Người Chăm có thông minh không? – Thượng đế thì cười

Người Chăm có thông minh không?

Câu chuyện ngoài lề 02: THƯỢNG ĐẾ THÌ CƯỜI

Hay phán xét và phản biện

 

1. Chuyện kể vui.

Có nhóm bốn quý bà sau cơm chiều rủ nhau qua nhà bà bạn ngồi tán gẫu. Mãi 9 giờ tối, một chị xin kiếu về trước, do có con nhỏ. Lí do rất chính đáng. Cánh cửa vừa khép lại, bà chị tội nghiệp bỗng thành miếng mồi cho bốn chị còn lại bình phẩm. 9:32 giờ, một chị khác sau một hồi ngần ngừ cũng xin phép, với lời lẽ ôn tồn lịch thiệp. – Ảnh làm về tối, em phải về chuẩn bị cơm cho ảnh…

Chị này cũng không tránh khỏi bình luận từ quý bà còn lại…

Rồi 10 giờ. 10 giờ hơn. Hai vị khách liếc nhìn nhau. Không ai có ý định về trước, nhưng lẽ nào ngồi đến sáng? Thế là khi đồng hồ tường điểm 10:30, cả hai rủ nhau cùng… về.

Chuyện quý bà là vậy. Lời đàm tiếu từ hai đơn vị thôi cũng có sức mạnh ghê gớm. Ít ai chịu dời đi để cho ai đó nói sau lưng mình.

 

Tôi ít khi lai rai nhậu nhẹt, dù nhậu nhẹt bù khú cũng có cái thú của nó. Nếu có ngồi, tôi lại lặng thinh như tượng đất từ đầu chí cuối cuộc. Bạn văn Phạm Lưu Vũ có bận la tôi: Cà phê với Sara thì thú, chứ nhậu với ông thì chán thấy bà…

Nghe kể cánh quý ông Chăm ngồi vào bàn nhậu cũng quyết liệt lắm. Không chịu thua nhau về khoản dzô trăm phần trăm là đành rồi, cũng chả ai chịu thua chị kém anh về khoản lí sự. Thắng cái lí ở bàn nhậu để làm gì không hiểu, nhưng phải thắng. Dứt khoát phải cho thằng cha biết thế nào là lễ độ. Có khi quyết liệt đến thành ginaung hờn. Dẫu sao, ở đó có cái được là ginaung tới đâu, bạn nhậu cũng lại tìm nhau bù khú… Vui vẻ.

 

Chịu thua xíu thì chẳng sứt mẻ ai, vậy mà ít ai chấp nhận chịu thua. Có khi một bình phẩm vu vơ nào đó cũng làm ta mất ăn mất ngủ, hay một phê bình cá nhân đâm thọc cũng khiến ta chia phe xẻ nhóm đấu đá đến gây thù chuốc oán cho nhau. Rât… buồn cười. Nhớ lại “chiến trường email” anh em Chăm có chữ nghĩa vài năm qua, mới thấy đúng là chuyện chẳng đâu vào đâu. Không ít bận tên Inrasara cũng bị lôi kéo vào cuộc. Không ít lần các “đồng chí” cố đẩy tôi lên đài so găng. Nhưng tôi nói: miễn cho em đi các bác ạ. Một thư nặc danh hay dù có kí tên thật đi nữa, thì có sao đâu! Inrasara trong con mắt vợ tôi khác hẳn với Inrasara THẬT, bà xã có chê tôi tới bến đố tôi dám cãi. Cũng vậy, tôi trong con mắt ai đó là “tôi” của họ, chứ không là TÔI. Nếu phê phán là họ phê phán cái “tôi” do họ tưởng tượng ra ấy. Vậy hà cớ tôi làm to chuyện.

Tôi, chẳng có gì trầm trọng cả!

Đời là nhẹ.

Ai đó nói trúng thì mình sửa, sai thì thôi. Nhanh và gọn. Chuyện hai năm trước đã thành cổ tích rồi. Dom blauh dom kadauk. Bình tĩnh ngoái lại ôn cố tri tân, là cần. Nhận ra sai lầm cũ để rút kinh nghiệm cho hành động đúng ở thì tương lai.

 

2. Đó là chuyện ngoài lề, vào tai này bay qua tai nọ mà đã thế, nói chi lời bình phẩm được viết ra giấy có in ấn có phát hành làng trên xóm dưới đọc, sẵn sàng “đi vào sử sách” (!!!) ta còn quan trọng hóa đến đâu nữa. Có khi ta đã trầm trọng và quyết liệt… chết bỏ. Nhưng suy cho cùng kì lí thì chả có gì nghiêm trọng cả! Con người bất toàn, bất toàn từ tri thức cho đến tính cách, nên sai lầm là thuộc tính của hắn. Của ta và của tha nhân. Có khi cần thiết nữa.

Tạ ơn bước chân hoang, trái tim lầm lạc…

 

Còn người nào nói cái gì cũng trúng có là thánh rồi. Riêng lầm lạc ta phải tạ ơn vì chính nó làm cho ta lớn lên, thành người.

Trong các kì Bàn tròn Văn chương, “không khen không chê” là một trong ba quy ước tôi đề ra cho thảo luận. – Không khen không chê thì nói năng làm sao? – Có vị hỏi thế. Tôi bảo: – Thì bạn không được khen không được chê. Nghĩa là bạn biết định tính, định danh và phân tích sao cho thính giả nghe lọt tai là được.

Viết ra một tiểu luận ngắn hay cày nên một tác phẩm dày, có trúng có trật, có chuẩn xác có hớ hênh. Nhưng tâm lí con người cứ cái ta viết ra phải là trúng đã. Mới… phiền. Bởi ta đinh ninh nó chân lí thập thành, nên không ai đụng vào nó được. Đụng vào là ta làm ỏm tỏi lên. Còn người phê bình do kém tế nhị, cứ phê cho đã ngứa. Quý ngài bị phê bình thì nóng gáy, phản pháo lại không biết trời trăng gì nữa. Thế là thành to.

 

Cái bệnh của nhân loại là thích làm thầy đời, – Mạnh Tử nói. Chưa hiểu thấu đáo vấn đề cũng phán xét, có khi chưa hiểu rõ tâm hồn sinh linh nào đó, cũng đưa lời phê bình. Nhưng…

Con người phán xét, Thượng đế thì cười.

Người trí huệ, biết mười nói một. Còn kẻ trí thiểu biết một nói ba. Nói, và hớ. Cho nên nói định tính, định danh và phân tích cái “sai” của thiên hạ, nếu trúng, may ra có kẻ nghe. Còn cứ một mực phán người đời “phản bội thuần phong mĩ tục “, phá hủy truyền thống dân tộc”, “sai lầm nghiêm trọng”… thì có đúng đằng trời cũng chả ma nào chịu phục.

Đó chính là khác biệt căn bản giữa phản biện và phán xét.

 

Người Chăm có thông minh không?

Sài Gòn, 4-6-2011

 

 

 

2 thoughts on “Người Chăm có thông minh không? – Thượng đế thì cười

  1. Người Chăm có thông minh không?
    Inrasara rất chịu chơi! Đọc lại nè:

    Chịu thua xíu thì chẳng sứt mẻ ai,vậy mà ít ai chấp nhận chịu thua. Có khi một bình phẩm vu vơ nào đó cũng làm ta mất ăn mất ngủ. Rât… buồn cười. Nhớ lại “chiến trường email”anh em Chăm có chữ nghĩa vài năm qua,mới thấy đúng là chuyện chẳng đâu vào đâu. Không ít bận tên Inrasara cũng bị lôi kéo vào cuộc. Không ít lần các “đồng chí”cố đẩy tôi lên đài so găng. Nhưng tôi nói:miễn cho em đi các bác ạ. Một thư nặc danh hay dù có kí tên thật đi nữa,thì có sao đâu! Inrasara trong con mắt vợ tôi khác hẳn với Inrasara THẬT,bà xã có chê tôi tới bến đố tôi dám cãi. Cũng vậy,tôi trong con mắt ai đó là “tôi”của họ,chứ không là TÔI. Nếu phê phán là họ phê phán cái “tôi”do họ tưởng tượng ra ấy. Vậy hà cớ tôi làm to chuyện.

    Tôi,chẳng có gì trầm trọng cả!”

    Mấy ông trí thức Chăm chống nhau, người ngoài cười. Con người chống nhau, Thượng Đế cười…
    Inrasara cười…

  2. Chưa hiểu thấu đáo đã phán xét – câu này hay. Tôi còn thấy rất nhiều ông không phải chuyên môn mình mà cũng hay phê phán. Chăm mình cần hcọ nhiều. Biết nhiều để dìu dắt thế hệ sau. Nếu ai viết ai thì nói nhẹ nhàng là ng ta sửa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *