Jaya Bahasa: Gỡ băng chương trình giao lưu văn hóa các Dân tộc Việt Nam

Nhân kỉ niệm 100 năm ngày ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh (ngày 5-6-1911, ngày 5-6-2011), Ban biên tập VOV2 đã mời nhạc sĩ Amư Nhân, Inrasara và PGS.TS. Ngô Văn Doanh trò chuyện về Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Dưới đây là phần gỡ băng.

Giọng nữ: Mời đồng bào và các bạn nghe chương trình phát thanh buổi Giao lưu Văn hoá các Dân tộc Việt Nam.

Giọng nam: Chương trình Giao lưu Văn hoá các Dân tộc Việt Nam.

Biên tập viên (BTV) Thu Thuỷ xin chào đồng bào và các bạn! Rất vui được gặp lại đồng bào và các bạn trong chương trình hôm nay mùng 5 tháng 6, ngày mà cách đây đúng 100 năm người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước. Người thanh niên đó chính là Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc Việt Nam. Sau bao năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ của chúng ta đã tìm ra con đường duy nhất là đấu tranh giải phóng dân tộc. Với con đường đó, Người đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam đứng lên đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập tự do làm chủ cuộc đời mình.

Phát nhạc: Bài hát “Làng Chăm ơn Bác” do Đàng Năng Đức trình bày.

BTV Thu Thuỷ: Đồng bào và các bạn thân mến! Bài hát Làng Chăm ơn Bác của nhạc sĩ người Chăm Amư Nhân, do nghệ sĩ Đàng Năng Đức thể hiện mà đồng bào và các bạn đang nghe đã nói lên phần nào tấm lòng của đồng bào Chăm nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đối với công lao trời biển của Bác Hồ, đáp lại tình cảm của Bác và tỏ lòng kính yếu đối với Bác Hồ, đồng bào các dân tộc thiểu số trong đó, có đồng bào Chăm đã không ngừng cố gắng gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam phong phú và đa dạng, nhưng không bao giờ mất đi nét độc đáo của dân tộc mình. Đó là nội dung mà Chương Trình Giao lưu Văn hoá các Dân tộc Việt Nam đề cập. Các trí thức của làng Chăm là nhà thơ Inrasara, nhạc sĩ Amư Nhân và PGS.TS. Ngô Văn Doanh (Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á) sẽ đồng hành cùng chúng ta trong chương trình của hôm nay.

BTV Thu Thuỷ: À. Vâng. Xin được cùng trò chuyện  với nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Amư Nhân.

Nhạc sĩ Amư Nhân: À. Trước hết, tôi xin gởi đến tất cả quý vị trong cả nước lời chào thân mến nhất. Tôi thật sự vinh dự và bằng lòng với danh hiệu này, trên 20 năm làm nghệ thuật trong cuộc đời sáng tác của mình, vừa sáng tác vừa biểu diễn, Nhà nước phong tặng (danh hiệu) nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Amư Nhân.

BTV Thu Thuỷ: À. Vâng! Thưa anh Amư Nhân!  Bà con dân tộc nói chung và bà con làng Chăm đã hết sức vui mừng là vì có một  nhạc sĩ là người dân tộc có một bài hát hay như thế! Và, chắc chắn anh đang tiếp tục sáng tác nhiều hơn nữa về đề tài dân tộc về đề tài trong đời sống mới hôm nay. Nhưng, trước hết xin anh chia sẻ với quý bạn nghe đài về bài “Làng Chăm ơn Bác” mà nghệ sĩ Đàng Năng Đức vừa thể hiện ạ!

Nhạc sĩ Amư Nhân: À. Sáng tác của tôi nói chung thì là viết đa phần là về đề tài của dân tộc Chăm về cuộc sống mến thương về làng dệt, làng gốm lâu nay mà chúng ta đã nghe mà bài Tình Làng Gốm, Sợi Chỉ Đủ Màu và Bến Nước Tình Yêu, Hò Ra Khơi ca ngợi về biển của Ninh Thuận. Mà chắc chắn khán giả đã biết đến bài (hát) Làng Chăm ơn Bác. Bài hát tôi đã sáng tác vào năm 1985, nhân dịp 95 năm ngày sinh nhật của Bác. Tôi xin cảm ơn quý khán thính giả đã có sự ái mộ và cảm thụ được bài Làng Chăm ơn Bác. Vào năm 1985, tôi đi tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen tại Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ và tôi đã tự biên tự diễn bài hát này. Tôi là người đầu tiên, hát bài này trên sân khấu Nghệ Tĩnh, tôi hát đoạt huy chương vàng. Một lúc tôi đoạt 2 vinh dự một cho người hát (đoạt) huy chương vàng và một cái vinh dự nữa là bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh cho sáng tác, một trong những bài hát hay nhất trong Liên Hoan. Bài hát này, tôi đã dựa  theo chất liệu anh hùng ca của người Chăm. Người Chăm gọi là giọng Cei Tathun. Đây là một làn điệu rất là hùng tráng mang tính chất tráng ca. Tại vì, theo cái làn điệu của đàn Kanhi gọi là nhị mai rùa, do ông thầy chủ lễ Kadhar kéo và hát trên các lăng tháp nhân dịp lễ hội Katê và hát trong (dịp) lễ hội thả diều.v.v. Nội dung rất là bốc lửa ca ngợi anh hùng xong pha ngoài trận mạc. Tôi đã vận dụng âm hưởng này để tôi viết. Tôi viết thành 3 phần. Phần mở đầu là tự sự, nói về tình cảm của tôi (khi) đến quê Bác lần đầu tiên:

Từ làng Chăm xa xôi nay con về thăm quê Bác, nghe trong lòng bao thương nhớ.  Ôi! mang nặng tình Bác trong tim.

Và nó phù hợp với lúc mà Bác đang ở quê nhà, giai điệu nó là giãn ra và nó chậm  chạp để mà diễn đạt. Sau đó, nó chuyển qua tiết điệu nhanh vừa:

Nhớ lời Bác gìn giữ quê hương nòi giống, ánh dương rạng rỡ tổ quốc gắm vóc non sông, người Chăm luôn  ghi nhớ ơn của Bác Hồ vĩ đại,  nhìn về tương lai muôn niềm tin dâng tràn ước mơ hoà bài ca chiến thắng Nam Bắc yêu thương thiết tha.

Và lúc đó tôi hình dung ra là Bác đang ra đi tìm đường cứu nước. Và đoạn B là:

Độc lập tự do lời Bác gọi thống nhất đất nước cùng dựng xây quê hương vang khắp thế giới trong trái tim của  nhân loại Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm.

Đó là cái phần mà về âm nhạc thì nó liên tục đảo phách và  mạnh mẽ và nó lắng xuống để ca ngợi đất nước mình đã hoàn toàn độc lập tự do. Cho nên, nó 3 đoạn, nó logic với cái ba thời kì Bác đang ở quê nhà, Bác ra đi tìm đường cứu nước và đem lại độc lập tự do cho non sông.

BTV Thu Thuỷ: À, với những đổi mới của làng Chăm hôm nay. Rồi, cả nước đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ (Hồ Chí Minh). Thì anh, sẽ tiếp túc sáng tác như thế nào về đổi mới về Bác Hồ Kính yêu của chúng ta?

Nhạc sĩ Amư Nhân: Cái điều mà tôi đã thực sự nói nhiều lần trên báo chí: Người Chăm hôm nay hoàn toàn đổi mới. Nhiều giới trí thức, hàng trăm kĩ sư, bác sĩ đã ra đời. Cái điều đó là vô cùng vinh dự. Vì sao, bởi vì trước đây không có. Cái điều này là sự thật. Cho nên, tôi thấy là xã hội công bằng, văn minh. Tức là, không có dân tộc thiểu số, đa số gì cả! Cái đầu mình là chính, ai học giỏi thì người đó trở thành người giỏi. Tôi thấy là bây giờ, đường làng khang trang, những ngôi nhà tình nghĩa đang mọc lên. Và Đảng và Nhà nước đang quan tâm đến bà con dân tộc Chăm cũng như 54 dân tộc anh em trong cả nước. Thì bây giờ, anh em trí thức Chăm cũng rất là nhiều. Tức nhiên là, tôi nói bằng ngôn ngữ âm nhạc, bài  Làng Chăm ơn Bác tôi đã nói rồi! Thì Bác Hồ là người đức độ, đã để lại cho bản thân tôi một cái ấn tượng tốt đẹp. Chính tôi là người khi viết bài hát này, thì tôi vinh dự, tôi viết bài hát này để ca ngợi vị anh hùng dân tộc. Tôi nghĩ rằng, bài hát này nó ảnh hưởng sâu sắc trong cộng đồng dân tộc Chăm. Người ta, rất thích nghe và tất nhiên là hàng ngày, hàng giờ bà con dân tộc Chăm cũng đã sống với đời sống âm nhạc và đã học tập theo gương Bác Hồ. Cái đó là tấm gương, không những người Chăm không, theo tôi nghĩ là 54 dân tộc và báo chí thông tin đại chúng bây giờ là lúc nào cũng nhắc đến tấm gương (đạo đức) của Bác. Tôi nghĩ, bà con dân tộc Chăm cũng đã nhận thức được.

BTV Thu Thuỷ: Và bản thân nhạc sĩ (thì sao)?

Nhạc sĩ Amư Nhân: Tôi đã viết bài về Bác rồi, thì lúc nào tôi cũng nghĩ đến tấm gương (đạo đức) này, tôi sáng tác vì dân tộc, vì nhân dân. Nếu có ai hỏi tôi rằng: Anh có thể sáng tác về bài Bác bài hát thứ hai được không, thì tôi chưa dám nói. Nhưng mà, tôi đang thai nghén. Tôi muốn sống theo cái lối sống của riêng mình. Tức nhiên là nó phù hợp với xã hội bây giờ. Cái cuộc sống đang lên thì mình phải sống hoà nhập như thế nào tốt đẹp, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Mình vì mọi người, làm thế nào đó, trong cái chuyên môn của mình là về âm nhạc, có nghĩa là mình chỉ nói bằng ngôn ngữ âm nhạc. Cái chức năng, cái vai trò của mình là như thế! Thì tôi mong rằng, bà con (yêu âm nhạc) sẽ hiểu cho tôi, thông qua âm nhạc bà con sẽ hiểu thêm tôi nhiều hơn.

BTV Thu Thuỷ: Ah. Vâng. Xin cảm ơn nhạc sĩ Amư Nhân! đã chia sẻ những tâm sự  dồn (ruột) gan của mình. Thưa bà con và các bạn! Chắc chắn lát nữa, nhạc sĩ Amư Nhân sẽ trở lại với chương trình. Bây giờ, chúng ta sẽ trò chuyện với một trí thức Chăm cũng sinh ra và lớn lên ở làng Chăm huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cùng quê với nhạc sĩ Amư Nhân. Đó là: Nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc Chăm Inrasara.

BTV Thu Thuỷ: À. Vâng, thưa anh Inrasara! Nếu được nói về bài hát Làng Chăm ơn Bác của nhạc sĩ Amư Nhân thì anh sẽ nói điều gì trước tiên ạ!

Inrasara: Có thể nói là, bài Làng Chăm ơn Bác của (nhạc sĩ ) Amư Nhân đã khẳng định được tên tuổi của anh. Và bài hát đó được rất là nhiều các ca sĩ hoặc là các ca sĩ nghiệp dư trên các sân khấu ở nhà quê trình bày, được trình bày thường xuyên trong các dịp lễ hội của người Chăm. Khi họ trình bày như vậy, tức là họ yêu thích. Và, khi (mà) họ trình bày nhiều như vậy, thì chứng tỏ ca khúc của anh Amư Nhân đã đi sâu vào lòng của đồng bào. Còn nó đi sâu như thế nào thì cái đó đồng bào tự nhận ra và thể hiện qua cuộc sống hàng ngày cũng như qua các giọng điệu qua âm điệu và gởi hồn vào ca khúc đó.

BTV Thu Thuỷ: Thưa anh! Vậy thì, Tư tưởng của Bác Hồ (Hồ Chí Minh), có ảnh hưởng như thế nào với nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc Chăm như anh ạ!

Inrasara: Có thể nói, tư tưởng của Hồ Chí Minh là một (hệ) tư tưởng mở. Tư tưởng nhấn vào sự bảo tồn văn hoá dân tộc. Và đề cập rất là sâu sắc và rất là nền tảng với văn hoá dân tộc cũng như đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng như tôi nhớ: Một câu chuyện, Bác Hồ có (đi) thăm một trường dân tộc thiểu số phía Bắc, thấy là các em mặc đồng phục chung chung. Bác Hồ hỏi là: Như vậy, trường này là của trường người Kinh à! Hiệu trưởng trả lời là không, trường của dân tộc Bác ạ! Bác Hồ nói là: Dân tộc sao lại mặc áo của người Kinh? Đó là tư tưởng của Bác Hồ. Một điểm rất là nhỏ, nhưng mà nó nói được tính nhân văn rất là cao cả của Bác. Và chúng tôi, với tư cách là một người nghiên cứu, đồng thời là một người hoạt động xã hội, chúng tôi, rất là trân trọng tinh thần đó. Một cái điểm nhỏ thôi cũng nói lên rất là nhiều điều. Bác đã tâm đắc và Bác như muốn nhấn nhủ lại đến (với) cộng đồng các dân tộc cũng như các chính quyền địa phương, trung ương và chính sách của Đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam chúng ta.

BTV Thu Thuỷ: À, vâng. Và xin được cảm ơn anh Inrasara! Và xin một lần nữa, chúng tôi xin mời bà con và các bạn nghe bài hát Làng Chăm ơn Bác của nhạc sĩ Amư Nhân.

Phát nhạc: Làng Chăm ơn Bác.

BTV Thu Thuỷ: Đồng bào và các bạn thân mến! Tagalau tiếng Chăm có nghĩa là cây hoa Bằng Lăng, một loại cây rất đặc trưng của vùng Ninh Thuận, Bình Thuận. Nó chịu nắng, chịu gió mà vẫn nở hoa. Mặc dù, là thời tiết khắc nghiệt nhất, đất đai cằn cỗi nhất. Dù đi đâu về đâu, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn nhắc đến sự bền bỉ, dẻo dai của cây Tagalau. Và ngây bây giờ, đồng nghiệp của chúng tôi có bài giới thiệu về Inrasara-Tagalau của miền gió cát.

Được nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á là một tác giả người Việt Nam, nhà thơ song ngữ dân tộc Chăm Inrasara với tập thơ “Lễ Tẩy Trần Tháng Tư”. Đó là điều rất quý đối với đồng bào dân tộc Chăm. Trước tiên, Inrasara là nhà thơ, nhà thơ sáng tác song ngữ và sáng tác từ rất sớm. Nhưng 25 năm sau, mới có tác phẩm đầu tiên in và cũng là tác phẩm đầu tiên đăng báo. Đó là nói về thơ. Riêng về nghiên cứu, thì Sara tập trung nghiên cứu về văn học Chăm cả văn học dân gian lẫn văn học viết. Và muốn hiểu văn học Chăm phải qua cái ải ngôn ngữ. Nghiên cứu về ngôn ngữ Chăm và từ đó Sara đã hoàn thành được một bộ Văn học Chăm, soạn (chung) mấy cuốn Tự điển Chăm và soạn cuốn Tự học tiếng Chăm. Nhưng, nếu nói về văn học dân tộc Chăm mà chỉ biết đến Inrasara như vậy thôi là không đủ. Vậy, thế hệ sau sẽ như thế nào? Do đó, Sara làm tuyển tập, gần như là tuyển tập tạp san Tagalau-Tuyển tập sáng tác, sưu tầm và nghiên cứu Chăm. Và, qua 6 số Tagalau. Sara đã giới thiệu được một số gương mặt sáng tác của dân tộc Chăm, thơ cũng như văn. Anh đã nói về người Chăm như thế này :

Inrasara: Tôi thấy người Chăm rất là lạ!  Dường như, (từ khi) Sara lớn lên, Sara chưa thấy một ông già Chăm nào mù chữ Chăm. Ah! Đó là một dân tộc rất là kì lạ và họ rất là quý sách và họ yêu văn chương. Dường như, gia đình nào cũng có sách trong nhà. Ah! Mặc dù, sách chép tay. Mặc dù văn hoá Chăm chưa qua kĩ thuật in ấn và có lẽ Sara thừa hưởng chung truyền thống văn hoá đó. Và bắt đầu từ năm 12-13 tuổi là Sara đã có ý thức rất là yêu chữ nghĩa. Thứ nhất là tiếng vang của chữ nghĩa, tiếng vang của từ của vài cụ già Chăm cũng như của mẹ Sara. Và tiếng vang đó, nó ám ảnh Sara và Sara làm thơ để nói về ngôn ngữ, nói về chữ đó.

BTV Thu Thuỷ: 15 tuổi đã sáng tác song ngữ, đề tài xoay quanh con sông, thế giới tuổi thơ, cha mẹ, bạn bè và những gì thuộc về quê hương thân thương nhất của Sara. Sau này, Sara mới có khuynh hướng cách tân, mở rộng đề tài, mở rộng không gian thơ. Các bài thơ lẽ của Sara cũng được nhiều người chép, được nhiều người học, một số bài được tuyển vào sách tiếng Chăm. Nói về thơ Sara hiện đại thì nói dài. Nhưng, Sara chỉ nhấn mạnh về khoảng thời gian mình sáng tác từ 15 đến 20 tuổi. Đó là những bài thơ rất dễ đọc rất dễ thuộc từ phong cách sáng tác đến từ ngữ, cũng như ý tưởng  gần gũi với bà con. Còn khuynh hướng cách tân thì Sara cho rằng

Inrasara: Sara đã nói rồi! Chỉ sau này mới có khuynh hướng cách tân. Nhưng mà, cách tân đó theo như thế nào  (Chẳng hạn) tôi chỉ nói một ví dụ cụ thể thôi! Về Thơ Mới, tại sao các độc giả Thơ Mới, họ rất là dễ tiếp nhận Thơ Mới của thời Tiền chiến. Tại vì, ngay thời đó ở trong chương trình học, người ta đã trang bị cho họ trường phái Lãng Mạn, trường phái Tượng trưng cũng như Hiện thực rồi. Khi một loạt nhà Thơ xuất hiện là độc giả đón nhận liền. Còn bây giờ thì sao? Bây giờ thì trong Trường Đại học là chúng ta không dạy, không có chương trình nào về các trào lưu thơ Hiện đại của thế giới. Nên, các nhà thơ sáng tác bây giờ là họ rất là dễ gây dị ứng cho người đọc. Tại vì, chúng ta, chưa chuẩn bị một thế hệ độc giả để đón nhận cái mới. Và thơ Sara cũng có thể nằm trong cái (cái) ngoài tầm mong đợi của độc giả hiện đại.

BTV Thu Thuỷ: Khu di tích Mỹ Sơn, từng đổ nát hoang tàn. Vậy, nhưng, người ta đã phục dựng để các thế hệ có thể đến chiêm ngưỡng. Nhưng, ngôn ngữ sống mà mất đi thì vô phương cứu chữa. Đó là điều mà Sara đang lo lắng nhất. Và công việc của Sara tập trung vào đó là chính. Nghiên cứu để phục vụ cho thơ và chính thơ ca lại phục vụ (cho) ngôn ngữ sống. Chính thơ ca, tạo ra những từ mới và ứng dụng trong đời sống.Thi sĩ Sara nguyện sẽ là kẻ canh giữ ngôn ngữ của dân tộc mình.

Đồng bào và các bạn thân mến! Như đã giới thiệu tham gia chương trình hôm nay, có PGS.TS. Ngô Văn Doanh. Người đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về  dân tộc Chăm. Các nghiên cứu của ông cho thấy: Dân tộc Chăm có một nền văn hoá phát triển từ lâu đời. Ah! Thưa tiến sĩ!  Vậy, có phải mà vì thế người Chăm có một đội ngũ trí thức rất đông đảo như hôm nay ?

PGS.TS. Ngô Văn Doanh: Người Chăm của nước ta đấy (Việt Nam) với một nền văn hoá rất là phát triển. Họ có cả một truyền thống văn hoá như thế rồi. Có cả một bề dày văn hoá, có cả văn hoá có cả chữ viết, có cả tôn giáo. Họ lại không phải ở cái vùng miền núi. Mà, họ ở cái vùng đồng bằng ven biển. (Thế là), cả về mặt tự nhiên, cả về mặt văn hoá về mặt truyền thống về tất cả các thứ. Thế là, sau này, rồi họ lại sống xung quanh cái người Việt nữa. Cái đó, (họ) cũng tiếp nhận những ảnh hưởng của người Việt. Do đó, nó rất là tự nhiên thôi. Trong các cộng đồng dân tộc nữa là họ là những người có nhiều trí thức. Nói gì thì nói, nói chung là thế. Bất cứ dân tộc nào giữ được văn hoá là nằm ở đội ngũ trí thức đó! Nó có cái gọi là mối quan hệ qua lại. Họ có truyền thống văn hoá (từ) xưa rồi. Chính vì thế, họ có một đội ngũ tri thức. Chính nhờ đội ngũ trí thức làm cho văn hoá lại được tiếp nối,  rất là quan hệ biện chứng  như thế.

BTV Thu Thuỷ: Ah! Thưa tiến sĩ! Ngay trong phóng sự mà đồng nghiệp của chúng tôi vừa thực hiện được, thì nhà thơ Inrasara, có nói là: sự nghiệp văn chương của anh có ảnh hưởng rất lớn từ người mẹ. Qua nghiên cứu thì ông nhận xét như thế nào về vai trò của người phụ nữ trong xã hội  Chăm truyền thống?

PGS.TS. Ngô Văn Doanh: Nó có nguyên nhân, ngay trong văn hoá truyền thống xưa của người Chăm cơ! Như chúng ta đã biết đó, thì người Chăm vốn là một dân tộc mẫu hệ. Nghĩa là gì? (Thì) vai trò của người phụ nữ, cũng trong gia đình thôi, rất được đề cao. Con cái phải theo dòng mẹ. Tất cả mọi thứ, con cái thì phải lấy họ mẹ, hôn nhân thì cũng tính theo họ mẹ, cùng họ với mẹ thì không được lấy nhau. Rồi kinh tế, truyền theo cho con cái. Nó có cái gì đó, ngược hẳn lại với phụ hệ, tức dòng cha. Thậm chí, tôi có những người bạn trí thức Chăm bây giờ đó: Nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học. Mặc dầu, xã hội hiện đại, mặc dầu họ ít sống với mẹ. Nhưng, ảnh hưởng của người mẹ đối với họ ảnh hưởng rất lớn, lớn hơn người Cha. Mặc dầu, người cha có thể làm chức này, chức khác. Nhưng, ảnh hưởng đến họ là người mẹ. Chứng tỏ, dạy các con như thế nào là người mẹ chứ không phải người cha đâu! Vai trò mẫu hệ là hiểu như thế!

BTV Thu Thuỷ: Xin được cảm ơn tiến sĩ Ngô Văn Doanh!

Và, ngay bây giờ, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hoá Inrasara sẽ trở lại với chương trình của chúng ta. Thưa anh Inrasara! Anh giải thích rõ hơn với thính giả của chương trình về chế độ mẫu hệ của đồng bào Chăm ạ!

Inrasara: Người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Tục ngữ Chăm có một câu rất quan trọng là Likei dơng di mưsuh, kamei dơng di mưnưk”. Tức là: phận của đàn ông là chiến đấu, phận của đàn bà là sinh nở. Nghĩa là, phận của đàn bà là sinh nở. Vậy, cứ hãy để cho họ cai quản gia đình. Bổn phận của người Chăm (đàn ông Chăm) lăn xả ra ngoài xã hội còn của phụ nữ Chăm là ở trong gia đình, cai quản gia đình và lo quán xuyến gia đình. Đây là quyền lợi và nghĩa vụ cao cả của họ. Do đó, ta thấy chị em đã chấp nhận hy sinh, ẩn mình cho và dưới vinh quang của chồng. Một câu tục ngữ khác là: Diip krah ngap hadah bbauk pathang (Vợ sáng làm sang mặt chồng). Và, đúng trong thực tế của xã hội Chăm là như vậy. Chính dưới tinh thần này, mà bà tổ ấm quê hương đã soạn nguyên một tập Gia Huấn Ca gọi là: Kabbon Muk Thruh Palei để dạy cho phụ nữ Chăm, từ việc thiêu thùa, bếp núc, đến việc tổ chức gia đình Chăm. Từ đối xử với người ở, chồng con đến các vị khách của chồng. Từ ruộng nương đến buôn bán. Từ sản xuất đến tiết kiệm. Tất cả, chỉ cho con được vui sướng, (cho) chồng được mở mặt mở mày ở ngoài xã hội. Trong chế độ xã hội mẫu hệ gia đình Chăm, xã hội cách đây 20 năm về trước, là không có hiện tượng đĩ điếm và ăn xin trong xã hội này. Vì nếu bạn bị neo đơn, hoặc là mất khả năng kiếm sống. Người trong (dòng) họ sẽ thay nhau đùm bọc bạn. Còn khi bạn chết, thì chính họ góp công của cho bạn được hưởng các lễ nghi cúng tế tối thiểu nhất để bạn về an cư trong Kut, tức là trong nghĩa địa tộc mẹ. Bạn không được quyền đi ăn xin và cô cũng vậy, không được quyền làm đĩ. Như thế sẽ mất mặt cả dòng họ. Đương nhiên, là chế độ mẫu hệ Chăm có nhiều cái ưu điểm khác. Đương nhiên trong 20 năm qua thế giới cũng thay đổi nhiều. Còn xã hội Chăm nói chung và chế độ gia đình mẫu hệ Chăm nói riêng cũng có nhiều thay đổi. Ví dụ: Mươi năm nay (10 năm nay), mấy ngàn nữ Chăm vào thành phố tìm việc. Họ cũng biết vào xưởng máy làm công nhân, thay vì bám ruộng đồng như xưa. Trong giới  chị em Chăm, cũng đã có bác sĩ, y sĩ, kĩ sư, giáo viên cấp III và cũng có vai trò rất là lớn trong xã hội hiện đại. Đó là chuyện không còn hiếm nữa. Đấy là một thay đổi tích cực, đối với chế độ gia đình mẫu hệ Chăm hiện nay.

BTV Thu Thuỷ: Ah! Vâng! Và qua  thực tế thì tôi thấy là người phụ nữ Chăm rất là được tôn trọng. Cho dù người đàn ông Chăm trong gia đình làm ra tiền. Nhưng khi, muốn mua một món đồ nào đó cần nhiều tiền thì phải có sự đồng ý của người vợ, phải có người vợ mở kho xuất tiền thì mới được mua có đúng không ạ?

Inrasara: Đúng rồi! Tức là người phụ nữ Chăm là người giữ hòm tiền, giữ chìa khoá của gia đình. Có thể, người đàn ông làm kinh tế, hoặc làm công chức ở ngoài đời, mang tiền về  cho vợ cất và người vợ chi tiêu và họ cũng biết là dè xẻn, cũng biết điều tiết để làm sao cho gia đình được ấm cúng, con cái được đi học và chồng được mở mài mở mặt ngoài xã hội. Đó là cách (thức) quản lý gia đình của người phụ nữ Chăm trong chế độ mẫu hệ. Và tất cả chi tiết đó, được bà tổ quê hương Muk Thruh Palei dạy rất là cặn kẽ trong tập sách đó.

BTV Thu Thuỷ: Và, như trong gia đình anh, thì chị Hani vợ anh là một nghệ nhân (dệt) rất giỏi!

Inrasara: Trong gia đình của tôi cũng vậy! Tôi có thể đi nói chuyện văn chương, hoặc là tôi có thể đi các nơi để sưu tầm nghiên cứu. Nhưng khi tất cả tiền bạc mà tôi có thì tôi đưa cho vợ hết. Và, ngay cả khi chúng tôi thành lập Nhà Trưng bày Văn hoá Chăm INRAHANI, tức là tôi muốn lấy tên vợ để đặt cho nhà trưng bày đó. Là theo chế độ mẫu hệ, vì chính người vợ, người (phụ) nữ Chăm là người giữ các phong tục, tập quán, các đặc trưng văn hoá. Và tất tần tật cái gì liên quan đến cái cũ. Và, tôi cũng có ý định muốn đặt tên cho nhà trưng bày đó là tên của bà xã tức là INRAHANI.

BTV Thu Thuỷ: Thưa đồng bào và các bạn! Nói như tiến sĩ Ngô Văn Doanh: Phải có nền văn hoá thì mới có trí thức, mà có trí thức thì mới giữ được nền văn hoá là mối quan hệ biện chứng. Các trí thức người Chăm đang nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Phần cuối của chương trình hôm nay, chúng tôi dành lời cho nhạc sĩ Amư Nhân để nói về làng Chăm Phú Nhuận quê anh ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Nhạc sĩ Amư Nhân: Lâu nay, anh em cũng ngồi với nhau mà giải thích khác nhau. Tôi thấy làng giàu cũng là (có) văn hoá và làng nghèo cũng là (có) văn hoá. Nhiều làng có học cũng văn hoá, không học cũng văn hoá. Bây giờ là có một cái dấu hỏi (?) mà có nhiều người trong giới trí thức Chăm cũng đặt câu hỏi như thế! Thế nào là làng văn hoá? Thì theo tôi được hiểu thì làng văn hoá là một làng con em dân tộc được học hành đầy đủ. Rồi văn hoá là (một) phạm trù nó rộng nghĩa. Thì một làng mà nó có tổ chức, có lễ hội truyền thống hàng năm có nề nếp, đường làng khang trang v.v. Nhà cửa đang mọc lên ví dụ như thế. Nhưng mà, làng Phú Nhuận tôi thấy: (Rất) là xứng đáng, xứng đáng mang tên Làng Văn hoá Phú Nhuận. Mặc dù hiện nay, thì nói thật, so với các làng khác thì làng Phú Nhuận (đi) học ít hơn.

BTV Thu Thuỷ: Anh đã phát hiện và đào tạo đội ngũ sáng tác trẻ để kế cận mình chứ ạ?

Nhạc sĩ Amư Nhân: Nhưng mà, tôi đang muốn đào tạo. Tôi đào tạo rồi! Một vài lớp sáng tác rồi. Tôi dạy miễn phí mà! Cho các em thích học, tôi dạy miễn phí ! Ở trên cứ nói là đào tạo phát hiện, phát hiện đội ngũ trẻ, tài năng trẻ. Nhưng không biết phát hiện chỗ nào? Mà tôi đã là tập trung các em đã biết nhạc rồi nhé! Ví dụ: như các giáo sinh nè! Các em đã học Trường Cao đẳng Sư phạm nhạc. Thì nói tóm lại, nhân đây tôi cũng (nói) đây là vai trò của tôi người đi trước, tôi  rất lo cho thế hệ mai sau. Tất nhiên, tôi sẽ đem hết khả năng của mình để làm thế nào đó cho các em biết sáng tác và sẽ kết nạp vào, từng bước kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam cũng như Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tôi dạy mỗi năm, thường thường trung bình 10 em. Bây giờ tôi mong muốn làm sao! Bằng mọi giá, phải đào tạo được, ít nhất  vài 3 em để sáng tác theo con đường của tôi cho nó ra hồn Chăm. Thì không biết bây giờ, do thời đại hiện đại quá! Các cháu thì tiếp xúc với nhạc phương Tây nhiều quá! Nghe Pop, Rock, Hip Hop nhiều quá! Thì cho nên, sáng tác (nhạc) Chăm không ra hồn. Thì cho nên cái điều đó, tôi đang lo, vừa lo hả! vừa đang nghĩ nhiều cách để hướng dẫn cho các cháu đi theo con đường (nghệ thuật) của mình. Tôi đã trình bày với Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, tôi sáng tác từ năm 17 tuổi. Tức là, niềm đam mê như thế! Với những người sáng tác, phải có niềm đam mê như thế! Khao khát đam mê. Tại sao ? Mà những bài hát người ta sáng tác được Tại sao? Mà mình không sáng tác được! Tại sao mà người ta sáng tác hay mà mình sáng tác không hay? Cái điều đó là cấu hỏi rất lớn đối với những người sáng tác đối với nhạc sĩ.

BTV Thu Thuỷ: Xin cảm ơn nhạc sĩ Amư Nhân!

Đồng bào và các bạn thân mến! Chương trình giao lưu văn hoá các dân tộc Việt Nam tuần này, xin tạm dừng tại đây. Chương trình này, do Thu Thuỷ chủ biên. Cảm ơn đồng bào và các bạn đã quan tâm theo dõi. Xin chào và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

________________________

* Ghi chú:

– Câu hỏi PV phỏng vấn Inrasara về ca khúc Làng Chăm ơn Bác có 2 phần, khi phát thì Biên tập viên đã gom lại làm một. Nguyên văn câu 2 như sau:

Xin nhà thơ cho biết tấm lòng của bà con Chăm đối với Bác khi nghe ca khúc này? Lời hát của ca khúc trên đã đi sâu vào lòng đồng bào dân tộc mình như thế nào ạ?

– Về chế độ mẫu hệ, câu trả lời được lược bớt nhiều, khác với phần tôi đã ghi trong bài “Chương trình giao lưu văn hóa VOV2” (Inrasara.com, 5-6-2011), do thời lượng không cho phép, có lẽ.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *