Trà Chay Pyang: Inrasara có thông minh không?

(bài viết ủng hộ chuyên đề: Người Chăm có thông minh không? – yêu cầu đăng)

Lâu rồi tôi mới viết bài cho báo mạng Chăm lại.
Xin nói ngay là tôi không có chi khó chịu với cách đặt đề “Người Chăm có thông minh không?” của nhà thơ Inrasara. Tôi còn cho là hấp dẫn và rất cần thiết.
Cũng nói thẳng luôn là, ngay cả nhân vật có vẻ thông minh hơn cả trong cộng đồng Chăm lúc này là Inrasara cũng không thông minh. Vì nhà thơ Inrasara đặt ra tiêu đề này, nên tôi góp lời bàn và yêu cầu đăng bài này.
Tôi xin lần lượt nói rõ lý lẽ.

* Sara tuổi hai mươi, 1977.

1/- Trong Inrasara có cả đống mâu thuẫn.
Không thể chối cãi là về nghiên cứu văn hóa dân tộc anh đóng góp cho xã hội Chăm rất lớn. Lớn thuộc loại hàng đầu chớ không ít. Nhưng tại sao anh không công bố các tập thơ tiếng Chăm của anh? Tôi biết anh làm nhiều thơ, làm từ rất lâu rồi. Bà con Chăm biết. Hay anh cho rằng người Chăm không hiểu các bài thơ của mình sao?
– Tôi xin trả lời nếu nghĩ vậy là anh nhầm to.

Inrasara là người nhiều lần lên tiếng về nhiều vấn đề xã hội Chăm. Như anh tự nhận và ai cũng thấy. Xã hội Chăm nhỏ lắm nên ai làm gì mọi người đều thấy. Tôi rất lấy làm lạ là cái gì xảy ra trong xã hội Chăm anh đều biết rất chi li. Nhưng nhiều người cho rằng anh đã không nhiệt tình tham gia vào các phong trào xã hội, ở thành phố hay ở làng quê. Đó là thái độ rất rất rất tiêu cực. Nếu ai cũng có thái độ như anh thì sao?
– Không đáng trách sao?

Inrasara làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Nhưng anh vẫn cứ viết chữ Chăm theo lối chữ của Từ điển cha Moussay (tôi đồng ý với anh là chữ Chăm hiện nay một ít người còn dạy là của Từ điển Moussay chớ không phải “truyền thống” gì cả. Lý này rất hay), vậy mà anh vẫn được Bộ Giáo dục mời thẩm định sách giáo khoa liên tục. Anh vẫn viết chữ theo lối cha Moussay trong cuốn Tự học tiếng Chăm, trong Từ điển ở Đại học. Rồi anh viết cả 2 lối trong Tagalau mà anh làm chủ biên.
– Ai nói gì, chứ tôi cho như thế là lập dị.

Inrasara đã từng phê bình rất nhiều nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Anh lên diễn đàn tranh luận về văn học Việt Nam. Anh không sợ mất lòng ai cả (trích luận văn Thạc sĩ Trần Văn Nam về Inrasara), nhưng tôi thắc mắc tại sao anh lại sợ mất lòng anh em Chăm? Anh em Chăm cãi vã nhau, bà con Chăm lúng túng không biết tin ai, với tư cách là nhà nghiên cứu đi đầu có đủ uy tín để nói, tại sao anh tránh né vấn đề? Nhứt là về chuyện ngôn ngữ chữ viết Chăm vừa qua?
– Quá là mâu thuẫn!

Tôi còn có thể kê ra nhiều mâu thuẫn khác. Tôi xin chuyển qua phần thứ 2…

2/- Inrasara không xác định rõ mục đích, lý tưởng chính của cuộc đời.
Trong đời tư thì không ai phiền anh, nhưng tôi nói về chuyện nó gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Inrasara có tài, là điều ai cũng thấy cũng biết. Anh có tài lớn nữa. Chính do anh có tài về nhiều lãnh vực nên anh sanh ỷ lại. Anh hoạt động nhiều lãnh vực, lãnh vực nào cũng thành công. Chính chỗ này là đáng trách nhất. Tại sao anh không dồn sức cho một vấn đề là văn hóa dân tộc mà lo mãi mê hết sáng tác, đến phê bình rồi làm bàn tròn… Trong lúc tất cả những người Chăm như ts Thành Phần, ts Bá Trung Phụ, ts Phú Văn Hẳn, ths Quảng Đại Cẩn, ths Văn Món, cả ts Dharma ở Pháp… người ta chỉ làm một thứ về văn hóa Chăm.
Rất nhiều vĩ nhân khi họ dồn sức vào một lý tưởng duy nhất họ mới thành vĩ nhân.
– Tôi cho anh Inrasara không thông minh là vậy.

3/- Inrasara không thật hết mình cho dân tộc Chăm.
Nếu hết mình, thì anh tập trung vào cho công cuộc nghiên cứu hay hoạt động xã hội Chăm thôi. Đằng này anh làm nhiều việc, phân tán thời gian và sức lực…
Tôi lấy ví dụ thay vì anh viết tiểu thuyết, viết thơ, viết phê bình, tranh luận văn chương,… mất rất nhiều thời gian và công sức, thì anh hãy làm cho xong Tủ sách văn học Chăm 10 tập, điều hành Tagalau (vụ này anh còn tính đổ sang cho bọn trẻ gánh vác nữa!!!), dạy tiếng Chăm, nghiên cứu vào các lãnh vực văn hóa Chăm chưa được nghiên cứu chuyên sâu, tìm hiểu xã hội Chăm để nghiên cứu cách cải tiến xã hội. Vân vân…
Tôi thấy Inrasara thừa sức làm mấy chuyện đó. Chuyện phê bình văn chương khó gấp trăm lần mà anh còn làm hay, huống hồ mấy chuyện nhỏ này.
Tại sao anh không dồn sức hết mình cho nó? Bởi đó là sự sống còn của tương lai dân tộc Chăm. Vậy mà chính anh đặt ra vấn đề thông minh để tồn tại trước hết!
– Tôi có thể trả lời: Inrasara chưa thật sự yêu dân tộc Chăm đúng nghĩa. Anh chỉ yêu văn chương và tư tưởng của anh thôi.

Tóm lại, Inrasara bổn tánh thông minh. Thủ khoa khi vào lớp Đệ Thất Pô-Klong, được bầu là học sinh xuất sắc nhứt Trường Pô-Klong trong Ngày Truyền thống học đường vào năm đầu tiên trường có Đệ Nhị cấp (tôi học dưới anh 2 lớp), nhà văn trẻ nhứt đoạt Giải thưởng Văn học ĐNÁ (sau đó mới là Nguyễn Ngọc Tư), nhà nghiên cứu trẻ nhứt đoạt Giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh. Không phải không dưng Đài Truyền hình Việt Nam bầu anh là Nhân vật Văn hóa năm 2005. Là của cả nước, điều mà dễ gì ai đạt được. Nhưng anh đã không biết sử dụng đúng mức bổn chất trời cho ấy. Đó mới là điều đáng nói nhứt. Inrasara chỉ mới dùng 20% công lực của mình thôi mà đạt nhiều thành tích to lớn như thế.

Anh đã khẳng định được tên tuổi với người Việt rồi! Có nhà văn Việt Nam còn quyết là anh xuất hiện trên văn đàn như một huyền thoại nữa. Dừng lại thôi Inrasara, nếu không anh sẽ trở thành một nồi lẩu thập cẩm… khổng lồ!!! Xin lỗi.

Kết luận của tôi: Inrasara chưa thông minh. Hay nói cách khác, chưa thông minh bằng một vài người Chăm khác, dù họ ít tài năng hơn anh nhiều.
Lời thật mất lòng. Rất mong anh nghĩ lại! Rất mong nhiều người Chăm cũng nên xem lại mình.

20 thoughts on “Trà Chay Pyang: Inrasara có thông minh không?

  1. Chỉ vì anh Inrasara tập trung vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu mà lĩnh vực nào cũng thành công mà kết luận anh Inrasara không thông minh, không lẽ những người thông minh là những người chỉ am hiểu sâu một lĩnh vực thôi sao? Những bộ óc bách khoa toàn thư như Platon, Socrate, Aristote, … họ không chỉ là nhà triết học lỗi lạc mà còn là nhà vật lý, toán học, sinh học, chính trị học, thiên văn học, đạo đức học, … hàng đầu thời cổ đại. Những nhà bách khoa toàn thư này không thông minh sao? Theo tôi những nhà này là thiên tài ngàn năm có một.
    Kajap karo thuk siam

  2. Tôi hiểu ý Duc Toai lắm. Tôi cũng yêu quý anh Inrasara chứ không phải là không. Dù chúng tôi cùng trường, nhưng 20 năm nay không có dịp gặp anh. Mỗi người một phương, nhưng tôi theo dõi anh rất kĩ. Tôi vẫn hãnh diện Chăm có người như anh Inrasara. Tôi nói không phải là nói cá nhân Inrasara, mà nói chung cho người Chăm mình. Nhà thơ Inrasara cũng đã đặt vấn đề cho chung. Tôi viết:
    “Tại sao anh không dồn sức hết mình cho nó? Bởi đó là sự sống còn của tương lai dân tộc Chăm. Vậy mà chính anh đặt ra vấn đề thông minh để tồn tại trước hết!”
    20% sáng tác thơ văn – 20% phê bình – 20% nói chuyện – 20% cho nghiên cứu văn hóa Chăm… Tại sao không dồn hết cho văn hóa Chăm đi. Tôi hỏi câu hỏi đó, vì nó liên quan đến THÔNG MNH ĐỂ TỒN TẠI.
    Nếu anh Inrasara muốn khẳng định mình với xã hội Việt Nam thì thành công như vậy là quá đủ rồi. Tôi chỉ nhấn vào phần đó. Tiếc cho anh.
    Trả lời vội vậy. Mong Duc Toai hiểu cho nhé.

  3. Anh DucToai nói đúng. Mà bác Trà CP viết cũng không sai. Không phải tôi ba phải đâu.
    Hỏi nếu anh Inra chỉ ng cứu về Chăm thôi, có mấy ai biết anh? RẤT ÍT, dù anh làm hay tới đâu đi nữa. Chúng ta cứ tưởng là ng cứu về dân tộc mình là nhiều người biết – không phải đâu. Ít lắm. Chỉ mấy nhà ng cứu hay vài sinh viên dân tộc học biết với nhau thôi.
    Chính vì anh Inra hoạt động mạnh bên văn học, hoạt động phê bình văn học mà anh nổi tiếng, nên cả nước mới biết anh. Anh tăng thêm uy tín nhiều.
    Nhờ vậy anh mới phát biểu về vấn đề xã hội Chăm, để mọi người có thể lắng nghe.
    Đó là điều rất cần thiết. Tôi nghĩ anh Inra thông minh.
    Hiện nay tôi thấy anh Inra làm được rất hiệu quả.

  4. Người Chăm chúng ta phải nói rằng cực kì thông minh, nếu không muốn nói là thuộc vào những dân tộc thông minh nhất trên thế giới. Nhưng đáng tiếc thay, những biến động của lịch sử trong quá khứ + sự kìm kẹp của một “gia đình” đối với một đứa con đã làm giảm đi tính thông minh vốn có của họ.
    Âu cũng là do số phận! Inrasara rất thông minh và nhiều người Chăm khác nữa cũng vậy. Nhưng khi nào “gia đình” vẫn không cho đứa con đó sự tự do về mọi việc thì trí thông minh đó vẫn chỉ là con số “0” tròn trĩnh.

  5. Thông minh là thông minh nào?
    Không khéo ông Inra “lừa” chúng ta. Ông Inra đã viết bài xong rồi, nhưng ông cứ đăng ít ít vậy thôi. Để kéo chúng ta vào thảo luận, dù là một cuộc thảo luận rất… có ích.
    Theo thiển ý, bạn TAMTHUC và ông Inra phân loại thông minh hơi xa vời. Tôi muốn cụ thể dễ hiểu hơn. Tôi chia thông minh làm mấy phần sau:
    – Thông minh tiếp thu: Nhiều Chăm rất thông minh. Chăm học giỏi thì miễn nói. Hễ Chăm nào biết cố gắng là giỏi. Thầy Thành Phú Bá đã nói thế. Học sinh Chăm từ Pô Klong sang Duy Tân không thua kém ai cả.
    – Thông minh sáng tạo: cái này thì xem lại. Phần này tôi nhớ độc giả nào đó có nói là hiện nay chỉ có ông Inra là nổi bật lên. Tôi hơi đồng ý.
    – Thông minh ứng xử. Phần này chủ quan tôi thôi, Chăm mình hơi bị kém đó. Tôi nghe nói thầy Lưu Quang Sang rất thông minh ở phần này. Nghe nói thôi.
    – Thông minh tổ chức. Phần này thì chưa có nhân vật nào biểu hiện rõ nét để xét. Có lẽ chính ở phần này mà tác giả Trà Chay Pyang bảo ông Inra chưa thông minh. Trà CP gần đúng, nhưng đúng ở góc độ nhìn của anh thôi. Có người nói tổ chức cuộc sống minh có khoa học như ông Inra thì… hiếm. Tôi xin không ý kiến.
    – Thông minh nhưng cứ ỷ lại, thành ra không làm ra việc gì cả. Phần này Chăm mình nhiều không kể hết. Tôi đồng ý với bạn nào đó phê bình th niên Chăm la cà rượu chè… Thầy Nguyễn Văn Tỷ dường như cũng có phê bình Chăm về phần này.
    – Biết mình không thông minh, để lấy cần cù bù thông minh. Đây cũng là cách khá thông minh. Nhà nghiên cứu trẻ VM thuộc phần này. Anh không thông minh, nhưng cần cù phấn đấu rồi thành khá. Theo tôi các bạn trẻ Chăm mình nên tự xét trí thông mình trung bình của mình mà đi theo hướng này.
    – Không thông minh mà không biết mình không thông minh, là kém thông minh nhất.

    Vậy các bạn nào nói Chăm thông minh, rất thông minh hay không thông minh, thì phải phân thành mấy phần vậy để xét thì mới mong thấy rõ sự việc.
    Thông minh là thông minh nào?

  6. Bac Janhohka viet hay va de hieu lam.
    Nhung bac lan lon THONG MINH voi TAI NANG roi.
    Phien bac nhe!

  7. Đây là diễn đàn mở. Diễn đàn mở rất lợi hại, nếu không khéo sẽ hại nhiều hơn lợi.
    May mắn là nhà thơ Inrasara biết điều tiết, nên “Phản hồi” ở mạng này tỏ ra rất… thông minh. Còn nhớ mạng Chăm hải ngoại năm xưa, cũng có forum nhưng vì thiếu người điều tiết giỏi và có tầm nhìn để mọi người lên đó chửi rủa nhau làm mất đoàn kết. Làm mất hay.
    Ở nơi này, cả sự cố NTT hay CKT cũng diễn ra rất lịch sự. Trong khi ở diễn đàn kia có người còn muốn thanh toán nhạc sĩ AN nữa!
    Mào đầu như vậy để nói là ở đây các bạn Chăm lịch sự và văn minh hẳn đi.
    Tôi không biết bạn Janhohka thuộc thế hệ nào, bạn nhận định về thế hệ lớn tuổi hơn tôi, dù ngợi khen nhưng nên cẩn thận.
    Thông minh ứng xử thì rất khó nói. Cương nhu tùy trường hợp.
    Cương quá thành ra thô bạo. Nhu quá thì ươn hèn hay cơ hội.
    Nên nói ông này thông minh ông kia kém hơn thì rất khó. Chúng ta nên bàn chung thôi.

  8. Diễn đàn này không phải ai cũng lên so sánh người này hay người nọ đâu, một trang web mà nhiều người Chăm chúng ta tham khảo học hỏi những người đi trước, biết được thơ văn, văn hóa… tộc người Chăm chúng ta. Còn Janhohka nói cần cù bù thông minh, câu này không phải rồi cần cù để bớt ngu mà thôi, bắt thế hệ trẻ học hỏi như thế này là chết, thông minh của người xưa lẫn người Chăm thời hiện tại là đúng hoàn toàn, do không có điều kiện mà thôi, trong tương lai sẽ biết như thế nào?

  9. Ai giúp được bà con Văn Lâm thu hồi lại hết số đất từ vùng núi Chà Bang trở lịa là người ấy thông minh. Đừng nên bàn cãi nhiều.

  10. Anh Ikan Di Ram lạc đề rồi. Xã hội phân công chuyện nào có bổn phận người nấy.

    Vụ đất đai Văn Lâm thì IDR nên hỏi ông bà đại biểu Quốc hội Chăm hay đi hỏi chính quyền các cấp đi. Nếu không được thì anh không bầu cho họ. Sao lại đòi tất cả Chăm?

    Tôi nhớ vụ Văn Lâm nhà thơ Inrasara có lên tiếng trên web này. Anh có nhắc lại 2 lần. Anh nói cơ quan trách nhiệm cũng có gặp anh nói chuyện. Có lẽ IDR không đọc nên không biết. Anh không biết thì lỗi ở ai nhỉ???

    Theo tôi thì một nhà văn làm đến đó thôi. Lẽ nào cho là nhà văn Inrasara không thông minh?

    Tôi lại có thêm ví dụ mới nhất. Chuyện Cù Huy Hà Vũ, nhà toán học Ngô Bảo Châu đã lên tiếng. Ông ta làm tới đó thôi, bảo ông ta làm thêm gì được? Lẽ nào IDR cũng cho NBC không thông minh???

  11. @Jalo Jalai bắt lỗi tôi rồi.

    Tôi nhớ ở đây đang bàn về sự Thông minh thì phải. Thông minh mà ko thực dụng thì nghe nói cũng giống thông Manh thì phải. Comment của tôi ko viết yêu cầu “Đừng nên bàn cãi nhiều”, đấy là sự chỉnh sửa của admin.

    @Jalo Jalai lại nhầm lẫn nữa rồi, tôi đâu có đòi “tất cả Chăm” mô? Hỏi được mấy ông bà Đại biểu rồi được giải quyết thì tôi hỏi “AI” trong này làm gì. Sak hatai vào “Xã hội phân công chuyện nào có bổn phận người nấy” thì càng ngõ cụt hơn.

    Tôi có lỗi ko nhỉ? Bởi tôi có yêu cầu đích xác là Nhà thơ?

    Chuyện anh luật sư họ Cù hả? NBC cũng giống như bao hạt cát khác so với USA hay EU, Cù nhà ta vẫn vào tù. Câu chuyện chỉ có vậy. Gs.Ngô Bảo Châu đã đoạt giải toán học Fields – chứng tỏ đầu óc ông ta rất linh hoạt trong lĩnh vực này, thông minh đấy, hay chỉ là sự nhầm lẫn giữa Thông minh và Tài năng như @Klủn phía trên đã nói? Tôi không có ý kiến gì khác về vấn đề Ls.Cù trong đây, nếu có thì bên các trang mạng lá cãi khác.

    Xin lỗi đã gây sự hiểu nhầm.
    ____________
    @Admin: Xin hãy để nguyên văn lời nói của tôi, nếu có chỉnh sửa thì làm ơn báo tôi biết trước qua email tôi đã điền. Câu “Đừng nên bàn cãi nhiều” gần giống như 1 tiếng Quát, tôi ko có hàm ý đó trong phản hồi. Xin cảm ơn!

  12. BBT xin lỗi bạn đọc, và xin lỗi Ikan di Ram.
    2 ngày nay, Web đang nâng cấp, nên không tự OK được, BBT đã chỉnh sửa và chép lại. Có nhớ lầm. Nguyên văn câu của Ikan di Ram là:
    “Xin đừng có nói hay đưa ra ý kiến này nọ mà phải là 1 Hành động cụ thể”.

    BBT không chủ trương biên tập, và ít khi sửa phản hồi, nếu đã chấp nhận đăng.
    Cám ơn các bạn
    BBT

  13. Mặc dù không còn comments các bài viết nhưng kể từ khi biết inrasara.com tôi vẫn thường xuyên ghé thăm. Tôi đặc biệt thích những vấn đề mang tính Xã Hội như bài viết này của tác giả Trà Chay Pyang, tôi xin chia sẻ những nhận định của tác giả.
    Và thật vui tính khi 1 vài comments khẳng định người Chăm là dân tộc thông minh nhất thế giới.
    Tôi cũng cùng nhận định với kết luận của tác giả. Nhưng… về nhận định “Inrasara không thật hết mình cho dân tộc Chăm” thì… tác giả nên “nới” cho chú SARA. Lúc trước tôi cũng thấy như vậy nhưng giờ nghĩ lại thấy không hợp lý. Bởi xét cho cùng chú ấy cũng là người bình thường (nếu hết mình… liệu có là INRASARA bây giờ) bảo chú ấy phải giải quyết vấn đề mang tính cả xã hội Chăm thì cũng không hay lắm. Và bản thân mỗi người chúng ta có ai thật sự quan tâm cũng như sẵn sàng giải quyết vấn đề sống còn của dân tộc chưa đã. Không biết ai nghĩ thế nào nhưng bản thân tôi cảm thấy mình bị sỉ nhục nếu như để chú SARA giải quyết bài toán lớn một mình. Chúng ta điều là Chăm, mỗi người một lĩnh vực cùng nhau giải quyết thì hay hơn.
    Jalo Jalai:
    Chuyện Cù Huy Hà Vũ, nhà toán học Ngô Bảo Châu đã lên tiếng. Ông ta làm tới đó thôi, bảo ông ta làm thêm gì được? Lẽ nào IDR cũng cho NBC không thông minh???
    Xin hỏi Jalo Jalai có hiểu hết ý của GS Ngô Bảo Châu không? Có phải ý của JJ là GS NBC chỉ nêu chứ không giải quyết vấn đề???? Đừng lấy ví dụ “bèo” như thế khi không hiểu hết ý. Không thông minh lắm!!!!

  14. Vấn đề gì cũng cần bàn. Có lý thuyết có thực hành. Có nói và có làm. Bạn Ikan Di Ram bảo: “Xin đừng có nói hay đưa ra ý kiến này nọ mà phải là 1 Hành động cụ thể”.
    – Bạn bảo ai đừng nói? – Tất cả Chăm ư?
    – Hay những người tự cho là thông minh?
    Đúng. Những người được xã hội cho là thông mình, hay những người tự cho là thông minh. Nhưng tôi xin hỏi: thế nào là làm? Ví dụ chuyện bạn IDR đưa ra: đất đai Văn Lâm. Nhà báo thì đưa tin và bình luận. Nhưng Chăm mình chưa có nhà báo. Nhà văn, trí thức và vân vân thì lên tiếng. Nhưng có ai lên tiếng? JJalai bảo nhà thơ Inrasasa lên tiếng 2 lần. Tôi chỉ đọc thấy 1 lần. Đúng hơn 1 bài, anh đưa tin và anh đề nghị giải pháp. Tôi không nói đến Chăm ở hải ngoại, Chăm ở trong nước có ai lên tiếng nữa k?
    Còn như JJalai bảo IDR hỏi ông bà đại biểu QH thì còn khuya lắm. Chỗ này tôi nhất trí với IDRam. Nhà thơ Inrasara có kể trong Ghi chép của anh là vụ thanh niên Thành Tín ông MĐC hứa với anh sẽ vào Phan Rang giải quyết nhưng rồi không thấy. Vậy làm sao?
    Nói chuyện thông minh, tôi xin góp lời bàn là cần mổ xẻ. Mổ xẻ sao đừng gây buồn cho người khác, sao cho có hiệu quả. Để ta thấy nếu Chăm không thông minh thì làm sao cho thông minh. Nếu thông minh vừa vừa thì làm sao cho thông minh hơn.
    Hễ ai thông minh thì có khả năng, có khả năng chưa chắc đã thông minh.
    Tôi đồng ý với Jalo Jalai là mỗi công dân đều đứng ở vị thế của mình mà hành động.

  15. Cá nhân tôi thì cho rằng Inrasara thông minh trong sứ mệnh cho tương lai dân tộc Chăm, anh đi từng bước. Nếu anh chỉ nghiên cứu không thôi về Chăm thì sẽ rất ít người Việt Nam biêt đên anh (vì có quá nhiều người đã làm và “danh hiệu” nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cũng không phải là to tát gì lắm với dư luận cả nước). Anh chon con đường văn học nơi sẽ tạo ra được danh tiếng cho anh, đến lượt nó với danh tiếng của mình đạt được, các phát ngôn, ý kiến của anh sẽ được dư luận trong nước chú ý nhiều (từ cấp lãnh đạo và các tầng lớp khác). Khi đó anh thay mặt dân tộc Chăm đề đạt những nguyện vọng với nhà nước nói riêng và cả nước nói chung thì hiệu quả hơn rất nhiều. Các bạn nên chú ý tới VN hiện nay có tới hơn 50 dân tộc ít người cùng chung sống, để dân tộc mình được quan tâm, ưu tiên không phải là dễ dàng. Inrasara đang đi đúng hướng

  16. Lâu lâu tôi lại ghé thăm INRASARA.COM. Và cảm thấy thật thú vị. Nhưng có một điều tôi cảm thấy hơi buồn đó là chưa có ai đủ khả năng để “trả nợ” cho Chăm mình cả. “Trả nợ” mà tôi nói có hàm ý cực kì sâu xa.

  17. Tôi hiểu ý anh JaDar. Tôi hiểu anh Aryuru nữa.
    Theo tôi mỗi thời đại có món nợ khác nhau. Thứ tự theo thứ tự thời gian:
    – Tuen Phaow quyết đánh để cứu vãn danh dự. Ông nghĩ làm thế là ông trả nợ. Ông thua. Chúng ta thế hệ con cháu không phê phán. Ông không làm hơn.
    – Ông Ariya Gleng Anak quyết ngăn cản mọi hành động bạo lực, ông cứu dân tộc Chăm tồn tại. Thì ông cũng đã trả xong nợ. Ông không làm hơn thế.
    – Ông Dương Tấn Phát làm ông Huyện có nhiều đóng góp lớn cho xã hội Chăm lúc đó, ta cũng nói ông trả xong nợ.
    – Thời Châu Văn Mỗ làm Hội Bảo trợ đưa nhiều học sinh Chăm đi học để trở thành lứa trí thức đầu tiên, ông cũng đã trả xong nợ. Vậy thôi, Đòi ông không làm hơn thế thì ông chịu.
    – Thời Pô Kong có Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ… đào tạo thế hệ trí thức mới. Họ cũng trả nợ nữa. Đòi hỏi thêm thì họ chịu.
    – Rồi ông Lâm Nài, Lâm Gia Tịnh, Bạch Thanh Chạy, Qua Đình Bồi… có công ở Ban Biên soạn Chăm, dạy cho cả vạn con em Chăm biết chữ mẹ đẻ. Họ cũng có công nợ để trả.
    Tôi nghĩ nhà thơ Inrasara cũng đang trả nợ theo kiểu của mình, hợp với thời đại mà xã hội Chăm đòi hỏi. Vậy thôi… cũng đủ lãng quên đời.
    Yêu các bạn.

  18. Sara viết:
    “Chuẩn bị nền tảng tinh thần tự do. Là điều thiết yếu để người học thức có khả năng suy tư độc lập, dũng cảm lên tiếng trước bức xúc xã hội, dám góp tiếng nói về các vấn đề cộng đồng để thúc đẩy tiến bộ cộng đồng. Tránh cho họ thái độ sống chết mặc bây, trở thành kẻ ươn hèn, hoặc xu phụ quyền lực đủ loại. Đánh giá sự trưởng thành tinh thần của một dân tộc, không phải ở đất nước đó đào tạo bao nhiêu vị khoa bảng, nhà khoa học hay bác sĩ hàng đầu mà chủ yếu ở giới trí thức đứng ở đâu, phản ứng thế nào trước vấn nạn xã hội”.

    Viết được đoạn văn này, ai bảo không khá nhỉ?

  19. Tôi rất tán thành ý kiến Aryura, là:
    “danh hiệu” nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cũng không phải là to tát gì lắm với dư luận cả nước”
    Cùng lắm là một số người Chăm biết thôi. Nó ít ảnh hưởng đến ai. Dĩ nhiên anh làm nghiên cứu thì có công rồi, nhưng anh chớ có ảo tưởng hão huyền. Nhà nước và dư luận cả nước KHÔNG biết anh đâu. Cũng có ai đó Nhà nước và dư luận biết, nhưng chính quyền biết chị NỊNH BỢ, họ cũng chả thèm nghe chị đâu. Chính quyền thông minh lắm cơ.
    Vậy Chăm mình hãy làm nhiều nghề khác thật hay đi. Qua đó anh nói thì chính quyền nghe, dư luận lắng nghe anh.
    Kính chúc nhau vui vẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *