tốt hơn ngoại vi. Văn của nhà văn ở thành phố lớn thì phải ngon hơn người sống ở vùng sâu miền xa, thơ của hội viên Hội Nhà văn là hay hơn thơ của cây bút chưa là hội viên. Chắc gì! Vậy đạp đổ bức vách ngăn đầy phân biệt đối xử đó, kéo thế giới ngoại vi trong đó có Chăm ra khỏi mặc cảm ao làng để cùng nhập cuộc sáng tạo.

Khá nhiều cỏ đã mọc trên mảnh đất Sara cày xới, liệu Sara có tiếp tục phá hủy để sáng tạo ở lĩnh vực nào nữa không?

Inrasara Nay mai tôi sẽ giao Tagalau cho cánh trẻ, cho ngưng hay chuyển giao website Inrasara.com, quyết toán dự án Tủ sách Văn học Chăm 10 tập (chưa xong cũng nghỉ) và những gì liên quan đến văn hóa Chăm, rời bỏ Sài Gòn. Về quê. Về, tôi sẽ trụ tại Caklaing, tái khám phá đời sống Chăm lần nữa.

 

– Vì sao đang ở trên đỉnh vinh quang, ông lại vứt đi tất cả. Hay Sara sợ mình sẽ không thể vượt qua được cái bóng của chính mình nên rút lui là tốt nhất?

Inrasara: Với tôi, “giai đoạn chủ hộ grhastha với gánh nặng trách nhiệm gia đình và xã hội đã kết thúc, bạn dũng mãnh bước vào giai đoạn thứ ba: đi vào rừng. Ngôn ngữ và văn chương Chăm, thơ với phê bình… như thể một thời kì quá độ buộc một đạo sĩ phải bước qua. Là đạo sĩ Bà-la-môn, tôi phải lên đường đi vào rừng, chấp nhận thử thách mới, cam go ngàn lần hơn.

Xin cảm ơn ông!

 

Tiêu điểm: Hiểu đúng để cảm thông!

Tôi yêu tiếng Chăm, yêu âm vang của lời. Từ năm 11 tuổi, tôi đã đạp xe bán cà rem qua rất nhiều làng Chăm. Lên Trung học, vào các dịp hè tôi lân la các làng để tìm hiểu ngôn ngữ Chăm. Tôi đã bỏ gần như tuổi thanh xuân của mình để tìm nhặt từng câu ca dao, tục ngữ của người dân. Văn hóa Chăm phong phú và độc đáo nhưng trước đó nó chỉ được biết đến ở phần nổi là kiến trúc Chăm, còn cái gọi là tâm hồn thì chưa. Có cái gì lột tả tâm hồn Chăm toàn diện hơn văn chương? Người Chăm với Việt sống xen cư và cộng cư với nhau từ bao lâu nay nhưng họ vẫn chưa hiểu nhau nhiều. Từ xích mích cá thể có thể dẫn đến xích mích lớn hơn, thậm chí thành va chạm mang tính sắc tộc. Tôi muốn văn chương của mình giúp cộng đồng người Chăm và người Việt hiểu đúng hơn về văn hóa Chăm, hiểu để cảm thông, để hóa giải và yêu thương (Inrasara).

 

Chú ý: Vì khuôn khổ báo có hạn, bản in trên báo PL, có vài từ, đoạn biên tập lược bỏ nên vài ý chưa được rõ nghĩa.

http://phapluattp.vn/20110619122833622p1021c1087/inrasara-pha-huy-la-sang-tao.htm

 

6 thoughts on “Hàng mã kí ức 16 – Inrasara: Phá hủy là Sáng tạo

  1. Bài này đưa lên trang nhất báo Pháp Luật, rất gồ!

    “đại đa số anh em quẩn quanh với thế giới sẵn có,khai thác các đề tài Chăm. Chẳng trách! Dân số Chăm xấp xỉ một huyện trung bình. Cứ mang một huyện người Kinh ở Ninh Thuận ra so đo,thì biết Chăm nỗ lực thế nào. Nhìn rộng hơn,không có tộc thiểu số nào mà lực lượng nghiên cứu đông đảo như Chăm,nhưng do hệ mỹ học nông nghiệp níu kéo nên chưa ai suy nghĩ vượt qua hàng rào ao làng đúng nghĩa”

    Đoạn này nhận định hơi bị… xác đáng ở cả 2 ý:
    – So sánh rất hay: So sánh người Chăm với Việt ở huyện Ninh Phước, ta thấy người Chăm trội hẳn lên, dù số dân bằng nhau. Rất đáng khích lệ.
    – Nhưng đa số người Chăm mình vẫn chưa vượt ra ngoài “đề tài Chăm”, do đó hay kèn cựa nhau về chuyện không đáng.

    + Hy vọng thế hệ mới biết vượt bỏ mà vươn ra thế giới.
    HAY!

  2. “Hàng mã ký ức… là một câu chuyện đầy bí ẩn của Chămpa ngày nay, đau khổ, bí ẩn và đầy kiêu hãnh. Gian khó tới đâu, Chăm vẫn ca hát, nhảy múa, đọc sách và làm thơ. Dù ngày xưa Chăm dạy và học không trường quy, thêm nữa văn hóa Chăm chưa qua kĩ thuật in ấn nhưng không một quý ông Chăm nào mù chữ. Một xã hội dù trong đói khổ vẫn không tìm ra một người ăn xin, đĩ điếm. Đó không phải là tuyệt diệu ư?”

    Hay lắm anh Inra ơi, nhưng rồi mai mấy cái tốt đẹp để kiêu hãnh đó có còn k?

  3. Sara đã mỏi mệt, muốn Vanaprastha đi vào rừng?

    Theo mình là chưa được. Vì mọi người còn cần Sara, như một điểm tựa tinh thần trong cái thời cuộc nhiễu nhương & đầy bế tắc này.

    Có lẽ các bạn đọc cũng đồng ý với mình, rằng Sara chỉ đi vào rừng vào tuổi…tám mươi.

  4. Chú Sara trả lời phỏg vấn thì số dzách rùi. Nhìu đìu hay cháu học hỏi được. Riêg cháu ko hỉu vài đìu:
    – Từ bỏ độc giả cũ, tìm kím độc giả mới là gì nhỉ? Tìm kím mới thì đúg, nhưg sao lại từ bỏ độc giả cũ?
    – Thế nào là đi vào rừg?
    – Nhà báo hỏi đúg: đag ở đỉh sao lại đòi dzìa quê? Ngta chỉ thất bại mới dzìa quê, ai lại bỏ dzìa khi đag ở đỉh?
    Cô bác nào hỉu xin nói cho cháu nge.

  5. Cháu rất kính trọng Ôn. Cháu rất kính trọng nhiều người Chăm thành đạt. Cháu hỏi Ôn thế nào là “ra ngoài thế giới Chăm”? Ôn “vươn ra ngoài” thế nào? Cháu xin hỏi Ôn câu “Không ai có thể hát thay chúng ta” là gì? Mong ôn trả lời. Cháu cảm ơn Ôn.

  6. Cháu hỏi thêm: sao “Tin vào tôi là thiệt thòi cho bạn”? Các nhà viết sách chủ yếu để ng ta tin, sao Ôn lại viết như vậy? Cháu ko hiểu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *