Tiếng Chăm của bạn: Ngôn ngữ, dễ mà khó

1. Dễ & khó

Nói theo lối siêu hình học, con người sở hữu ngôn ngữ. Nên, một người học đến trình độ nào đó, đều nghĩ mình có khả năng soạn… từ điển. Có bạn trẻ vừa học xong khóa Tiếng Chăm căn bản ở Trường Bổ túc Văn hóa Dân tộc tỉnh Ninh Thuận nơi Thuận Văn Liêm dạy, đã tự tin nói với tôi: em đang soạn cuốn Tự học tiếng Chăm.

Tuyên bố không sai, vì bạn trẻ đã sở hữu được ngôn ngữ.

Nhưng để sở hữu nó đến nơi đến chốn là điều cực khó. Bởi,

– Muốn sành một ngôn ngữ nào đó, có khi cần đến 15 năm. Tiếng Việt với người Việt thôi, nói mỗi ngày, học chính quy hẳn hoi, sau Đại học, không ít sinh viên ra trường vẫn viết sai chính tả. Khía cạnh đơn giản nhất của ngôn ngữ học, còn như thế.

– Huống chi muốn bàn về các mặt khác nhiêu khê hơn, ta buộc phải tìm hiểu các trào lưu của ngôn ngữ học thế giới, không thể khác. Nắm được dăm ba trường phái với học thuộc vài trăm thuật ngữ ngôn ngữ học thôi, ta cũng đủ… chết! Tôi có chứng cứ: một tiến sĩ dân tộc học người Việt, viết một bài về ngôn ngữ, dùng từ tới đâu sai tới đó.

2. Thơ dễ & khó

Thi ca cũng vậy. Tiểu thuyết hay kịch nghệ thì khó, đại đa số người cầm bút không dám làm, không dám bàn tới. Nhưng với thơ thì… dễ. Ai cũng có thể làm được, bàn được. Bởi con người vốn sở hữu thơ. Nên không lạ, khi nhà thơ thì cãi nhau hăng hơn nhà nào khác. Bởi ai cũng nghĩ thơ mình số một, lối thơ của mình là số dzách.

Điều này càng không sai. Nó thuộc hệ mĩ học. Nói như Nietzsche: “Cuộc chiến của con người là cuộc chiến vì màu sắc”.

Thế nhưng muốn hiểu thơ, làm thơ, và bàn về thơ đến nới đến chốn,- nghĩa là nếu bạn muốn có đóng góp một cái gì đó của riêng bạn vào nền thơ dân tộc hay nhân loại, bạn BUỘC phải học đến mụ người. Không thể khác(*).

3. Từ một thư riêng, thử bàn về địa danh Đà Nẵng

+ Thư V gửi Inrasara – 7-6-2011

(in nguyên văn và xin viết tắt tên tác giả)

Chào anh Inrasara

Tôi đang tìm hiểu địa danh Đà Nẵng. Gần đây có nhà nghiên cứu cho rằng Đà Nẵng là từ chữ này (xin đính kèm), phiên âm La-tinh là “Hang Đanak”. “Hang” có nghĩa là dải đất do biển rút cạn để lộ ra, “Đanak” nghĩa là cửa sông tiếp giáp biển. Xin anh cho ý kiến đây có phải chữ Phạn, Chăm cổ hay chữ Chăm hiện đại, phiên âm như thế nào và ngữ nghĩa của nó.

Chúc anh sức khỏe. Rất mong phản hồi của anh. V.

Inrasara trả lời nhanh:

Đây là chữ Chăm hiện đại gọi là akhar thrah, có từ 300 năm nay thôi.

Hang: bờ dốc; Danak (đọc là Tà-nằk): biển

Thân, Sara

+ Thư V gửi cho Inrasara cùng ngày

Cảm ơn anh đã phản hồi. Tôi được biết, có nhà nghiên cứu Chăm lại cho rằng chữ này phiên âm Hadanak: Ha là biển, danak không có nghĩa. Là chữ Chăm akhar thrah nhưng cách phiên âm và ngữ nghĩa sao có sự khác nhau vậy? Mong được anh giải thích.

Cảm ơn

Thư Inrasara cho V, 7-6-2011

V thân

Thời gian qua, nhiều người tự nhận nhà nghiên cứu lắm. Cả những người đã có vài đầu sách cũng rất là… mơ màng, anh à. Sau đây là câu hỏi mang tính gợi ý:

“Nhà nghiên cứu” kia là ai? Có phải chuyên gia ngôn ngữ Chăm? Có bằng cấp gì? Có công trình nào về ngôn ngữ? Công trình kia có giải thưởng nào không? Chúng được giới chuyên môn [xịn] đánh giá thế nào? Ông/ bà ta dựa vào tư liệu nào mà giải thích như thế?

Tôi tạm trả lời như sau nhé:

Trước khi có chữ in (những năm 1970) chữ Chăm viết không có tách chữ, nên HANGDANAK viết dính nhau. Ở 2 chữ này, chữ NG (dấu trên) trong chữ Chăm phân biệt rất rõ. Từ điển Aymonier được xem là từ điển cổ nhất in 1906, định nghĩa nó:

Hang: bord bờ, bord margelle bờ ven. Ví dụ: hang kraung: bờ sông (tr. 501). Chú ý: bờ này thì to và dốc đứng, khác với bờ (ruộng) là: “ar”.

Danak: có 4 nghĩa: gần, cạnh – liễng (trầu) – hàng lối – và nghĩa cổ (nghĩa trong từ này) là: mer, océan: biển, đại dương (tr. 215).

[Chú ý thêm: chữ “danak” do chữ “dak” mà ra. “Dak”: đồng từ xếp, sắp xếp + trung tố N = danh từ “Danak”. Xếp thành lớp, xếp thành liễng… Đây là 1 trong cách thức cấu trúc từ tiếng Chăm].

Vậy anh nhé, Sara

4. Kết luận

– Tôi không trả lời về chữ Đà Nẵng có phải do “HANGDANAK” mà ra không, vì đó không là nhiệm vụ của bài này.

– Ví dụ, đêm hè, ta nhìn lên bầu trời, ta thấy khoảng ngàn ngôi sao. Nhưng ta đâu dám nói cả vũ trụ kia chỉ có chừng đó sao. Nhà thiên văn thấy cả triệu triệu cơ.

– Ở đây, “nhà nghiên cứu” bảo “danak” không có nghĩa. “Nhà nghiên cứu” kia không biết, mà không dám nói “tôi không biết”. Đó mới là điều đáng nói. Nói “danak” “không có nghĩa”, trong khi chữ đó có tới 4 nghĩa.

Ngôn ngữ, dễ mà khó là thế!

Cuối cùng, chúng ta hãy rất cẩn trọng khi bàn về ngôn ngữ, dù đó là ngôn ngữ mẹ đẻ. Thể hiện mình thì tốt. Nhưng phát biểu cái này đúng, cái kia sai thì nên tránh. Đọc một bài viết chê hay khen, ta cũng biết giữ tinh thần độc lập mà nhận định, đọc với tinh thần cầu thị. Khiêm cung học thì hay hơn cả.

Sài Gòn, 10-6-2011

 

Doc2

 

________

 

(*) Về thơ, có thể xem thêm: Inrasara, “Hòa giải và hóa giải ba lọai nhà thơ hôm nay”, tiểu luận được tạp chí Sông Hương tặng Giải thưởng tiểu luận hay nhất trong năm 2010.

 

5 thoughts on “Tiếng Chăm của bạn: Ngôn ngữ, dễ mà khó

  1. Bạn V. khi đọc bài này, có nhờ BBT đính chính lại: “Một nhà ngiên cứu người Chăm bảo Danak là biển, còn Hang thì chưa rõ nghĩa”.
    Bạn đọc chú ý cho.
    Thuk siam.

  2. Phản hồi của VH: “Ha trong Hadanak không rõ nghĩa, không phải Hang không rõ nghĩa. VH”

    Trả lời của Inrasara:
    – Bức thư đầu tiên, bạn V viết “Hang Đanak”
    – Thư thứ hai, V viết Hadanak và thêm: “Ha là biển, danak không có nghĩa”. Và hỏi tôi: “Là chữ Chăm akhar thrah nhưng cách phiên âm và ngữ nghĩa sao có sự khác nhau vậy? Mong được anh giải thích”.
    Nên tôi mới giải thích.
    – Thư thứ ba: V xin lỗi là nhầm: “Danak là biển, Ha chưa rõ nghĩa. Tôi mới “phản hồi” để bạn đọc lưu ý nhầm lẫn đó.

    Giải thích:
    – Tôi và V không quen, V cũng không giới thiệu mình là ai. Vì muốn 1 người yêu tiếng Chăm hiểu 1 từ trong tiếng Chăm, nên tôi đã giải thích cặn kẽ.
    – Trong ảnh chụp, chữ H có dấu trên là phụ âm cuối NG, nên đọc là HANG, chứ không phải HA.
    – Mà nếu HA là một hình vị độc lập, thì nó đã là 1 từ có nghĩa: “hở”, “mở”, “rộng”… chứ không phải “chưa rõ nghĩa”.

    V cảm thông và vui nhé. Tôi cũng nên rút kinh nghiẹm để cẩn thận với thư từ qua email hơn.
    Thân mến Người Không Quen
    Sara

  3. Không ai muốn nhầm lẫn, nhưng nhầm lẫn là điều khó tránh. Tôi và anh cùng cẩn thận vậy. Với tinh thần khoan dung thì mọi việc sẽ tốt hơn, đơn giản hơn, chắc anh Sara cũng đồng cảm.VH

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *